Thơ phản ánh cuộc sống qua những rung động của tình cảm. Ngôn ngữ thơ không bao giờ là ngôn ngữ khách quan của tác phẩm. Lời thơ thường là lời đánh giá, trực tiếp thể hiện một quan hệ của chủ thể đối với cuộc đời. Chính vì thế, sự lựa chọn từ ngữ trong thơ bao giờ cũng nhằm làm cho nội dung cảm xúc, thái độ đánh giá, sự đồng cảm hoặc phê phán của chủ thể trở nên nổi bật.
Về mảng thơ chữ Hán Nguyễn Du, xét riêng về phương diện ngôn ngữ nghệ thuật, Bùi Mạnh Nhị nhận xét rằng: “Ngôn ngữ Nguyễn Du là tấm gương phản chiếu về con người nhà thơ, giúp đương thời và hậu thế hiểu sâu hơn hồn thơ và tầm vóc tư tưởng, nghệ thuật của Nguyễn Du. Người nghệ sĩ vĩ đại của ngôn từ đã khai thác kì diệu những phép thần thông của ngôn ngữ Trung Hoa... Ngôn ngữ thơ chữ Hán Nguyễn Du đã vượt xa thời đại của ông, xứng đáng là bậc thầy nghìn đời”
[58; 9]. Đúng như lời nhận định trên, ngôn ngữ thơ Nguyễn Du đã vượt xa thời đại của ông. Điều này đã được Lê Thu Yến trình bày trong chuyên luận “Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du”, tác giả cho rằng ngôn ngữ thơ chữ Hán Nguyễn Du vừa mang nét chung của ngôn ngữ nghệ thuật trung đại phương Đông, vừa có những nét gần gũi với ngôn ngữ của văn học hiện thực, văn học lãng mạn sau này.
Người viết sẽ tìm hiểu ngôn ngữ nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du trên hai phương diện: từ ngữ và câu thơ trong đó từ ngữ gồm có từ biểu cảm và từ tự xưng, câu thơ gồm câu nghi vấn, câu trần thuật và câu cảm thán.
3.1.1. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ
3.1.1.1. Từ biểu cảm
Thơ là tiếng nói từ tình cảm, cảm xúc của thi nhân. Lời thơ được viết ra chính là những điều trăn trở mà thi nhân muốn gửi gắm. Đó là những cảm xúc yêu, thương, buồn, giận, ghét, hờn, tự hào, nuối tiếc… Mỗi tác giả đều có một phong cách thơ khác nhau nên cách chuyển tải cảm xúc cũng khác nhau. Có người thể hiện cảm xúc căm phẫn của mình một cách mãnh liệt trong việc phê phán những cái ác, cái xấu. Có người cũng thể hiện cái cảm xúc đó nhưng nhẹ nhàng, kín đáo hơn. Có người hạnh phúc với khoảng thời gian hiện tại nhưng có người lại hướng về quá khứ, nuối tiếc dĩ vãng. Trong một bài thơ, tác giả cũng thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc đan xen.
Nguyễn Du là một con người luôn đau đời và lo cho đời. Từ cuộc đời ngổn ngang những đau khổ, những tâm sự của bản thân đến với những số phận bất hạnh của con người trong xã hội, Nguyễn đã vận vào thơ mình nhiều trạng thái cảm xúc: yêu thương những con người có số phận long đong; căm phẫn trước hành động của những con người bạc ác; lo âu, thấp thỏm trước thiên nhiên hung dữ; ưu tư trăn trở trước nhân tình thế thái; nuối tiếc, hoài niệm về một thời tươi đẹp trong quá khứ; đau buồn trước tình cảnh ở hiện tại không có gì sáng sủa… Ông gửi tất cả nỗi lòng mình vào trong thơ.
