Phong cách làm tin hiện đại

Một phần của tài liệu Quy trình sản xuất tin của Thông tấn xã Việt Nam - Những thành công và hạn chế (Trang 29 - 32)

6. Cấu trúc luận văn

1.2.3.Phong cách làm tin hiện đại

Đứng về góc độ nội dung, chúng ta thường quan tâm đến tin phát hiện nhân tố mới, tin người tốt việc tốt, tin phê bình, tin bình, tin đấu tranh chống tiêu cực. Hiện báo chí hiện đại đang cố gắng cải tiến tin lễ tân, giảm thiểu tin tiến độ sản xuất, thay đổi cách đưa tin hội nghị, hội thảo. Ngoài những định hướng chung ấy, tin hiện đại cũng xác định được đặc trưng riêng biệt và những phong cách săn tin, làm tin trong thời đại bùng nổ thông tin ngày nay.

Trước hết, kết cấu tin hiện đại khác hẳn lối kết cấu truyền thống cũ. Nội dung nào hay nhất, quan trọng nhất ngay đầu tin để thu hút ngay sự chú ý của độc giả, thính giả và nó cũng rất tiện cho việc xử lý tin, cắt bớt tin của người biên tập. Làm tin theo kết cấu này dễ đạt yêu cầu viết ngắn của thông tin hiện đại. Hiện tại trên thế giới, đặc biệt trên radio, người ta thường tính độ dài của tin bằng giây, chứ không phải bằng phút. Một số đài ở châu Âu, độ dài của tin bình quân khoảng trên dưới 30 giây. Ở Đài Tiếng nói Việt Nam, độ dài của tin bình quân trên dưới 1 phút. Còn ở nhiều báo viết, tin vắn thường khoảng 200 chữ, không kể những tin sâu, tin để đăng ở báo tuần, báo tháng thường dài hơn. Viết tin tuy dễ nhưng mà rất khó đạt được mức độ hay. Viết tin ngắn lại càng khó hơn. Bởi vì càng ngắn càng phải có nghệ thuật dồn nén thông tin, viết chặt chẽ, sáng sủa mà dễ hiểu, làm bật ra bản chất sự kiện. Như thế, người đọc và người nghe dễ tiếp nhận thông tin và dễ nhớ. Một bản tin 10 phút trên đài phát thanh có thể chứa được từ 15 đến 20 tin nếu viết ngắn; ngược lại, nếu viết dài chỉ chưa được 8-10 tin mà thôi. Sự phong phú thông tin và đa dạng về thể loại của một trang tin (trên báo in) và một bản tin (trên radio) là yếu tố rất quan trọng tạo hấp dẫn đối với bạn đọc và người nghe đài.

Viết nhanh, đưa tin nhanh là một nét đặc thù của phong cách làm báo hiện đại. Ở thời đại bùng nổ thông tin, đây là yếu tố chủ yếu thể hiện khả năng cạnh tranh lành mạnh. Ai thông tin nhanh hơn người đó chiếm lĩnh được trận địa có thể hướng dư luận theo quan điểm của mình. Chẳng hạn như tin cháy chợ, nguyên nhân là do chập điện, nhưng với động cơ xấu, có tin đưa là do đốt chợ. Nếu tin đốt chợ đưa nhanh nhất thì sẽ hướng dư luận theo cái nguyên nhân có màu sắc chính trị. Kiểu đưa như thế này đài BBC hay làm.

Với báo chí Việt Nam, nhất là cơ quan chính thống như TTXVN thì việc đưa tin nhanh cũng rất cần nhưng phải đảm bảo độ chính xác, khách quan, trung thực. Sự kiện cây cầu sập đưa càng nhanh càng tốt vì nó có quan hệ đến việc đi lại của nhân dân, còn cầu sập do nguyên nhân nào đó thì đưa tin chậm một chút cũng không sao, miễn là đảm bảo được độ chính xác cao. Để đạt được độ nhanh nhất, tức là đưa tin đồng thời với sự kiện diễn ra, chỉ có phát thanh và truyền hình trực tiếp mới có khả năng làm. Báo tuần và báo tháng không thể đưa tin nhanh thì phải tìm một góc độ viết tin khác, sâu hơn, đi vào chuyên đề mới có giá trị với người đọc.

Muốn đưa tin nhanh người làm báo phải giỏi phát hiện, quan sát, lấy tài liệu và phán đoán tình hình chính xác, trên cơ sở đó viết nhanh và tìm cách đưa về tòa soạn bằng phương tiện nhanh nhất. Nếu nhà báo được trang bị một máy tính xách tay và một máy ảnh kỹ thuật số thì từ bất kỳ địa điểm nào cũng có thể chuyển tải nhanh thông tin về tòa soạn để xử lý kịp thời. Với loại hình báo nói, điện thoại ghi âm là một phương tiện tốt cần thiết, vì nhờ có nó mà nhà báo có thể thực hiện được những cuộc phỏng vấn nhanh với các nhân vật liên quan đến sự kiện ở bất kỳ một địa điểm nào. Để làm rõ thêm vai trò quan trọng của phương tiện kỹ thuật, có thể lấy ví dụ về đưa tin sự kiện máy bay rơi của đài truyền hình CNN. Khi nhận được tin máy bay rơi, đài này thuê hẳn chiếc máy bay trực thăng đưa một êkíp nhà báo và kỹ thuật đến ngay hiện trường để quay cảnh máy bay tan xác đang còn bốc khói cùng với cảnh hành khách và cả tổ lái thiệt mạng. Đồng thời với mũi tiến quân này, đài CNN

