Tri thức địa phương và quy hoạch cảnh quan

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 41)

Người Thái ở địa phương có lịch sử truyền miệng về lập bản lập mường. Khi các cụ đi săn thú thấy một thung lũng đẹp thì quay về dẫn con cháu trong họ đến lập bản và sinh sống ở đây. Người ta tin vào sở hữu và việc sắp đặt cảnh quan thiên nhiên của thần, và họ đặt tên cho từng bản, dòng suối, đỉnh núi, thậm chí là cả dốc núi. ‘Ná tỉn ban’ là mô hình quy hoạch một bản đặc trưng của người Thái, nghĩa là khi dân cư cần ở phía trên vùng ruộng lúa nước, và mọi người ở trên nhà có thể có được tầm nhìn rộng và cảnh quan đẹp; trong khi lúa có thể được nguồn phân bón và nước tưới từ phía trên bản. Cộng đồng phân loại đất và rừng thành hai phần rõ ràng: phần được phép sử dụng và vùng cấm hay rừng thiêng.

Đất và rừng dân sinh là vùng để làm nhà, làm vườn, cấy lúa, làm nương rẫy, chăn thả gia súc, và lấy củi. Khi có suối hay nguồn nước chảy qua gần vùng đất bằng phẳng và rộng thì người ta thường tận dụng đưa nước vào làm ruộng nước. Người ta có thể chọn một vùng đất dốc có đất ẩm, mầu sẫm để làm nương rẫy. Vùng chăn thả gia súc thường là nơi tương đối bằng phẳng, có nhiều cỏ, bụi rậm và một số ao hoặc đầm lầy. Trên cơ sở cách quy hoạch sử dụng đất truyền thống, người dân địa phương đã tạo ra và duy trì các ruộng lúa ở tất cả các bản. Gần đây người dân ở bản Mứt và bản Coóng khoanh vùng và rào lại một số nơi thuận lợi để cùng nhau hợp tác chăn nuôi gia súc.

34

Những vùng cấm và đất rừng thiêng bao gồm Lắc xưa, Piềng lầu hoặc Sần (đất rừng thiêng), Đôống (rừng ma hay rừng nghĩa địa), và rừng đầu nguồn. Các vùng đất rừng thiêng là vùng cấm nghiêm ngặt; không ai được phép chặt hạ cây ở đây trừ một dịp được phát cây tạo một lối nhỏ để mọi người có thể vào cúng lễ. Người dân còn lưu truyền những câu chuyện kể về trường hợp bị điên loạn sau khi vô cớ vào vùng rừng thiêng. Người ta còn nhắc nhau nếu đội nón, mũ đi qua vùng thiêng là có thể bị hắt hơi, sổ mũi, vì như vậy bị coi là xúc phạm đến thần linh. Một bản người Thái truyền thống thường quy hoạch Đôống (rừng ma) ở vùng phía Tây hoặc Nam của khu dân cư bởi quan niệm rằng ánh nắng buổi sáng làm tán cây của rừng ma che bóng lên bản thì sẽ không tốt. Đôống được chia ra làm hai phần: một phần cho những người chết thường và có nghi thức cúng tang ma đầy đủ, và phần kia cho những người chết là trẻ con, chết không bình thường hoặc không được cúng lễ đầy đủ. Người ta tin rằng ma người chết cũng cần có nơi ở thuận lợi cũng giống như một bản của người sống, vì thế Đôống cần phải đặt ở gần sông suối và nguồn nước. Người dân hiểu rằng chặt phá cây ở đầu nguồn nước sẽ gây ra thiếu nước sinh hoạt và tưới tiêu, vì thế mà qua nhiều đời người ta không chặt cây ở vùng này.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 41)