Giao đất giao rừng ở xã Hạnh Dịch năm 2003

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 70)

Thông qua quá trình làm việc và học hỏi từ nhiều cộng đồng khác nhau, TEW và SPERI hiểu rằng việc khẳng định quyền đất đai của cộng đồng cần được đưa lên ưu tiên hàng đầu và là một chiến lược để người dân cải thiện cuộc sống của mình đồng thời với giữ gìn bản sắc văn hóa. Để có thể đạt được quyền về đất và đồng thời nâng cao năng lực của cộng đồng, thì các hoạt động cần có phương pháp tiếp cận phù hợp, như dựa vào luật tục và sự tham gia của người dân địa phương. Cần nói thêm rằng trong giai đoạn đầu của dự án, một số người dân địa phương không mấy mặn mà, thậm chí còn nghi ngại nhận quyền sử dụng đất bởi vì họ không có cơ hội nhận diện ra vấn đề. Cụ thể là khi họ đang khó khăn thì họ có xu hướng chắc ăn, tránh rủi ro vì sợ rằng họ phải có thêm nhiều nghĩa vụ và thuế trên đất có giấy chứng nhận. Bên cạnh đó họ đã chứng kiến một số vụ tranh chấp đất đai và những rắc rối nảy sinh từ đợt giao đất giao rừng lần trước do Nhà nước tiến hành vào năm 1996. Vì vậy để giúp người dân địa phương nhận diện ra những thách thức và rủi ro trong tương lai nếu họ không có quyền sử dụng đất, TEW tiếp cận

63

có chiến lược và dài hạn với việc hỗ trợ giao đất chính thức cho dân và cộng đồng vào năm 2003. Vào tháng 4 năm 2001, các nông dân nòng cốt từ xã Hạnh Dịch đã đi tham quan các mô hình giao đất giao rừng và sử dụng đất, bảo vệ rừng ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An và huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Những người tham gia đã nhận diện rõ vấn đề và thảo luận thêm nhu cầu cần khẳng định quyền sử dụng đất và lợi ích từ việc sử dụng đất ổn định và bảo vệ rừng. Thêm vào đó là những khóa tập huấn và thảo luận về Luật Đất đai và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đã được tổ chức cho người dân vào tháng 9 năm 2002. Sau các hoạt động này người dân đã hiểu rõ hơn các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất và tương lai rủi ro về pháp lý ra sao nếu không khẳng định được quyền sử dụng đất. Họ có nhu cầu giải quyết các tranh chấp về đất đang tồn tại và đề nghị một cuộc giao đất giao rừng mới có sự tham gia của cộng đồng. Khi bắt đầu quá trình giao đất giao rừng, đại diện của các bản, đặc biệt là các già làng đã tham gia vào việc xác định ranh giới và bản đồ truyền thống của bản. Một tổ công tác giao đất giao rừng được thành lập với sự tham gia của đại diện cộng đồng, chính quyền địa phương, kỹ thuật viên địa chính và cán bộ TEW. Tổ công tác đã phát hiện ra hai mâu thuẫn chính liên quan đến ranh giới giữa các bản Na Xai với bản Coóng và giữa bản Mứt với bản Khốm. Nhóm đã dàn xếp để đại diện và già làng của các bản có liên quan cùng lãnh đạo xã và bản cùng nhau khảo sát và thảo luận ngay tại vùng có tranh chấp. Cuộc thương thuyết giữa bản Na Xai với bản Coóng không có được kết quả sau khi dàn xếp lần gặp thứ nhất, vì vậy mọi người phải hẹn gặp lại lần khác. Cuối cùng các bên đã thống nhất một giải pháp là vạch ranh giới của hai bản ở giữa khoảng cách giữa hai nhà ngoài cùng của hai bản. Biên bản thỏa thuận và thống nhất đã được ghi lại và mọi người có mặt ký xác nhận cùng với chứng nhận của chính quyền xã và tổ công tác giao đất giao rừng.

