Áp đặt hay từ dưới lên?

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 101)

Trong các tranh luận về bảo tồn thiên nhiên, cụ thể hơn là bảo vệ rừng, thì trọng tâm thảo luận gồm hai chủ đề chính là: các giá trị và thực hành văn hóa địa phương, và quyền về đất rừng. Các dân tộc bản địa ít người đã duy trì tín ngưỡng, luật tục, việc quản lý đất rừng và thực hành canh tác qua nhiều thế hệ. Tương tự như nhiều cộng đồng miền núi ở xung quanh, mỗi dòng họ trong cộng đồng người Thái có vật linh của mình, thường được gắn với các giống sinh vật quí hiếm như hổ, chim Tăng lo, Niêu vi (một loài chân đốt sống dưới nước), hoặc một số loài cây leo hiếm có trong rừng rậm. Không chỉ một dòng họ tôn trọng và giữ gìn vật linh của mình, mà các dòng họ khác cũng làm như vậy, bởi vì người dân không muốn xúc phạm đến niềm tin của người khác. Bên cạnh đó, các nghiên cứu cho thấy canh tác truyền thống có tính phù hợp cao nhất trong điều kiện địa phương để bảo đảm sinh kế của người dân qua nhiều thế kỉ. Thực tiễn canh tác địa phương không đáng bị phê phán, mà đối tượng đáng bị chỉ trích chính là các công ty khai thác gỗ, khai khoáng, đập thủy điện và độc canh cây hàng hóa do người ngoài tiến hành. Vì vậy, khi các chủ thể từ bên ngoài hiểu rõ và có cách nhìn thiện cảm, thì họ có thể nhận ra các giá trị của cộng đồng, tin tưởng và biết khích lệ người dân địa phương bảo tồn tài nguyên.

Mặc dù Bảo tồn Nhỏ (Alcorn, 2005) và các sáng kiến, hành động địa phương mang lại những lợi ích tiềm năng, nhưng vẫn thường bị các cách tiếp cận chính thống lấn át. Quy hoạch sử dụng đất thường do các nhà lập định chính sách cấp cao quyết định, và cấp dưới lại phải chấp hành mệnh lệnh của cấp hành chính cao hơn. Còn quá ít không gian để cộng đồng phản hồi khi mà cấp trên không sẵn lòng lắng nghe cấp dưới và cơ sở. Tương tự như vậy, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và các dự án lớn lại không được xuất phát và đồng bộ hóa từ các địa phương ở vùng sâu vùng xa, mà lại được một số người sống ở thành phố, thị trấn trung tâm quyết định. Vì lẽ đó, khi quyết định những người từ bên ngoài không thể tránh được các bất cập do khoảng cách giữa hiểu biết của người ngoài, những mối lợi và mục tiêu của họ với các kinh nghiệm, ước muốn và mong đợi của người dân địa phương. Bất cập thường xuyên xảy ra khi tầm nhìn vị chủng của

94

quan chức làm cho họ nghĩ rằng họ văn minh hơn và có lý hơn so với người dân ‘lạc hậu’.