còn cử phóng viên đi lấy ngay danh sách những người đi trên máy bay cùng địa chỉ gia đình họ sinh sống; cử phóng viên đi gặp công trình sư và hãng sản xuất ra máy

bay để tìm hiểu và phỏng vấn nguyên nhân của sự cố kỹ thuật lớn này. Dĩ nhiên họ còn đeo bám rất chặt cơ quan an ninh điều tra để có thêm nhiều tư liệu chính xác xung quanh vụ máy bay rơi… để có thể từng bước làm sáng tỏ sự kiện, chứ không chỉ đưa tin nhanh một hay vài lần rồi bỏ qua. Sự đeo bám trong làm tin để phản ánh tường tận sự kiện bao giờ cũng tạo ra sức hút lớn đối với độc giả cũng như khán thính giả của phát thanh truyền hình.

Những sự kiện nóng, những hiện tượng lạ, cuộc sống thường ngày của những nhân cách lớn, những vấn đề có quan hệ mật thiết với cộng đồng dân cư… đều được rất nhiều người quan tâm, báo chí cần tận dụng khai thác triệt để. Người làm báo hiện đại cần có ý thức rèn luyện tác phong săn tin và nghiệp vụ săn tin. Sự kiện diễn ra không theo ý muốn của người viết báo, càng không hay diễn ra trong giờ hành chính, cho nên muốn săn được tin có giá trị nhà báo phải chủ động thoát ra khỏi giờ hành chính, nhiều khi thức thâu đêm để canh tin, xử lý tin. Lấy ví dụ ở nước ta như trong vụ án Năm Cam, thời điểm một số nhà báo ở Hà Nội nghe tin công an bắt Phạm Sĩ Chiến (nguyên Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao). Thế là từ 9 giờ sáng cho đến chiều, khoảng gần hai chục phóng viên tụ tập ở vỉa hè đường Lý Thường Kiệt, chỗ đối diện với khách sạn Melia chờ sự kiện ấy diễn ra để quay phim, chụp ảnh và đưa tin. Nhiều người ăn trưa bằng bánh mì, uống nước tại chỗ, không dám bỏ đi đâu. Đó là việc săn tin, tuy vất vả, nhưng mà rất thú vị. Có điều sự vất vả đó được bù đắp bằng cái gì? Câu trả lời dĩ nhiên là bằng hiệu quả thông tin nhanh, hấp dẫn. Nhưng chỉ có vậy thôi không đủ để duy trì lâu dài nhiệt tình hành nghề. Yếu tố quan trọng không kém mà các nhà quản lý báo chí phải quan tâm là thù lao, nhuận bút trả cho cái tin săn được vất vả (nhiều khi tốn kém) có hơn hẳn những tin bình thường khác không? Một biên tập viên ngồi suốt ngày trong phòng lạnh khai thác được hơn một chục tin các loại được hưởng tiền thù lao hơn 100.000đ. Trong khi đó phóng viên đi xe máy về cơ sở xa gần 100 cây số, viết một tin sâu có giá trị, được trả thù lao 80.000đ. Những ai làm báo chân chính cũng đều tỏ thái độ không đồng tình cái chủ nghĩa “bình quân” còn sót lại của thời hành chính bao cấp này.

Phong cách làm tin hiện đại còn thể hiện ở thái độ biết “găm tin”, chọn thời điểm đưa tin. Một sự kiện, người làm báo giỏi có thể đưa tin nhiều báo và chương trình phát thanh truyền hình. Muốn làm được việc này phải nắm chắc đối tượng chính của từng cơ quan thông tin đại chúng để chọn góc độ nhìn sự kiện và cách viết cho thích hợp, chứ không phải lợi dụng kỹ thuật hiện đại photo ra nhiều bản, rồi gửi đi… như một số người hay làm. Hiện tượng lấy lời dẫn của tình hình phát trên truyền hình làm tin dùng cho phát thanh là điều không thể chấp nhận được.

Phong cách làm báo hiện đại đã và đang phát triển trên nhiều khía cạnh, nhiều vẻ ở giới cầm bút của nước ta. Việc rèn luyện phong cách đưa tin hiện đại nói riêng và làm báo hiện đại nói chung sẽ giúp cho mỗi nhà báo vươn lên ngang tầm với yêu cầu mới của xu thế làm truyền thông hiện đại. Điều quan trọng là giúp nhà báo tự hoàn thiện mình, để tự thích nghi khi xây dựng quy trình sản xuất tin, từ đó tạo ra sản phẩm tin đạt chất lượng và hiệu quả thông tin.

Một phần của tài liệu Quy trình sản xuất tin của Thông tấn xã Việt Nam - Những thành công và hạn chế (Trang 29 - 32)