Trên con đường Cát bụi bay cuồn cuộn che lấp cả mặt trời, khắp không gian chỉ toàn thấy bụi bay mờ mịt, chút ánh sáng của mặt trời cũng bị bụi làm cho mờ dần, thêm nữa gió cứ dồn đuổi trên con đường dài hun hút, lại thêm cái lạnh lẽo của đất trời… Bao nhiêu sự tác động của ngoại cảnh không làm cho con người chùn bước. Gió lạnh của ngoại cảnh tác động vào con người không bằng cái lạnh lẽo của tình người mà con người chứng kiến trên đường đi: người thì ngồi mâm cao cỗ đầy, đem đồ ăn đổ hắt cả xuống sông, còn người không có chút gì ăn, nằm chực chết bên ngòi rãnh. Cái lạnh của ngoại cảnh chỉ tác động vào da thịt, còn cái lạnh của tình người xung quanh làm tê tái tâm hồn thi nhân. Con người cảm thấy lạnh, rợn ngợp và cô đơn: “Mãn địa phồn thanh văn dạ vũ. Nhất sàng cô muộn địch xuân hàn”
(Đêm nghe tiếng mưa sầm sập khắp mặt đất. Trên một chiếc giường, nỗi buồn đơn côi chọi lại cái rét đêm xuân – Ngẫu thư công quán bích II).
Trên những con đường mà thi nhân đi qua, có những nơi xương chất thành núi, rồi cả những nơi con người đang nằm dài chờ chết bên vệ đường. Âm khí của những nơi này làm gia tăng thêm sự ảm đạm, thê lương, lạnh lẽo. Cái lạnh của trời đất, cái lạnh của tình người, cái lạnh của sự chết chóc, tàn phai… bao nhiêu cái lạnh cứ dồn dập đến. Là con người nhạy cảm, thi nhân đã thu hết những tín hiệu đó vào mình để trăn trở, để suy nghĩ, để yêu thương nên có lúc thi nhân cứ ngỡ mình là tâm điểm, cái lạnh cứ dồn hết vào một người:
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu. (Dạ hành)
(Gió lạnh trên con đường xưa dồn cả vào một người. Đêm đen tối, lúc này là lúc nào, mãi không thấy sáng)
Đọc hai câu thơ này, Nguyễn Huệ Chi cho rằng: “Hình tượng một con người đi
trong bóng đêm dày đặc, hãi hùng, bị gió lạnh dồn cả vào mình, và cứ mong cho chóng sáng mà không thấy sáng, thật đã phản ánh đúng cái cảm nghĩ chua xót của
Nguyễn Du về sự mất phương hướng. Đấy không những là hình ảnh tự họa chính xác nhất của nhà thơ mà mà còn là hình ảnh có một ý nghĩa xã hội rộng lớn: tấn bi kịch lịch sử của chế độ phong kiến ở giai đoạn cực kì thối nát, tan rữa” [4; 146]. Lê Thu Yến cũng nhận xét rất hay rằng: “Tâm sự ngập tràn mà không có chỗ để trút cạn thì nỗi đau cứ dồn ứ, cái lạnh cứ cắt buốt và con người mãi nằm trong trạng thái tái tê triền miên” [58; 166].
Con người đã muôn phần lạnh lẽo vì hiện thực cuộc sống quá khắc nghiệt, cái lạnh từ trong tâm, đã thế thiên nhiên còn không chiều lòng người, cứ hắt xuống những cơn lạnh tái tê khiến cái lạnh muôn phần dữ dội cứ ập vào người.
Con người giàu lòng yêu thương luôn ý thức về sự cô đơn, ý thức về những diễn biến xung quanh mình để lo lắng, quan sát, chiêm nghiệm về lẽ đời.