Thay đổi và điều chỉnh của địa phương

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 56)

Trong những thập kỉ vừa qua niềm tin, phong tục và các nghi lễ truyền thống của cộng đồng địa phương đã thay đổi nhiều do hợp tác xã và các chính sách về văn hóa. Một văn bản do đảng bộ tỉnh Nghệ An ban hành năm 1951 đã mở đầu một cuộc vận động bài trừ mê tín dị đoan (Bùi Ngọc Tam và cộng sự, 2002, trang 46), theo đó tín ngưỡng sắc tộc và các nghi lễ cúng cũng bị ảnh hưởng. Thêm nữa, văn hóa được coi là một trong ba cuộc vận động cách mạng (cách mạng về tư tưởng, về quan hệ sản xuất và về khoa học kĩ thuật), được nhắc tới trong Nghị quyết kỳ họp thứ 24 tháng 9/1975 của Đảng Lao động trước đây (nay là Đảng Cộng sản), và được nhắc lại tại Đại hội 5 của đảng năm 1976. Một số nghi lễ truyền thống của cộng đồng bị coi là lạc hậu và yêu cầu bãi bỏ hoặc giảm tiện, như lễ Tế sần

Tế Mường (cúng thần của bản và Mường). Hợp tác xã cho phép mỗi hộ gia đình chỉ được sử dụng một mảnh nương nhỏ để trồng sắn và dâu để nuôi tằm. Trâu bò phải chuyển vào hợp tác xã để cày kéo, và người dân không có quyền quyết định nuôi và sử dụng đại gia súc. Nuôi lợn thì phải xin phép, đăng ký và chịu sự giám sát của Chủ nhiệm hợp tác xã. Vì thế người dân không thể có lợn hoặc trâu bò để tổ chức các lễ như Tế sần, Lắc xưa và thờ cúng tổ tiên trong Họ pàn tòng (họ trong phạm vi 5 đời). Cộng đồng cũng không có cơ hội để thực hành các phong tục và chuẩn mực trong canh tác nương rẫy, như lễ chọn đất, chọn ngày xuống giống, làm cỏ, và đặc biệt là lễ E khẩu mau (cúng khi thu lúa mới). Nếu có tổ chức lễ hội, thí dụ như E khẩu mau, thì phải gắn với sự kiện của quốc gia, như ngày lễ Quốc khánh. Mặc dù các lễ truyền thống không được tổ chức ở cấp cộng đồng dưới thời hợp tác xã, nhưng người dân đã cố gắng duy trì các lễ ở cấp độ gia đình và dòng họ. Thí dụ, một số gia đình có mời Mo đến làm lễ giải hạn và cầu may, và đồng thời khi làm lễ có cầu xin các vị thần của Sần, Lắc xưa. Theo một người dân bản Na Xai, người Thái Thanh đã cố gắng tổ chức lễ Tế sần trong khoảng thời gian từ 1982 đến 1985 để ổn định bản sau nhiều biến động của thời tái định canh và hợp tác xã. Lễ cuối cùng được tổ chức vào năm 1985, người ta có tế trâu, rồi sau đó không còn tổ chức thêm lễ Tế sần nào nữa bởi vì không có sự thống nhất giữa người dân với lãnh đạo bản, xã và huyện. Người dân muốn duy trì được lễ hội, nhưng một số lãnh đạo địa phương, trên quan điểm của đời sống văn hóa mới, cho rằng lễ theo truyền thống là lạc hậu, tốn kém và cần từ bỏ.

