Không gian không chỉ là nơi để nhà thơ tư duy mà còn là hình thức để thể nghiệm. Nó được quy định bởi chính tâm trạng, trạng thái bên trong của nhà thơ. Qua thơ chữ Hán của Nguyễn Du, có thể thấy cuộc đời Nguyễn Du là những tháng năm sống long đong, mất lòng tin, thậm chí cả tâm trạng hoang mang, vô vọng với rất nhiều những xót xa về thân phận “chân trời góc bể”, “đi khắp chân trời lại đến góc biển”, “mối sầu man mác”, “một nhánh cỏ bồng đứt gốc trước gió
tây”, “người đã đến bước đường cùng”. Nguyễn Du đã từng xót xa cho bản thân
mình “thân thế trăm năm phó mặc cho gió bụi” (Mạn hứng). Đối với những vị đại quan thời đó, họ yên ổn bên gia đình, bên mái ấm và mái nhà sang trọng của mình với những thú vui riêng; còn Nguyễn Du - suốt mười năm gió bụi, hết ăn nhờ ở miền sông lại ngủ ở miền biển, cuộc đời như ngọn cỏ bồng lìa gốc. Trong thơ chữ Hán, chúng ta bắt gặp rất nhiều hình ảnh của những con đường với nhiều gió bụi, mờ mịt. Người lữ khách muốn dừng chân để có thể vui với thú đi săn, được nằm dưới bóng mát của cây thông trong rừng, được làm bạn với hươu nai nhưng nào có được, cuộc đời nhà thơ là chuỗi dài những đau buồn, và cuộc đời đó quá động nên nhà thơ không thể ở yên một chỗ để quay đi phó mặc cho thời cuộc. Suốt “mười
năm gió bụi”, rồi khi ra làm quan cho nhà Nguyễn, trên đường đi sứ, Nguyễn Du
luôn gắn bó với con đường gió bụi, mờ mịt. Người viết thống kê trong ba tập thơ chữ Hán, có 33 lần tác giả nhắc đến hình ảnh “trần - bụi” trong 31 bài, 103 lần nhắc đến hình ảnh “phong - gió” trong 70 bài thơ.
Cao Bá Quát đã nhắc đến không gian đường dài mờ mịt, xa tắp trong hai câu thơ trong bài Sa hành đoản ca và coi nó như là một biểu tượng cho những thử thách và khó khăn mà con người gặp trên đường đời: Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp/ Nam sơn
chi nam ba vạn cấp (Phía Bắc núi Bắc núi muôn trùng/ Phía Nam núi Nam sóng muôn đợt). Cao cũng nói đến con đường dài muôn dặm, xa típ tắp, không biết có điểm dừng làm cho cuộc hành trình của con người thêm nặng nề và vất vả:
Sơn ngoại thanh sơn vạn lý trình Sơn biên dã thảo tống nhân hành
(Đăng Hoành Sơn - Cao Bá Quát) (Ngoài non xanh lại non xanh, đường dài muôn dặm Đám cỏ dại bên chân núi, tiễn đưa người đi)
Không gian này thường xuyên được lặp đi lặp lại trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Có lẽ so với Cao, Nguyễn gắn bó nhiều hơn với con đường gió bụi. Nguyễn đau đớn thay những tâm sự u uất trong lòng mà tự mình lại buộc lấy mình vào trong,
không thể khóc, không thể chia sẻ cùng ai, chỉ nuốt tủi ngậm hờn động thấu vào bên trong. Thế cho nên cái đau khổ của Nguyễn là cái đau khổ lớn, cái đau khổ không lối thoát mà nói như A. Musset “Không gì làm cho chúng ta lớn bằng nỗi đau lớn”.
Đi từ nỗi đau của bản thân đến với nỗi đau của bao người, từ sự xót xa cho thân phận đến với tình yêu thương nhân loại, xuyên suốt mọi thời đại, xóa nhòa mọi ranh giới, Nguyễn Du viết nên những tác phẩm bằng cả trái tim dạt dào yêu thương: “… Lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy,
khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn đứt ruột” (Lời của Mộng
Liên Đường).
