6. Cấu trúc luận văn
2.3.3. Các công đoạn trong Quy trình sản xuất tin của TTXVN
Đặc trưng cơ bản của Quy trình sản xuất tin TTXVN là sản xuất ra sản phẩm mang tính thời sự và đồng bộ thống nhất cao, có mối liên kết chặt chẽ với nhau từ khâu đầu đến khâu cuối để tạo ra sản phẩm cuối cùng mang đặc trưng của ngành
thông tấn. Quy trình sản xuất tin của TTXVN gồm nhiều khâu có mối quan hệ chặt
chẽ với nhau, đòi hỏi có sự chỉ đạo tập trung, hợp tác chặt chẽ (trình bày phần trên).
+ Khâu 1: Thu thập thông tin
Thông tin ở đây chủ yếu do phóng viên, biên tập viên các phòng chuyên đề thuộc BBT TTN; đội ngũ phóng viên ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (gửi cho bộ phận kỹ thuật TTXVN xử lý rồi chuyển về BBT TTN và BBT TKT); các cộng tác viên gửi về bộ phận kỹ thuật hoặc gửi trực tiếp cho BBT TTN. Nếu thông tin quốc tế của TTXVN, ngoài mạng lưới phóng viên TTXVN ở 27 nước trên thế giới gửi tin, bài về, vẫn phải sử dụng chất liệu thông tin của các hãng thông tấn nước ngoài như: AFP, AP, Reuters, Kyodo, Tân Hoa xã, ITAR-TASS… thì thông tin trong nước hoàn toàn lấy chất liệu từ các cơ quan của Đảng và Nhà nước; các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng và nhất là ngay trong cuộc sống, lao động sản xuất của nhân dân ta. Từ chất liệu đáng tin cậy ấy, phóng viên, biên tập viên TTXVN thể hiện thành những tin, bài, sinh động, hấp dẫn theo đúng quan điểm của Đảng, Nhà nước, góp phần định hướng dư luận trong nước và quốc tế.
Trong cơ cấu tin trong nước hiện nay, lượng tin của các phân xã trong nước chiếm hơn 80%, còn Tổng xã (ở BBT TTN) chỉ chiếm gần 20%. Tuy còn có những khó khăn, hạn chế về điều kiện làm việc, phải cạnh tranh thông tin với các cơ quan báo chí trong nước, nhưng về cơ bản những bộ phận, cá nhân tham gia vào Quy trình sản xuất tin đều luôn nỗ lực vươn lên, đảm bảo cho tin TTXVN giữ vững dòng thông tin chủ lưu, đặc biệt trên các tuyến thông tin thời sự về chính trị - kinh tế - xã hội, phục vụ kịp thời cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các phương tiện thông tin đại chúng.
* Nhận xét: Thông tin được thu thập trong khâu đầu tiên là khá phong phú, đa
dạng khi tập trung được nhiều nguồn. Trong đó, phóng viên thường trú tại các phân xã trong nước được xem là đội ngũ tích cực nhất trong quá trình thu thập thông tin với lượng tin chiếm 80% của Tổng xã. Tuy vậy, cần thiết nên tăng cường nguồn tin quốc tế do chính mạng lưới phóng viên ở 27 phân xã các nước trên thế giới gửi về. Nếu so với khâu này ở các cơ quan báo chí khác thì rõ ràng TTXVN chiếm lợi thế rất lớn bởi lực lượng phóng viên đông đảo của mình là trải trên diện rộng.
+ Khâu 2: Xử lý thông tin
Tất cả các tin, bài từ các nguồn gửi về Tổng xã được phân chia cụ thể theo các phạm trù như: Chính trị, Ngoại giao, Văn hóa, Giáo dục, Y tế, Thể dục thể thao,
Khoa học và Công nghệ. Sau đó, đưa trực tiếp về Phòng Biên tập Tổng hợp và các
phòng chức năng để biên tập. Ví dụ, tin chính trị đưa về phòng tin Nội chính; tin ngoại giao đưa về phòng tin Ngoại giao; tin văn hóa - xã hội đưa về phòng tin Văn hóa - Xã hội; tin khoa học, công nghệ, môi trường đưa về phòng tin Khoa học - Công nghệ - Môi trường… Với phóng viên thường trú tại các phân xã, tin, bài trước khi gửi Tổng xã phải được trưởng phân xã duyệt và phải có chữ ký của trưởng phân xã. Trường hợp trưởng phân xã đi vắng hoặc phải chuyển tin gấp ở nơi xa phân xã thì sau khi gửi tin đi phải báo cáo lại cho trưởng phân xã biết.