Từ ngữ trong thơ chữ Hán được tác giả sử dụng rất súc tích, ngắn gọn, cô đọng và giàu ý nghĩa. Có thể nói mỗi từ mà tác giả sử dụng đều rất đa dạng, giàu sắc thái biểu cảm, biểu lộ được tâm trạng của mình. Từ ngữ diễn đạt cảm xúc trong thơ chữ Hán rất nhiều, cả những từ thiên về cảm hứng trước vũ trụ lẫn những từ thể hiện cảm xúc trước cuộc đời, trước những thực tế mắt thấy tai nghe và cả những nỗi niềm của bản thân riêng chung. Có thể thấy trong thơ chữ Hán Nguyễn Du, dày đặc những từ ngữ biểu lộ ý thương xót, tiếc nuối, nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi cô đơn như: “liên” “tích”, “ức”, “tư”, “hoài”, “bi”, “sầu”, “trù trướng”, “ưu”… Những từ này bản thân nó đã mang nhiều sắc thái biểu cảm được tác giả vận vào bài thơ cùng với những chữ khác tạo nên những dòng thơ cô đọng, súc tích nhưng sâu lắng ý nghĩa.
Có thể thấy, Nguyễn sử dụng từ biểu cảm rất linh hoạt và phong phú. Để biểu lộ ý thương xót, tiếc nuối, ông dùng các từ liên, tích…
Mỗi liên cố thái duy cuồng tại (Từ Châu đạo trung)
(Thường nghĩ thương cho tính cũ của mình vẫn còn cuồng phóng)
Khả tích Hồng Sơn thuộc vãn tiếu (Ngẫu hứng)
(Đáng tiếc cho Hồng Sơn thuộc về ông tiều hái củi chiều hôm) Nỗi buồn được nói bằng những từ bi, sầu, trù trướng, u hoài…
Bách chủng u hoài vị nhất sư (Bát muộn)
(Trăm nỗi u hoài chưa một lần được giải thoát) Vô ná cố hương sầu (Tái du Tam điệp sơn)
(Nỗi sầu cố hương biết tính sao đây?)
Nỗi nhớ thường được diễn tả bằng những từ ức, tư, hoài:
Biệt hậu quan sơn tư đệ muội (Minh Giang chu phát)
(Sau khi chia tay trên bước đường quan san nhớ đến em trai, em gái) Ức tích ngô ông tạ lão thì (Giang Đình hữu cảm)
(Nhớ khi xưa cha ta từ tạ vì già mà về hưu)
Chất sầu bi trong thơ Nguyễn Du chính do những từ mang chức năng biểu cảm này tạo nên. Đó hầu hết là những từ cho thấy những vận động hướng nội của thi nhân. Thương, buồn, sầu, nhớ… ẩn sâu trong lòng người, âm ỉ cháy nhưng nhức nhối khôn tả! Lời thơ chứa chất ưu tư với bao cung bậc sầu bi…
Lớp từ biểu cảm đã cho chúng ta thấy và hiểu rõ hơn một Nguyễn Du đau đời, thương đời và lo cho đời với tấm lòng bao la, rộng lớn trong cuộc hành trình “đi tìm mình”.
3.1.1.2. Từ tự xưng
Thế kỉ XVIII – XIX với nhiều chuyển biến lịch sử, kinh tế, chính trị, nhất là về mặt tư tưởng, văn hóa đã thúc đẩy những chuyển biến lớn lao trong văn học. Thơ văn của những nhà thơ, nhà văn trong giai đoạn này là những lời than vãn về “chí nam nhi”,về “hùng tâm, sinh kế”, là tiếng nói đấu tranh đòi quyền sống, hạnh phúc, quyền được tôn trọng. Họ bắt đầu hướng về cá nhân mình, hướng về những gì thuộc
mình. Tất cả những gì trước đây được coi là quy phạm, cao nhã trong văn học phong kiến đều bị phá vỡ. Đặc biệt, văn học giai đoạn này đánh dấu sự trỗi dậy mạnh mẽ của con người cá nhân. Đó là sự khám phá mới mẻ về con người. Đúng như Trần Đình Sử nhận định: “Nét đặc trưng về quan niệm con người trong thơ trữ tình trong giai đoạn này là nhu cầu tự nhiên của con người được khẳng định, chữ thân, chữ tài, chữ tình trở thành khái niệm để con người tự ý thức về mình” [37]. Con người là một thực thể sống động, phải có cuộc sống riêng tư, cần được phát huy năng lực và được thỏa mãn những nhu cầu chính đáng. Các tác giả giai đoạn này thường hay nói đến chữ “thân”, chữ “mình” hay đưa đích danh mình vào thơ. Nguyễn Gia Thiều để người cung nữ trong tác phẩm Cung oán ngâmbật lên câu hỏi cho chính thân phận mình:
“Vì đâu nên nỗi dở dang?