Những gì diễn ra ở các khu bảo tồn trong các thập kỉ vừa qua cho thấy có rất ít cách nhìn tích cực và hợp tác dân chủ từ phía các nhà bảo tồn từ bên ngoài. Những người cực đoan chọn cách hung hăng xua đuổi người bản địa ra khỏi lãnh thổ di sản của cha ông họ mà không cần biết đến tương lai và sinh kế cùng với mối quan hệ mật thiết giữa thiên nhiên với văn hóa vốn có của cộng đồng. Một số cơ quan bảo tồn khác can thiệp bớt cứng rắng hơn khi họ tự nhận quyền pháp lý về đất đai cho mình, nhưng lại chồng lấn lên đất đai của tổ tiên người bản địa, rồi tự dựng lên bản đồ loại trừ người dân địa phương và biến họ từ vai trò làm chủ ở nơi họ sống thành kẻ phạm pháp. Khi các nhà bảo tồn chính thống hô hào bảo tồn đa dạng sinh vật và bảo vệ môi trường, thì nghe có vẻ thật hấp dẫn và có vẻ thuyết phục. Nhưng còn bảo tồn đa dạng văn hóa thì sao? Khi các nhà bảo tồn đưa dân địa phương ra khỏi nơi sinh sống của họ, thì có phải đó là việc các nhà bảo tồn chỉ cần biết đến các giống quý hiếm chứ không cần biết khả năng tuyệt chủng hay biến mất về văn hóa của các nhóm người dễ bị tổn thương? Một câu hỏi khác cần đặt ra trước các quan chức bảo tồn, rằng họ có thực sự chăm lo cho thiên nhiên như họ nói? Nếu thật vậy, thì quan chức và nhân viên bảo tồn có sẵn sàng rời khỏi một vùng tự nhiên hoàn toàn cũng tương tự như người dân địa phương để bảo tồn khu vực đó, mặc dù trên thực tế người dân có khả năng bảo tồn thiên nhiên tốt hơn do họ có hệ thống niềm tin, phong tục và tri thức địa phương? Thực ra các nhà bảo tồn từ bên ngoài sử dụng các khái niệm như một công cụ để phục vụ lợi ích của chính họ, củng cố vai trò của họ để có thêm nguồn ngân sách từ bên ngoài và thu lợi nhuận từ việc chiếm giữ các vùng đất bất chấp thiệt hại và số phận của người dân địa phương. Nghe thì có vẻ người dân địa phương được hưởng lợi từ nguồn ngân sách nhỏ giọt từ cái gọi là đồng quản lý, nhưng thực chất là hợp đồng lao động đối với người bản địa trên chính mảnh đất của tổ tiên của họ. Nhưng trong trường hợp này, địa vị của người dân địa phương bị tổn hại, bởi vì họ bị buộc phải biến đổi từ địa vị chủ đất thành người làm thuê. Chắc chắn là không có bất cứ bảo đảm nào cho mối quan hệ bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa kẻ cho và người nhận trong bối cảnh bảo trợ gắn với quyền bính hành chính. Quá trình này làm cho cộng đồng và mỗi thành viên càng yếu kém đi, càng thấy cực khổ khi phụ thuộc nhiều hơn vào người ngoài.

95

Như đã thảo luận ở các phần trước, thực tế cho thấy sự khác nhau về cách nhìn nhận và phương pháp làm việc giữa các cộng đồng dân tộc ít người với các cơ quan từ bên ngoài. Sự khác biệt dẫn đến nhiều viễn cảnh khác nhau do có sự phối hợp hoặc va chạm giữa những nhận thức và lăng kính văn hóa khác nhau. Hệ quả tích cực hay tình huống cùng thắng có thể đạt được trên cơ sở sẵn lòng học hỏi, tôn trọng lẫn nhau và nhượng bộ để đi đến đồng thuận và giải pháp chung. Ngược lại, hậu quả tiêu cực, hoặc kết cục bên thắng bên thua, thậm chí tất cả cùng thua và mâu thuẫn xảy ra khi các bên cố thủ cách nghĩ của mình, coi thường người khác và chống đối nhau. Hiển nhiên là cách nhìn từ bên trong cộng đồng và phương pháp tiếp cận đi từ dưới lên có thể đáp ứng được yêu cầu của hệ quả tích cực, và ngược lại, cách nhìn từ bên ngoài và tiếp cận áp đặt đi liền với hậu quả tiêu cực. Vì thế câu trả lời cho cách tiếp cận cộng đồng các dân tộc ít người bản địa đã rõ. Theo quan sát của tác giả Luận văn, thì đa số những người thực thi luật biết được các vấn đề do cách tiếp cận áp đặt gây ra, nhưng họ ngại thay đổi phương pháp bởi rất nhiều lý do ngăn cản. Trước tiên họ cần hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên ấn định, trong khi cấp dưới lại không có đủ không gian và thẩm quyền để điều chỉnh và sửa chữa các mệnh lệnh thiếu thực tế của cấp trên một cách mềm dẻo và dân chủ. Thật không may khi cấp trên có quá ít thời gian để học hỏi và hiểu thực tế đang diễn ra ở cơ sở. Bất cập trở nên tồi tệ hơn khi người thực thi luật và lệnh hành chính không đủ sức mạnh, sức sáng tạo và cách thức điều chỉnh linh hoạt. Kể cả khi không tính đến lợi ích cục bộ, tầm nhận thức, thái độ và năng lực của người thi hành, thì áp lực từ cách tiếp cận áp đặt đã làm cho họ cảm thấy quá khó để gần gũi và làm việc có hiệu quả cùng người dân địa phương.

