Mong muốn và kiến nghị từ địa phương

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 64)

Trước những tác động và vấn đề chồng chất từ bên ngoài, người dân địa phương đã có những giải pháp thực tế và các kiến nghị nhằm cải thiện tình hình. Trước hết là việc liên kết giữa bảo tồn với phong tục truyền thống, đặc biệt là các lễ cúng thần của cộng đồng để bảo vệ rừng. Một cụ bà 85 tuổi hồi tưởng và mong ước:

57

“xưa tôn tạo Sần thì rất vui, người khoẻ, ăn lên làm ra. Lễ hội đánh trống chiêng. Giờ mẹ cầu mong cho con cháu như xưa đi, người vẫn khoẻ” (SPERI, 2008b). Một già làng khác khẳng định rằng: “muốn bảo vệ đất rừng thì phải áp dụng quy chế hồi xưa, vì người ta tin rằng đất đá có thần, cây thuốc nam có thần, thủy vực có thần. Phải tôn tạo lại luật tục thời xưa để dân biết, dân hiểu, để chấp hành mới bảo vệ được rừng”. Theo một người cấp tin, dân bản có thể đóng góp trâu hoặc lợn để tổ chức lại các lễ cúng truyền thống. Vì tất cả các gia đình đều đóng góp và chia sẻ với nhau, nên sẽ không phải là vấn đề lớn đối với họ. Nhưng người dân thấy được những lợi ích không thể quan sát trực diện; đó là việc tạo ra cơ hội tốt để thảo luận về quy hoạch cảnh quan truyền thống và bảo vệ rừng, đồng thời để mọi người cùng chung vui và củng cố tình đoàn kết cộng đồng. Khi được chứng kiến lễ cúng truyền thống, thì trẻ em sẽ hiểu hơn và tự hào đối với phong tục của mình hơn. Đối với các cộng đồng có khó khăn hơn trong việc phục hồi lại lễ hội truyền thống bởi không còn thày Mo biết cúng lễ nữa, thì người dân muốn giữ được các vùng thiêng cùng với cây to và coi đó là cảnh đẹp của bản.

Một số người cấp tin đã lý giải các trở ngại đối với việc khôi phục lại các lễ hội truyền thống, như năng lực tổ chức ở địa phương hạn chế, sự do dự của các lãnh đạo địa phương, và thiếu ngân sách. Một lãnh đạo xã cho rằng: “Lễ cúng của cộng đồng là vấn đề tâm linh, trước đây ông cha ta đã làm rồi. Trước đây, nhà nước có tuyên truyền, vận động chống mê tín dị đoan, bỏ dần các thủ tục không phù hợp, hơn nữa do bươn chải miếng cơm manh áo nên họ không mặn mà nữa. Sau này có một số bản đề xuất thì xã cho làm nhưng phải phù hợp, không tốn kém, không quá mất thời gian”. Gần đây người dân bản Coóng đã tổ chức lại lễ Tế sần truyền thống. Các hộ trong bản được chia ra thành ba nhóm thay phiên nhau đóng góp lễ vật, một nhóm đóng góp lợn, các nhóm khác đóng góp gà và rượu. Các gia đình đều có đại diện đến dự lễ và thảo luận để chỉnh sửa lại hương ước sử dụng và bảo vệ rừng. Theo một lãnh đạo bản, quy hoạch sử dụng đất của bản đến nay đã ổn định, và hiện nay bản có hai nhóm hợp tác với nhau làm hàng rào và đổi công để chăn thả và chăm sóc gia súc. Hi vọng đây là một trong những kinh nghiệm và gợi ý cho các địa phương khác tham khảo và tìm cách áp dụng.

Cùng với quyền về văn hóa hay quyền được làm lễ theo truyền thống là ước muốn của người dân địa phương được khẳng định quyền đối với đất rừng cho cộng đồng và hộ gia đình. Người dân khẳng định rằng BQL Khu BTTN Pù Hoạt không thể