Nghĩ mình mình lại nên thương nỗi mình!”
Hay như nàng thơ Hồ Xuân Hương, không ngần ngại gì nữa, đưa đích danh mình vào thơ:
Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
Này của Xuân Hương mới quện rồi.
(Mời trầu)
Hướng về những nghĩ suy, cảm xúc của bản thân nhà thơ, thơ chữ Hán Nguyễn Du có sự xuất hiện cảm hứng về con người cá nhân - cái tôi với tư cách là một nhân vật trữ tình. Nguyễn Du luôn có xu hướng bộc lộ mình, muốn được khẳng định như một thực thể tồn tại rõ rệt. Do đó, hàng loạt từ biểu hiện cái tôixuất hiện trong thơ ông. Sau khi khảo sát 250 bài thơ chữ Hán Nguyễn Du, Lê Thu Yến thống kê có đến 269 lần Nguyễn Du dùng từ tự xưng. Lớp từ tự xưng trong thơ Nguyễn rất đa dạng như ngã, ngô, thân, nhân, khách, du khách, hành nhân, Tố Như, chủ nhân, tráng sĩ…
Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ (Mi trung mạn hứng) (Ta có tấc lòng không biết nói cùng ai)
(Còn ta, ta cũng vui với lũ hươu nai của ta)
Nguyễn Du luôn ý thức về cái tôi bản ngã của mình. Thế nên, ông hay nói về chính mình, về bản thân, về mối quan hệ của mình trong xã hội và trong trời đất. Đó là những khát vọng, hoài bão, ước muốn, suy tư, trăn trở, đau khổ, thất vọng… Lớp từ tự xưng thể hiện rõ con người cá nhân qua những lời đối thoại mang tính tự sự, những lời độc thoại nội tâm. Điều này rất gần với cái tôi cá nhân của con người hiện đại trong thơ văn sau này. Nguyễn đã độc thoại với chính mình trong nỗi cô đơn, ngẫm nghĩ, suy tư; Nguyễn cũng đã đối thoại với con người trong niềm cảm thông, chia sẻ. Cái bản ngã của ông được thể hiện phong phú, đa dạng, nhiều chiều.
Với Nguyễn, cái quý giá nhất của con người chính là “thân”: “Đục trong thân
cũng là thân” (Truyện Kiều). Nguyễn đã nhìn nhận giá trị của con người ở chính
bản thân con người chứ không dựa vào những quy phạm cứng nhắc của Nho giáo để đánh giá. Nguyễn đã hướng đến một xã hội không có áp bức bóc lột, không phân biệt, thiên kiến trong việc nhìn nhận giá trị của con người:
“Thịt da ai cũng là người
Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau”
(Truyện Kiều)
Thơ chữ Hán nói nhiều đến “thân”, cái thân bất lực giữa cuộc đời, cái thân tủi, buồn, cô đơn, lạc lõng, cái thân lo đời… Từ “thân” xuất hiện với tần số cao diễn đạt cảm hứng bi thiết về bản thân nhà thơ:
Nhất thân ngọa bệnh đế thành đông (Ngẫu đề)
(Một thân nằm bệnh ở phía đông đế thành)
Tha hương thân thế thác phù vân (Thu nhật ký hứng)
(Thân thế nơi đất khách gửi đám mây nổi)
Thân là sức sống căng tràn, khát khao được cống hiến tài năng của mình cho đời, là niềm vui, nỗi buồn, sự đau xót, tủi nhục, đắng cay khi bị con người và cuộc đời chà đạp, hủy diệt.
