Con người của hùng tâm tráng chí

Một phần của tài liệu nét đẹp nhân văn trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 49)

Trong buổi bình minh của cuộc đời, chàng trai Nguyễn Du đã nóng lòng biết mấy, hăm hở biết mấy với giấc mộng công danh, lập thân để giúp nước, giúp đời. Cũng như bao chàng trai khác với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, Nguyễn Du bước vào đời với một phong thái tự tin, ý thức được tài năng của mình. Không tự hào, khoe khoang lộ liễu như Cao Bá Quát “Có một người, khổ dạng trâm anh, nết na

chương phủ” (Tài tử đa cùng phú) hay ngất ngưởng vì tài năng của mình như Nguyễn Công Trứ “Khi tham tán, khi tổng đốc Đông. Gồm thao lược đã nên tay

ngất ngưởng” (Bài ca ngất ngưởng), Nguyễn Du nói đến tài năng của mình một

cách rất kín đáo, ông ví mình như cánh hạc biển, có tài nhưng không muốn người khác thấy cái tài đó:

Hải hạc diệc hội vũ, Bất dữ thế nhân tri

(Khổng tước vũ)

(Hạc biển cũng biết múa,

Chẳng để người đời biết đó thôi)

Và sau này, trên đường đi sứ sang Trung Quốc, trong một không gian thoáng đãng hơn, qua những nơi của những người tài tử, ông mới dám nói một cách khá thẳng thắn về cái tài, cái chí của mình. Nhân đi qua nhà cũ của Liễu Tông Nguyên, khâm phục văn tài của họ Liễu, ông đã bộc bạch chút tâm sự:

Tráng niên ngã diệc vi tài giả,

(Vĩnh châu Liễu Tử Hậu cố trạch)

(Thời trẻ tôi cũng là kẻ có tài năng)

Là một bậc tu mi nam tử trong xã hội phong kiến, Nguyễn Du cũng như bao thanh niên lúc bấy giờ luôn mang trong mình một lý tưởng và hoài bão để lập thân giúp đời. Trong xã hội phong kiến, con đường lập thân có thể đi theo hai hướng: văn và võ. Gia đình Nguyễn Du có truyền thống về văn học, giỏi văn chương và bản thân Nguyễn Du cũng là người “hào hoa phong nhã”, giỏi văn thơ nhưng những bước đầu tiên dấn thân vào đời, Nguyễn Du đã chọn hình ảnh của một trang nam tử với thanh gươm đeo ngang hông và cỡi trên một con ngựa chiến. Chính vì thế mà hình ảnh thanh gươm yên ngựa không ít lần xuất hiện trong Thanh Hiên thi tập. Khẳng định chí nam nhi giữa thời buổi loạn lạc như tinh thần của câu ca dao xưa

“Làm trai cho đáng nên trai. Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên” nhưng Nguyễn Du không cao ngạo, không mạnh mẽ, ồn ào như Nguyễn Công Trứ:

Đã mang tiếng ở trong trời đất Phải có danh gì với núi sông. (Đi thi tự vịnh)

Cũng nói về công danh nhưng Phạm Ngũ Lão có phần rụt rè và khiêm tốn hơn:

Công danh nam tử còn vương nợ

Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.

(Thuật hoài)

Cũng quan niệm giống Nguyễn Công Trứ, giống Phạm Ngũ Lão và bao trang nam nhi khác, Nguyễn Du cũng muốn lập thân, cũng muốn xông xáo giữa đời cho phỉ chí bình sinh. Cái tư thế hiên ngang, ngạo nghễ, tầm vóc vũ trụ của một con người vẫy vùng ngang dọc hiện lên lừng lững:

Tằng lăng trường kiếm ỷ thanh thiên (Khất thực)

(Kiếm dài ngạo nghễ hiên ngang như tựa trời xanh) Bước vào đời, Nguyễn Du tuy không có cái tư thế mạnh mẽ, mãnh liệt đến cuồng

nhiệt “Quyết xây bạch ốc lại lâu đài” như Cao Bá Quát sau này nhưng cái tâm thế, cái nhiệt huyết của Nguyễn Du cũng không kém phần sôi nổi, oai phong. Nguyễn Du muốn thay đổi cuộc đời, muốn tỏ rõ chí làm trai giữa trời đất, muốn đem tài năng của mình để phục vụ cho cuộc đời, cho cuộc sống, cho nhân dân. Tư thế lúc này của Nguyễn Du có dáng dấp giống nhân vật Từ Hải trong Truyện Kiều, cái lẫm liệt ngạo nghễ át cả khí trời hùng thiên sông núi. Nhưng rồi ước mơ trở thành tráng sĩ vai mang thanh kiếm lẫm liệt ngạo nghễ “đội trời đạp đất ở đời” ấy không thành hiện thực.

Mộng không thành, danh không toại, chí không đạt cộng với sự bất đắc ý, sự hụt hẫng, thất vọng của một trang nam tử lần đầu tìm hướng đi cho mình, theo thời gian cái hùng tâm phò vua giúp nước trước đây của Nguyễn Du như mòn dần đi. Nguyễn Du không có cái nung nấu và ngậm ngùi của Đặng Dung mang gươm ra mài dưới trăng bên dòng suối:

Kỹ độ long tuyền đái nguyệt ma

(Cảm hoài - Đặng Dung)

(Thù nước chưa trả mái đầu đã sớm bạc

Bao phen mang gươm báu ra mài dưới bóng trăng)

Ở Nguyễn Du, cái hùng tâm ấy tàn lụi dần theo thời gian, từ một con người chí trai hăm hở vác kiếm định theo phò vua lập công nghiệp lại trở thành một người sầu

đa mộng, sống trong cõi mộng và luôn suy tư về kiếp người. Tài năng ôi, hùng tâm

ôi! Rồi cũng có lúc dừng lại, để người khách thơ trăn trở về số phận cuộc đời:

Liêu lạc tráng tâm hư đoản kiếm, Tiêu điều lữ muộn đối thời ca.

