Biểu tượng nghệ thuật là những hình ảnh nghệ thuật xuất hiện với một tần số cao, trở đi trở lại trong thơ để biểu đạt một dụng ý nghệ thuật theo thế giới quan của nhà thơ. Những biểu tượng nghệ thuật là chiếc chìa khóa mở cánh cửa tâm hồn thi nhân. Ở đây, người viết chỉ tìm hiểu ba biểu tượng nghệ thuật là tóc bạc, miếu – mộ - đình – đền – chùa và xương cốt – những nắm tro tàn. Vì theo người viết, ba biểu tượng này sẽ cho ta thấy rõ hơn thế gian quan cùng những chiêm nghiệm của Nguyễn Du về nhân sinh, được – mất… Qua đó, có thể người đọc sẽ tìm thấy những thông điệp nhân văn mà Nguyễn Du muốn gửi gắm cho đời.
Hình ảnh tóc bạcxuất hiện nhiều nhất trong thơ chữ Hán. Trong hầu hết các bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du, hình ảnh tóc bạc cứ lặp đi lặp lại với cường độ dày đặc đã ám ảnh Nguyễn Du gần như suốt đời:
Bạch phát tiêu tiêu cổ đạo bàng (Giang đầu tản bộ)
(Tóc bạc phơ trên con đường xưa)
Bạch phát sa trung hiện (Độ Long Vĩ giang)
(Trên cát hiện rõ mái đầu bạc)
Không phải ngẫu nhiên mà thi sĩ Tiên Điền lại hay đưa hình ảnh này vào thơ. Đúng như Đào Duy Anh đã nhận định: “Điều đau đớn nhất của tiên sinh, có lẽ là thấy mình sự nghiệp chưa thành chút gì mà đầu đã sớm bạc. Trong 65 bài ở tập Thanh Hiên có 17 bài nói về “bạch phát” hay là “bạch đầu”, trong tập Bắc hành phần nhiều là thơ vịnh sử và hoài cổ mà cũng có đến 13 bài có những chữ ấy; trong 11 bài lẻ cũng có 2 bài nói về “đầu bạc”, đó là chưa kể những bài mà những chữ ấy chỉ về người khác. Tiên sinh hình như lúc nào cũng bị cái lo đầu bạc nó ám ảnh.
Tiên sinh là người đa tình, đa cảm, lại gặp cảnh nhà tan nước mất, vì nhiều mối tư lự u uất, nhiều nỗi vất vả khổ sở nên bạc đầu rất sớm.” [1].
Qua hình ảnh mái tóc bạc thường xuyên xuất hiện trong thơ Nguyễn, ta thấy Nguyễn là một con người luôn ý thức được tuổi già, ý thức được dòng thời gian trôi nhanh. Đời người rất ngắn, thoắt chốc đã mười năm, trăm năm nên con người luôn âu lo và trăn trở cho kiếp phù sinh.
Miếu, mộ, đình, đền, chùa cũng xuất hiện khá nhiều. Nguyễn Du là người luôn
coi trọng các giá trị văn hóa, nhân văn. Dằng dặc trong thơ Nguyễn là những nỗi niềm về nhân sinh, thế sự, được - mất… Trên đường đi sứ, Nguyễn không say sưa với cảnh đẹp, không ngợp mắt trước phồn hoa hay đắm mình vào cảnh yến tiệc linh đình nơi xứ lạ mà thường kiếm tìm dấu cũ, bia xưa, đình đền, miếu mộ của những con người có phẩm cách phi thường, có số phận bất hạnh.
Ít có nhà thơ nào lại viết nhiều về người đã khuất và viết rất hay về mồ mả như Nguyễn Du. Hình ảnh “nấm mồ” cũng trở đi trở lại trong thơ của Nguyễn. Đúng như Thanh Lãng nói: “Nguyễn Du - thi sĩ của niềm tin dị biệt, thi sĩ của mồ mả, tha
ma, nghĩa địa” [58]. Hình ảnh nấm mồ tượng trưng cho cái giới hạn của đời người,
cái có đã đi vào hư vô, cái mênh mông vô định và cả cái bí hiểm âm u:
Phong xuy cổ trủng phù vinh tận (Ngẫu thư công quán bích)
(Gió thổi vào nấm mồ xưa, vinh hoa hư ảo tan hết)
Bách xích cao đài khuynh Lĩnh biểu
Thiên niên mộ cổ một Phiên ngu (Triệu Vũ Đế cố cảnh)
(Cái đài cao trăm thước ngoài Ngũ Lĩnh đã bị đổ rồi Ngôi mộ cổ nghìn năm ở đất Phiên ngu đã bị cỏ vùi lấp)
Bên cạnh sự xuất hiện của những nấm mộ, trong thơ chữ Hán của Nguyễn Du còn xuất hiện hình ảnh xương cốt và những nắm tro tàn:
Khoáng dã biến mai vô chủ cốt,
(Ngoài đồng hoang khắp nơi vùi xương vô chủ)
Nhật lạc bình sa cốt chiến cao
(Ngẫu thư công quán bích)
(Mặt trời tà trên bãi cát, đống xương chiến trận đã cao)
Phải chăng, viết về cái chết, về cõi âm, nhà thơ muốn gởi vào đó một triết lý thâm trầm: nghĩ về cái chết, đó là cách con người nhận thức sâu sắc nhất về cuộc sống, về cõi người ta “Ai biết nghĩ đến cái chết chính là đang ý thức cuộc sống của mình” (Lê Thu Yến). Thành ra, những ai từng đọc Nguyễn Du, mỗi lần đối diện cái chết của con người, sẽ càng thêm nâng niu sự sống. Về phương diện này, tác phẩm của Nguyễn Du giúp người đọc biết nhìn ra cái tôi ích kỷ, biết ăn năn và mong ước hòa nhập, bình đẳng với cộng đồng, mang giá trị nhân văn sâu đậm.
Người Việt không chỉ sống với thực tại mà còn xem trọng quá khứ, không chỉ quan tâm đến con người ở hiện tại mà còn nhớ về những người đã mất. Việc này đã trở thành một phong tục truyền thống của dân tộc: Phong tục thờ cúng tổ tiên. Đó là một phong tục đẹp, giàu bản sắc, có giá trị nhân bản, có tính chất giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Từ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, người Việt còn thờ cúng các anh hùng, người có công với đất nước… Nó kết tinh những giá trị đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Những giá trị ấy góp phần bồi đắp lòng yêu nước thương nòi, đạo lý uống nước nhớ nguồn, có trước có sau, yêu thương con người... Tiếp thu truyền thống văn hóa đó của dân tộc, Nguyễn Du đã hướng về người đã khuất với tấm lòng chân thành qua những vần thơ đầy cảm xúc. Có lẽ trái tim đập nhịp đập của tình yêu con người nơi ông vô cùng rộng lớn, thương mọi kiếp khi họ đang sống hay khi đã khuất. Để rồi từ đó, nhà thơ cất lên tiếng nói cảm thương, đau đớn và phẫn uất cho thân phận con người trên suốt dòng thời gian kim cổ.
Tuy không là nhà cải cách xã hội, nhưng qua việc tạo ra một âm giới không có sự phân biệt, oán thù, Nguyễn Du đã góp phần cổ xúy cho một xã hội tốt đẹp. Trong xã hội ấy, con người đồng cảm với nhau, biết xích lại gần nhau, biết xem nỗi bất hạnh của người khác cũng là bất hạnh của chính thân mình.