49

Vì sự lấn át của dòng chủ lưu mà các tổ chức truyền thống đã thay đổi và gắn kết nhiều hơn với hệ thống chính thống. Từ cải cách ruộng đất cho đến việc phát triển hợp tác xã lên bậc cao hơn vào những năm 1960, Muột mải, một hình thức liên kết truyền thống của người Thái Thanh không còn vận hành theo các truyền thống vốn có. Vì lao động là do hợp tác xã quản lý hết, nên người dân không thể duy trì các nhóm giúp nhau làm nhà hoặc tổ chức lễ cưới theo truyền thống, trừ việc giúp nhau trong dòng họ để tổ chức lễ Họ pàn tòng còn được duy trì. Theo truyền thống các thành viên trong Họ pàn tòng có chung tổ tiên trong phạm vi 5 đời thì không được kết hôn với nhau. Nhưng những người theo chính sách cách mạng văn hóa và luật pháp chính thống cho rằng phong tục này là ‘lạc hậu’ và cho phép những người trong Họ pàn tòng có thể kết hôn ngoài phạm vi ba đời. Hệ thống hành chính và quyền lực chính trị chính thống càng có thêm ảnh hưởng đến các công việc của cộng đồng khi trưởng bản, bí thư bản và trưởng các đoàn thể quần chúng có vai trò lớn hơn trong việc hướng dẫn và chỉ đạo cả các việc trong gia đình và dòng họ, thí dụ như lễ tang. Những lối sống và sở thích mới, như làm nhà kê với mái ngói thay cho nhà chôn cột với mái tranh cũng đồng thời tạo ra những hình thức Phường hội mới. Trong bối cảnh này, Phường hội Khai thác gỗ giúp nhau chặt gỗ làm nhà và Phường hội Cưa giúp nhau xẻ gỗ là những hình thức mới lập. Một số Phường hội chấp nhận giúp nhau bằng tiền mặt thay cho đổi công lao động là những hình thức quay vòng hỗ trợ nhau để giúp các thành viên làm nhà và tổ chức các việc tốn kém, như đám cưới chẳng hạn. Sự lấn át của các giá trị và tổ chức chủ lưu đối với văn hóa địa phương đã tạo ra nhiều thay đổi và mai một các phong tục địa phương. Một già làng bình luận “Hình như thanh niên bây giờ không còn biết phong tục tập quán, không biết xấu hổ nữa. Ngày xưa khi có người trong họ chết thì anh em trong Họ pàn tòng phải cùng mặc áo lộn trái ra ngoài. Bây giờ chỉ anh em ruột là con người chết mới làm như thế. Thay đổi và làm mất phong tục không phải là tốt. Đáng ra những ai chê phong tục của mình thì người đó mới là lạc hậu”.

Có những yếu tố khác buộc cộng đồng phải thay đổi và điều chỉnh. Người dân và lãnh đạo địa phương không chỉ lo lắng chuyện dân đông thiếu đất, mà còn cả tình trạng di cư đến địa phương và ảnh hưởng của các sắc tộc khác đối với cộng đồng. Một lãnh đạo xã cho rằng vì người dân bản Chiếng không bằng lòng với công nhân cao su và người buôn bán, nên họ không muốn cho những người này nhập

50

hộ khẩu vào đây, và chính quyền xã cần từ chối để đáp ứng nguyện vọng của dân. Người dân đang lo bị mất đất rừng vào tay các cơ quan lâm nghiệp và tương lai thắt chặt quản lý đất đai hơn nữa. Vì phải đối diện với cơ chế thị trường và do những loại hỗ trợ phát triển khác nhau mà người dân không dễ dàng đóng góp vô tư như xưa nay họ vẫn làm. Gần đây nhất, tác giả của Luận văn này đã được chứng kiến một vụ tranh chấp đất thổ cư giữa dân bản với nhau, và họ phải mời chính quyền xã đến giải quyết. Cùng thời gian đó một số dân ở một bản xa xôi đã ngăn con đường đang thi công vào bản và yêu cầu dự án bồi thường đất, nhà và vườn bị di chuyển trước khi tiếp tục thi công con đường qua nhà họ. Trong quá trình phát triển người dân có thể kiếm thêm tiền, nhưng họ không còn được thanh thản và cộng đồng của họ không còn được thanh bình như xưa nữa.