* Nhận xét: Ở khâu này đã thể hiện tính khoa học trong Quy trình sản xuất tin
của TTXVN khi ngay ở Tổng xã đã có hệ thống gồm đây đủ các phòng ban ứng với từng phạm trù tin, bài để thuận tiện cho việc biên tập. Trước đó, để kiểm soát chặt
chẽ hơn về nội dung tin, bài, trưởng phân xã ở các địa phương còn trực tiếp duyệt tin, bài của phóng viên. Quy mô này cũg tương tự như ở khâu thu thập thông tin là hơn hẳn so với quy trình sản xuất tin của các cơ quan báo chí khác. Ví như ở Trung tâm Tin của Đài Tiếng Nói Việt Nam, khâu xử lý khai thác và viết tin ngoài đội ngũ biên tập viên khai thác, biên tập các thông tin từ nhiều nguồn cũng chỉ có 2 biên tập viên trực để nhận và xử lý các tin có tiếng động (thuật ngữ trong đài phát thanh gọi loại tin này là “tin sống”).
+ Khâu 3: Biên tập, duyệt tin, bài
Các tin, bài gửi về (hoặc do phóng viên BBT TTN trực tiếp thực hiện) được phóng viên, biên tập viên xử lý bước một. Cụ thể, nếu là tin, bài từ các nguồn gửi về sẽ biên tập lại; còn nếu tin, bài do chính phóng viên của BBT TTN thì phóng viên phải thể hiện cho rõ ràng và hiệu quả. Sau đó, các tin, bài này được gửi qua cho các trưởng, phó phòng biên tập bước hai, để hoàn thiện thêm cho thông tin. Các trưởng, phó phòng chỉ biên tập tin, bài liên quan đến lĩnh vực phòng mình phụ trách. Sau khi biên tập bước hai xong, tin, bài được các trưởng, phó phòng gửi trực tiếp lên trưởng ban, phó ban BBT TTN duyệt. Các trưởng ban, phó ban sẽ quyết định tin nào chất lượng có thể phát được, tin nào chất lượng không tốt sẽ không sử dụng. Tiếp theo, trưởng ban, phó ban BBT TTN duyệt lần cuối trước khi tin, bài được phát lên mạng nội bộ TTXVN và phát trực tiếp lên internet. Trường hợp một số tin quan trọng, các tin đặc biệt nhạy cảm, liên quan đến các vấn đề chính trị, tôn giáo… phải xin ý kiến của Bộ Biên tập TTXVN. Hoặc tin, bài đó sẽ phải trực tiếp gửi lên cho Bộ Biên tập TTXVN duyệt sau đó mới quyết định sẽ phát hay không phát.
* Nhận xét: Khâu này thể hiện sự tuân thủ chặt chẽ trong việc duyệt thông tin
trước khi phát mạng bởi tính chính thống của tin TTXVN. Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, cũng cần linh động để xử lý các trường hợp thông tin đột xuất, trường hợp tin “nóng”... (được thể hiện ở chương sau).
