Giọng tiếc nuối, thương cảm, buồn đau

Một phần của tài liệu nét đẹp nhân văn trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 135)

Cuộc đời Nguyễn Du đã trải qua nhiều phen chìm nổi cùng sự biến thiên của thời cuộc và triều đại. Một con người am tường lịch sử và văn hóa kim cổ như Nguyễn Du thì không thể chỉ sống ở cái ngày hôm nay. Có nhìn về quá khứ, thẩm định lại những giá trị lịch sử thì nhà thơ mới có được cái nhìn thấu suốt. Nguyễn Du không đành lòng dứt bỏ quá khứ nên Nguyễn hay vọng về quá khứ để chiêm nghiệm lại thời cuộc với những gì mình đã đi qua.

Trong thơ chữ Hán, Nguyễn nhắc nhiều đến quá khứ, gửi gắm vào thơ những nỗi niềm trở trăn và tâm sự. Những từ ngữ ngụ ý nói về quá khứ, về cái ngày hôm qua xuất hiện với tần số cao “cổ”, “cựu”, “cố”, “khứ”, “vãng”…

Vị Hoàng giang thượng Vị Hoàng doanh, Lâu cối sâm si tiếp thái thanh

Cổ độ tà dương khan ẩm mã.

(Vị Hoàng doanh)

(Trên sông Vị Hoàng có quân doanh Vị Hoàng

Bên lầu gác những cây cối chạy dài nhấp nhô như liền với trời xanh Trên bến đò xưa, trong bóng chiều, xem ngựa uống nước)

Những dòng thơ khi viết về quá khứ có chất giọng đằm thắm, trầm buồn như mang một dư vị tiếc nuối của chủ thể trữ tình. Với Nguyễn Du, mỗi ngày tháng trôi qua đều để lại những dấu ấn khó phai. Người xưa thường ngoảnh về quá khứ để hoài niệm lại những giá trị đẹp đẽ, chuẩn mực, còn với Nguyễn, cái ngoái nhìn của ông thể hiện rất nhiều tâm tư, không chỉ là để chiêm ngưỡng lại những giá trị, những thành quả của quá khứ mà còn để chiêm nghiệm lại những được mất ở đời, để tổng kết, để đánh giá, thẩm định lại. Và cái ngoái nhìn đó còn thể hiện sự tiếc nuối nhẹ nhàng về một thời tuổi trẻ đã đi qua:

Bạch phát thu phong không tự ta

(Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch)

Khi viết về những số kiếp lầm than bất hạnh, Nguyễn thường không giấu được cái trầm tư lặng lẽ, một nốt lặng thật lâu trong thơ, đó là cái khoảng thời gian bùi ngùi trước người xưa việc cũ. Nguyễn đau xót khi chứng kiến những cảnh sống cơ cực của muôn dân và thơ Nguyễn không thiếu những giọt nước mắt. Giọng thơ có cái gì bùi ngùi, không phải là giọng lả lướt thương hại cho những số kiếp lầm than mà đó là giọng thiết tha đồng cảm với bao người.

Khác với thơ văn đời Trần, âm hưởng chủ đạo và xuyên suốt là giọng thơ tự hào, sảng khoái mang hào khí Đông A, thơ chữ Hán của Nguyễn Du lại mang những âm điệu chủ đạo là thiết tha, thương cảm, xót xa. Có một sự giằng xé, giằng co quyết liệt diễn ra trong từng câu thơ, hơi thơ, có một sự ngập ngừng, một tiếng thở dài não ruột và những giọt nước mắt đắng chát của chủ thể trữ tình ẩn sâu trong từng câu chữ. Có thể nói, tiếng thơ của Nguyễn tiêu biểu cho tâm sự u buồn, bất mãn với hiện thực, thế thái nhân tình và thương xót chung cho tất cả mọi kiếp người lầm than. Từ tiếng thở dài ngao ngán cho cuộc đời và số phận lắm ngang trái éo le của bản thân đến tiếng khóc thổn thương, đau đớn cho những số phận bất hạnh trong đời.

