- Chữ Hán đã du nhập vào Việt Nam theo phương thức nào?
Chương 3: SO SÁNH NGUYÊN TÁC VÀ BẢN DỊCH THƠ MỘT SỐ BÀI THƠ TRONG
3.2.6. Bài thơ Mộ (Chiều tối)
暮
倦鳥歸林尋宿樹 孤雲慢慢度天空 山村少女磨包粟 包粟磨完爐已訌
Dịch âm Hán - Việt:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ, Cô vân mạn mạn độ thiên không Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc, Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng.
Dịch thơ:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ, Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không; Cô em xóm núi xây ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
(Nam Trân dịch)
Đây là một bài thơ mang đậm phong vị Đường thi. Chất liệu xây dựng nên bài thơ lấy từ thi liệu cổ như: quyện điểu quy lâm, cô vân mạn mạn [7; tr.491]. Chính vì
cái phong vị đường thi ấy cộng thêm cái thần thái rất Hồ Chí Minh, thần thái của một người tù nơi khổ ải nhưng tấm lòng thì rộng mở, sự tự do đến kỳ diệu về mặt tinh thần dù thể xác đang bị gông cùm, đã làm nên một bài thơ có thể nói là đặc sắc. Nhưng cũng chính vì những điều đó lại gây ra khó khăn cho các dịch giả trong việc chuyển tải hết nội dung, ý nghĩa của bài thơ khi dịch. Có thể nói Nam Trân ở bản dịch bài thơ này đã làm khá trọn vẹn vai trò dịch của mình, bản dịch sáng và cũng gần với nguyên tác.
Tuy vậy, chúng ta có thể thấy bài thơ còn một vài chỗ chưa thỏa đáng với nguyên tác. Bài thơ xảy ra hiện tượng dịch mất chữ (thêm chữ).
* Hiện tượng dịch mất chữ (thêm chữ)
Hai câu thơ đầu là hia câu thơ phác họa không gian, thời gian:
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ, Cô vân mạn mạn độ thiên không
Thời gian vào buổi chiều khi cánh chim đã mỏi và quay về chốn rừng xanh, chòm mây cũng đang trôi dạt trên tầng cao của trời chiều. Hai câu thơ tả cảnh mà mở ra một không gian tâm trạng. Cánh chim ở đây là quyện điểu (chim mỏi) và mây ở đây là cô vân (chòm mây lẻ loi), lại thêm sự chia lìa của mây và chim, một ở lại một quay về. Vấn đề nằm ở câu thứ hai, bản dịch đã dịch từ:
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không
Bản dịch đã làm mất đi chữ cô (孤) ở nguyên tác. Cô vân và quyện điểu rõ ràng
là hai cặp đối của câu thứ nhất và thứ hai. Dịch mất đi chữ cô, ít nhiều ảnh hưởng đến mạch thơ, khi hai hình ảnh cánh chim mỏi và chòm mây lẻ loi đang mang lại một phác họa về không gian, thời gian vào buổi chiều đầy mệt mỏi. Câu thơ đã gợi ra một không gian tâm trạng từ không gian của tự nhiên. Người tù đang dùng cặp mắt, tâm hồn của một thi nhân để hiểu cho tự nhiên, cho tạo vật. Dù nhà thơ không chủ ý đề cặp đến bản thân bởi như đã nói hai câu thơ đầu mang đậm phong vị Đường thi, mà thơ cổ thì thường giấu đi cái tôi trữ tình, nhưng hình ảnh thơ không ngăn được độc giả liên tưởng đến thi nhân, người đang chịu cảnh lưu đày. Cánh chim kia có mỏi thì cũng còn có rừng xanh kia mà về, còn chòm mây thì phải làm sao khi một mình ở lại trời cao, người tù kia cũng vậy, điều gì đang chờ ơ phía trước hay cũng chỉ là những gian nhà lao ẩm thấp đầy muỗi và rệp. Đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề là nhà thơ có đang nói đến bản thân hay không ở hai câu thơ này. Rõ ràng câu hai câu thơ này miêu tả ngoại cảnh nhưng là một ngoại cảnh mang đầy tâm trạng, từ cảnh mà ta nghĩ đến người. Hồ Chí Minh là một người tù với một tâm hồn của một bậc vĩ nhân nhưng trước nhất Bác là một nhà thơ, nhà thơ với những cảm xúc rất người. Cảnh kia dẫu không làm người chạnh lòng cho bản thân thì cũng lấy bản thân mà thông cảm cho cảnh vật, cho tạo vật. Bởi những ai có đang trong cảnh khổ, cô đơn mới thấu hết nỗi co đơn của người khác, dù đó là một chòm mây. Chính vì tất cả những điều vừa nói trên mà một chữ cô tuy không lớn nhưng không phải không có tác dụng của nó. Chính nhờ nó mà mới thấy hết cái nhìn đầy tinh tế của thi nhân trước tạo vật.
Thêm vào đó bản dịch cũng bỏ đi từ mạn mạn (慢慢). Đây là một từ láy âm
thường xuất hiện trong thơ Đường. Rõ ràng để dịch sát với nguyên tác với từ mạn mạn là rất khó, tuy vậy từ láy này là có tác dụng cân bằng với hai hình ảnh chim mỏi và chòm mây lẻ loi. Mạn mạn chỉ một sự trôi chậm chậm, lấy cái động để tả cái tĩnh, cái bao la của không gian, không gian mang nhiều nét mệt mỏi nhưng không uể oải, cô đơn nhưng thanh thản. Làm cho câu thơ bớt đi sự nặng nề bên cạnh sự trùng trình của nhịp thơ với những từ cô, quyện, mạn mạn.
Còn ở hai câu thơ cuối:
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng
Dịch thơ:
Cô em xóm núi xây ngô tối Xay hết, lò than đã rực hồng
Bản dịch đã thêm vào một chữ tối trong khi nguyên tác không hề có chữ tối [7; tr.524] nhưng vẫn thể hiện được thời gian đang xoay chuyển vào đêm tối. Khi kết hợp với câu thơ thứ tư với hình ảnh cô em xóm núi xay ngô, cuối thơ là hình ảnh lò than rực hồng cũng đủ để diễn tả thời gian đã vào đêm. Bởi chỉ vào ban đêm, khi trời đã tối mới thấy được sự rực hồng của ánh than cháy. Thêm vào một chữ tối xem như là dịch giả đã hiểu được mạch nguồn cảm xúc của bài thơ nhưng lại làm mất đi vẻ đẹp ý nhị của câu thơ. Bởi thơ tứ tuyệt và đặc biệt là một bài thơ mang phong vị thơ Đường đậm như bài thơ này thì thiên về gợi hơn là tả. Dù thế nào thì tôn trọng cách cảm, cách tả của tác giả vẫn là một điều nên làm.
Cũng ở hai câu thơ cuối, ta thấy như đã nói việc thêm vào chữ tối và cộng thêm nhịp thơ thay đổi ở câu cuối từ 4/3 thành 5/2 trong bản dịch đã làm mất đi một phần ý nghĩa của câu thơ. Nhịp 3 trong nguyên tác ngắn, chấm dứt cho một sự vận động của hình ảnh xoay ngô của cô em xóm núi, chuyển biến, cái bóng tối tràn đến. Không gian như thu hẹp lại bên bếp lửa với một chữ hồng. Chính ở đây nhịp thơ ngắn cùng với
cách gợi từ sự xoay chuyển của thời gian (chứ không phải thêm vào một từ tối) làm
ánh lên một sự ấm áp của cuộc sống thường nhật, giản dị mà rất đỗi bình yên.