Một phen thay đổi sơn hà
Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?
Đó là lời cảm khái của Nguyễn Du về giai đoạn lịch sử nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, giai đoạn thay ngôi đổi vị liên tục của các triều vua, có những biến chuyển sâu sắc trong xã hội và có những sự kiện chói lòa không lặp lại trong lịch sử Việt Nam. Các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra. Nhiều chính sách bảo thủ và cực đoan của triều đình nhà Nguyễn. Nhân dân lâm vào cảnh đói kém, lầm than, khổ cực trăm bề. Nói như Nguyễn Khánh Toàn trong diễn văn kỉ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du: “Thơ Nguyễn Du sinh ra cách đây 200 năm vào một thời đại mà chế độ phong kiến quằn quại trong cơn hấp hối, đã đưa đất nước vào một tấn bi kịch thê thảm” [15; 30].
Giai đoạn thế kỷ XVIII – nửa đầu XIX đánh dấu một sự chuyển biến về chất trong văn học. Nói về chủ nghĩa nhân văn giai đoạn này, Mai Quốc Liên nhận xét:
“Lần đầu tiên trong văn học, con người cá nhân được đặt vào vị trí trung tâm, được
soi sáng từ bên trong, từ nội tâm và nhu cầu hạnh phúc, nhu cầu phát triển nhân cách tài năng được đặt ra” [22; 17].
Thời đại càng nhiều biến động, con người trong xã hội ấy càng đặt ra cho bản thân nhiều câu hỏi về cuộc đời, về thế sự, về ý nghĩa tồn tại của mình. Họ trăn trở và thao thức vì nỗi niềm nhân sinh, về những gì đã kinh qua và những gì đang tới và hơn hết họ tìm nguyên nhân ở chính cuộc sống hiện tại này để giải đáp cho mình những vướng mắc, nhất là khi họ được tìm hiểu và tiếp xúc phần nào với văn hóa ngoại bang và có những tiến bộ tích cực trong nhân sinh quan.
Giai đoạn cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX còn là giai đoạn mở đường cho sự tiếp xúc ngày càng mở rộng với văn hóa ngoại bang, cho phép con người hướng tầm nhìn xa rộng, không còn bó buộc trong một số khuôn phép lề lối phong kiến hay cổ xúy cho những giá trị của đạo đức phong kiến lỗi thời nữa. Một luồng gió mới dù chỉ thổi hiu hiu nhưng cũng đủ làm lay động nền tảng phong kiến lúc này. Đã đến lúc người ta nhìn lại, tổng kết lại những được mất trong cuộc đời, thẩm định lại những giá trị vật chất và tinh thần, rằng giá trị nào đem lại hạnh phúc cho con người, những gì gây đau khổ, chết chóc. Tuy rằng họ đã lờ mờ nhận ra nhưng lại chưa thể tìm ra được con đường nào để giải thoát cho bản thân. Đó là bi kịch cho bao người, và cũng là bi kịch của cuộc đời Nguyễn Du. Có tìm hiểu về thời đại, về giai đoạn văn học trung đại cuối thế kỉ XVIII nửa đầu thế kỉ XIX nói chung thì chúng ta mới phần nào tiếp cận và hiểu được bi kịch của Nguyễn Du, hiểu được những mâu thuẫn trong tư tưởng của ông và hiểu được vì sao trong thơ Tố Như, trên từng câu chữ đều thấm đượm tinh thần nhân văn, đau đời, thương người và day dứt, trăn trở trước thời cuộc và thân phận con người đến thế.
Ông đứng hẳn về phía dân đen, những con người đau khổ, bị áp bức, đọa đày trong cuộc sống bằng sự đồng cảm và thương cảm, bởi chính bản thân ông cũng hứng chịu nhiều bi kịch. Thời đại biến động, gia đình li tán, anh em mỗi người một ngả; danh vọng, tiếng tăm và quyền thế của dòng họ đã lùi sâu vào quá khứ hoàng kim. Sống trong cảnh ngộ thiếu thốn, chật vật về kinh tế, tù túng về tinh thần, ông càng thấm thía nỗi đau khổ của quần chúng nhân dân trong thời đại này. Tâm trạng ông nhức nhối, đau xót tột cùng trước số phận của những con người bần cùng sống trong xã hội đầy bi kịch.