Để có thể hóa giải những khó khăn trong giao đất giao rừng cùng với những trở ngại về thủ tục hành chính, đơn vị thực hiện phải có đủ khả năng nghiên cứu và kỹ năng vận động hành lang, giải quyết xung đột và những vấn đề tồn tại do chương trình giao đất trước đây của nhà nước. Tổ công tác đã tiến hành nghiên cứu về quy hoạch cảnh quan truyền thống và gặp nhiều chủ thể khác nhau có thể ảnh hưởng đến tiến trình giao đất. Tổ công tác đã lập khung phân tích các chủ thể, trong đó có Lâm trường Phú Phương và Tổng đội Thanh niên xung phong Xây dựng kinh tế 7 (Tổng đội TNXP7) được xác định là những chủ thể có thể gây khó

64

bởi họ chỉ quan tâm đến mục tiêu cao nhất là lợi nhuận (Xem chi tiết Khung phân tích chủ thể tại Phụ lục 4). Tại thời điểm đó xã Hạnh Dịch có 17.862 ha đất tự nhiên, thì hai chủ thể kể trên đã chính thức chiếm giữ lần lượt là 10.059 ha và 1,400 ha. Thêm nữa, Tổng đội TNXP7 còn lập dự án và dự định lấy thêm 5.860 ha đất rừng của xã Hạnh Dịch (Lê Văn Ka và Phạm Thị Lan Anh, 2003). Trong khi cộng đồng và chính quyền địa phương quan tâm có đủ đất để bảo đảm cuộc sống ổn định của dân và cải thiện chất lượng đất và rừng, thì hai chủ thể nêu trên tìm cách lấy được càng nhiều đất và rừng từ dân để khai thác và kiếm tiền. Trong quá trình xem xét hồ sơ dịa chính chuẩn bị cho giao đất giao rừng, tổ công tác và người dân địa phương phát hiện ra rằng lâm trường Phú Phương đã sử dụng bản đồ không rõ ràng để đòi quyền chiếm đất chồng lấn lên đất cộng đồng ở Hạnh Dịch. Vì vậy các cuộc họp đã được tổ chức tại tất cả các bản ở xã Hạnh Dịch trong tháng 9/2002 để người dân nhận diện ra vấn đề và lên tiếng yêu cầu lâm trường Phú Phương làm rõ ranh giới và trả lại đất bị lấn chiếm cho dân. Cuộc họp Hội đồng nhân dân (HĐND) xã Hạnh Dịch vào ngày 24/3/2003 đã dựa trên ý nguyện của dân để ra một Nghị quyết thúc giục lâm trường Phú Phương giải quyết xung đột và trả lại đất tranh chấp cho địa phương. Sau đó Ủy ban nhân dân (UBND) xã đã làm việc với đại diện của lâm trường Phú Phương và UBND huyện Quế Phong về vấn đề này. Ngày 7/4/2003, một cuộc họp đa thành phần đã được tổ chức tại UBND huyện Quế Phong với sự tham gia của phòng Địa chính, Kiểm lâm và lâm trường Phú Phương để thảo luận về ranh giới của lâm trường. Sau đó việc khảo sát ranh giới trên thực địa đã được tiến hành với sự tham gia của đại diện UBND xã Hạnh Dịch, cán bộ địa chính xã, lâm trường Phú Phương và cán bộ kỹ thuật của tổ giao đất để làm rõ ranh giới đất. Cuối cùng lâm trường Phú Phương đã phải thừa nhận rằng họ đã sai khi đòi nắm giữ đất của cộng đồng và đồng ý trả lại đất cho địa phương (Lê Văn Ka và Phạm Thị Lan Anh, 2003). Tổ công tác giao đất đã nhận ra những bất cập do việc thực hiện luật Đất đai và luật Bảo vệ rừng, và vấn đề này cần được giải quyết. Ranh giới của xã đã bị vẽ không chính xác do việc thực hiện Chỉ thị 364 do Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) ban hành năm 1991. Vùng xung quanh thác Sao Va đã từng được người dân xã Hạnh Dịch canh tác từ lâu đời, và người dân xã Tiền Phong ở lân cận đã công nhận thực tế ranh giới truyền thống. Nhưng cán bộ kỹ thuật thực hiện Chỉ thị nêu trên vào năm 1994 đã không tính đến thực tế này. Họ

