Các phần trước đã đề cập đến những thay đổi có thể quan sát được và những lời bình trực diện và rõ ràng. Phần này phản ánh những câu ca, câu nói, chuyện hoặc thơ vần nói lên phần nào suy nghĩ thầm kín của người dân đối với các tác nhân bên ngoài. Cũng tương tự như nhiều người Việt khác, người dân địa phương ở đây ngại bàn đến những chủ đề chính trị, đặc biệt là những gì bị coi là ‘nhạy cảm’. Tuy nhiên liên kết giữa các câu chuyện và câu nói có thể gợi ý ra nhiều điều. Thí dụ, những người cấp tin không hề nói đến các khái niệm như ‘chủ quyền’, ‘lãnh thổ’ của người Thái, nhưng chúng ta có thể nhận ra quan niệm của họ thông qua chuyện kể về những lãnh đạo đầy quyền uy tinh thần và thế tục của người Thái. Các già làng tỏ ra phấn khích khi nói về các lễ hội phong phú của tổ tiên cũng như một thế giới tưởng tượng nhưng không kém phần sinh động của Thẻn, chốn cực lạc mà ma ông bà, tổ tiên họ được tới. Một số bài thơ của người Thái ở địa phương thể hiện niềm tin vào việc duy trì tốt các mối quan hệ nếu giữ được phong tục cúng lễ trong đám tang. Thật không may khi các giá trị cốt lõi của cộng đồng đã chịu những thách thức lớn, như lời của một già làng: “vào hợp tác xã là dập tắt hết, cúng bái là không cho làm, có ông đã được 20 năm tuổi đảng rồi nhưng cúng là bị cắt đảng viên”. Thêm nữa là một lời giải thích: “thời chiến tranh chạy vào hang tránh bom, cái sống cách cái chết một sợi tóc, thì không ai nghĩ đến thờ cúng nữa”.
Những hệ quả và ảnh hưởng của các tác động từ bên ngoài có thể được rút ra thông qua những lời bình của các già làng và so sánh giữa thời xưa và hiện tại. Theo họ, ngày xưa đã có rất nhiều hình thức cúng lễ của cộng đồng ở trên nương rẫy và trong rừng. Ngày nay chỉ còn tồn tại ít sự kiện quan trọng được tổ chức ở dòng họ và gia đình, trong khi hầu như không còn lễ nghi truyền thống ở cấp cộng đồng. Người trẻ không còn được biết lễ Tế sần của cộng đồng nữa. Một già làng cho biết: “ngày xưa thì quý người lắm. Bây giờ không được như xưa nữa, vì có người sống lâu thì hắn bảo là làm khổ con cháu, mà chết sớm thì hắn nói cho là dại”. Một già làng nói về ảnh hưởng của bên ngoài đối với thiên nhiên: “ngày xưa
54
rừng có nhiều con thú lắm, cái gì cũng có. Vì người miền xuôi lên đây mà rừng bị chặt trụi đi, bây giờ chỉ còn rất ít thú rừng” (Lê Văn Ka và Phạm Thị Lan Anh, 2003).
