Luật và chính sách về đất và rừng ở địa phương (từ năm 1945)

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 45)

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quyền lực của các chủ đất phong kiến ở huyện Quỳ Châu (trong đó có địa bàn Hạnh Dịch ngày nay) vẫn tồn tại cho đến năm 1949. Sau đó có hai Nghị định ban hành vào năm 1949 và 1950 cho phép chia ruộng đất vắng chủ cho nông dân và xóa nợ của người nghèo do vay nặng lãi, theo đó nông dân nghèo đã đấu tranh chống lại địa chủ (Bùi Ngọc Tam và cộng sự, 2002, trang 41). Theo chỉ thị của đảng bộ tỉnh Nghệ An vào tháng 2/1955, cuộc vận động thành lập các tổ đổi công đã được tiến hành (trang 51). Đây là bước tăng cường quyền lực của đảng Cộng sản tại các thôn bản và chuẩn bị cho

38

việc thành lập các hợp tác xã. Sau chỉ thị số156 ngày 25/8/1959 của Trung ương Đảng về cuộc vận động dân chủ ở miền núi, người ta đã tiến hành phong trào giải phóng kẻ hầu người ở và lấy của cải từ những người bị quy là giàu để chia cho các gia đình mới được trả tự do. Phong trào này được gắn kết chặt chẽ với cải cách ruộng đất và thành lập các hợp tác xã (Bùi Ngọc Tam và cộng sự, 2002, trang 58- 59). Một già làng đã kể lại câu chuyện của chính mình: trong cải cách ruộng đất, gia đình ông bị quy là ‘tầng lớp trung trên’, và chỉ thoát khỏi bị xử tội nặng nề khi chấp nhận cho cán bộ cải cách lấy đi hai đồng bạc, 20 gánh lúa và một chum rượu to. Cũng chỉ vì xuất thân trong gia đình như vậy, ông đã không thể trở thành đảng viên cộng sản, một điều kiện tiên quyết cho bất cứ thăng tiến chính trị nào, mặc dù ông đã từng cố gắng hết mình. Một ‘địa chủ giàu’ khác cũng bị tịch thu hai mươi con bò thì mới thoát khỏi tù tội. Đây thực sự là một quá trình phá bỏ nền quản trị truyền thống địa phương và củng cố quyền lực tập trung hóa đối với nguồn nhân lực và đất rừng.

Cùng với cải cách ruộng đất và thành lập hợp tác xã, chính quyền mới tăng cường quản lý hành chính và lãnh thổ. Ở cấp trung ương, quy định về sở hữu là một trong những lực cản đối với quyền đất đai của cộng đồng và tư nhân. Mặc dù hai bản Hiến pháp đầu tiên của miền Bắc Việt Nam vào các năm 1946 và 1959 có thừa nhận sở hữu tư nhân, trong đó có sở hữu ruộng đất, nhưng các bản Hiến pháp Việt Nam sau đó vào các năm 1980, 1992 và 2013 đều không công nhận quyền sở hữu tư nhân đối với ruộng đất, mà khẳng định chế độ “sở hữu toàn dân”; nhưng thực chất là sở hữu của nhà nước đối với đất đai. Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân và nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai (QHVN, 2013). Hơn nữa, Nhà nước có quyền giao đất cho người sử dụng đất. Các quy định thiên vị như vậy trao quá nhiều quyền cho các cơ quan nhà nước trong việc kiểm soát đất đai và các tài nguyên khác bất chấp thực tế các quyền của cộng đồng, hộ gia đình và cá nhân đã từng tồn tại từ lâu đời. Ở cấp địa phương, huyện Quế Phong được thành lập theo Quyết định 52/CP ngày 19/4/1963 của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bùi Ngọc Tam và cộng sự, 2002, trang 12). Xã Hạnh Dịch được thành lập theo Quyết định số 174/CP của Chính phủ ngày 23/4/1979 (tài liệu đã dẫn, trang 164). Tuy nhiên cho đến nay vẫn tồn tại bất cập giữa ranh giới theo truyền thống với việc phân định ranh giới chính thức do việc xây dựng bản đồ theo Chỉ thị 364 năm 1991 dẫn đến việc Hạnh Dịch

39

bị mất 110 ha do phân đất ở thác Sao Va bị cắt sang xã Tiền Phong (Lê Văn Ka và Phạm Thị Lan Anh, 2003). Chi tiết các hệ quả của việc thực hiện các luật và chính sách đất và rừng bởi hợp tác xã, cơ quan lâm nghiệp của nhà nước và tư nhân, và các dự án phát triển sẽ được làm rõ trong các phần sau.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 45)