Cho đến nay việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng và người dân địa phương vẫn gặp nhiều trở ngại bởi vì đa số các cộng đồng không thể hoàn thành các đòi hỏi của thủ tục hành chính. Cộng đồng không thể có đủ các nguồn lực để chi trả và hoàn thành các yêu cầu thủ tục theo Thông tư 38/2007/TT-BNN, hướng dẫn thủ tục giao, cho thuê và thu hồi rừng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng thôn bản (Bộ NN&PTNT, 2007). Thí dụ, một cộng đồng bình thường khó có thể hoàn thành hồ sơ xin giao rừng khi mà không có ai trong cộng đồng có đủ trình độ để làm. Sẽ không công bằng đối với các cộng đồng và hộ gia đình địa phương đang khó khăn khi yêu cầu họ phải hoàn thành các thủ tục nhiêu
102
khê để có thể được giao đất rừng, trong khi họ không có khả năng cạnh tranh với những chủ thể nhiều tiền và quyền thế từ bên ngoài. Thứ tự ưu tiên người dân và cộng đồng địa phương được nhận đất rừng cần được quy định rõ ràng khi thảo luận, thông qua quy hoạch sử dụng đất và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ở Hội đồng Nhân dân các cấp. Quyền hợp pháp cho các dòng họ và nhóm người dân cần được công nhận khi họ đã và đang sử dụng ổn định đất rừng. Nguyên tắc này sẽ bảo đảm vai trò vốn có của người thực sự bảo vệ và sử dụng rừng để công nhận họ trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng. Đồng thời, điều này sẽ tránh được các bất cập và mâu thuẫn do hạn chế của các quy định hiện hành giới hạn ‘cộng đồng’ trong phạm vi làng bản. Điều này cũng tránh được khả năng người đại diện cộng đồng theo luật (trưởng bản) nhưng không thực sự có vai trò đại diện trên thực tế.
Nhằm bảo đảm khả năng của cộng đồng được nhận quyền sử dụng đất rừng, thì cần sửa đổi thủ tục giao đất giao rừng theo yêu cầu của Thông tư liên tịch 07/2011/TTLT/BNNPTNT-BTNMT (Bộ NN&PTNT & Bộ TN&MT, 2011). Thứ tự ưu tiên giao đất rừng cho cộng đồng cần được xác định rõ trong quy hoạch sử dụng đất cùng với nguồn kinh phí bảo đảm thực thi được việc giao đất rừng ở các địa phương. Các quyền và nghĩa vụ của cộng đồng trong việc tham gia khảo sát và thống kê trữ lượng tài nguyên rừng được giao cần được quy định rõ trong luật. Trên cơ sở tri thức và kinh nghiệm địa phương vốn có, người dân có thể phối hợp tốt với các kỹ thuật viên để hoàn thành hồ sơ địa chính. Việc người dân tham gia vào quá trình này sẽ giúp giải quyết thiếu hụt ngân sách, đồng thời cải thiện sự hiểu biết lẫn nhau trong khi nâng cao năng lực của người dân trong quản lý tài nguyên đất rừng cùng với cách tiếp cận xã hội và văn hóa của các kỹ thuật viên khi tiến hành giao đất.