Theo trình bày ở Mục 4.2, trong tâm thức của người Thái ở địa phương nghiên cứu có mối liên hệ giữa lãnh thổ với tinh thần cộng đồng. Sự hình thành và duy trì thiết chế bản và mường, hay sự liên kết trong và giữa các làng bản có tầm quan trọng trong tổ chức tự quản về chính trị và xã hội ở địa phương. Người dân vẫn lưu giữ những truyền thuyết lập bản lập mường và tiếp tục thực hành nhiều nghi lễ khác nhau nhằm khẳng định lãnh thổ và cơ nghiệp mà tổ tiên họ để lại. Khi mỗi thành viên tham gia, đóng góp công sức, đồ lễ và chia sẻ các giá trị chung tại các sự kiện của cộng động, thì họ đang xây đắp và duy trì tính cộng đồng, bản sắc và tình đoàn kết. Các sự kiện của cộng đồng, đặc biệt là các lễ cúng tạo ra các cơ hội tốt để người dân chia sẻ suy nghĩ, xem xét và đổi mới các chuẩn mực luật tục sao cho phù hợp với tình hình mới. Đây cũng là dịp thuận lợi để thảo luận và xây dựng các hương ước về các mối quan hệ xã hội, về thiết kế cảnh quan, sử dụng tài nguyên và bảo vệ rừng. Sẽ là hữu ích nếu thử trả lời câu hỏi: tại sao vào những ngày thường cộng đồng người Thái không cho phép vào chặt cây và thu hái ở vùng thiêng, đặc biệt là những vùng sinh thái dễ bị tổn thương và những nơi thiết yếu cho đời sống như vùng đầu nguồn nước? Một giả thuyết lý giải rằng cộng đồng đã chứng kiến và nhận biết rõ môi trường sống quanh họ qua nhiều thế hệ và biết rõ nơi nào cần được bảo vệ. Họ thấy rằng gắn với niềm tin và thực hành phong tục là cách hữu hiệu nhất để bảo vệ thiên nhiên. Và đó là lý do để cộng đồng định ra các vùng đặc biệt cần bảo tồn, để đến nay được biết đến là những vùng thiêng. Cho dù giả thuyết trên có đúng hay không, thì không ai có thể phủ định được hiệu quả tích cực của niềm tin bản địa và thực hành lễ cúng đối với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trên đất kế thừa của tổ tiên. Vì thế phong tục và thực hành bản địa có thể đóng góp tốt cho việc bảo vệ rừng và đất đai. Các giá trị văn hóa địa phương đã được điều chỉnh và vận hành một cách bền vững qua nhiều
89
thế hệ ở vùng đầu nguồn và vùng rừng phòng hộ, và chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy tốt tác dụng trong tương lai nếu không bị các ảnh hưởng tiêu cực từ bên ngoài.
Bên cạnh cơ chế tự quản của bản và mường, còn có nhiều hình thức tổ chức xã hội dân sự truyền thống bên trong và giữa các bản và mường. Họ pàn tòng hay các nhóm theo dòng họ giúp đỡ lẫn nhau tương tự như Phường hội, Phường họ và
Hội phường đã làm cho cộng đồng người Thái thêm gắn bó và thống nhất. Nói cách khác, các hình thức tổ chức truyền thống đa dạng là biểu hiện của một xã hội dân sự mạnh và năng lực tự quản của cộng đồng người Thái. Các tổ chức truyền thống đã được thành lập và hoạt động trên cơ sở nguyên tắc tự nguyện và cùng chịu trách nhiệm. Người dân được tự do quyết định tham gia hay rời bở tổ chức truyền thống mà không bị bất cứ mệnh lệnh ép buộc nào từ người có quyền lực hay các thành viên khác. Tuy nhiên đó không phải là trạng thái hỗn loại vô chính phủ, bởi vì mỗi thành viên trong cộng đồng cần tuân thủ một hệ thống chuẩn mực và các giá trị theo phong tục. Đối với người Thái cũng như nhiều nhóm dân tộc ở vùng xa xôi, hình phạt nghiêm khắc nhất không phải là tử hình như ở nhà nước hiện đại, mà là việc loại trừ khỏi tư cách thành viên của cộng đồng. Bổ sung cho các hình thức phạt về thể chất, thì trừng phạt về tinh thần không kém phần hiệu nghiệm. Một người chắc chắn sẽ khiếp sợ khi tưởng tượng một khả năng họ không được luân hồi và trở thành kiếp tha phương khổ đau mãi sau cái chết. Vì thế, sẽ không có lý do nào để một người bất chấp phong tục của cộng đồng là hoàn thành nghĩa vụ sản xuất và tái sản xuất của mình để bảo đảm rằng con cháu của mình có đủ khả năng hoàn tất tang lễ để đưa ma cha mẹ lên Thẻn và được hồi sinh. Mỗi người cần cố gắng hết sức mình xây đắp mối quan hệ tốt, có được tiếng thơm và được những người khác quý mến, ngưỡng mộ. Các nỗ lực hoàn thành nghĩa vụ của một người và xây dựng quan hệ tốt với người khác là những việc tốt để duy trì và tăng cường tính cộng đồng. Các phong tục và mối liên kết đó đóng góp vào việc hình thành bản sắc văn hóa đặc thù và thống nhất của người Thái, đồng thời giữ cho cộng đồng ổn định trong khi đối mặt với người ngoài, thay đổi và tiến triển.
