Một ngày của trưởng phân xã kiêm phóng viên phân xã

Một phần của tài liệu Quy trình sản xuất tin của Thông tấn xã Việt Nam - Những thành công và hạn chế (Trang 103 - 106)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.4.2.Một ngày của trưởng phân xã kiêm phóng viên phân xã

Phóng viên phân xã tại địa phương là người chịu trách nhiệm thông tin trên địa bàn của địa phương đó về Tổng xã. Tức là phóng viên phân xã rõ ràng phải là người am hiểu địa bàn tỉnh mà mình thường trú, tạo mối quan hệ với các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh, các đầu mối thông tin từ nhiều nguồn để thông tin luôn được đảm bảo, tránh việc để sót hay lọt tin.

Hầu hết các phân xã thường trú tại các tỉnh trên cả nước đều có hai, ba phóng viên, cùng phân chia địa bàn hoạt động, chia sẻ nhiệm vụ thông tin. Tuy nhiên, cá biệt vẫn có tỉnh chỉ có một phóng viên kiêm luôn trưởng phân xã, chịu trách nhiệm toàn bộ thông tin trên địa bàn. Ở đây là trường hợp phóng viên Trung Hiếu là trưởng phân xã kiêm phóng viên phân xã Sóc Trăng, đương nhiên công việc của anh là khá bận rộn khi mà hầu hết các ngày làm việc đều có cơ quan nào đó mời hội họp. Anh kể về một ngày làm việc trong vai trò “hai trong một” và có thể áp dụng vào tình hình thực tế của quá trình tác nghiệp của phóng viên phân xã kiêm trưởng phân xã trong việc thực hiện Quy trình sản xuất tin.

- Một ngày bình thường: Buổi sáng từ 6 giờ 30 phút, anh Hiếu đến phân xã

kiểm tra lịch hội họp trước khi làm dự kiến thông tin báo cáo cho BBT TTN. Sau đó, nếu có thư mời hoặc theo lịch tỉnh có hội họp quan trọng thì dự. Thường phóng viên dự đến giờ giải lao cảm thấy đủ số liệu, thông tin làm tin thì có thể về, nếu không tranh thủ hỏi thêm các nguồn tin để tin, bài đầy đủ về nội dung. Nếu không đi dự họp thì sau khi làm dự kiến thông tin, anh Hiếu gặp gỡ đồng nghiệp hoặc cán bộ địa phương để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình. Trở về cơ quan, anh Hiếu kiểm tra công văn, đọc thư, báo trên mạng, nghiên cứu văn bản để xem có thể khai thác được vấn đề viết tin, bài. Buổi chiều cũng tương tự buổi sáng, nếu không có gì đặc biệt thì vẫn là việc dự họp hay nghiên cứu đề tài, viết tin, bài.

Nếu cảm thấy lâu rồi không đi cơ sở thì ngay từ sáng, anh Hiếu phải lên kế hoạch xem nên đi đâu để có thể làm được thông tin. Có khi là đi xuống vùng tôm lúa, vùng trọng điểm mía, màu của tỉnh hay những vùng đang có dịch sâu bệnh, cúm gia cầm, heo tai xanh, sốt xuất huyết, những mô hình làm ăn có hiệu quả để tìm kiếm thông tin.

- Một ngày điển hình: Một trong những ngày điển hình của phóng viên phân

xã Sóc Trăng có thể kể ra là ngày 7/6/2010 vừa qua. Theo dự kiến tin phát, hôm đó có hai sự kiện quan trọng: Đ/c Trương Tấn Sang làm việc tại Sóc Trăng, dự Lễ khởi