Xã hội lúc bấy giờ ngột ngạt, tù túng và đầy bất công, đi đến đâu cũng thấy nhiều cảnh thương tâm. Bụi đường đã bao phủ khắp nơi hay bụi đường cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho những con người vẩn đục, những thế lực xấu xa gây trở ngại rất nhiều cho cuộc hành trình của người lữ khách. Bụi đường cũng che giấu, bưng bít mọi lối đi. Đường bằng phẳng thì ít mà đường gồ ghề thì nhiều như Cao Bá Quát đã từng lên tiếng:
Trường sa trường sa nại cư hà
(Bãi cát dài, bãi cát dài biết tính sao đây
Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều)
Trên con đường mờ mịt, gió bụi đó, trước không gian rộng lớn của bầu trời, của mây nước, Nguyễn Du có dịp phóng hết tầm mắt vào khoảng không rộng lớn, như muốn khám phá tất cả những bí ẩn của vũ trụ. Nhưng khi phóng hết tầm mắt càng cao xa, rộng ra, con đường càng dài, càng típ tắp thì con người lại càng xót xa cho bản thân giữa cõi trời đất: Lục xích phù sinh thiên địa trung (Tấm thân sáu thước sống lênh đênh trong vòng trời đất - Mạn hứng II) vì Cực mục thương tâm hà xứ thị
(Nhìn hết tầm mắt đau lòng không biết là đâu- Tương Đàm điếu Tam lư đại phu I),
Mục đoạn diệt quy hồng (Nhìn hết tầm mắt mất bóng chim hồng - Hà Nam đạo
trung khốc thử). Nếu con người có một điểm đến rõ ràng, có một mục đích cụ thể
cho những dự định trước mắt thì con người sẽ hào hứng và hạnh phúc biết bao khi tiếp cận đích đến nhưng rồi con người trong thơ lúc này đang hoang mang, đang chông chênh về tư tưởng và hẫng hụt về đường đi. Con đường càng xa tắp, càng mờ mịt, con người càng âu lo cho tương lai phía trước, rồi sẽ đi về đâu “Thanh sam tẩu
biến hồng trần lộ (Một chiếc áo xanh đi khắp cõi bụi hồng - Đồng lư lộ thượng dao
kiến Sài Sơn), Lục lục công danh nhất phiến trần (Công danh lận đận mãi trong
đám bụi - An Huy đạo trung). Cùng tâm trạng này, Huy Cận sau này cũng có những dòng thơ sầu buồn trước con đường bế tắc chưa tìm được hướng đi: “Củi một cành khô lạc mấy dòng… Bèo dạt về đâu hàng nối hàng. Mênh mông không một chuyến
đò ngang” (Tràng giang - Huy Cận).
Con người trong thơ có những lúc quay đầu nhìn lại một cách bùi ngùi để kiểm nghiệm lại những gì mình đã đi qua nhưng cái chính con người vẫn luôn hướng về phía trước:
Thương tâm thiên lý nhất hồi thủ (Vũ thắng quan)
(Ngoài nghìn dặm bùi ngùi quay đầu lại)
Hồi đầu dĩ cách vạn trùng nhai (Vọng Quan Âm miếu)
Đường còn nhiều gian nan, con người cứ phải mải miết trên cuộc hành trình, không thể dừng lại ở bất cứ đâu dù rằng tóc trên đầu đã bạc trắng: Ba ba bạch phát
hồng trần lộ (Mái tóc bạc phơ trên đường bụi đỏ - Tổ sơn đạo trung)…
Trên vạn nẻo đường đời, có những đoạn khúc khuỷu quanh co, có những đoạn đường bằng phẳng, có những đoạn chỉ toàn gặp cọp, rắn, hùm, beo và có những đoạn đường sẽ gặp hoa thơm cỏ lạ, nhưng dưới con mắt của Nguyễn, tất cả những con đường đi qua chỉ toàn là bụi đất mờ mịt, phản ánh sự hụt hẫng và âu lo của Nguyễn. Trong thơ của Nguyễn, ta không bắt gặp những cái cười dí dỏm như trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến hay giọng nói hào sảng của Cao Bá Quát và Nguyễn Công Trứ, Nguyễn chỉ âm thầm, lặng lẽ với nỗi đau của mình từng ngày. Nỗi đau đó ngày qua ngày càng chất càng cao. Mười năm gió bụi, phiêu dạt với cảnh nghèo đói, ăn nhờ ở đậu lại ốm đau bệnh tật, đường công danh dang dở, Nguyễn buồn đau và u uất là điều thường thấy. Nhưng khi ra làm quan cho triều Nguyễn, nhiều lần được thăng chức, lẽ ra con người ấy phải vui và hạnh phúc giữa chốn đô hội ấy mới phải nhưng Nguyễn lại càng đau đớn hơn, trăn trở nhiều hơn. Trên đường đi sứ, Nguyễn uất nghẹn xiết bao với những điều trông thấy, những cảnh đời oan trái, những người đói khổ dọc đường và những bức tranh tương phản đớn đau. Mỗi lần nhà thơ gặp cảnh đau lòng là mỗi lần thêm trăn trở về kiếp nhân sinh.
Dù Đường trần đầy gió bụi biết bao nhơ đục và mặc dù Thân thế trăm năm phó
mặc cho gió bụi nhưng thi nhân mừng vì không phải nhuốm bụi và mừng vì Nơi
hàng vạn núi sâu, cách tuyệt gió bụi. Bản thân thi nhân cũng Không cho bụi bặm
lẫn vào hồn trong trẻo. Con người có một lập trường vững vàng, luôn biết giữ mình
trước bao cám dỗ của cuộc đời. Gió bụi chỉ có thể làm chậm bước chân chứ không thể cản ngăn được người lữ khách thôi hướng về phía trước để khắc khoải với cõi nhân sinh, thế sự, cuộc đời. Bước đi trên con đường đời đầy bụi nhưng thi nhân vẫn không để cho tâm hồn mình nhuốm bụi trần, luôn đấu tranh để giữ mình. Hoàn cảnh không thể làm lung lạc được ý chí và cái khát khao luôn hướng đến chân – thiện – mỹ của con người. Con người luôn biết đấu tranh cho những giá trị tốt đẹp và gạt bỏ
những cái xấu, không để nó ảnh hưởng đến bản thân mình. Tinh thần đấu tranh này mang đậm chất nhân văn và tinh thần nhân văn từ trong chính bản thân con người.