Sơ lược về người Thái ở xã Hạnh Dịch

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 29)

Xã Hạnh Dịch nằm ở phía Tây Bắc huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ Anh. Chính quyền Pháp thuộc đặt tên Hạnh Dịch với ý nghĩa là phục dịch. Xã được chính thức thành lập theo Quyết định số 174/CP của Chính phủ ngày 23/4/1979 (Bùi Ngọc Tam và cộng sự, 2002, tr. 164). Xã Hạnh Dịch ngày nay bao gồm hai mường chính tương ứng với nơi tập trung của hai phân nhóm của người Thái ở Việt Nam. Một phân nhóm tự nhận là Thái Thanh (cũng có tên khác với ý khinh miệt là Thái Nhài) và một phân nhóm tự nhận là Thái Mường (với tên khác hàm nghĩa tiêu cực là Thái Dọ). Trong tiếng Thái, mường có nghĩa là một đơn vị trên bản (làng, thôn), và cũng có nghĩa là huyện, là đất nước. Người Thái Thanh sống tập trung ở vùng cao thuộc mường Đán và một phần thượng nguồn của mường Việc, nay thuộc địa bàn năm bản Hủa Mướng, Na Xai, Coóng, Mứt và Khổm. Người Thái Mường sống ở vùng thấp của mường Việc, ngày nay thuộc sáu bản là Chăm Pụt, Pỏm Om, Pà Cọ, Pà Kỉm, Chạm và Chiếng, tất cả các bản kể trên đều thuộc địa bàn xã Hạnh Dịch. Trong tâm thức người Thái ở địa phương, đặc biệt là người già, thì Mường Đán và Mường Việc nằm trong số hàng trăm mường khác để tạo nên lãnh thổ Quỳ Châu xưa kia của người Thái, mà ngày nay là địa bàn các huyện Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Quế Phong thuộc tỉnh Nghệ An, Việt Nam và huyện Sầm Tớ thuộc Lào (Lô Khánh Xuyên, 2004b; SPERI, 2008d).

Tổ tiên của người Thái ở xã Hạnh Dịch có khởi thủy từ Vân Nam (Trung Quốc), di cư từ khoảng thế kỷ 13 xuống phía Nam đến vùng Mường Thanh thuộc tỉnh Điện Biên và Lai Châu, Tây Bắc Việt Nam ngày nay. Một nhánh người Thái đi sâu hơn về phía Nam đến Thường Xuân (tỉnh Thanh Hóa), một nhánh khác sang Lào và Thái Lan. Sau đó một nhóm người Thái đã đến định cư trên địa bàn tỉnh Nghệ An ngày nay (Lô Khánh Xuyên, 2004b; SPERI, 2008b). Từ đầu thế kỉ 15, người Thái đã đến lập bản mường ở hạ nguồn vùng nghiên cứu theo ông thủ lĩnh Cầm Quí, người có công lớn đánh đuổi giặc Minh và được vua ban thưởng để cai quản vùng đất này (Bùi Ngọc Tam và cộng sự, 2003, trang 21). Nhóm người Thái đầu tiên từ vùng hạ nguồn thuộc huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) đến định cư ở vùng thấp và có nhiều đất bằng của xã Hạnh Dịch và huyện Quế Phong từ khoảng những năm 1830. Nhóm thứ hai từ tỉnh Thanh Hóa và Sầm Tớ thuộc tỉnh Hủa

22

Phăn, Lào đến sống ở vùng núi cao, xa xôi hơn từ những năm 1890 (Lô Khánh Xuyên, 2004a; SPERI, 2008b).

Mường Đán là một vùng thung lũng và núi cao, hiểm trở ở phía tây bắc của xã Hạnh Dịch, tiếp giáp với Lào. Thung lũng này được bao quanh bởi nhiều ngọn núi (Pù Pom Don, Pù Huổi Hoi O, Pù Khau Dau, Pù Gia Phai Pù Cay Cụm) với một hệ thống các con suối (Huổi O, Huổi Na, Huổi Mướng và Huổi Khau Dau), tất cả chảy vào sông Nậm Đán, tạo thành một nhánh của sông Hiếu. Mường Đán được người ngoài xem như là Mường Khổ, vì người ta đã phải rất khó khăn mới đến được vùng xa xôi này. Nhưng cũng có một câu chuyện truyền thuyết lý giải tên Mường Đán một cách hoàn toàn khác:

“Ngày xưa khi có hai bà cháu đang tắm ở trên suối thì người cháu bị ma bắt đi mất. Bà đã chạy theo tìm cháu và cứ kêu mãi: ‘Ta lan đơ, Ta lan đơ’

(nghĩa là trả lại cháu cho tôi!)”. Từ đó người dân lấy tên vùng này là Ta Lan hoặc Mường Lan, nghĩa là Mường ‘trả lại cháu’. Vì người Thái Thanh phát âm chữ ‘đ’ thành chữ ‘l’, nên những người ngoài chính thức lấy tên Mường Đán để chỉ Mường Lán (SPERI, 2008a).