công Bệnh viện Sản - Nhi của tỉnh với quy mô 400 giường; và tin đ/c Trương Tấn

Sang dự Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Trị. Đây là đại hội đảng bộ điểm của tỉnh, bầu trực tiếp bí thư và cũng là đại hội đảng bộ trên hai sự kiện cơ sở đầu tiên ở Nam Bộ. Hai sự kiện quan trọng diễn ra trong buổi sáng lại ở hai nơi nên anh Hiếu xác định sẽ là ngày làm việc vất vả nhưng phải thật cẩn thận để không xảy ra sai sót và thông tin kịp thời. Theo thông báo của Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng, đoàn cán bộ TW dự lễ khởi công bệnh viện xong sẽ xuống huyện Thạnh Trị ngay để dự đại hội đảng bộ lúc 7 giờ 30 phút sáng. Ngay từ 5 giờ 30 phút, anh Hiếu đã có mặt để tác nghiệp, lấy tin, chụp ảnh. Kết thúc phần khởi công, do gặp “sự cố” nên anh Hiếu đã không thể theo ôtô của Tỉnh ủy về Thạnh Trị mà phải về phân xã lấy xe máy đi. Đến nơi đã 7 giờ 38 phút, may mà đại hội mới chỉ diễn ra phần nghi thức. Lĩnh tài liệu, nắm thông tin cơ bản xong, ngồi dự và chờ tới phần lãnh đạo TW phát biểu. Trong thời gian chờ, anh Hiếu tranh thủ viết tin Khởi công Bệnh viện Sản - Nhi mới diễn ra lúc sáng và phát ra Tổng xã bằng USB 3G. Sau khi nắm thông tin, nghe kỹ phát biểu của đ/c Trương Tấn Sang, anh rời đại hội, trở về phân xã lúc 16 giờ 30 phút. Tiếp tục viết tin đại hội đảng bộ huyện Thạnh Trị. Phóng viên phân xã thường ít khi làm tin lãnh đạo TW về địa phương vì dạng tin này thường có phóng viên chuyên trách nên anh Hiếu ý thức được phải cố gắng viết sao cho tốt, câu từ thật chuẩn xác, cô đọng rồi mới phát ra Tổng xã. Sau đó anh lại quay ra làm ảnh, chuyển cho BBT-SX ảnh báo chí. Công việc xong thì đã hơn 19 giờ tối, kết thúc một ngày bận rộn nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những ngày bận rộn nhất của phóng viên phân xã thường là vào dịp lễ, tết, hội hè. Phân xã lại có một phóng viên nên nhiều khi phải căng sức ra thì may ra mới chạy kịp vì công việc. Những ngày này, anh Hiếu xác định phải sắp xếp công việc đòi hỏi phải thật khoa học. Có buổi sáng, anh nhận được bốn giấy mời dự tổng kết, sơ kết, một cuộc hội thảo, một lễ động thổ công trình lớn. Chỉ có một mình nên cần phải đi sớm hơn, chỗ nào chưa kịp đi mà nơi đó có người quen thì gọi điện hẹn lại trễ một chút. Và vì nhiều nơi quá nên không nơi nào dự trọn vẹn được từ đầu đến cuối. Cũng đã có những lần nhận nhiều giấy mời họp quá đành bỏ bớt không dự vì biết dự cũng khó thu thập đủ thông tin để đưa. Do vậy, nhiều khi có thời gian cũng nên đi dù không đưa được tin nhưng cũng là cách để tạo mối quan hệ để lần sau người ta còn mời hoặc cung cấp thông tin.

Là phóng viên phân xã kiêm trưởng phân xã nên anh Hiếu không chỉ lo tác nghiệp để viết tin, bài mà còn viết cả báo cáo và làm những việc khác cho TTXVN. Đó là những dịp cuối năm, cuối quý, sơ kết, tổng kết, thi đua… CQĐD TTXVN tại TP.HCM quy định, cứ đến cuối quý, các phân xã về CQĐD làm quyết toán chi tiêu. Để tiết kiệm thời gian, phóng viên thường đi vào ban đêm lên TP.HCM rồi về cũng đi vào ban đêm nên thực tế chỉ mất một ngày. Mỗi tháng họp chi bộ cũng mất một ngày, đó là tại địa phương, sau này họp theo cụm chi bộ Nam sông Hậu sẽ phải mất hai ngày cả đi và về. Ngoài ra, với tư cách kiêm hai vai trò như vậy, anh Hiếu còn có nhiệm vụ làm cho các tờ báo khác thuộc TTXVN như Tin tức, báo điện tử

Vietnamplus, BBT-SX ảnh báo chí, Việt Nam News, Truyền hình Thông tấn… Ngay

cả các trang thông tin tại địa phương cũng muốn phóng viên TTXVN cộng tác vì họ tin tưởng, nhất là những thông tin quan trọng. Những lời mời này anh Hiếu thường hạn chế cộng tác vì không có nhiều thời gian. Chưa kể rất nhiều công việc không tên nhằm vào việc tạo thêm nhiều mối quan hệ với địa phương khác mà một phóng viên kiêm trưởng phân xã như anh Hiếu phải đảm trách.

Vậy là phóng viên kiêm trưởng phân xã hay ngay chính phóng viên ở phân xã có hai, ba người thực sự phải đảm trách một khối công việc như trên. Xét ra, nếu biết cách sắp xếp công việc một cách có khoa học, công việc được giải quyết theo

tuần tự thì thông tin tại địa phương vẫn luôn được đảm bảo. Ngược lại, nếu chuyên môn không vững hay tác phong nghề nghiệp chưa chuyên nghiệp đối với một cơ quan thông tấn quốc gia thì khối lượng công việc ở phân xã sẽ là một “gánh nặng”, khó có thể đáp ứng hiệu quả thông tin. Việc tác nghiệp, ý thức trách nhiệm của phóng viên phân xã là điều rất quan trọng trong quá trình thực hiện Quy trình sản xuất tin, góp phần nâng cao chất lượng tin thông tấn, tăng cường tính cạnh trạnh thông tin và uy tín của thương hiệu TTXVN.

3.2. Thành công và hạn chế của Quy trình sản xuất tin

Một phần của tài liệu Quy trình sản xuất tin của Thông tấn xã Việt Nam - Những thành công và hạn chế (Trang 103 - 106)