Mặc dù những câu nói, câu ví của người dân có vẻ đơn giản, nhưng có thể thấy được thái độ ứng xử trước người ngoài và ảnh hưởng của họ. Thí dụ, qua cách so sánh, một người dân bản Na Xai chỉ ra mối liên hệ giữa lòng tin với khoảng cách nơi ở. Ông nói: “Chỉ tin được người trong bản giúp nhau, như buổi tối ở lán mà không có nhà thì họ cũng sang đóng giúp cửa chuồng gà. Người ở bản Coóng, bản Mứt cũng không được tin bằng người trong bản. Người Hạnh Dịch còn đỡ, chứ người Mường Noọc, Quỳ Châu (xã khác, huyện khác) thì cũng có người tốt nhưng nhiều người xấu”. Cách nhìn nhận đối với dân tộc khác, đặc biệt là người Kinh từ miền xuôi đã thay đổi theo thời gian. Ngày xưa cộng đồng nhìn một người mới đến là những người khó khăn và cần trợ giúp để tồn tại. Ngày nay người dân nhìn người ngoài cộng đồng là những người đến làm ăn gì đó và cần phải cảnh giác. Rất có thể tác nhân chính của sự thay đổi cách nhìn như trên, là các doanh nghiệp đang tìm mọi cách chiếm giữ đất rừng của cộng đồng. Trong số những tác nhân bên ngoài, Công ty Cao su Quế Phong là đối tượng đáng nói nhất. Một người dân bản Chiếng đặt vấn đề: “Chúng tôi đã nghèo sẵn vì không có đất, vậy tại sao công ty cao su còn chiếm đất của chúng tôi?” Một thanh niên than phiền về tình trạng thiếu đất rất đáng ngại của mình và chán ngán rằng: “nếu thiếu đất, thừa dân thì cấp giấy cho dân chúng tôi để sang Lào ở đi. Không muốn là người Việt Nam nữa”. Một lãnh đạo xã phản ứng lại công ty cao su rằng: “Công ty cao su vào làm (lấn đất của cộng đồng), họ tưởng bà con ta không biết gì nên họ cứ làm, sau đó (cán bộ xã) đã làm việc giải thích với họ hai, ba lần họ mới dừng lại”. Một già làng nói về cách thức ứng xử của người dân và chính quyền địa phương trước người ngoài xin nhập hộ khẩu: “khổ lắm, không tỉnh táo mà ừ là chết. Xã ừ rồi mà dân không ừ, dân biết dân làm, có quyền dân chủ. Phải nói với nhau cho thống nhất chứ không thể đè từ trên xuống được”. Trong khi có 39 người trả lời phỏng vấn đều khẳng định rằng dân bản đang thiếu đất, thì nhiều người khác liên hệ giữa tình trạng chiếm đoạt đất với thực trạng dân thiếu đất và bất công xã hội: “nhà giàu thì cứ giàu thêm, nghèo thì cứ nghèo thêm vì họ không có đất sản xuất nữa”. Một số già làng nhận ra ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường đối với cộng đồng: “Bây giờ mới sinh ra ông Mo thị trường, cứ đặt tiền vào ông ấy kinh doanh, làm
55
xong hết chứ không theo mấy con gà, mấy con lợn như xưa nữa”. Ngược lại, một phụ nữ Thái làm cán bộ xã và lấy chồng là người Kinh cho rằng: “cách thức họ sống vẫn lạc hậu, con ốm một tí thì đi mua 1 con gà, con cá, cả rượu nữa mà không đi mua thuốc. Nếu con sốt thì chỉ đi mua thuốc 10.000 đồng, không tốn, mà nếu làm gà thì tốn hơn”. Dẫu sao người dân vẫn có cách nhìn phê phán đối với những gì được bên ngoài cho là văn minh, như lập luận của một già làng: “Tại sao nhà nước, ông trời cho ta làm giàu rồi mà sao không giàu được? Ngày xưa làm bằng tay hết, đào hầm đào hào được, giờ có máy móc hết rồi sao không làm giàu được. Đáng ra học sinh, thanh niên nên phải có 1 – 2 ha rừng trồng rồi. Họ trả lời là theo thời buổi; ông nghĩ, thế theo thời buổi, nhìn ra có nhặt được gì không? Bây giờ không có Tế sần thì tiếc lắm, cái đáng có thì không có, cái không đáng thấy thì thấy. Cha nói với con, con không nghe, xẩy ra nhiều chuyện lắm”.
