Thời gian đời người

Một phần của tài liệu nét đẹp nhân văn trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 114)

Trước bước đi nhanh chóng của thời gian cùng sức tàn phá ghê gớm của nó, quan sát những quy luật của tự nhiên cùng với sự đổi thay chóng vánh của các triều đại lúc bấy giờ, Nguyễn Du nhận ra: thời gian và cuộc đời con người trên trần thế thật ngắn ngủi vô cùng. Không phải ngẫu nhiên trong thơ ông, ta bắt gặp rất nhiều những cụm từ chỉ thời gian trăm năm, nghìn năm…

Trước Nguyễn Du đã có nhiều nhà thơ nói đến dòng thời gian trôi chảy không ngừng nhưng không ai nói nhiều và ám ảnh nhiều về thời gian như ông:

La Thành nhất biệt thập niên thâm.

Đồng niên đối diện cách thiên nhưỡng (Tặng Thực Đình)

(Từ một lần chia biệt ở La Thành, chốc đã mười năm Bạn đồng niên giáp mặt mà tưởng như trời với đất cách xa)

Bách tuế vi nhân bi thuấn tức (Mạn hứng)

(Cuộc đời trăm năm thương thay chỉ là chớp mắt)

Ý thức được thời gian không ngừng trôi nhưng con người thì bất lực, chịu không làm sao níu giữ thời gian lại được. Con người không thể làm chủ được thời gian nên mới lo sợ, trăn trở và ám ảnh mãi với nó. Thi nhân không có được thái độ an nhiên trước cái biến đổi, thái độ tự tại trong cái vô cùng, thái độ ung dung vượt lên trên tất thảy, vượt lên trên sinh - trụ - dị - diệtcủa Vạn Hạnh thiền sư:

Thân như bóng chớp, có rồi lại không,

Mặc cho vận đời dù thịnh suy đừng sợ hãi.

Vì thịnh suy cũng mong manh như giọt sương đầu ngọn cỏ.

(Vạn Hạnh – Thị đệ tử)

Theo quy luật, con người có sinh ra, già đi và chết. Sinh – lão - bệnh - tử là lẽ thường tình. Mỗi mùa xuân đi qua là con người lại thêm một tuổi, lại bước một bước đến gần cái giới hạn của đời người. Ý thức được thời gian trôi như mũi tên vút nhanh vào không trung, Nguyễn Du hiểu rõ được nguyên lý của nhà Phật, Nho và Đạo nên có lúc ông nói: Lòng này thường định không xa đạo Thiền (Đề Nhị Thanh

động)hoặc Chi bằng theo kịp đạo thần tiên (Mộ xuân mạn hứng)nhưng rồi Nguyễn

Du không có được cái tâm vượt lên trên mọi cõi, bởi vì cái trần trụi của cuộc đời trần thế đã kéo ông lại. Các thiền sư thời Lý - Trần được sống trong thời đại hào hùng, vẻ vang của dân tộc. Đó là thời đại của những con người kì lạ vừa làm vua, làm tướng, đánh giặc, vừa tu thiền, ngộ đạo. Còn Nguyễn Du, ông sống ở một thời đại với “những điều trông thấy” “đau đớn lòng”, một xã hội “nhai thịt người

ngọt xớt như đường”… Không có được cái tâm đạt đạo như các thiền sư, Nguyễn

Du luôn phải nơm nớp, phập phồng lo âu về lẽ sinh - tử, lo cho mình và lo cho người, cho nên Nguyễn Du rất đời thường là như thế. Con người vũ trụ một khi đã dấn thân coi cái chết nhẹ tựa lông hồng còn con người đời thường không khỏi bứt rứt, lo lắng không nguôi khi nhận thấy đời người hữu hạn và nhanh chóng biết bao:

Sinh vị thành danh thân dĩ suy(Tự thán I)

(Sống chưa nên danh vọng gì người đã suy yếu)

Niên thâm cánh giác lão tùy thân(U cư II)

(Qua nhiều năm biết cái già đã đến với mình)

Hình ảnh tóc bạc cũng xuất hiện rất nhiều trong thơ Nguyễn Du, tóc bạc tượng trưng cho tuổi già. Lê Thu Yến thống kê có 58 lần Nguyễn Du nhắc đến hình ảnh này trong cả ba tập thơ. Càng ý thức về dòng thời gian trôi chảy, càng lo lắng về sự già nua của mình, Nguyễn Du càng bị ám ảnh bởi mái đầu bạc:

Xuân thu đại tự bạch đầu xuân (Tự thán - bài 2). (Hết xuân lại thu, đầu cứ thêm bạc)

Trù trướng lưu quang thôi bạch phát (Thu chí)

(Thời gian thoăn thoắt làm cho mái tóc chóng bạc) Nói về thời gian, nhà thơ mới Xuân Diệu cũng luôn bị ám ảnh:

Mau với chứ! Vội vàng lên với chứ

Em! Em ơi tình non sắp già rồi (Vội vàng)

Với Nguyễn Du, thời gian cũng dồn đuổi không ngừng, càng ý thức được thời gian trôi chảy nên con người càng lo sợ cho những điều ở phía trước nhưng Nguyễn không vội vã, cuống cuồng như ông hoàng của thơ tình sau này. Nguyễn điềm đạm, trầm tĩnh hơn:

Phù thế công danh khan điểu quá

Nhàn đình tiết tự đái oanh thiên (Mộ xuân mạn hứng)

(Công danh trên phù thế xem như chim bay qua,

Trên sân vắng thời tiết cũng theo chim oanh dời tổ mà đổi dời)

Thế nhưng trong cái vẻ điềm tĩnh đó, ẩn chứa cả một sự thao thức và trăn trở lớn của Nguyễn Du về cõi đời, về nỗi niềm nhân sinh. Qua ý niệm thời gian, dường như Nguyễn muốn gửi cho đời một thông điệp thấm đẫm tinh thần nhân văn: Thời gian thì trôi nhanh còn đời người lại hữu hạn, con người chạy đuổi theo tiền tài danh vọng và sát phạt hãm hại nhau làm gì để đến cuối cùng tất cả cũng chỉ là hư vô. Thông điệp này còn mang ý nghĩa nhân văn ở chỗ nhắc nhở mọi người quay đầu nhìn lại để sống thế nào cho có ý nghĩa, tránh lãng phí cuộc đời với những thứ phù du.

Một phần của tài liệu nét đẹp nhân văn trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)