Cái thân con người là tài sản vô giá nhất. Nguyễn Du đã “nhận chân” được chân lý ấy để làm nên giá trị nhân văn trong sáng tác của mình. Điều đó cũng lý giải phần
nào Nguyễn Du luôn yêu thương, đồng cảm và hướng về con người trên đường đi sứ. Càng quý trọng bản thân con người bao nhiêu, ông càng đau xót khi chứng kiến thân thể con người đang có nguy cơ bị chà đạp và hủy diệt bấy nhiêu. Mấy mẹ con người ăn xin nằm chờ chết bên ngòi rãnh, ông già mù hát rong với cái dáng liêu xiêu chỉ chực ngã nhào bất cứ lúc nào, những người chạy loạn trong đói rét… tất cả họ đều để lại trong lòng nhà thơ niềm cảm thương và đau xót tột cùng. Ông buồn thương cho tấm thân của Đỗ Phủ phải gửi nơi đất khách, đau lòng trước thân thể của Khuất Nguyên phải nằm lại ở dòng Mịch La, đau đớn vì chàng tráng sĩ Kinh Kha một đi không trở lại…
Đóng góp của Nguyễn Du không chỉ ở những điều trông thấy mà còn là nỗi đau tột cùng trước cảnh bể dâu của cuộc đời, bằng một tấm lòng với tình đời thiết tha, nhà thơ đã bộc lộ điều phẫn nộ của mình trước cuộc đời. Tuy chưa có điều kiện để đạp đổ, phản kháng như các nghệ sĩ Phục hưng phương Tây nhưng Nguyễn Du đã dang rộng đôi tay đón lấy những mảnh đời đau khổ, an ủi, vỗ về, nâng niu chân giá trị của họ bằng một trái tim dạt dào tình thương yêu đồng loại: “Đục trong thân cũng là thân” (Truyện Kiều).
Qua việc tìm hiểu những từ ngữ có tần số xuất hiện cao trong thơ chữ Hán, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về Nguyễn Du và tâm trạng của ông. Nguyễn Du là người luôn lo cho đời, đau đời và nặng nợ đời nên mối sầu tư chất chứa trong ông không thể nào vơi đi được. Những từ ngữ thường gặp trong thơ chữ Hán của ông là những từ mang ý nghĩa của niềm sầu, nhớ tiếc chứ không phải là những từ ngữ chuyển tải niềm vui vì bản thân thi nhân vốn là một con người hay sầu mộng, hay âu lo, trăn trở và hay đau đớn với nỗi đau của bản thân và nhân tình thế thái. Qua hệ thống từ ngữ, ta cũng thấy rằng thơ chữ Hán Nguyễn Du mang đậm nét con người cá nhân của thời đại. Mặc dù sự khẳng định mình chưa mạnh mẽ như con người của thế kỉ XX nhưng Nguyễn Du đã phần nào bứt phá ra khỏi con người của vũ trụ, của cộng đồng để khẳng định mình giữa xã hội. Con người cá nhân với những đau buồn, lo âu, sợ hãi, trằn trọc… từ những vấn đề lớn lao đến những vấn đề vặt vãnh thường nhật. Những nét tính cách, những nét đẹp của con người cá nhân đó rất giống với
con người hiện đại. Con người gần gũi và đời thường hơn bao giờ hết chứ không còn là những con người của đạo đức phong kiến chỉ sống một chiều như những giai đoạn trước.
3.1.2. Nghệ thuật sử dụng câu
3.1.2.1. Câu nghi vấn
Câu nghi vấn chiếm số lượng rất nhiều trong thơ chữ Hán. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Du sử dụng nhiều dạng câu này, hơn 115 câu trong tổng số 250 bài thơ. Mỗi một câu hỏi đều chất chứa nhiều tâm sự, day dứt của tác giả.
