Không gian tù túng, ngột ngạt

Một phần của tài liệu nét đẹp nhân văn trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 106)

Trước thiên nhiên rộng lớn của đất trời, các nhà thơ trung đại mong muốn được hòa mình với thiên nhiên, với vũ trụ như con sông nhỏ tìm về với đại dương rộng lớn:

Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh,

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.

(Ngôn hoài - Không Lộ thiền sư) (Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời)

Không giống như Không Lộ thiền sư đăng cao là để gửi nỗi niềm vào thiên nhiên, để có thể hòa mình cùng thiên nhiên cao rộng của vũ trụ, Nguyễn Du đăng cao là để phóng tầm mắt khám phá được không gian rộng lớn của vũ trụ, để trông về cố hương và trăn trở cho số phận con người:

Vãng sự truyền tam túy Cố hương không nhất nhai

Tây phong ỷ cô hạm,

Hồng nhạn hữu dư ai!

(Ba lần say truyền lại Góc trời đâu cố hương Gió tây tựa song vắng Hồng nhạn kêu thêm buồn)

Nhà nào cũng có những cánh cửa, cửa lớn là lối đi, là nơi tương thông với thế giới bên ngoài, giao lưu với con người, còn cửa sổ nhỏ là để tăng thêm sự thoáng mát cho căn nhà, cho căn phòng. Trời nóng hay trời lạnh, người ta đều mở cửa cho thoáng khí để giao hòa với thiên nhiên bên ngoài. Căn nhà sẽ trông thoáng đãng hơn. Trần Nhân Tông, sau một đêm say giấc, hành động đầu tiên trong ngày là Ngủ

dậy tung song cửa. Nào hay xuân đã sang (Buổi sớm mùa xuân) nhưng Nguyễn Du

thì lại khác, nói như Lê Thu Yến: “Nguyễn Du cũng viết về cánh cửa nhưng cánh

cửa của ông thường ở trạng thái đóng, ít khi ở trạng thái mở” [58; 145]. Thật vậy,

trong thơ chữ Hán, cái khoảnh khắc mở cửa rất ít, hầu như lúc nào thi nhân cũng đóng cửa:

Bế môn tạ tri giao (Ngẫu thư công quán bích I)

(Đóng cửa tạ từ không tiếp bạn quen)

Thâm đường tiểu tiểu há liêm lung (Ngẫu đề)

(Nhà sâu thẳm lặng lẽ buông rèm xuống)

Để rồi sau những lần lặng lẽ buông rèm xuống đó, thi nhân lại nằm rên than vì bệnh tật, vì nhân tình thế thái:

Sài phi dạ tĩnh bế thân ngâm (Ngọa bệnh II)

(Cửa sài đóng kín trong đêm vắng nằm rên than)

So với vũ trụ, căn nhà chiếm một khoảng không gian quá nhỏ, có cánh cửa để mở ra với vũ trụ nhưng chủ nhân lại đóng cửa thì căn nhà càng thêm âm u, chật chội, tù túng và ngột ngạt hơn nữa. Có khi thi nhân đưa ra một lý do:

Hoạn khí kinh thời hộ bất khai (Xuân nhật ngẫu hứng)

(Lâu nay khí trời xấu không mở cửa)

Căn nhà đã chật chội, tù túng lại thêm sự lạnh lẽo của bếp tro tàn, cho thấy trong cái không gian tù túng đó còn hiện lên cả cái nghèo, hiu quạnh:

Phế táo tụ hà ma

Thâm đường xuất khâu dận (Bất mị)

(Cóc nhái nhóm quanh bếp vắng Giun từ góc nhà bò ra)

Con người có lẽ rất muốn ra với đất trời, rất muốn nhìn được trọn ánh trăng sáng chứ không chỉ nhìn le lói bên cửa sổ, muốn có được một không gian thoáng đãng, yên bình để dưỡng tâm, dưỡng bệnh. Không gian bên ngoài có rộng lớn nhưng trong mắt thi nhân, nó lại càng tù túng, ngột ngạt và bức bối hơn bao giờ hết với những con đường heo hút gió bụi, những cảnh đời lầm than cùng những tiếng oán sầu vọng khắp. Nguyễn Du đã mang trong mình cái tâm bệnh mà xã hội bên ngoài là những bức tranh tương phản, quan lớn thì mâm đầy ngút, người nghèo thì vàng võ

nửa ngày bụng vẫn không(Sở kiến hành) … tất cả như càng khắc sâu hơn vào bệnh

tình của Nguyễn Du “nhiều bệnh nhiều sầu tâm thần không được thư thái(Ngọa

bệnh I). Không gian trong thơ Nguyễn dù là không gian có mái che (chữ dùng của

Lê Thu Yến) hay không gian rộng lớn bên ngoài thì nó vẫn toát lên cái không khí ngột ngạt, bế tắc và lạnh lẽo. Thời đại Nguyễn Du, số phận của con người đang bị đe dọa nghiêm trọng, nạn đói diễn ra khắp nơi... Một con người luôn lo đời và đau đời như Nguyễn làm sao có thể tìm thấy chút ấm nóng của niềm vui trong cái không gian ngột ngạt bao trùm xã hội lúc bấy giờ? Dù hiện thực cuộc sống có ảm đạm và u tối nhưng Nguyễn vẫn luôn thu hết mọi tín hiệu vào mình để âu lo và trăn trở. Thêm một cảnh tượng đau lòng chứng kiến trên đường đi là thêm một nỗi đau khắc vào trái tim của đại thi hào.

Không gian trong thơ chữ Hán chủ yếu là không gian mờ mịt, gió bụi, lạnh lẽo, ảm đạm, tù túng, ngột ngạt… Đó không phải là không gian chỉ riêng Nguyễn Du sống mà còn là mái nhà chung cho tất cả mọi người cùng thời đại. Nó cũng phản ánh những bế tắc, ngột ngạt của con người giữa xã hội lúc bấy giờ. Không gian tù túng, lạnh lẽo mà cảnh vật cũng u ám, thê lương… tất cả dường như cuộn xoáy và bao phủ lấy khiến con người cảm thấy bức bối và khó chịu. Nguyễn Du thương cảm cho bản thân mình cũng là thương cảm cho con người vì hằng ngày họ phải sinh

sống trong không gian lạnh lẽo, u ám đó. Nguyễn càng đau đời, càng thương con người bao nhiêu thì lại càng muốn phủ định không gian ấy để họ bớt đi những thương đau bấy nhiêu. Qua hình tượng không gian, ta hiểu thêm về nét đẹp nhân văn thể hiện qua thơ chữ Hán, đó là nét đẹp của một con người luôn muốn phủ định những gì gây cản trở, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của muôn dân để luôn hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho họ.

Một phần của tài liệu nét đẹp nhân văn trong thơ chữ hán nguyễn du (Trang 106)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(157 trang)