0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (79 trang)

Bài thơ Vãn cảnh (Cảnh chiều hôm)

Một phần của tài liệu SO SÁNH NGUYÊN TÁC VÀ BẢN DỊCH THƠ MỘT SỐ BÀI THƠ TRONG TẬP NHẬT KÝ TRONG TÙ CỦA HỒ CHÍ MINH (Trang 69 -69 )

- Chữ Hán đã du nhập vào Việt Nam theo phương thức nào?

Chương 3: SO SÁNH NGUYÊN TÁC VÀ BẢN DỊCH THƠ MỘT SỐ BÀI THƠ TRONG

3.2.10. Bài thơ Vãn cảnh (Cảnh chiều hôm)

晚景 玫瑰花開花又謝 花開花謝兩無情 花香透入籠門裡 向在籠人訴不平 Dịch âm Hán - Việt:

Mai khôi hoa khai hoa hựu tạ, Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình; Hoa hương thấu nhập lung môn lý, Hướng tại lung nhân tố bất bình.

Dịch thơ:

Hoa hồng nở hoa hồng lại rụng, Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình;

Hương hoa bay thấu vào trong ngục, Kể với tù nhân nỗi bất bình.

(Nam Trân dịch)

Đã là người nghệ sỹ thì ai cũng yêu cái đẹp. Vẻ đẹp của thiên nhiên thường mang đến cho thi nhân nhiều cảm xúc. Thế nhưng, có được mấy người có thể cám cảnh mà thốt lên như Bác:

Hương hoa bay thấu vào trong ngục, Kể với tù nhân nỗi bất bình.

Ở đây, cảm xúc ấy của Bác không chỉ là sự xót xa, thương cảm cho một đời hoa, sớm nở chóng tàn trước quy luật nghiệt ngã của tạo hóa mà còn là một tình cảm trân trọng, nâng niu như muốn tái sinh cho đóa hoa ấy. Cánh hoa có thể tàn nhưng hương hoa thì vẫn mãi còn, sự sống kết tinh từ hương thơm mật ngọt. Bông hoa ấy vẫn sống, và sức sống ấy mãnh liệt đến nỗi có thể thấu nhập vào chốn lao tù. Và ở đấy,

loài hoa hữu ý đã có sự tương phùng với người có tình - người tù. Hoàn cảnh ấy, người và hoa như thấu hiểu nhau, chia sẻ cho nhau, cùng thốt lên nỗi bất bình.

Đây là một bài thơ được xem là rất đặc sắc trong tập Nhật ký trong tù và nó cũng được mọi người trong giới tranh luận rất nhiều. Chính vì lẽ đó, để có một cái nhìn hợp tình hợp lí cho những tranh luận, khúc mắc thì trước hết nên đi đến hiểu được cái tinh thần, hoàn cảnh của bài thơ. Bất cứ một lí giải nào thì cũng cần phải căn cứ vào những “bằng chứng” cụ thể ở chính bài thơ.

Ở bài thơ này có xảy ra hiện tượng dịch thoát nghĩa và mất chữ.

* Hiện tượng dịch thoát nghĩa

Đã có rất nhiều ý kiến xoay quanh câu thơ thứ hai của bài thơ:

Hoa khai hoa tạ lưỡng vô tình

Dịch thơ:

Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình

Về mặt câu chữ thì bản dịch thì bản dịch đã dịch sát với nguyên tác nhưng nếu xét lại thì cách dịch ấy có thể dẫn tới nhiều hiểu lầm, tạo ra sự mập mờ về chủ ngữ của

vô tình, ai vô tình ? Có một thời gian nhiều người vẫn cho rằng chính là sự vô tình của

chế độ Quốc dân đảng Trung Quốc vô tình, vùi dập cái đẹp. Sở dĩ có cách lí giải ấy là vì hiểu không đúng chữ nghĩa của bài thơ và thói quen suy diễn theo lối chính trị mọi bài thơ của Hồ Chí Minh (Nguyễn Đăng Mạnh). Điều này gây nên một hậu quả khôn lường, bởi không hiểu đúng câu chữ thì làm sao hiểu hết, sâu cái tâm của nhà thơ. Dù có cố gắng phân tích theo một lối nào đó thì việc làm trước nhất và cần thiết là bám trên câu chữ bài thơ. Nguyên tác bài thơ rõ ràng là ý hoa nở, hoa tàn (hai sự ấy) đều vô tình. Chữ lưỡng (兩) ở nguyên tác đặt sau hai hoạt động hoa nở, hoa tàn thì chỉ một sự