58

tự mình bảo vệ được vùng rừng họ nắm giữ, và tình hình sẽ chỉ khá lên nếu người dân cùng được tham gia đồng quản lý, sử dụng và bảo vệ đất rừng. Theo kết quả phỏng vấn bán cấu trúc của tác giả Luận văn này, 13 trong số 17 người cho rằng cộng đồng địa phương có thể bảo vệ rừng tốt hơn so với BQL Khu BTTN Pù Hoạt, trong khi 2 người đánh giá các bên có vai trò như nhau, và 2 người nghĩ rằng BQL có thể bảo vệ rừng tốt hơn. Đối với các khu rừng được quy hoạch là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ do BQL Khu BTTN Pù Hoạt nắm giữ nghiêm ngặt, đặc biệt là những nơi bị coi là vùng lõi ở các bản Hủa Mướng và Na Xai, thì người dân đề nghị có sự hợp tác giữa BQL với cộng đồng cũng như có sự tham gia của già làng và đại diện cộng đồng vào cơ chế đồng quản lý. Đối với rừng sản xuất được giao cho cộng đồng, 11 trong số 22 người mong muốn giao đất cho cộng đồng cùng sử dụng và bảo vệ thay vì giao cho hộ gia đình, cá nhân hoặc tổ chức quần chúng như hội Nông dân, Phụ nữ, Thanh niên, Cựu chiến binh. Ngược lại, trong số 22 người kể trên, có 7 người tranh luận rằng giao cho hộ gia đình và cá nhân thì đất rừng sẽ được dùng và bảo vệ tốt hơn so với cộng đồng chung nhau, và 4 người nghĩ rằng giao cho chủ thể nào thì cũng như nhau. Tuy nhiên mọi người đều nhất trí rằng những khu rừng ở xa khu dân cư sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn nếu giao chung cho cộng đồng. Những người ủng hộ rừng cộng đồng lập luận rằng cộng đồng có thể đổi công và giúp nhau, nên có thể tiết kiệm thời gian và công sức tuần tra bảo vệ rừng. Hơn nữa có thể củng cố tình đoàn kết cộng đồng và tránh các mâu thuẫn từ việc chia đất rừng cho rừng cá nhân vì một người có thể vào rừng của người khác để thu hái sản phẩm. Để bảo vệ rừng cộng đồng, thì cần thành lập một ban quảy lý cấp bản bao gồm trưởng bản, đại diện của các đoàn thể quần chúng và các già làng để họ đóng góp tri thức, kinh nghiệm và hiểu biết phong tục địa phương. Ban này sẽ giám sát và điều phối lao động tuần tra bảo vệ rừng và giải quyết các vướng mắc phát sinh. Một quỹ bảo vệ rừng cộng đồng có thể được xây dựng và sử dụng trên cơ sở thảo luận và đồng thuận giữa ban quản lý với dân bản.

Nhiều người dân đã đề nghị phục hồi và củng cố vai trò quản lý của người dân trong quy hoạch sử dụng đất cộng đồng và trồng rừng. Họ thúc giục chính quyền địa phương giải quyết vấn đề đất rừng theo đúng những tuyên bố về một chính quyền “của dân, do dân và vì dân”. Người dân nhận ra tầm quan trọng của rừng đầu nguồn nước và đề nghị các hoạt động phát triển cần làm rõ và ổn định ranh

59

giới của những khu rừng này cùng với các loại hình sử dụng đất khác như dân cư, bãi chăn thả và nghĩa địa. Theo người dân, cộng đồng cần được đồng quản lý đất rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, và rừng sản xuất cần được giao đến các hộ dân. Họ đề nghị chính quyền địa phương khẳng định quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận về đất cho cộng đồng và dân bản. Đặc biệt, người dân bản Chiếng phê phán nông trường cao su lấn chiếm đất rừng và gây ra cảnh bất công trong phân bổ tài nguyên, và yêu câu nông trường trả lại đất ngay sau khi kết thúc chu trình kinh doanh cây trên đó. Một người cấp tin đề nghị tăng cường giáo dục bảo vệ rừng của mỗi người cũng như của người khác và ngăn chặn khai thác rừng trái phép. Một số người dân mong muốn tìm các giống cây bản địa phù hợp để trồng ở những vùng xa và trồng cây ăn quả cùng với các hoa màu khác ở gần bản. Người dân đánh giá cao chuyển biến từ việc thả rông gia súc sang chăm sóc và chăn dắt và cần duy trì nề nếp này để bảo vệ được cây trồng. Một già làng tỏ ra lo lắng và đề nghị chính quyền địa phương có biện pháp ngăn chặn người ngoài lấn chiếm đất rừng và thải các chất hóa học trên đầu nguồn nước. Thêm nữa, một số thanh niên quan tâm đến việc tạo thêm công ăn việc làm trên ngay đất và rừng được giao cho họ, để họ có thể tạo lập cuộc sống ổn định và không cần phải ra ngoài cộng đồng để tìm kiếm việc làm.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)