Hậu giao đất giao rừng: thách thức và những việc cần làm

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 87)

Phần này sẽ làm rõ các trở ngại về hành chính và các thủ thuật của các doanh nhân nhằm thôn tính quyền sử dụng đất rừng của cộng đồng và cách thức giải quyết các vấn đề bởi cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ. Một vụ việc tổn hại đến quyền đất đai của cộng đồng xảy ra vào năm 2008, khi hai công ty tư nhân có tên là Hương Thảo và Hà Tây đến xã Hạnh Dịch đưa tiền cho một số người dân có giấy chứng nhận đất rừng để khai thác nứa lùng. Đồng thời các công ty trên đã yêu cầu người dân giao giấy chứng nhận về đất cho công ty. Người dân địa phương đã không nhận ra âm mưu của các công ty này là từng bước thôn tính quyền sử dụng đất rừng, nên đã giao sổ theo yêu cầu của công ty. Khi SPERI phát hiện ra vấn đề, bà Trần Thị Lành, người sáng lập và lãnh đạo SPERI cho biết: việc giúp người nghèo lấy lại giấy chứng nhận về đất là một quyết định khó khăn, vì không thể theo cách tính lợi ích - chi phí, mà là việc phân tích hiệu quả - ảnh hưởng. Bà đã quyết định giao một số tiền cho người dân gặp sự cố, để họ có thể trả số tiền đã nhận từ các công ty và lấy lại giấy tờ về đất. Đáng lưu ý là số tiền từ SPERI giao cho cộng đồng với phương thức là khoản tín dụng, mặc dù lãnh đạo SPERI biết rằng người dân khó lòng trả lại số vốn trên sớm. Bên cạnh đó sẽ là không công bằng nếu sử dụng số tiền của ICCO (Tổ chức Liên giáo hội vì Hợp tác và Phát triển, Hà Lan) để giải quyết vấn đề nảy sinh từ dự án giao đất trước đây do nhà tài trợ khác là PARTNER Canada hỗ trợ. Rất may là trên cơ sở hợp tác dài hạn và sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau nên SPERI đã được quản lý vùng của ICCO ủng hộ, và khoản tiền đã được nhanh chóng đưa đến cộng đồng để giải quyết vấn đề. Rõ ràng là nếu không có được sự tư vấn liên tục, sáng tạo và kịp thời từ TEW/ SPERI sau khi giao đất như vậy, thì cộng đồng đã khó lòng giữ được quyền hưởng lợi đất rừng hợp pháp (trao đổi với bà Trần Thị Lành, ngày 4/8/2014).

80

Sau khi hoàn thành giải quyết các tranh chấp đất đai và giao đất cho cộng đồng, việc tư vấn cho chính quyền địa phương cải thiện công tác quy hoạch và quản lý đất đai là điều cần thiết. Đối với việc tham vấn chính sách ở cấp trung ương, SPERI đã kiến nghị không nên giao thêm đất trồng cao su ở các tỉnh nữa, bởi vì mục tiêu phát triển diện tích cao su đặt ra đến 2015 đã đạt được từ lâu. Đương nhiên kiến nghị này cần áp dụng với tỉnh Nghệ An để ngăn chặn bất cứ việc mở rộng diện tích của công ty cao su tỉnh cũng như trên địa bàn huyện Quế Phong. Đối với tiến trình vận động hành lang ở địa phương, LISO đã được chính quyền huyện mời làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường vào tháng 9/2013 để rà soát và kiểm tra việc phân loại đất rừng. Các chuyên gia đã phát hiện ra một số bất cập trong hồ sơ và kiến nghị xem xét quyết định của chính quyền tỉnh thành lập Khu BTTN Pù Hoạt không nên chuyển đất đã giao cho hộ gia đình và cộng đồng vào rừng phòng hộ thuộc quyền quản lý của BQL Khu BTTN Pù Hoạt. Hơn nữa, LISO đã đề xuất chính quyền huyện hoàn thành thủ tục pháp lý giao giấy chứng nhận đất đã được sử dụng và quản lý ổn định cho cộng đồng địa phương (LISO, 2013). Một nghiên cứu của LISO chỉ ra rằng tình trạng sẽ diễn biến theo hướng xấu hơn và xung đột có thể bùng phát do tình trạng trồng quá nhiều cao su ở xã Tiền Phong, một xã tiếp giáp với Hạnh Dịch. Vì tình trạng thiếu đất rừng trầm trọng nên người dân phụ thuộc vào rừng ở xã Tiền Phong sẽ buộc phải vào những cảnh rừng hẹp còn sót lại ở xã Hạnh Dich để kiếm sống, và điều này sẽ gây ra dạng xung đột mới giữa người dân địa phương với nhau. Người dân sẽ cảm thấy chán nản khi còn tiếp tục cách chia sẻ tài nguyên rừng trong điều kiện nguồn tài nguyên rừng bị suy giảm quá nhiều. Thêm nữa, nếu người dân Hạnh Dịch không thể bảo vệ rừng được tốt, thì đó có thể là một cớ để chính quyền tỉnh yêu cầu thu hồi lại đất rừng của cộng đồng (Broekkamp & Trần Thị Hòa, 2014).