Liên quan đến các cách tiếp cận bảo tồn thiên nhiên được đề cập ở Phần Tổng quan các Nghiên cứu, câu hỏi đặt ra là: đồng quản lý, quản lý có sự tham gia, hoặc Mô hình Quản lý Bản địa có phù hợp và vận dụng được ở cộng đồng được nghiên cứu hay không. Quản lý rừng có sự tham gia gặp phải rắc rối khi quyền đất đai trong tay của người ngoài mà không phải cộng đồng địa phương. Mặc dù Borrini- Feyerabend & Tarnowski (2005, trang 83-84) tin vào sự cải thiện trong quản lý có sự tham gia, nhưng đề xuất của họ về việc tăng cường các thể chế đa bên và đối thoại vẫn không đủ để giải quyết các vấn đề do sự lấn át của các chủ thể bên ngoài gây ra. Thêm nữa, đồng quản lý rừng giữa các cơ quan lâm nghiệp quốc doanh với cộng đồng được nghiên cứu cũng phù hợp với nhận định của Ross và cộng sự

96

(2011, trang 231-232) về sự lấn át của người ngoài và thiếu tôn trọng các giá trị và sức mạnh của cộng đồng. ‘Mô hình Quản lý Bản địa’ (Ross và cộng sự, 2011) đòi hỏi phải có tầm cao trong việc tôn trọng các giá trị bản địa trong khi hệ thống pháp luật công nhận “Quốc gia Bản địa” và chủ quyền của họ. Điều này có thể xảy ra ở các nước phát triển, nơi có sẵn các chuyên gia có chất lượng và không có nhiều lo lắng đến tự do, tự trị cùng với tiến bộ của chủ nghĩa đa dạng văn hóa và ‘Quốc gia Bản địa’. Tuy nhiên mô hình này rất khó vận dụng, nếu không nói là không thể và không khả thi ở một nước đang phát triển như Việt Nam, nơi còn quá nhiều việc cần làm để nâng cao năng lực của cán bộ trong khi tính nhạy cảm văn hóa vẫn còn là lực cản lớn. Khuyến nghị nhận diện và tôn trọng các giá trị bản địa trong việc cộng tác quản lý thiên nhiên của Ross và cộng sự (2011) là có ích và có thể vận dụng ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, đa số các cộng đồng địa phương gặp khó khăn khi tự mình vận động chính sách và khuyến nghị bởi những hạn chế về nhân lực và ngân sách để vận động hệ thống hành chính công nhận các quyền theo luật của họ. Vẫn cần có thêm những thiện chí hỗ trợ các quyền đất rừng của cộng đồng cùng với những mạng lưới tăng cường năng lực và tiếng nói của người dân tộc ít người bản địa.