Trước đây Mường Đán đã từng được chia ra thành bốn bản là Na Xai, Hủa Mướng, Cò Vạt và Cò Hiêng. Một già làng cho biết Mường Đán đã được biết đến cách đây hơn 100 năm, từ thời giặc Xá (Khơ Mú) đến chiếm đóng rồi bị đánh đuổi trong khoảng thời gian từ 1899-1906. ‘Mừn Quang’ (ông quan có hàng nghìn lính) và ‘Mừn Pàn’ là những người lãnh đạo đầu tiên ở vùng này. Quân của hai ông rất lớn mạnh sau khi đã chinh phục được nhiều vùng đất đai. Các ông đã có đủ tiền để mua vùng Mường Mun và bán đất Mường Đán cho một ông quan tên là Sầm Văn La. Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông La đã bán đất Mường Đán cho ông Chinh Hương, và ông Hương đã là chủ vùng này khoảng 8 năm trước khi có hàng loạt biến động và đổi thay dưới chế độ mới. Mường Đán đã từng có nhiều biến động do chiến tranh, xung đột nên người dân phải sơ tán, và sau đó là cuộc di dân đến Mường Hin trong những năm 1977-1978. Tuy nhiên do người dân thấy vùng này không phù hợp với tập quán sống, lại thiếu đất, rừng và nhiều khó khăn khác, nên đã quay trở lại Mường Đán và dần dần ổn định cuộc sống ở đây. Hiện nay vùng Mường Đán gồm có hai bản là Na Xai and Hủa Mướng, với tổng số 123 hộ gia đình thuộc 6 dòng họ (Vi, Lô, Ngân, Hà, Quang và Lương) thuộc về nhóm Thái Thanh (SPERI, 2008a).

23

Mường Việc có ý nghĩa là mường lao dịch, khổ. Mường Việc do một Tạo (người đầu tiên đến khai phá và lập ra mường) từ địa bàn xã Tiền Phong đến đây lập ra. Khi đó vùng này được coi là nơi xa xôi, cách trở bên dòng sông Nậm Việc với nhiều thác ghềnh. Người dân xưa chỉ dùng cung tên để bắt cá ở đó, chứ không có lưới như ngày nay. Dưới thời Pháp nhiều người do không chịu được sưu cao thuế nặng nên đã từ vùng xuôi Quỳ Châu đến Mường Việc để sinh sống (SPERI, 2008b). Mặc dù người dân sống rải rác thành các nhóm hộ hoặc bản nhỏ, nhưng họ đã hình thành nên những bản trung tâm với vùng Pù Xưa chung. Pù Xưa là những vùng thiêng để tôn sùng công lao và thờ cúng tổ tiên đã lập ra mường. Hiện nay vẫn còn những di tích Pù Xưa tồn tại ở các bản: Mứt, Pỏm Om và Chiếng. Trước đây người Thái Mường sống ở trong vùng Mường Việc đã phải di chuyển nhiều do chiến tranh và xung đột, tuy vậy họ vẫn có được cuộc sống ổn định hơn so với người Thái Thanh. Không giống như người Thái Thanh, người Thái Mường

không phải di chuyển xuống ở vùng Mường Hin. Khi so sánh với người Thái Thanh, người Thái Mường thường cho rằng mình phát triển hơn do có nhiều cơ hội trao đổi với văn minh đồng bằng.

Sự hình thành và tồn tại của ‘mường’ đã từng là cơ sở chính trị và xã hội truyền thống rất quan trọng đối với người Thái ở Hạnh Dịch và vùng xung quanh (các huyện Quế Phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp ngày nay). Thường có hai người lãnh đạo và quản lý mường, được gọi là ‘Tạo’‘Mo mường’. Câu thành ngữ “E na phai mi mường; E Mường Phài mi tao” có nghĩa là làm ruộng phải có mương, ở

mường phải có Tạo để giữ gìn và quản lý cuộc sống của dân. Nhân vật quan trọng thứ hai là Mo mường, là người chịu trách nhiệm chăm lo cuộc sống tinh thần của toàn bộ dân sống ở mường. Tạo có thể được vua ban thưởng cho một vùng đất và được thừa kế chức vị theo dòng dõi chứ không phải do bầu cử. Tạo là người đầu tiên đến lập ra và tổ chức lễ ‘Lắc Xưa’ để xin thần thánh cho phép dân khai phá ruộng đất canh tác và thu hái sản vật từ rừng (SPERI, 2008a).