+ Khâu 4: Phát tin lên mạng nội bộ và internet
Sau khi đã hoàn thành các thủ tục biên tập, duyệt tin, bài, quyết định sử dụng hay không sử dụng, tin, bài sẽ được chuyển cho bộ phận kỹ thuật xử lý kỹ thuật rồi
phát tin lên mạng nội bộ và mạng internet. Quy trình kỹ thuật phát tin lên mạng internet của TTXVN đều có những quy định, thông số riêng, đảm bảo phát được kịp thời, hiệu quả. Khâu phát tin, bài lên mạng do Trung tâm Kỹ thuật TTXVN chịu trách nhiệm chính cả về phát tin, thống kê lượng tin được phát, hệ số truy cập tin, các tin được sử dụng nhiều hay ít, tin nào không được sử dụng. Các tin, bài này được thống kê hàng ngày, hàng tuần và được thông báo cụ thể trong buổi giao ban đầu tuần của TTXVN (vào thứ 2 hàng tuần).
* Nhận xét: Khâu này thể hiện đặc trưng phát thông tin riêng của loại hình tin
thông tấn, góp phần đảm bảo tính nhanh nhạy, kịp thời, chính xác của tin TTXVN.
+ Khâu 5: Nhận xét, đánh giá, cho điểm và khen thưởng đối với tin, bài của các phân xã
Tùy theo yêu cầu thông tin của mình, BBT TTN và BBT TKT khai thác, sử dụng tin, bài do các phân xã gửi về. Những tin, bài nào không đáp ứng yêu cầu thông tin, hai ban biên tập này có quyền không dùng, nhưng phải chuyển những tin, bài đó cho Phòng QLPXĐP kèm theo nhận xét, nêu rõ lý do không dùng tin, bài để Phòng QLPXĐP xem xét, trả lời cho các phân xã. Đối với những tin, bài của các phân xã được sử dụng, BBT TTN và BBT TKT cho điểm theo thang điểm cơ quan đã quy định. Phòng QLPXĐP có trách nhiệm thẩm định lại số điểm mà hai ban biên tập đã cho đối với từng tin, bài và có quyền điều chỉnh số điểm này cho phù hợp.
Phòng QLPXĐP chịu trách nhiệm thông báo theo định kỳ cho các phân xã biết số tin, bài được sử dụng hoặc không được sử dụng cùng số điểm của mỗi tin, bài được sử dụng để phóng viên của các phân xã biết; đồng thời chịu trách nhiệm lên biểu thống kê tính tiền vượt định mức cho từng phóng viên các phân xã, trình BLĐ duyệt rồi thông báo cho các phân xã biết theo quy định tại quy chế định mức sản phẩm thông tin của phóng viên tin các phân xã trong nước.
Phòng QLPXĐP chịu trách nhiệm trả lời mọi thắc mắc, kiến nghị của các phân xã về các tin, bài không được sử dụng và về số điểm của các tin, bài được dùng hoặc về các vấn đề khác liên quan đến việc tính tiền vượt định mức lao động của phóng viên tin các phân xã.
Đối với các tin, bài đặc biệt xuất sắc của các phân xã được các BBT TTN hoặc BBT TKT sử dụng, các ban biên tập này đề xuất mức thưởng (bằng tiền) cho từng tin, bài để Phòng QLPXĐP tổng hợp, điều chỉnh cho phù hợp rồi trình BLĐ xem xét, quyết định. Ngoài ra, trong quá trình xem xét, đánh giá thông tin của các phân xã được sử dụng trên website của TTXVN hoặc trên các ấn phẩm báo chí trong và ngoài ngành, Phòng QLPXĐP có quyền chọn tin, bài của các phân xã để trình BLĐ xét thưởng. BBT TTN, BBT TKT và Phòng QLPXĐP không tự quyết định mức tiền thưởng cụ thể cho các tin, bài của các phân xã.
* Thang điểm định mức tin, bài và chế độ thưởng, phạt khi tính định mức
Việc chấm điểm tin, bài được dựa trên thang điểm quy định theo thể loại chất lượng tin, bài. Cụ thể như sau:
- Tin vắn: Từ 5 đến 10 điểm.
- Tin ngắn, tin khai thác văn kiện, tin lãnh đạo tiếp khách, tin tiến độ, tin hội nghị, hội thảo, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao (trừ các giải lớn của khu vực hoặc quốc tế được tổ chức tại Việt Nam sẽ được tính điểm ở mức cao hơn): Từ 15 đến 30 điểm.