Cảnh hai mẹ con người ăn xin, cảnh ông già mù hát rong hay cảnh anh hái củi giữa trưa hè nắng gắt… tất cả đều để lại trong lòng Nguyễn Du những cảm thương vô hạn. Tuy là một ông quan nhưng Nguyễn lại đứng ở vị thế của một người dân nên mới hiểu hết được những cơ cực mà họ phải gánh chịu để rồi ngoài sự thương cảm, đau xót, Nguyễn còn có sự đồng cảm sâu sắc với họ. Giọng thơ Nguyễn có cái gì uất nghẹn, động thấu vào tận bên trong, lời thơ dạt dào cảm xúc:

Mẫu tử bất túc tuất

Phủ nhi tăng đoạn trường Kỳ thống đại tâm đầu Thiên nhật giai vị hoàng

(Sở kiến hành)

(Mẹ chết không đáng tiếc Vỗ về con mà thêm đứt ruột

Trong lòng đau xót lạ lùng

Mặt trời cũng vì người mà vàng úa)

Qua một khu di tích lịch sử hay một tòa miếu, ngôi đền nào, Nguyễn cũng ngẫm về quá khứ để nghiệm sinh, để trải lòng mình ra với tất cả.

Nhiều bài thơ đề cao những con người tài cao đức cả, tỏ lòng thông cảm với những người trung nghĩa cương trực gặp phải tai ương, thể hiện tình cảm sâu nặng đối với phong cảnh, tình người. Những câu thơ Nguyễn Du viết về Khuất Nguyên trong bài Phản chiêu hồn, khiến người đọc không khỏi se thắt đau đớn, bùi ngùi, cảm thương:

Hồn hề! Hồn hề! hồ bất quy? Đông, tây, nam, bắc vô sở y. Thướng thiên há địa giai bất khả, Yên, Sính thành trung lai hà vi?

(Hồn ơi! Hồn ơi! Sao không về?

Đông tây nam bắc không có nơi nào nương tựa. Lên trời xuống đất đều không được,

Còn trở về thành Yên, thành Sính làm gì?)

Giọng điệu khổ thơ gần với sự ngơ ngác, bàng hoàng. Cả khổ thơ như không có sự nhất quán về giọng điệu. Thiết tha, giục giã, ân cần trong câu một (Hồn hề! Hồn hề! hồ bất quy?) rồi lại rời rạc, hẫng hụt ở ba câu sau. “Sao không về?” là một câu hỏi, một câu hỏi tu từ có tính phủ định, bản thân nó đã là một cách trả lời. Thương thay mảnh hồn lưu lạc của Khuất Nguyên lại càng bơ vơ khi tất cả mọi hướng trở về đều không có chỗ đặt chân. Không gian ba chiều, chiều rộng (đông tây nam bắc), chiều cao (lên trời xuống đất) và chiều hẹp hơn (thành Yên, thành Sính) đều nằm trong mạch phủ định trước một linh hồn cần một chỗ tựa nương. Không gian tuy rộng nhưng lại quá tẹp nhẹp trước một nhân cách cao đẹp như Khuất Nguyên. Bài thơ dồn trọng tâm ở phần cuối: giá trị tổng kết, lòng bi phẫn, nỗi xót thương, niềm uất ức:

Hậu thế nhân nhân giai Thượng quan, Địa địa xứ xứ giai Mịch La.

(Đời sau người đều là Thượng quan,

Mặt đất này đâu đâu cũng là sông Mịch La)

Viết về Đỗ Phủ, Nguyễn Du cũng thương yêu và đồng cảm sâu sắc để rồi nhà thơ phải thốt lên:

Độc bi dị vực ký cô phần (Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ II) (Riêng ta buồn thương cho ông phải gửi nấm mồ cô đơn nơi đất khách)

Giọng thơ thương cảm, buồn đau, động thấu vào bên trong gây uất nghẹn, xót xa cho cả người đọc. Đối với Nguyễn, Đỗ Phủ vừa như một người thầy vừa như một người bạn lớn nên có lúc Nguyễn dành cho Đỗ Phủ những lời thơ như những lời tâm tình, chia sẻ:

Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị, Địa hạ vô linh quỉ bối xi.

(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ I)

(Chứng lắc đầu cũ đã chữa khỏi được chưa? Dưới đất đừng để cho ma quỉ cười mình)

Giọng thơ thân thiết, bình dị như một sự ngang hàng không cần đến sự cầu kì trau chuốt nữa.

Khi viết về những người tài cùng với sự chiêm nghiệm về quá khứ, thơ Nguyễn

Du thể hiện chất giọng thương cảm, buồn đau, xót xa. Ông nghẹn ngào cho những người tài đã phải chịu một đời oan uất và xót xa cho cái tài của con người đã không được trọng dụng xứng đáng. Những suy tư triết lý khái quát của Nguyễn Du tạo cho thơ ông một giọng già dặn, trải đời, giọng của con người đã chịu nhiều phong ba bão táp hay suy tư lo nghĩ, thấu triệt lẽ hanh thông, am tường kim cổ.

Một phần của tài liệu nét đẹp nhân văn trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 135)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)