An toàn bệnh nhân ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia
Năm 2002, các quốc gia thành viên của WHO đã nhất trí thông qua một Nghị quyết của Hội đồng Y tế Thế giới về an toàn bệnh nhân công nhận bằng chứng thuyết phục về sự cần thiết phải giảm thiểu tổn hại và đau đớn cho bệnh nhân và gia đình họ, và những lợi ích kinh tế của việc cải thiện an toàn bệnh nhân. Mức độ tổn hại mà chăm sóc y tế gây ra cho người bệnh đã được làm rõ nhờ việc công bố nghiên cứu từ một số quốc gia trong đó có Australia, Ca-na-đa, Đan Mạch, New Zealand, Vương quốcAnh (UK) và Hoa Kỳ (USA). An toàn bệnh nhân là mối quan ngại quốc tế và một thực tế được công nhận rộng
rãi là các biến cố bất lợi đã không được báo cáo
đầy đủ. Trong khi đa số nghiên cứu về an toàn
bệnh nhân đều được tiến hành ở Australia, Vương
quốc Anh và Hoa Kỳ và một số quốc gia châu Âu, những người ủng hộ vấn đề an toàn bệnh nhân muốn thấy an toàn bệnh nhân được áp dụng ở tất cả các quốc gia trên thế giới, chứ không chỉ ở những nước có nguồn lực để tiến hành nghiên cứu và công bố sáng kiến an toàn bệnh nhân của họ. Mục tiêu quốc tế hóa vấn đề an toàn bệnh nhân này đòi hỏi những cách tiếp cận mới mẻ đối với giáo dục về an toàn bệnh nhân cho các bác sĩ và nhân viên y tế tương lai.
Toàn cầu hóa
Phong trào toàn cầu của điều dưỡng, bác sĩ và các nhân viên y tế khác đã mang lại nhiều cơ hội củng cố công tác giáo dục và đào tạo sau đại học về y tế. Sự di biến động của sinh viên và giáo viên, và liên kết giữa các chuyên gia quốc tế về thiết kế chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá, kết hợp với cơ sở đào tạo và môi trường lâm sàng địa phương, đã dẫn đến sự tương đồng về những yếu tố cấu thành chương trình đào tạo y tế tốt [1].
WHO đã ghi nhận có sự thiếu hụt khoảng 4,3 triệu nhân viên chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Hiện tượng ‘chảy máu chất xám’ chuyên gia y tế càng làm khủng hoảng trầm trọng thêm ở các nước đang phát triển. Có
bằng chứng cho thấy là những nước đang phát triển đầu tư vào giáo dục các thế hệ cán bộ y tế tương lai đang phải chứng kiến việc tài sản của mình bị hệ thống y tế của các nước có nền kinh tế đang chuyển đổi hoặc tiên tiến hơn tước đoạt mất khi họ trải qua thời kỳ thiếu lực lượng lao động [2].
Hiện tượng toàn cầu hóa cung ứng chăm sóc sức khỏe đã buộc các nhà giáo dục về chăm sóc sức khỏe phải nhìn nhận những thách thức của công tác chuẩn bị cho tất cả sinh viên của các chuyên ngành y tế như thế nào đó để họ không chỉ sẽ làm việc ở nước mình, mà còn để làm việc ở hệ thống y tế của các quốc gia khác. Harden [3] mô tả một mô hình ba chiều của đào tạo y khoa, phù hợp với toàn bộ nền giáo dục về chăm sóc sức khỏe, trên cơ sở những nhân tố sau:
• sinh viên (địa phương hay quốc tế);
• giáo viên (địa phương hay quốc tế);
• chương trình đào tạo (quốc gia, nhập khẩu hay
quốc tế).
Theo cách tiếp cận truyền thống đối với việc dạy và học về an toàn bệnh nhân, sinh viên và giáo viên địa phương áp dụng chương trình giảng dạy của địa phương. Còn trong mô hình đào tạo sau đại học hoặc đào tạo cho sinh viên quốc tế, sinh viên từ một nước sẽ học theo chương trình đào tạo của một nước khác, do giảng viên của một nước thứ ba xây dựng. Trong mô hình chi nhánh đào tạo của trường y khoa thì sinh viên, thường là người địa phương, được học theo chương trình đào tạo nhập khẩu do cả giáo viên quốc tế và trong nước cùng giảng dạy.
Một đặc điểm thứ hai cần xem xét trong tình huống quốc tế hóa đào tạo về y tế là tính kinh tế của các công nghệ dạy học điện tử đã cho phép có sự liên kết toàn cầu, và người cung cấp nguồn học liệu, người dạy và người học đều không bắt buộc cùng một lúc phải có mặt ở cơ sở đào tạo, ở bệnh viện hoặc ngoài cộng đồng.