Giọng điệu, với tư cách là một yếu tố của hình thức, đã trở thành sự tổng hợp thái độ, tư tưởng, tình cảm, đạo đức và quan niệm thẩm mĩ của nhà văn.
Đối với người đọc, giọng điệu có khả năng tác động mạnh mẽ. Âm hưởng của tác phẩm là một phương diện tối quan trọng đối với việc cảm nhận của độc giả. Nó kích thích ở người đọc những cảm xúc, gây ấn tượng về tác phẩm. Người đọc có cảm nhận được tình cảm của tác giả thể hiện trong tác phẩm hay không là có một phần đóng góp của giọng điệu.
Trong thơ, giọng có một vai trò đặc biệt quan trọng. Nhà thơ, bằng tất cả sự nỗ lực của mình phải làm cho giọng diễn đạt được tư tưởng, tình cảm đồng thời phải khơi dậy ở người đọc những ấn tượng, những cảm xúc, những tâm trạng tương tự. Giọng điệu là một phương tiện cơ bản cấu thành hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học, là thước đo để xác định tài năng và phong cách độc đáo của nghệ sĩ. Bởi, văn chương trước hết là nghệ thuật ngôn từ, là cách nói bằng ngôn từ mà gắn liền với cách nói là thái độ, giọng điệu của nhà văn ẩn sau các kí hiệu, các mã nghệ thuật.
Giọng điệu nghệ thuật trong thơ chữ Hán giúp chúng ta hiểu thêm về tâm trạng, suy nghĩ và thái độ của Nguyễn Du trước cuộc đời và con người. Ông căm ghét cái ác, cái xấu nên khi nói đến cái ác, cái xấu, giọng thơ Nguyễn căm phẫn, phê phán. Ông ngưỡng mộ, kính phục trước cái tài và cái tốt nên giọng thơ mang âm hưởng của sự thiết tha, bùi ngùi. Khi viết về quá khứ với cảnh cũ người xưa, thơ mang chất giọng nuối tiếc của chủ thể trữ tình. Khi ngẫm nghĩ về thời cuộc và bản thân, thơ mang chất giọng của sự trăn trở, buồn thương. Giọng điệu nghệ thuật trong thơ chữ Hán Nguyễn Du có sự đan xen của nhiều chất giọng khác nhau. Sự kết hợp giữa các giọng này thường rất phức tạp nhưng nó cần thiết cho việc tạo nên sự phong phú trong màu sắc tình cảm của tác phẩm. Tìm hiểu giọng điệu trong thơ chữ Hán Nguyễn Du giúp người đọc tiếp cận sâu hơn thế giới nghệ thuật cũng như hiểu được sâu hơn thế giới tâm trạng của Nguyễn Du biểu hiện qua thơ.