Là một người lữ khách phiêu dạt khắp nơi, Nguyễn Du luôn đau đáu hướng về quê nhà. Dõi theo cánh chim hồng, khách tha hương gửi niềm nhớ thương mong ngóng về nơi xa, lo âu, day dứt rồi bật lên một câu hỏi xót xa:
Hương tín hà do đạt nhạn biên? (Hàm Đan tức sự)
(Tin tức gởi về quê làm sao đưa đến bên chim nhạn?)
Dẫu xa quê nhưng quê luôn ở trong trái tim đại thi hào, ông hay hoài niệm về quá khứ cũng bởi vì trong quá khứ, ông có nhiều kỉ niệm gắn bó thiết thân với quê hương của mình, trở về với quá khứ là mong ngóng được trở về với quê hương từ trong miền sâu thẳm.
Nguyễn Du là người ý thức rất rõ những bước đi vô tình của thời gian nên có lúc, câu hỏi trong thơ ông vang lên thể hiện niềm tiếc thương, ngậm ngùi cho những cái đã đi qua theo thời gian:
Lang tạ tàn hồng vô mịch xứ? (Dương Phi cố lý)
(Cánh hồng tàn rơi tơi tả biết tìm thấy ở nơi đâu?) Nguyễn Du không hỏi để tìm câu trả lời mà trong thơ Nguyễn, người đọc sẽ tìm thấy câu trả lời đích đáng hơn bao giờ hết. Hiện thực xót xa đã được tác giả phơi bày cụ thể trong thơ để rồi sau đó, thay vì kết luận vấn đề, nhà thơ lại đưa ra một câu hỏi để ngỏ cho người đọc ngẫm nghĩ. Bài “Sở kiến hành”, với một câu hỏi nhức nhối kết thúc bài thơ: “Ai vẽ bức tranh này? Đem dâng lên nhà vua” đã mở ra nơi người đọc một trường liên tưởng sâu sắc. Số phận của người dân sẽ còn đi đến đâu nếu như những bức tranh đời này cứ dày thêm mãi?
Trong Thái Bình mại ca giả, không chỉ là lời tố cáo, nhà thơ còn dẫn ra một trong những nguyên nhân gây khổ cho người dân lao động bằng một câu hỏi: Anh chẳng thấy lệ cung đốn mỗi ngày cho thuyền đi sứ? Thuyền này thuyền nọ đều đầy gạo thịt.
Sự “thừa mứa” của tầng lớp này là nguyên nhân gây ra sự “thiếu hụt” của tầng lớp kia: Hồn không thấy mấy trăm châu ở Hồ Nam đó sao? Chỉ có những người gầy
gò, không ai béo tốt (Phản chiêu hồn). Câu hỏi cũng là câu khẳng định nhằm phơi
bày một sự thật, một lời tố cáo.
Nguyễn Du ca ngợi và kính trọng người hiền tài không chỉ vì họ là người có tài năng kiệt xuất mà quan trọng hơn hết, họ là những người có nhiều đóng góp cho lợi ích của nhân dân và đất nước. Vì vậy, với những thế lực phản nhân văn, trái với lợi ích của nhân dân lao động, Nguyễn hết lời phê phán:
Suốt từ xưa nay gió lạnh thổi vào xương trắng, Tướng nhà Hán lấy gì để được tiếng kì công? (Quỉ môn quan)
Nguyễn đặt câu hỏi nhằm để khẳng định và mỉa mai Mã Viện. Câu hỏi cũng là câu trả lời. Mã Viện có kì công gì khi một đời tung hoành làm hại bao nhiêu người? Tiếp nối mạch phê phán, Nguyễn cũng lật tẩy Tào Tháo bằng một câu hỏi:
Kẻ gian hùng riêng tự có mưu thâm khác trong lòng, Chẳng phải là kêu thương ủy mị như tính khí đàn bà? (Đồng Tước đài)
Nguyễn đã hạ bệ Tào Tháo từ một người oai hùng một cõi xuống một kẻ có tính ủy mị như đàn bà chỉ vì cái hành động đòi cúng tế, dâng thức ăn, tấu ca nhạc sau khi chết. Chưa hết, nhà thơ lại tiếp thêm một câu hỏi nhằm phê phán hành động nhỏ