6. Cấu trúc luận văn
3.1.3.1. Trường hợp tin “nóng”
Dạng tin này xuất hiện rất nhiều trong xu thế báo chí hiện nay, nhất là nó đáp ứng nhu cầu thông tin cho độc giả và tăng khả năng cạnh tranh thông tin cho cơ quan thông tấn, báo chí. Trong quá trình tác nghiệp, thực hiện từng khâu của Quy trình sản xuất tin, các bộ phận của TTXVN cũng có trường hợp sản xuất ra những tin “nóng hổi” mang tính thời sự và hiệu quả thông tin rất cao. Đặc biệt, việc thực hiện Quy trình sản xuất tin trong trường hợp thông tin nóng hổi phải đòi hỏi ban biên tập phải luôn có sự chỉ đạo nhạy bén, sát thực để phóng viên nắm bắt đúng vấn đề, bản chất của thông tin. Riêng phóng viên, ở đây thường là phóng viên phân xã thường trú tại địa phương ngoài việc đã có thâm niên công tác, hiểu biết địa bàn phải cực kỳ chủ động, linh hoạt, vừa phối hợp với lãnh đạo, vừa trực tiếp xử lý thông tin ngay tại hiện trường. Và khi cần thiết, phóng viên phải có bản lĩnh vững vàng, sẵn sàng dấn thân vì công việc. Có như vậy, những thông tin mới thực sự “nóng hổi”, tăng hiệu quả cho Quy trình sản xuất tin.
Một sự kiện tiêu biểu về trường hợp thực hiện Quy trình sản xuất tin “nóng” phải kể đến là công tác thông tin trong sự kiện sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ thời gian 4 ngày từ 26 - 29/9/2007. Hai phân xã Vĩnh Long và Cần Thơ cùng với lực lượng phóng viên tăng cường từ CQĐD TTXVN tại TP.HCM đã trực tiếp tham gia và đưa được trên 60 tin, bài cùng hàng trăm bức ảnh phản ánh các vấn đề xung quanh sự kiện. Qua lời kể của trưởng phân xã Vĩnh Long - Phạm Thị Bình về một ngày bám sát sự kiện để phản ánh tin “nóng”, sẽ thấy rõ hơn công tác nghiệp vụ trong một trường hợp đặc biệt đối với việc sản xuất tin “nóng”.
Buổi sáng ngày 26/9, chị Phạm Thị Bình như thường lệ duyệt tin của phóng viên và làm dự kiến thông tin hàng ngày để chuyển cho Phòng QLPX trong nước (sau này là Phòng QLPXĐP). Sau đó, chị qua UBND tỉnh Vĩnh Long để dự một cuộc họp thì gặp anh Phan Đức Hưởng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long - chủ trì cuộc họp bước ra. Được biết tin sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, ngay lập tức, chị xin đi cùng xe ôtô với anh Hưởng đang chờ sẵn. Trên xe, chị gọi điện thoại báo ngay cho anh Vũ Xuân Bân, trưởng BBT TTN. Anh
Bân biết được, bảo sẽ gọi ngay cho anh Vương Thoại Trung (trưởng phân xã Cần Thơ) để cùng phối hợp.
Để thẩm định thông tin ban đầu, chị Bình tiếp tục gọi cho anh Trung thì lúc đó anh Trung đã có mặt ở bệnh viện và đang làm tin về tình hình người bị nạn trong sự kiện để phát ra Tổng xã. Sau khi ghé qua bệnh viện huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long để nắm bắt số người bị nạn, chị Bình tiếp tục có mặt ở hiện trường bên bờ sông Hậu (nơi sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ) vào lúc 9 giờ. Tại đây, chị đã tranh thủ lấy thông tin, chụp ảnh về công tác cứu hộ, nguyên nhân, hiện trạng... Đến 10 giờ 30 phút, chị Bình lại gọi cho anh Vũ Xuân Bân, anh Bân nói đã có chị Việt Nga trực, chị Nga sẽ trực tiếp xử lý thông tin. Và giữa chị Bình và chị Nga lại trực tiếp trao đổi qua điện thoại để thông tin tiếp tục được hoàn chỉnh, xử lý và phát mạng.
11 giờ, chị Bình theo xe của UBND tỉnh về phân xã và tại đây, chị tiếp tục viết các tin để chuyển ra Tổng xã. Đến chiều 15 giờ, chị lại đi xe máy cùng với phóng viên Kim Phượng của phân xã Vĩnh Long xuống hiện trường. Tại đây, chị gặp anh Quốc Thái, Thanh Phàn là các phóng viên tăng cường từ CQĐD TTXVN tại TP.HCM vừa được cử xuống. Gần 18 giờ, đang ở hiện trường, chị nghe thông tin Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải sẽ đến. Biết là rất khó để tiếp cận nhưng cần thiết phải tìm cách để có thông tin về chỉ đạo của Phó Thủ tướng. Hàng chục nhà báo với máy quay, máy ghi âm, máy chụp ảnh xô đến nhưng không ai được lọt qua cánh cổng của nhà thầu.