Cùng với quá trình phân quyền, thì cũng cần cải thiện hiểu biết, thái độ và năng lực làm việc của cộng đồng và các cơ quan bên ngoài để giao tài nguyên trực tiếp cho cộng đồng. Các tổ chức dựa vào cộng đồng cần có cơ hội tiếp cận các chuyên gia và ngân sách từ bên ngoài để thực thi các công việc phát triển cộng đồng, đặc biệt là việc giao đất rừng cho cộng đồng và bảo vệ rừng. Vì vậy, trên cơ sở thực tiễn và năng lực quản lý của cộng đồng, thì mức độ định hướng, quyết định kế hoạch chiến lược và tiến hành hoạt động, theo dõi và quản lý ngân sách cần được chuyển giao tương ứng cho cộng đồng trực tiếp quản lý. Quá trình phát triển này song hành với việc chuyển biến vai trò của người ngoài hỗ trợ từ chỗ là cán bộ dự án phát triển thành người hỗ trợ và được thuê tư vấn cho những công việc mà cộng đồng không thể tự làm. Như đã thảo luận ở phần trước, việc học hỏi các giá trị văn hóa địa phương, tăng cường các tổ chức và thể chế truyền thống, vận động hành lang vì quyền đất đai của cộng đồng, và tăng cường năng lực và tiếng nói của cộng đồng thông qua mạng lưới là những hoạt động cần thiết để khẳng định các quyền hợp pháp của cộng đồng.

97

Quản lý tài nguyên thiên nhiên (TNTN) dựa vào cộng đồng, và cụ thể hơn là quản lý rừng dựa vào cộng đồng là khái niệm được các nhà nghiên cứu và những người ủng hộ quyền cộng đồng đưa ra để thách thức luận điểm ‘phát triển’ của trào lưu chính thống tôn sùng đầu tư và lấn át từ bên ngoài. Tuy nhiên, quản lý TNTN dựa vào cộng đồng bị Li (2005) chỉ trích là “hạn chế nghiêm trọng”, và việc “giấy tờ hợp pháp hóa tài nguyên gây ra phân biệt đối xử và có thể trở thành điều không thực tế đối với môi trường” (trang 447). Tuy vậy quyền thiết thực đối với đất đai và tài nguyên cùng với quyền thực hành văn hóa cần được nhận diện rõ ràng nếu đó là một phần của việc khẳng định quyền công dân đầy đủ cho người miền núi ở Indonesia, ở Philippines hay ở những nơi khác theo như khuyến cáo của Li (2005, trang 448). Ít nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam, nếu không khẳng định quyền về đất đai, thì lý thuyết về quyền công dân sẽ không đủ để giải quyết các vấn đề đặt ra đối với an toàn sinh kế và hạnh phúc của các cộng đồng bản địa. Một mặt xu hướng chính thống khuếch trương tăng trưởng kinh tế cùng với các chương trình phát triển, nhưng thực chất chỉ có lợi cho người giàu và có quyền lực, một bộ phận rất nhỏ trong xã hội. Mặt khác, các cộng đồng bản địa cần đất rừng, vì đó là không gian để họ thực hành và giữ gìn các tri thức và giá trị văn hóa của mình. Vì vậy cùng với việc cải thiện các quy định luật pháp về các quyền chính trị, văn hóa và lãnh thổ của các dân tộc ít người, thì cũng cần tăng cường các hướng tiếp cận thực tiễn để đưa các quyền nêu trên vào đời sống.

Trên thực tế, sở hữu đất rừng và việc giữ gìn sức mạnh địa phương là những yếu tố thiết yếu để đảm bảo anh toàn sinh kế của một cộng đồng (SPERI, 2011). Trong khi cố gắng thay đổi cách tiếp cận áp đặt chính thống, phương pháp tiếp cận thay thế từ dưới lên đã được đưa ra. SPERI và các tổ chức tiền thân và liên kết với SPERI đã có 20 năm kinh nghiệm làm việc với các dân tộc ít người vùng Mê-công. Khi kết hợp với các hoạt động thực tế, nghiên cứu của SPERI tập trung tìm tòi và tăng cường mối quan hệ giữa chính sách đất rừng, sở hữu cộng đồng và an toàn sinh kế địa phương. Các mô hình điểm quản lý rừng cộng đồng, nông nghiệp sinh thái, trường đào tạo thực hành của nông dân và việc nghiên cứu đã đưa ra các kiến nghị đến các nhà lập định chính sách để họ nhận biết sức mạnh và các giá trị của cộng đồng, từ đó thúc đẩy họ tìm cách tiếp cận phù hợp để khích lệ các sáng kiến của người dân tộc ít người bản địa.

98

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)