Theo truyền thống người Thái ở xã Hạnh Dịch đã cơ bản dựa vào dòng họ để thiết lập ra ‘Bản’. Trưởng bản ngày xưa được gọi là ‘Nậu’, người có trách nhiệm điều hành hoạt động chung của bản và giải quyết, điều hòa các mối quan hệ của dân bản dựa trên phong tục tập quán, tâm lý và tình cảm của dân. Vì vậy mà Nậu

thường là người có uy tín và được dân yêu quý, mặc dù ông không nhất thiết là già làng. Nhân vật quan trọng thứ hai trong bản‘Đăm’, đó là người chăm lo

24

cuộc sống tinh thần của dân bản, đặc biệt là ‘Piềng lầu’ (rừng thiêng). Ngoài ra còn một số người giúp việc cho hai vị lãnh đạo trên để điều hành các hoạt động cộng đồng của bản. Đăm có thể được giao một số ruộng đất để phục vụ công việc chung của bản, thí dụ như làm các lễ ‘Tế sần’ hoặc ‘E khẩu mau’. Từ xưa trong khi không rõ nét vai trò trưởng họ, thì vai trò của Nậu‘Khoán’ (trưởng phường hội) lại là thiết yếu để điều phối và liên kết các hoạt động cộng đồng. Dưới thời phong kiến và thực dân Pháp, thuế đất được tính trên diện tích và độ màu mỡ của đất do ‘Chẩu đỉn’ (chủ đất) nắm giữ. Khoán chịu trách nhiệm đôn đốc và tổ chức thu thuế ở bản (SPERI, 2008a).

Cấu trúc ‘Bản-Mường’ đã từng được quản lý bằng một hệ thống kết hợp giữa luật tục và phép nước. Hệ thống này được phản ảnh qua câu thành ngữ “Hịt ban hịt hương, khoỏng mường khoỏng quang’’, có nghĩa là luật bản là quan trọng, nhưng luật mường quan trọng hơn. “Hịt khoỏng xoỏng chằn” là một câu thành ngữ khác, nghĩa là luật và tục của mường bản là hai lớp lưới sàng lọc, đánh giá và điều chỉnh hành vi của con người. Quan trọng hơn, hệ thống này tạo giúp liên kết giữa đời sống vật chất và tinh thần của dân. Vì thế lãnh đạo truyền thống của mường

thường bao gồm TạoMo mường. Tạo có vai trò giống như ‘Chẩu đỉn’ để quản lý khu vực đất đai được phong cấp, còn Mo mường chăm sóc đời sống tin thần. Bên cạnh đó lãnh đạo mường còn gồm những chức vị khác như ‘Lắm’, ‘Chạ’, và ‘Cai’. Chức năng của từng chức vị được quy định rõ ràng, như: ‘Lắm’ phụ trách đối ngoại; ‘Chạ’ quản lý về kinh tế; và ‘Cai’ chịu trách nhiệm về an ninh. Thêm nữa, trước đây đã từng tồn tại một đơn vị hành chính gọi là ‘Poọng’, mặc dù không quan trọng bằng các đơn vị hành chính khác, nhưng lại là trung gian kết nối giữa cấp mường với cấp bản. Mỗi poọng có thể gồm từ năm đến mười bản. ‘Ông Poọng’ là người quản lý poọng, thông báo và thi hành cách luật lệ mà lãnh đạo

mường gửi về bản. Ông Poọng có quyền dự họp với các lãnh đạo mường để tiếp nhận các chỉ thị và báo cáo kết quả làm việc của mình (SPERI, 2008a).

Cấu trúc chính trị và xã hội truyền thống của cộng đồng người Thái đã dần dần biến đổi với những sự kiện đánh dấu bước ngoặt quyết định thay đổi. Trước thời thống trị của Thực dân Pháp, cấu trúc truyền thống của cộng đồng Thái bao gồm

‘Bản’‘Mường’. Trong khoảng thời gian ngắn dưới thời Pháp và trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cấu trúc này đã biến đổi sang ba cấp hành chính:

25

đồng người Thái đã từng được tự trị lớn hơn, nói cách khác là ít sự kiểm soát của chính quyền trung ương hơn. Giới quí tộc trong cộng đồng đã từng giữ các vị trí xã hội cao nhất để quản lý người dân. Dân thường phải chấp hành luật lệ của tầng lớp trên. Sau khi nắm giữ chắc quyền lực trong tay kể từ những năm 1950, nhà nước hiện đại đã quốc hữu hóa đất đai và chia lại cho người dân. Sau đó các hợp tác xã và các cơ quan nhà nước lấy lại đất đai để quản lý. Trong những năm 1980, do sự giải thể của các hợp tác xã và yếu kém của các lâm trường, một phần nhỏ đất nông nghiệp đã lại một lần nữa được chia cho người dân. Tuy nhiên đất rừng, phần chủ yếu trong đất tự nhiên của địa phương được chuyển cho chính quyền địa phương hoặc giữ chặt trong tay các chủ thể lâm nghiệp quốc doanh. Kể từ những năm 1990, đa phần đất rừng đã được chuyển giao cho các ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý bảo tồn thiên nhiên hoặc chuyển sang tư nhân hóa. Cộng đồng và người dân địa phương chỉ được nhận một phần nhỏ số đất rừng, hoặc họ chỉ có thể tiếp cận rừng nếu có được hợp đồng bảo vệ rừng kí kết với các chủ thể lâm nghiệp nêu trên. Hàng loạt can thiệp và việc người ngoài lấy đất cùng với những cuộc vận động của cộng đồng địa phương và các phi chính phủ để lấy lại và giữ gìn quyền đất rừng cộng đồng sẽ được trình bày chi tiết tại các phần sau.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 29)