Gần 21 giờ, chị Bình và các anh Quốc Thái, Thanh Phàn nhận định: Nếu không cho nhà báo vào tham dự họp, nhất định sau đó Phó Thủ tướng phải có ít phút họp báo công bố những thông tin bước đầu. Lúc này, nhóm phóng viên tự phân công nhau: Chị Bình và Kim Phượng quay về phân xã làm tin, ảnh. Anh Quốc Thái, Thanh Phàn sẽ ở lại để chụp ảnh và nắm thông tin nếu có họp báo. Quả đúng vậy, ngay sau buổi làm việc với các nhà thầu và các đơn vị có liên quan, Phó Thủ tướng đã có ít phút họp báo. Khi chị đang chuyển tin về Phó Thủ tướng đi kiểm tra hiện trường trước khi vào làm việc với nhà thầu thì anh Quốc Thái gọi di động, báo về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng để chị tiếp tục làm tin phát gấp. Mọi việc xong
xuôi, thì đồng hồ đã chỉ 23 giờ, kết thúc một ngày tác nghiệp khẩn trương cho một sự kiện đột xuất.
Như vậy, trưởng phân xã Cần Thơ - Phạm Thị Bình trong vai trò một phóng viên thường trú trên địa bàn xảy ra sự kiện đã trực tiếp tham gian đưa tin, báo cáo tình lấy, lấy ý kiến chỉ đạo, phối hợp với các phóng viên khác trong cùng TTXVN và hoàn thành một cách xuất sắc để đưa những thông tin “nóng hổi” nhất, phát mạng để chuyển tải đến các cơ quan báo, đài. Không những thế, tin, ảnh do phân xã Cần Thơ, Vĩnh Long phối hợp cùng các phóng viên từ TP.HCM trong sự kiện sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ còn cung cấp cho hãng thông tấn của Nhật Bản - KYODO. Đích thân ông Osamu Hirabayashi, trưởng phân xã KYODO tại Hà Nội đi máy bay vào phân xã Cần Thơ chuyển lời cảm ơn của Hãng vì sự kịp thời của thông tin, hình ảnh do TTXVN phát về vụ việc. Ông cho biết sau khi KYODO phát lại các thông tin, hình ảnh đó đã được tất cả các báo ở Nhật Bản ra buổi chiều và tối ngày 26/9 đăng lại. Ngày 27/9, trưởng phân xã Tân Hoa xã tại Hà Nội - Hoàng Hải Mẫn cũng gọi điện đến Ban Thư ký xin bức ảnh của TTXVN chụp hiện trường sập nhịp dẫn cần Cần Thơ để phát về Tổng xã Bắc Kinh và được đáp ứng.
Và với trong trường hợp thông tin “nóng”, Quy trình sản xuất tin lúc này sẽ không theo một trình tự nào mà hoàn toàn là do phóng viên tại hiện trường và ban biên tập ở Tổng xã chủ động phối hợp công việc trực tiếp qua điện thoại. Trên tinh thần đó, Quy trình sản xuất tin trong trường hợp tin “nóng” có thể được xây dựng theo các trình tự sau:
- Phóng viên chủ động, nhạy bén với thông tin hàng ngày, nắm bắt các mối quan hệ với địa phương để từ đây biết được những thông tin “nóng hổi”, đột xuất.
- Khi đã biết được rồi, ngay lập tức gọi điện xin ý kiến chỉ đạo của Tổng xã, tự lên kế hoạch thực hiện cùng các phóng viên cùng phân xã và các phóng viên tăng cường.
- Bám sát hiện trường, linh động thu thập thông tin từ các nguồn tin rồi chuyển tin trong thời gian sớm nhất có thể ra Tổng xã. Cần thiết có thể đọc ngay tin qua điện thoại cho biên tập viên trực ở Tổng xã để thông tin kịp thời, nóng hổi.
- Cùng lúc, tại Tổng xã, biên tập viên trực tin có nhiệm vụ theo dõi sát sao tình hình thông tin từ sự kiện, cho ý kiến chỉ đạo và nhận tin, xử lý ngay và phát mạng.
Quan trọng nhất là khả năng “tùy cơ ứng biến” giữa các bộ phận phối hợp thông tin, nhằm mục đích cuối cùng là thông tin nhanh nhạy, chính xác và kịp thời.