Bút pháp tả cảnh ngụ tình

Một phần của tài liệu nét đẹp nhân văn trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 142)

Thiên nhiên là đề tài muôn thuở của thi ca. Các nhà thơ thường tả cảnh để chiêm ngưỡng, để gửi gắm tâm sự của mình. Nguyễn Du cũng vậy. Nếu như ở Truyện Kiều, Nguyễn Du được xem là bậc thầy miêu tả thiên nhiên thì trong thơ chữ Hán, ngòi bút tài tình của Nguyễn cũng không bỏ qua những khắc họa đậm nét về thiên nhiên. Thiên nhiên trong thơ chữ Hán chủ yếu là thiên nhiên buồn. Thiên nhiên thường mang tâm sự của thi nhân. Thiên nhiên xuất hiện không chỉ đơn thuần là hình ảnh thiên nhiên mà bao giờ cũng ít nhiều mang theo nó tâm trạng, tình cảm hay ít nhất cũng là những nét cảm xúc của chủ thể trữ tình. Nguyễn Du ôm vào mình bao nhiều nỗi sầu, tâm sự, trăn trở do đó thiên nhiên trong thơ Nguyễn cũng mang những nét ảm đạm, buồn như chính tâm sự của thi nhân. Nỗi buồn từ lòng người tỏa ra cảnh vật, cảnh buồn lại khiến người buồn thêm. Đúng như thi nhân từng nói:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Kiều), có lẽ

cảnh vật cũng cám cho cảnh ngộ của thi nhân nên cảnh vật cũng nhuốm màu buồn bã, thê lương:

Phồn tinh lịch lịch lộ như ngân Đông bích hàn trùng bi cánh tân Vạn lý thu thanh thôi lạc diệp Nhất thiên hàn sắc tảo phù vân

(Thu dạ - bài 1)

(Sao dày đặc, trông rõ mồn một, sương trắng tựa bạc Vách phía đông, dế gặp lạnh, kêu buồn thảm

Suốt muôn dặm, tiếng thu giục lá cây rụng Bầu trời lạnh ngắt, không một vẩn mây)

Thiên nhiên trong mắt thi nhân chỉ toàn những màu sắc ảm đạm thê lương, nào có

ưu ái gì cho thi nhân.

Nguyễn Khuyến - nhà thơ của làng cảnh Việt Nam đã để mặc song thưa cho bóng trăng vào nhà:

"Nước biếc trông như từng khói phủ, Song thưa để mặc bóng trăng vào"

(Thu vịnh - Nguyễn Khuyến)

Bức tranh thiên nhiên trong thơ Nguyễn Khuyến hiện lên thật trữ tình và sống động. Cảnh vật như có sự giao hòa với con người. Con người phóng khoáng, thư thái trước cảnh. Còn với Nguyễn Du, nhà thơ cũng gượng dậy đẩy cửa ngắm trăng

sáng nhưng thật trớ trêu Bóng cây xanh trùng điệp làm ánh trăng không lọt qua

được. Thi nhân Ước gì trước cửa huyền vầng trăng sáng hiện ra. Ánh sáng rọi

xuống phá tan mọi u ám nhưng rồi mở cửa sổ cho trăng vào thì Trước song cửa nhỏ

mở chỉ thấy bóng liễu âm u (Xuân dạ). Một con người luôn mang trong mình nỗi

đau về số phận, về con người và những nỗi sầu chất ngất “Nhất sinh u tứ vị tằng

khai” (Suốt đời ôm mối u sầu chưa từng gỡ ra được - Thu chí) thì làm sao có thể

thưởng ngoạn thiên nhiên bằng phong thái của một người nhàn hạ, thư thái, đạt đạo. Qua thiên nhiên, tâm trạng của chủ thể trữ tình càng được bộc lộ rõ hơn. Đã có lần, nhà thơ thú nhận “Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ” (Ta có tấc lòng không biết nói cùng ai - My trung mạn hứng) nên thiên nhiên là nơi Nguyễn có thể chia sẻ và gửi gắm tâm sự. Yêu thiên nhiên nhưng với Nguyễn, con người là trung tâm, tất cả mọi sự quan tâm đều phải đứng sau sự quan tâm về con người. Con người mang nhiều nỗi đau, đi đến đâu cũng gặp sự tàn phai, đói khổ, chết chóc nên thiên nhiên cũng hắt lại những sắc màu u tối qua cái nhìn chủ quan của con người. Chứng kiến cảnh mấy mẹ con ăn xin, Nguyễn nghẹn ngào với những xót xa, thương cảm đến nỗi dưới cái nhìn của Nguyễn, mặt trời không còn mang sắc đỏ rực rỡ nữa mà thay vào đó là sự úa vàng, tàn tạ “Mặt trời cũng vì người mà vàng úa(Sở kiến hành)

Nguyễn luôn hướng về con người, tất cả vì cuộc sống của con người mà xã hội bấy giờ với “những điều trông thấy” thì chỉ khiến thi nhân phải rơi lệ. Từ xót xa cho bản thân mình đến xót xa cho thân phận con người, Nguyễn Du đã mang trong mình những nỗi đau đời và thương đời. Tất cả đều được phản ánh qua thiên nhiên và Nguyễn Du bắt gặp mình nhiều hơn trong thiên nhiên như thế.