đi liền, một cặp [1; tr.429] và phía sau là từ vô tình, tức là chỉ cả hai cái sự ấy đều vô tình. Câu thơ rất rõ ràng về ý tứ, nhưng khi chữ lưỡng dịch thành cũng thì dẫn đến một sự nghi hoặc. Thông thường trong tiếng Việt dùng từ cũng thì cần một chủ ngữ người cụ thể. Ví dụ như nói: Chơi và học nó cũng đều giỏi hay Đi chơi hay ở nhà An cũng không muốn. Nếu ta bỏ đi chủ ngữ, chỉ còn hoạt động và động từ thì sẽ gây ra một sự

mập mờ. Ở câu thơ này dịch thành Hoa tàn, hoa nở cũng vô tình thì sẽ hướng người đọc nghĩ đến một chủ ngữ nào đó thực hiện một hành động ngôn từ với động từ ngôn hành vô tình. Từ đó dẫn đến nhiều cách hiểu sai lệch.

Ở câu thơ cuối:

Hướng tại lung nhân tố bất bình.

Dịch thơ:

Kể với tù nhân nỗi bất bình

Vấn đề nằm chỗ nguyên tác là tại lung nhân (在 籠 人), người đang ở trong tù

còn bản dịch là tù nhân. Tù nhân có thể là đang ở trong tù hay đang được giải đi nó khác với tại lung nhân. Trong bài thơ Lộ thượng (Trên đường) trong tập có cảnh người tù bị giải đi trên đường:

Mặt dù bị trói chân tay,

Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng; Vui say, ai cấm ta dừng;

Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu.

(Nam Trân dịch)

Hoàn cảnh ấy dù bị trói lại nhưng dẫu sao vẫn được tự do ngắm cảnh, thưởng thức mọi vẻ đẹp trước mắt, còn người tù đang ở trong ngục thì đã mất đi cái tự do ấy. Dịch mất đi từ lung là làm mất đi cái ý vị sâu xa để hiểu một tâm hồn. Bị giam cầm là thế, cách ngăn với bên ngoài là thế nhưng tấm lòng trước thiên nhiên, trước cái đẹp thì vẫn sáng ngời. Bông hoa đang kể với nhà thơ nỗi bất bình trước tạo hóa vô tình hay nhà thơ đang mượn lời hoa kể nỗi bất bình cảnh bị giam cầm vô lý ? [6; tr.330] Người đang trách cho cái cảnh bị mất tự do mà đã phụ một vẻ đẹp của tạo hóa. Hương hoa bay thấu vào trong ngục là đã chí tình với người tù. Cái cảnh mất tự do ấy trong tập thơ không phải đây là lần duy nhất, ở bài Triêu cảnh (Cảnh buổi sớm) có câu:

Chỉ bởi trước lao còn bóng tối, Mặt trời chưa rọi thấu vào trong

(Nam Trân dịch) Hay trong bài Cước áp bài I (Cái cùm):

Mọi người bị nuốt chân bên phải Co duỗi còn chân bên trái thôi

(Nam Trân dịch)

Ý thức về tự do luôn luôn thường trực trong tập thơ này. Bác là một thi nhân với một tâm hồn nghệ sĩ vô cùng phong phú. Mỗi cảnh đẹp thiên nhiên, mỗi khoảnh khắc trong đời sống Người đều muốn thu trọn trong tầm mắt bằng một tấm lòng bao

dung, giàu tình cảm. Chỉ một hương hoa bay vào ngục cũng khiến người thương thay cho một đời hoa sớm nở tối tàn. Và cũng từ ấy bất bình trước cảnh mất tự do. Nếu xem xét bài thơ mà bỏ qua hoàn cảnh, vị trí của người tù khi đôi lúc bỏ đi một vài điểm, cài chữ trong nguyên tác thì sẽ khó có thể hiểu và lí giải cho thấu đáo được.

Một phần của tài liệu SO SÁNH NGUYÊN TÁC VÀ BẢN DỊCH THƠ MỘT SỐ BÀI THƠ TRONG TẬP NHẬT KÝ TRONG TÙ CỦA HỒ CHÍ MINH (Trang 69 -69 )

×