Có những xung đột về cách nghĩ, cách hiểu giữa người dân địa phương với những người ngoài thuộc nền văn hóa khác và địa phương khác đến sống và làm việc trong và gần cộng đồng. Một số người được phỏng vấn là người ngoài thể hiện cách nhìn hoàn toàn khác so với người dân địa phương. Họ cho rằng người ngoài đến đây để giúp địa phương thêm văn minh, tiến bộ và bài trừ ‘lạc hậu’. Một công nhân nông trường cao su không biết có rừng thiêng ở địa phương và mong muốn được phát rừng, mà theo anh ta đó là đất hoang để trồng cao su và thu lợi nhuận càng nhiều càng tốt. Một bộ đội biên phòng cho rằng “người Thái làm lúa nước nhiều hơn, ít làm nương rẫy hơn. Với người Mông thì khái niệm bảo vệ rừng là không có vì họ phát nương làm rẫy, do người ta ở trên cao, ít nước. Đất của người Mông ở một xã gần đây thì rộng hơn nhưng do người ta làm nhiều quá 2 mùa/rẫy, chỉ làm rẫy không, khi người ta khai phá thì sau diện tích đó không trồng được gì nữa, chỉ có cỏ tranh. Với diện tích lớn thì cũng khó bảo vệ, đến mùa măng thì người ta đi vào hái nên ít nhiều có ảnh hưởng đến rừng”. Khi một cán bộ BQL Khu BTTN Pù Hoạt khẳng định vai trò tiên phong của BQL trong việc hỗ trợ bảo vệ rừng, thì một người dân lại chỉ ra mặt tiêu cực của BQL đối với sinh kế địa phương. Thí dụ: “Nay rừng được chia rồi, có chủ như Ban quản lý rừng phòng hộ rồi nhưng lại không ngăn cấm được, do mua bán lâm sản nhiều. Người trong rừng còn nhiều hơn ở nhà” (SPERI, 2008b). Một già làng tỏ ra nghi ngờ đối với chức năng của BQL Khu BTTN Pù Hoạt: “Nay họ làm hàng bán, thấy vác một cây nhỏ là phòng hộ vào tận đây bắt luôn. Mà họ lại nói cho các cháu thành niên làm cột,
56
làm cửa bán cho họ. Như hôm trước 8 giờ tối xe ô tô phòng hộ vào lấy gỗ đầy cả xe”. Gần đây một số người dân địa phương đã phải làm việc nặng nhọc để thu gom và vận chuyển gỗ cho chủ buôn bán gỗ, nhưng chỉ được trả ít tiền công. Nếu họ tự mình làm gỗ thì họ sẽ bị kiểm lâm bắt ngay lập tức. Vì vậy một người dân cho rằng: “Giữ rừng cho phòng hộ họ sướng, họ được ăn tiền của nhà nước. Dân không có đất là thêm đói thêm nghèo chứ không phải xoá đói giảm nghèo. Cấm rừng là làm giàu cho gia đình phòng hộ thôi chứ không cho dân. Bây giờ con buôn cũng làm ăn với phòng hộ đầy cả xe ô tô. Con buôn vận chuyển gỗ đi đêm ào ào, không hiểu kiểm lâm làm răng”. Người dân địa phương lập luận rằng: “chúng tôi ở đây lâu rồi, sao các anh mới từ đâu đến đây lại nói là rừng nhà anh?” Người dân cũng đã thấy được tương lai càng chồng chất thêm khó khăn của mình bởi vì họ sẽ khó lòng có được thêm bất cứ sản phẩm gì từ rừng. Họ biết rõ rằng nếu so sánh với quyền tự do vào rừng thu hái sản vật theo truyền thống, thì họ sẽ thu được rất ít từ việc hợp đồng lao động bảo vệ rừng với BQL Khu BTTN Pù Hoạt. Điều này được thể hiện rõ qua lời của một già làng: “Phòng hộ làm thế thì nay mai chờ lấy tiền cho gia đình không được. Còn chia đất cho gia đình mới được lâu dài. Tiền chỉ được mấy đồng, nhiều nhất là 3 triệu đồng/ năm, không đủ mua mì chính. Phòng hộ nên lấy rừng chỗ khác, chỗ gần dân phải giao cho dân có vườn rừng làm ăn. Chỉ cần một khoảnh đất nhỏ trồng rau, cải, mướp là ta thu hơn gấp 2-3 lần số tiền phòng hộ cho rồi”.
Để ứng phó với sức ép từ bên ngoài, một số người dân đã điều chỉnh cuộc sống và sản xuất của mình, như lời của một thanh niên bản Na Xai: “Tôi bảo người ngoài vào lấy thì đâu còn rừng rẫy mãi nữa, sau đó tôi quyết tâm làm ruộng. Có anh vào đây trước nhưng không làm ruộng, bây giờ không có thì van ai. Nhà nước không cho rừng thì phải chịu thôi. Xưa địa chủ ác thì dân phải ám sát. Thời nay khác rồi”.