65

chỉ đơn giản vẽ đường ranh giới nối thẳng các đỉnh núi với nhau và chuyển dịch thác Sao Va sang địa giới hành chính thuộc xã Tiền Phong. Mặc dù chính quyền xã Hạnh Dịch đã ký tên và đóng dấu trên tấm bản đồ sai lệch do kỹ thuật viên làm, nhưng họ không hay biết sự chồng lấn và xung đột giữa bản đồ hành chính với ranh giới theo truyền thống cho đến tận khi tổ công tác giao đất phát hiện ra. Do việc giải quyết, điều chỉnh sai sót của bản đồ hành chính đã bị ấn định sẽ rất phức tạp và tốn kém, nên tổ công tác đã không thể giải quyết dứt điểm được vùng tranh chấp ước tính khoảng 110 ha đất (Lê Văn Ka và Phạm Thị Lan Anh, 2003). Bên cạnh đó một số cá nhân có thế lực và doanh nghiệp từ bên ngoài đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1996 theo cuộc giao đất lần trước trên cơ sở Nghị định 02/CP, vì vậy nguồn đất còn lại rất hạn chế để có thể giao cho cộng đồng. Việc giao đất nêu trên đã được Kiểm lâm huyện Quế Phong tiến hành, nhưng cơ quan này đã không đủ năng lực và không phù hợp để tiến hành quy hoạch sử dụng đất, lập bản đồ hoặc lập hồ sơ địa chính, vì thế tiến trình giao đất lần trước đã có nhiều khó khăn và lúng túng (tài liệu vừa dẫn). Để giải quyết vấn đề này, TEW và cộng đồng đã không đối mặt trực tiếp và ngay lập tức với những người ngoài chiếm đất, mà bắt đầu bằng việc nâng cao nhận thức và năng lực của người dân địa phương để họ có thể tự thương thuyết với các chủ thể bên ngoài có thế lực. Nhiều cuộc tham quan và diễn đàn về quyền đất đai, về giao đất giao rừng, các luật Đất đai và Bảo vệ rừng đã được tổ chức cho cộng đồng từ năm 2001 đến 2002. Vào tháng 9/2002 trên cơ sở đồng thuận của toàn bộ 11 bản, HĐND xã Hạnh Dịch đã gửi bản kiến nghị đến chính quyền huyện Quế Phong đề nghị hủy bỏ kết quả giao đất giao rừng năm 1996 vì những sai sót của nó và đề xuất một chương trình giao đất mới theo Nghị định 163/1999/NĐ-CP, một nghị định ban hành năm 1999 để thay thế Nghị định 02/CP. Thể theo nguyện vọng của nhân dân, UBND huyện Quế Phong đã gửi một dự án giao đất giao rừng đến UBND tỉnh Nghệ An và tổ chức một hội nghị về chủ đề này vào tháng 10/2002. Đại diện của xã Hạnh Dịch cùng với kiểm lâm của huyện và tỉnh đã tham dự sự kiện này. Những người tham gia đã thảo luận và đi đến thống nhất hủy bỏ hiệu lực của đợt giao đất năm 1996 và đề nghị UBND huyện Quế Phong kết hợp với hỗ trợ tài chính từ TEW để giao đất và cấp giấy chứng nhận về đất cho người dân địa phương (Lê Văn Ka và Phạm Thị Lan Anh, 2003).