Một vấn đề xảy ra đối với rừng cộng đồng vào năm 2013, khi nông trường Cao su Quế Phong cố chiếm đất rừng đã được giao cho cộng đồng các bản Pỏm Om, Pà Kỉm và Chăm Pụt. Nông trường này đã đưa máy ủi vào san mặt bằng qua ranh giới và lấn sâu vào đất cộng đồng rồi trồng cao su lên đó. Các cuộc họp bản đã được tổ chức sau đó; những ý kiến phản đối của người dân đã được ghi chép và gửi lên chính quyền xã Hạnh Dịch. Sau đó chính quyền xã đã gửi bản kiến nghị đến chính quyền huyện Quế Phong đề nghị giải quyết vấn đề theo pháp luật. UBND huyện đã gửi một công văn đến nông trường cao su yêu cầu họ đưa máy

81

móc và cây cao su ra khỏi đất cộng đồng và chấm dứt hành vi lấn chiếm. Người dân địa phương đã cố gắng giữ hòa hiếu. Một mặt họ không đụng chạm đến cây cao su được trồng lấn trái phép trên đất của họ, mặt khác họ cùng nhau tìm các cây bản địa mọc nhanh trồng xen bên cạnh cây cao su trên vùng đất của cộng đồng. Người dân địa phương tin rằng trong tương lai các cây bản địa sẽ mọc nhanh và che lấp cây cao su một cách tự nhiên (LandNet, 2014; Broekkamp & Trần Thị Hòa, 2014). Tuy nhiên đó chưa phải là hồi kết của câu chuyện, bởi vì nông trường cao su đã được một số người có thế lực và tiền bạc đầu tư và chống lưng, nên họ thậm chí còn coi thường cả các quyết định và yêu cầu từ chính quyền huyện Quế Phong.

Sau phản ứng của người dân địa phương và chính quyền huyện Quế Phong, nông trường cao su Quế Phong đã làm căng thẳng thêm tình hình bằng cách phun thuốc diệt cỏ lên rừng đầu nguồn nước của cộng đồng vào đầu tháng 6/2014. Vì vậy một số người dân đã đề nghị kiện nông trường theo thủ tục pháp lý. Thí dụ, họ có thể gửi đơn kiện và yêu cầu tòa án xét xử vụ việc hoặc thuê một công ty luật bảo vệ quyền lợi cộng đồng trước tòa án. Tuy nhiên thực tế cho hay là không có cơ chế phân chia quyền lực (Tam quyền phân lập) ở Việt Nam, và đã nhiều trường hợp người yếu thế không được nhánh tư pháp yếu ớt bảo vệ quyền lợi. Nói cách khác, cộng đồng địa phương không nên mơ tưởng vào một phán quyết có lợi cho họ. Vì tình hình diễn biến theo hướng phức tạp hơn, nên điều phối chương trình của LISO quyết định chuyển việc tư vấn cho người sáng lập và lãnh đạo SPERI trực tiếp tư vấn. Một nhóm cán bộ có kinh nghiệm của LISO đã được cử đến làm việc với chính quyền huyện Quế Phong. Hai bên thống nhất đặt ưu tiên tiếp tục nâng cao năng lực của lãnh đạo cộng đồng, để cộng đồng tự tin giải quyết không chỉ rắc rối đang diễn ra, mà cả các thách thức khác trong tương lai. Bên cạnh đó, báo giới có lương tri được coi là nguồn hỗ trợ trước khi tính đến xử lý vấn đề bằng luật. Lãnh đạo SPERI nhấn mạnh rằng trước tiên cần hợp tác và làm việc với chính quyền huyện trên tinh thần xây dựng. Vì thế, thay vì kế hoạch ban đầu đưa một nhóm nhà báo vào thăm và thể hiện quyền lực của báo chí trước nông trường cao su, thì một phương án thay thế đã được chính thức phê duyệt, đó là chỉ đưa một nhà báo đến tìm hiểu thật kỹ bản chất của sự việc. Vào tháng 7/2014, một nhà báo có tâm và đạo đức nghề nghiệp đã tình nguyện vào tìm hiểu tình hình và đã phát hiện ra một số người dân từ xã Tiền Phong đang được nông trường cao su thuê

82

mướn để làm cỏ cho cây cao su trên phần đất trước đây đã là rừng thiêng của người Thái ở xã Hạnh Dịch. Tất cả chứng cứ về vụ lấn chiếm đất trái phép của nông trường Cao su Quế Phong đã được thu thập và phản ánh để phục vụ cho bước vận động tiếp theo ở cấp trung ương. Người sáng lập SPERI đề nghị mời một số cán bộ từ Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Dân tộc và Miền núi, và Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng giám sát và phân tích việc thực hiện chính sách đất rừng cho các dân tộc ít người. Trường hợp của xã Hạnh Dịch và huyện Quế Phong trở thành một nghiên cứu điểm cho các bước vận động hành lang và tham vấn chính sách tiếp theo. Gần đây một kế hoạch đã được đưa ra, trong đó một số đại diện của cộng đồng, chính quyền địa phương và lãnh đạo hội Phụ nữ, những người quan tâm và ủng hộ cộng đồng sẽ tham gia làm việc và thương thảo trước chính quyền tỉnh và công ty cao su tỉnh để giải quyết vấn đề đã xảy ra. Một hướng vận động khác đang được cân nhắc, đó là đưa trường hợp giao đất kết hợp với giao rừng ở Hạnh Dịch lên trang tin điện tử của đảng Cộng sản Việt Nam và truyền hình trung ương đồng thời cảnh báo và yêu cầu công ty cao su giải quyết xung đột trước cộng đồng (bà Trần Thị Lành, trao đổi ngày 20/7/2014).

CHƯƠNG 5. THẢO LUẬN

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 87)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)