Các dự án phát triển (từ những năm 1970)

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 53)

Một số già làng đã kể chuyện về một đợt di dân, có lẽ là một trong những dự án phát triển sớm nhất ở trong vùng. An ninh biên giới trở thành vấn đề nóng trong

46

năm 1977, vì vậy chính quyền địa phương đã yêu cầu người dân Thái Thanh chuyển xuống sống tập trung ở vùng thấy cách xa vùng biên giới với Lào và xây dựng hợp tác xã ở vùng Mường Hin (khoảng 20km phía hạ nguồn nơi cư trú cũ). Tuy nhiên người dân đã gặp rất nhiều khó khăn ngay sau khi di chuyển, như không quen với vùng mới, thiếu đất canh tác, thiếu ăn, bị sốt rét và các dịch bệnh khác gây chết người. Vì thế sau 1 năm người dân đã không chịu đựng được thêm nữa và đã tự quyết định quay trở lại nơi ở cũ. Một số già làng cho rằng cuộc định canh này là quyết định sai lầm của cán bộ và là kiểu ‘đem con bỏ chợ’.

Trong quá trình giải thể hợp tác xã và phân quyền quản lý tài nguyên, chính quyền địa phương đã tiến hành giao đất giao rừng cho người dân địa phương vào năm 1996 theo quy định của Nghị định 02/CP ngày 14/1/1994 về việc giao khoán đất rừng từ các lâm trường cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Bốn kiểm lâm viên của huyện đã được giao quản lý 70 triệu đồng để tiến hành dự án giao đất rừng trong vòng một tháng. Họ đã kết thúc giao 3.100 ha đất rừng cho 291 hộ gia đình ở xã Hạnh Dịch mà không tổ chức thảo luận với người dân địa phương, và cũng không có dân tham gia khảo sát và xác định mốc giới. Khi giao đất rừng chính quyền địa phương đã không xây dựng bản đồ hiện trạng và bản đồ quy hoạch, và không thể hoàn thành được hồ sơ địa chính trong khi sau đó lại phát hiện ra sai lệch về ranh giới giữa bản Pà Cọ với bản Pỏm Om. Mặc dù người dân được giao giấy chứng nhận về đất (được biết đến là sổ xanh), nhưng họ không biết được chính xác đất được giao của mình ở đâu và ranh giới thế nào (Lê Văn Ka và Phạm Thị Lan Anh, 2003).

Tương tự như nhiều vùng đầu nguồn trong cả nước, công trình thủy điện Sao Va đã được xây dựng trên thác nước vài năm về trước. Một số người đã mất diện tích cấy lúa bởi mực nước đập tràn dâng cao và thất thường phụ thuộc vào việc xả nước của trạm thủy điện. Người dân đã phàn nàn về váng đọng, mùi hôi thối và ô nhiễm trên đập cùng với lượng cá bị sụt giảm. Một người dân cho biết ông chỉ có thể đánh lưới được cá bé và ít hơn trong khi phải mất thêm nhiều thời gian đánh cá so với trước đây. Trong khi đó cán bộ trạm thủy điện có thể kiếm được hàng chục ki-lô-gam cá bị mắc vào lưới dưới nguồn của trạm thủy điện. Người dân địa phương nhận thấy lượng khách du lịch đến thác Sao Va sụt giảm bởi vì công trình thủy điện đã làm cho thác nước không còn giữ được cảnh quan đẹp trước đây nữa.

47

Nhà nước đã tiến hành một số chương trình xóa đói giảm nghèo, thí dụ Chương trình 135 (theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng vào tháng 7/1998 về việc phê duyệt chương trình quốc gia phát triển kinh tế-xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn) và Chương trình 30a (theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về việc giảm nghèo nhanh và bền vững ở 61 huyện nghèo nhất trong giai đoạn 2009-2010). Phần lớn ngân sách của các chương trình kể trên đều tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng trong khi dự án ít quan tâm đến nghiên cứu và tăng cường năng lực của cộng đồng. Người dân địa phương cảm thấy khó khăn khi sử dụng vốn để mở rộng sản xuất theo mục tiêu của các dự án này, bởi họ nghi ngại đối với việc chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa với nhiều đòi hỏi về kỹ thuật hiện đại và kỹ năng tiếp thị. Một người dân cho biết: khi con đường được xây dựng qua bản thì dịch gà hàng năm thường xảy ra, vì thế nhiều hộ buộc phải chuyển gà vào nuôi ở trong trại phía bên kia sông và xa nhà ở của họ. Đã có những sự kết hợp hỗ trợ gạo, tiền tự dự án đối với hợp đồng khoán bảo vệ rừng của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt. Một số hộ trong bản được đưa vào danh sách hộ nghèo và ‘có đủ lao động’ được nhận hợp đồng bảo vệ rừng và được trả tiền, gạo. Cách làm này đã tạo ra bất đồng và mâu thuẫn trong cộng đồng vốn có truyền thống trọng công bằng và chia sẻ đồng đều như người Thái ở địa phương. Những hộ không được hợp đồng và hỗ trợ tỏ ra chán nản và không muốn tham gia bảo vệ rừng. Đã có những nỗ lực của cộng đồng nhằm điều chỉnh cách làm quan liêu của cán bộ cho phù hợp với phong tục địa phương. Thí dụ, cộng đồng bản Mứt và bản Na Xai đã yêu cầu cán bộ dự án chuyển toàn bộ nguồn hỗ trợ vào quỹ chung của cộng đồng, sau đó cộng đồng tự phân bổ đồng đều cho tất cả các hộ trong bản. Đồng thời dân bản cam kết chia sẻ trách nhiệm cùng nhau bảo vệ rừng. Về mặt pháp lý, chỉ một số hộ dân đứng ra ký hợp đồng nhận khoán và ký nhận hỗ trợ, trong khi về thực chất toàn bộ dân bản tham gia hưởng lợi và chịu trách nhiệm. Theo một cán bộ BQL Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, thì BQL cần có các hợp đồng ký kết theo đúng mẫu hồ sơ để sau này nếu có sự cố gì đối với rừng thì sẽ có người chịu trách nhiệm rõ ràng theo giấy tờ.

48

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)