66

Sau khi đã phát hiện và giải quyết toàn bộ các vấn đề tồn đọng nảy sinh trong cộng đồng và giữa cộng đồng với người ngoài, thì các thủ tục trong tiến trình giao đất chính thức bắt đầu. Người dân có vai trò then chốt khi tham gia vào các hoạt động. Trên cơ sở tri thức, phong tục, bản sắc văn hóa, người dân thể hiện các mối bận tâm và nhu cầu và tìm các giải pháp để giải quyết các vấn đề. Tiến trình giao đất đã kết thúc với 3.360 ha đất rừng được giao cho 361 hộ gia đình và 20 tổ chức, đoàn thể. Thông qua quá trình tham gia, tất cả các gia đình đã biết rõ ranh giới đất, vị trí và thực trạng đất và rừng được giao, và hiểu các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất rừng. Hơn nữa quá trình này đã tạo điều kiện cho cán bộ các cấp bản, xã, huyện và các cơ quan có liên quan hợp tác và tăng cường trách nhiệm của các chủ thể khác nhau (Lê Văn Ka và Phạm Thị Lan Anh, 2003). Sau khi kết thúc hoạt động này được hơn 10 năm, tác giả của Luận văn này mới có cơ hội phỏng vấn một số người dân để có được một số bình luận về hoạt động này. Một người dân nhớ lại: việc giao đất năm 2003 đã quy hoạch những vùng rõ ràng như: rừng tập thể, rừng cấm, đất dân cư và đất sản xuất cho từng hộ gia đình. Sau khi được giao đất rừng, người dân đã cố gắng thực hiện các quyền và trách nhiệm của họ trên đất rừng được giao. Một người dân nói rằng khi đã được giao đất thì người dân thấy rõ trách nhiệm bảo vệ rừng. Bất kể rừng nghèo hay rừng già được giao, người dân vẫn tiếp tục chia sẻ các sản phẩm từ rừng với nhau. Nói cách khác, hàng xóm có thể vào rừng của người khác để thu hái sản phẩm phi gỗ hoặc cùng nhau thu gỗ để sử dụng tại chỗ nếu được chính quyền địa phương cho phép. Một lãnh đạo bản nói rằng ông thường nhắc nhở bà con khi đã được giao đất rừng thì họ có thêm đất và rừng bảo vệ và chống thiên tai, lũ lụt. Bà con có thể tỉa bớt cây hoặc thu lượm cây khô làm củi. Tuy nhiên do còn khó khăn với thu nhập thấp nên người dân cần được hỗ trợ khi họ đã bỏ công sức vào bảo vệ rừng, nếu không họ cần được phép định kỳ thu hoạch lượng gỗ vừa phải từ rừng mà mình bảo vệ. Dầu sao thì chương trình giao đất giao rừng năm 2003 không thể tránh khỏi những hạn chế phát sinh sau một thời gian. Quyền sử dụng đất của cộng đồng bị hạn chế bởi chính hệ thống luật pháp, vì cộng đồng đã không được công nhận là một chủ sử dụng đất rừng tại thời điểm giao đất, nên khi đó không thể cấp giấy chứng nhận cho cộng đồng. Vì vậy, TEW đã tìm ra giải pháp linh hoạt là tư vấn cho chính quyền địa phương giao đất rừng cho các đoàn thể cấp bản như hội Phụ nữ, đoàn thanh niên, hội Nông dân, Cựu chiến binh và một đồn biên phòng đóng ở trên xã.

67

Tuy nhiên các tổ chức quần chúng thực chất mang tính hành chính hóa và bán chính thức, nên không thực sự có tính chịu trách nhiệm giải trình và hiệu quả cao bằng các tổ chức truyền thống tự giúp nhau như Phường hội. Bên cạnh đó, nguồn hỗ trợ cho việc bảo vệ rừng cũng đã gây ảnh hưởng đến những chủ được cấp giấy chứng nhận về đất. Trong khi người được cấp giấy chứng nhận đất rừng không được hưởng hỗ trợ thì những người dân không được giao đất nhưng có hợp đồng bảo vệ trên rừng do các cơ quan lâm nghiệp nắm giữ lại được nhận gạo và tiền. Ở cấp hộ gia đình, một lãnh đạo hội phụ nữ tiết lộ rằng mặc dù gia đình bà được giao đất rừng và bà biết được vị trí khu đất đó, nhưng không biết chính xác diện tích. Vì đất rừng cách xa nhà bà, nên thỉnh thoảng gia đình mới vào phát dọn ranh giới, nhưng không có điều kiện trồng xen cây gì vào đó. Một người dân thắc mắc rằng mặc dù ông đã được cấp ‘sổ đỏ’ nhưng mọi người vẫn giữ thói quen cũ mà vào rừng của ông để thu hái mà không quan tâm đến tình trạng pháp lý đã thay đổi. Hiện tượng này nảy sinh xung đột mới giữa các cá nhân và hộ gia đình. Mỗi gia đình riêng rẽ cảm thấy khó khăn khi bảo vệ một khu rừng rộng được giao. Rõ ràng là cộng đồng cần được khuyến khích hợp tác với nhau cùng bảo vệ những khu rừng rộng và ở xa nhà dân.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 70)