Trước những tác động xã hội và chính trị từ bên ngoài, canh tác truyền thống, việc sử dụng đất rừng và thiết kế cảnh quan truyền thống đã thay đổi. Theo một già làng, người dân đã từng được phép làm nương xa nhà dưới thời hợp tác xã. Vì thế một số người già đã làm chòi và ở ổn định trên nương ở xa bản bởi họ thích cuộc sống tự do gắn với thiên nhiên. Nhằm thu hút thêm lao động cấy lúa nước, có giai đoạn canh tác nương rẫy đã bị cấm. Nhưng khi hợp tác xã tan rã thì người dân phải tìm mọi cách chặt rừng để trồng lúa chỉ nhằm cứu đói (SPERI, 2008d). Vào cuối những năm 1990, do Nhà nước mạnh tay cấm phát nương làm rẫy nên người dân đã bỏ hẳn lúa nương và chỉ còn nguồn thu dựa vào lúa nước, ngô, khoai, sắn trên nương. Thay đổi canh tác đồng thời với những thay đổi về niềm tin và ứng xử với thiên nhiên. Một người dân khẳng định rằng ngày xưa những khu rừng gần nguồn nước đều được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng gần đây người ta có thể chặt phá rừng khắp nơi làm nương tùy ý. Tình hình còn tồi tệ hơn vào năm ngoái, khi một người dân chặt cây và đốt cả vùng Sần (rừng thiêng) chung của hai bản Hủa Mướng và Na Xai. Trước đây khi khai hoang và bắt đầu làm nương thì người ta phải cúng xin thần. Nhưng nay do dân chỉ có lúa nước, không còn canh tác lúa nương rẫy nữa nên họ không còn giữ những lễ cúng trên nương nữa (SPERI, 2008c). Trước đây người ta đã từng dùng trâu giẫm ruộng cả tuần lễ để làm ruộng cấy lúa. Ngày nay người ta chỉ cần hai ngày, dùng máy cày bừa với 10 lít xăng là xong việc. Mặc dù lao động nặng nhọc được giảm bớt, nhưng ngày nay thu hoạch lại không được chắc chắn bởi người dân đã chứng kiến những giống lúa mới, mặc dù cây lá lên tốt nhưng lại chỉ thu được ít thóc lép. Một người dân cho rằng ngày

51

xưa dùng giống lúa bản địa thì thu hoạch ổn định và vẫn đủ ăn, nhưng nay bỏ lúa nương rồi thì dân bản thường bị thiếu gạo ăn từ 4 đến 6 tháng trong một năm. Đối với việc quy hoạch cảnh quan và dùng đất, người dân đã bắt đầu xây mộ được mấy năm trong khi từ xưa họ dùng quả trứng tung lên để xác định nơi chôn cất ở chỗ trứng vỡ cho dù họ có thể chôn cất chồng lên mộ cũ do bị mất hòn đá đánh dấu vị trí của mộ cũ. Thay đổi sang xây mộ lại làm cho dân bản lo lắng về diện tích nghĩa trang cần mở rộng trong tương lai. Năm 1979 lãnh đạo bản Chiếng đã từng ra quyết định khó khăn khi lập ra một nghĩa trang ở gần bờ sông và ở phía Đông của bản bởi họ không thể tìm được nơi nào ở phía Tây của bản theo như yêu cầu của phong tục truyền thống. Có rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh việc điều chỉnh này. Trong khi một số già làng lo lắng và cho rằng sẽ có điều rủi ro, thậm chí thêm người chết nếu lập nghĩa trang trái với phong tục, nhưng vị lãnh đạo bản cho rằng không có vấn đề gì xảy ra sau quyết định của ông. Dầu sao thì cho đến nay bản đã sử dụng nghĩa trang này một cách ổn định. Và một cán bộ SPERI đặt giả thuyết rằng có thể sự điều chỉnh trên của cộng đồng lại chính là một chiến lược của họ nhằm mở rộng diện tích rừng ma (rừng thiêng).

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)