Nhìn cảnh núi non ở nơi xa mà Nguyễn nhớ đến núi Hồng Lĩnh quê nhà, nhớ em trai, em gái và những người thân yêu của mình. Núi không chỉ mang vẻ đẹp của sự hùng vĩ mà núi còn mang tâm tình, nỗi nhớ của thi nhân:

“Biệt hậu quan sơn tư đệ muội Vọng trung nham tự kiến nhi tôn”

(Minh Giang chu phát)

(Sau khi chia tay trên bước đường quan san nhớ đến em trai em gái, Nhìn giữa đá núi, tưởng như trông thấy đàn con cháu)

Bên cạnh những hình ảnh thiên nhiên êm dịu chuyển tải nhiều cảm xúc của thi nhân thì trong thơ chữ Hán, còn xuất hiện nhiều hình ảnh thiên nhiên núi cao nhiều hiểm trở, sông sâu lắm thác ghềnh, đường dài đầy bụi đỏ. Thiên nhiên mang ý nghĩa tả thực và cả ý nghĩa ẩn dụ. Chính thi nhân đã từng ngỡ ngàng, lo sợ trước khung cảnh thiên nhiên bày ra trước mắt: Bờ sông lở sụt ầm ầm như sấm dữ/ Sóng lớn thấy

như có quỷ lạ (Lam giang), Giữa có những hòn đá kỳ lạ chen chúc nhau/ Các hòn

hình rồng, rắn, cọp, beo, trâu, ngựa bày la liệt (Ninh Minh giang chu hành);Những bờ

núi lở, những hòn đá kì quái như giận dữ nhìn nhau (Chu hành tức sự),… Đứng trước

thiên nhiên hung dữ như vậy, Nguyễn không chỉ lo cho bản thân mà còn lo chung cho tất cả mọi người. Nghĩ đến những con người hằng ngày phải qua lại nơi đây, khó tránh được những mối hiểm họa nên Nguyễn ước có một sức mạnh lấp bằng cả con sông để không còn những hiểm nguy nữa Muốn đẩy núi Thiên Nhận/ Lấp bằng

năm trăm dặm (Lam giang). Lòng người đã ngổn ngang nhiều tâm sự mà thiên nhiên

lại như muốn hắt thêm sự lạnh lùng, thê lương, ghê sợ của nó đối với thi nhân để rồi thi nhân lại thu tất cả những tín hiệu đó vào mình để thêm âu lo, trăn trở cho kiếp phù sinh.

Tâm trạng hoài cổ, nỗi sầu man mác của Nguyễn Du cũng chi phối đến cách cảm nhận thiên nhiên, nhất là khi nhà thơ đến với các di tích gắn liền với các nhân vật lịch sử Trung Hoa.

Khi đi qua mộ của những nhân vật lịch sử, Nguyễn Du cảm thấy buồn man mác trước cái cảnh hoang tàn “Phong xuy cổ trủng phù vinh tận” (Gió thổi vào nấm mồ xưa, vinh hoa hư ảo tan hết - Ngẫu thư công quán bích), “Mịch mịch Tây giao khâu

lũng bình”(Đồng Tây giao vắng ngắt, gò đống san bằng - Dương Phi cố lý), “Thiên

niên mộ cổ một phiên Ngu” (Ngôi mộ cổ nghìn năm ở đất Phiên ngu đã bị cỏ vùi

lấp - Triệu Vũ Đế cố cảnh), “Thu thảo nhất khâu tàng thử lạc” (Một nấm cỏ thu trở thành hang chuột cáo - Âu Dương Văn Trung công mộ), “Bi tàn một tự mai hoang

thảo” (Bia tàn chữ mất chôn vùi trong cỏ hoang - Liễu Hạ Huệ mộ), “Đãng đãng

thu nguyên khâu lũng bình” (Trên cánh đồng thu rộng mênh mông, gò đống sàn sàn

nhau - Bùi Tấn Công mộ), “Hương giang nhất phiến nguyệt. Kim cổ hứa đa sầu.

Vãng sự bi thanh trủng” (Một mảnh trăng trên sông Hương. Gợi bao mối sầu kim

cổ. Chuyện cũ bi thương nấm mồ cỏ xanh - Thu chí). Khung cảnh thiên nhiên xung quanh càng làm cho nhà thơ thêm u buồn và thêm trăn trở.

Dù thiên nhiên có lạnh lùng, Nguyễn Du vẫn tìm đến với thiên nhiên, coi thiên

nhiên như một người bạn để tâm sự. Dù thiên nhiên có vọng lại những điều đau buồn, ảm đạm, u tối nhưng với Nguyễn, thiên nhiên vẫn là người bạn trung thành vì thiên nhiên biết lắng nghe những tâm tình của thi nhân. Nguyễn Du thật sự đã hòa tâm hồn mình với thiên nhiên, một tâm hồn không chỉ có buồn đau mà còn chứa đựng những tố chất đẹp đẽ của một nhân cách lớn.

Nói như Xuân Diệu, Nguyễn Du có bao giờ tả cảnh chỉ để mà tả đâu, cảnh trong thơ ông chính là tâm cảnh. Quả đúng như vậy, những bài thơ Nguyễn Du viết về thiên nhiên bao giờ cũng mang trong đó niềm đau, nỗi buồn và cả những lo lắng, trăn trở của chính thi nhân. Điều này, người đọc dễ dàng nhận ra vì trong toàn bộ ba tập thơ chữ Hán, bài nào cũng mang một âm điệu sầu buồn man mác, phản ánh đúng tâm trạng của Nguyễn Du – một con người lo đời và đau đời sống giữa xã hội

ngột ngạt mà ở đó số phận con người đang bị đe dọa nghiêm trọng. Nét đẹp nhân văn còn được thể hiện rất rõ qua những bài thơ tả cảnh là như vậy.

Một phần của tài liệu nét đẹp nhân văn trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 142)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)