(Tạp ngâm)

(Tấm lòng hùng tráng lụi tàn khiến cây đoản kiếm thành vô dụng, Nghe khúc ca đương thời làm nỗi buồn của khách thêm héo úa)

Càng ý thức về tài năng, càng ôm ấp hoài bão lớn nhưng tài năng và hoài bão ấy không được thi triển. Nó đã trở thành tấn bi kịch trong cuộc đời những người tài tử. Lẽ ra, những người có tài trong thời đại nhiễu loạn có dịp để trổ hết tài năng của mình mới phải, nhưng thời đại của Nguyễn Du là “cái thời đại tê đi và tái lại, tái

cắt không ra máu đỏ của niềm vui” [7; 128]. Chính Nguyễn Du cũng đã từng nói:

Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần (Truyện Kiều), đó chính là

kết quả của những thâm cảm về chính thời đại đó. Thời đại Nguyễn Du sống đã đưa ông đến chỗ suy nghiệm nhiều hơn là hành động, nghĩ về quá khứ nhiều hơn là hướng đến tương lai. Tuy có lúc Nguyễn Du cũng muốn lên ngọn núi cao để có cái nhìn mới mẻ hơn: Độc thướng cao sơn nhãn giới tân (một mình lên ngọn núi cao cho tầm nhìn rộng rãi, mới mẻ) nhưng rồi chỉ thấy toàn chuyện xưa cũ, buồn lòng thi nhân:

“Thập niên vị tiết nam nhi hận. Đàn kiếm trường ca đối bạch vân”

(Ninh Công thành)

Gõ kiếm ca dài trước mây trắng)

Gõ kiếm ca dài nhưng thật ra là thở dài vì mười năm rồi cái hận của kiếp nam nhi không được vẫy vùng thi thố. Chí không thành, mộng không đạt, thanh trường kiếm chưa một lần được vẫy vùng giữa chốn giang hồ để chủ nhân thỏa chí bình sinh nhưng hình ảnh thanh gươm yên ngựa trước sau vẫn là một hình ảnh đẹp, dấu tích của một thời thanh niên sôi nổi hăng hái bước vào đời của một trang nam tử, một tráng sĩ Nguyễn Du.

Hùng tâm một thời vẫn mãi theo, trong thâm tâm vẫn âm ỉ mộng kiếm cung nhưng nó đã nguội lạnh dần theo thời gian với tóc bạc, với nghèo đói; giờ đây hùng tâm của một thời sôi nổi mãnh liệt chỉ còn như một tàn lửa leo lét nên Nguyễn Du chỉ còn biết than thở suông:

Bạch phát hùng tâm không đốt ta (Khai song)

(Tóc bạc rồi dù có hùng tâm cũng chỉ biết than thở) Tiếp sau lời than thở là những bi thương:

Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên (Tạp thi)

(Người tráng sĩ đầu bạc bi thương nhìn trời)

Cũng có khi người anh hùng tài tử Nguyễn Du đeo kiếm bên hông, nhưng sao có vẻ hiu hắt quá Nhãn để phù vân khan thế sự, Yêu phong trường kiếm quải thu phong

(Mắt xem việc đời như phù vân, Kiếm dài đeo lưng trước gió thu – Ký hữu). Người đọc không thể tìm thấy nơi ông cái khí thế lẫm liệt thét roi cầu vị ào ào gió thu

(Chinh phụ ngâm - Đặng Trần Côn), hay cái hào hùng sảng khái của một Phạm Ngũ

Lão múa giáo non sông trải mấy thâu mà chỉ thấy đâu đó cái u buồn của một tài tử

thất ý, cái tâm trạng chán chường, hiu hắt của một trang nam tử mang đầy những tâm sự, trăn trở về cá nhân và cuộc đời.

Không có được bản lĩnh tự tin và khí phách mạnh mẽ, yêu đời như những trang nam nhi đời Trần nhưng hình tượng người anh hùng trong thơ chữ Hán Nguyễn Du

cũng chưa bao giờ từ bỏ hoài bão và lý tưởng giúp đời. Lý tưởng đó âm ỉ và thôi thúc mãi.

Một con người mang nhiều nỗi lo, nhiều trăn trở, u uất đã từng một thời trẻ trai nuôi giấc mộng kiếm cung, nuôi khát khao vẫy vùng ngang dọc giữa đất trời. Đó là điều đáng trân trọng, điểm tô thêm một nét tài hoa vào chân dung thi sĩ Tiên Điền. Không chỉ được sinh ra để yêu thương, để lo lắng mà trước khi tìm đến triết lí sống thực của đời mình, Nguyễn Du đã từng là chính Nguyễn Du với ước mơ nhập thế, cống hiến để giúp đời, giúp người. Hình ảnh một trang tráng sĩ với những khát vọng cao quý ấy là một trong những biểu hiện của nét đẹp nhân văn trong thơ chữ Hán Nguyễn Du.

Một phần của tài liệu nét đẹp nhân văn trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)