- Tin có tính phát hiện, tính dự báo, nêu được vấn đề hoặc hiện tượng mới hoặc những kinh nghiệm hay hoặc tin phản ánh những sự kiện xảy ra trong đời sống xã hội và tự nhiện được chuyển về Tổng xã trong vòng một tiếng kể từ khi sự kiện xảy ra: Từ 35 đến 50 điểm.
- Phỏng vấn ngắn: Từ 30 đến 70 điểm.
- Mẩu chuyện người tốt việc tốt: Từ 35 đến 70 điểm.
- Bài thông tấn, chuyện quản lý, tin, bài tổng hợp, ngành, địa phương: Từ 40 đến 100 điểm.
- Tin, bài phân tích, bài phỏng vấn nêu vấn đề mới có chất lượng tốt: Từ 100 đến 150 điểm.
- Tin có tính phát hiện, tính dự báo, có giá trị đặc biệt, đưa kịp thời trong giờ và được phát ngay lên mạng: Từ 100 đến 200 điểm.
- Bài bình luận chính trị, kinh tế, phóng sự - điều tra: Từ 100 đến 200 điểm. - Thông tin tham khảo nội bộ:
o Các báo cáo nội bộ có chất lượng: Từ 50 đến 100 điểm.
o Các báo cáo thông thường nếu được sử dụng: Từ 20 đến 40 điểm.
Báo cáo tổng hợp tình hình địa phương hàng tháng, báo cáo hoạt động của phân xã hàng quý, là trách nhiệm của trưởng phân xã, không tính điểm định mức.
+ Thưởng điểm cho trưởng phân xã
- Phân xã có 100% phóng viên vượt định mức thì trong tháng đó, trưởng phân xã được thưởng 1/5 định mức theo lương của trưởng phân xã đó.
- Trưởng phân xã hướng dẫn phóng viên hợp đồng thử việc trong thời gian sáu tháng đầu, mỗi tháng được cộng thêm số điểm tương đương 1/5 định mức theo lương của trưởng phân xã đó.
+ Phạt và trừ điểm đối với các vi phạm
- Phân xã bỏ sót tin quan trọng, trưởng phân xã phải chịu trách nhiệm và không được hưởng trợ cấp đặc biệt tháng đó (trừ trường hợp trưởng phân xã đi vắng khỏi địa bàn trong thời gian xảy ra sự kiện).
- Tin đưa chậm sau 24 tiếng kể từ khi xảy ra sự kiện bị phạt 50% số điểm đạt được của tin, bài đó; nếu chậm sau 12 tiếng bị phạt 20% số điểm, trừ trường hợp có lý do chính đáng.
- Viết sai sự thật: Trừ từ 50 đến 100 điểm.
- Viết tin sai sự thật gây hậu quả nghiêm trọng: Trừ từ 100 đến 300 điểm. - Viết tin sai sót tên nhân vật, chức danh, địa danh, số liệu…: Trừ từ 10 đến 100 điểm. Viết sai lỗi chính tả mỗi lỗi trừ 1 điểm.
- Phóng viên gửi tin cho các báo, đài khác sử dụng trước rồi mới phát về cho Tổng xã: Trừ từ 10 đến 100 điểm.
- Phóng viên viết tin, bài chất lượng kém, chẻ tin với động cơ “chạy điểm” thì bị trừ từ 5 đến 15 điểm cho một tin hoặc bài thuộc loại này.
* Nhận xét: Khâu này cũng thể hiện những tính chất đặc thù trong quá trình thực hiện các công đoạn của Quy trình sản xuất tin của TTXVN. Nó đánh giá kết quả lao động tạo ra sản phẩm tin của cả một đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật. Tuy nhiên, những quy định trên đây luôn không tránh khỏi những bất cập, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện quy trình ở các công đoạn khác. Điều này đặc biệt được BLĐ quan tâm để có những điều chỉnh hợp lý, phù hợp với từng giai đoạn hoạt động sản xuất thông tin. Khâu này cũng sẽ được phân tích khá rõ trong
chương 3.