Mặc dù quyền đất rừng của cộng đồng đã mang lại nhiều lợi ích, nhưng lại chịu thiệt hại ngày càng nhiều trong điều kiện tự do hóa thị trường ở Việt Nam, kể cả khi cộng đồng đã được cấp giấy chứng nhận về đất. Trước hết quyền sử dụng đất
90
rừng cộng đồng đứng trước thách thức của quan niệm lập pháp về ‘sử dụng đất có hiệu quả’. Theo cách giải thích chính thống thì quyền sử dụng đất sẽ được ưu tiên trao cho chủ thể có tính cạnh tranh và khả năng làm ra lợi nhuận cao. Ngôn từ ‘hiệu quả’ có vẻ như bảo vệ quyền của người dân, nhưng thực chất lại quan tâm nhiều hơn đến lợi nhuận, tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách hơn là sinh kế ổn định của cộng đồng và sự sinh tồn của người nghèo. Trong bối cảnh này, cộng đồng nghèo, vô quyền là người có ít tính cạnh tranh nhất. Thứ hai, cho dù quyền về đất có được trao cho cộng đồng, nhưng vẫn có thể bị nhà nước truất quyền, bởi vì nhà nước nắm quyền đại diện ‘sở hữu toàn dân’ và quyết định giao giấy chứng nhận về đất. Nếu quyền về đất của cộng đồng bị thu hồi, thì cộng đồng không được bồi thường gì ngoài khoản đầu tư trên đất. Thứ ba, đất rừng và tài sản của cộng đồng đang ngày càng bị đe dọa bởi sự ngự trị ngày càng lớn của quyền lực tiền bạc và hành chính cùng với sự lấn át thể chế và tổ chức truyền thống. Thứ tư, nhiều cộng đồng dân tộc ít người không còn giữ được tính đoàn kết thống nhất bởi một bộ phận thành viên đi theo các giá trị từ bên ngoài, như tính riêng tư, cá nhân hóa, và chủ nghĩa tiêu thụ. Kết cục là họ buông lỏng các giá trị của mình với tính cộng đồng, giúp đỡ lẫn nhau và sức mạnh hành động tập thể đang được các thành viên khác giữ gìn. Bên cạnh đó là rất nhiều cạm bẫy đối với quyền đất rừng của cộng đồng như đã được minh họa ở phần trước. Hơn nữa các tổ chức chính thống và việc thực thi bảo vệ rừng là những yếu tố ảnh hưởng đến di sản của cha ông, cụ thể là rừng cộng đồng.
Những bất cập trong nhận thức chính thống về quyềt đất rừng của cộng đồng vẫn tồn tại, nên cần tiếp tục đổi mới để bảo đảm quyền của người dân địa phương cùng với việc cải thiện chất lượng hợp tác trong công tác bảo tồn tài nguyên. Theo cách nhìn của cộng đồng, việc giữ gìn niềm tin và thực hành đối với di sản tổ tiên và tính tự quản không phải là mối lo ly khai khỏi xu hướng chính thống, mà là sự đóng góp làm giàu thêm đa dạng văn hóa của quốc gia. Tương tự như nhiều cộng đồng dân tộc ít người ở Việt Nam, người Thái đã cho thấy khả năng hợp tác để xây dựng một quốc gia đa văn hóa chung trong lịch sử. Nếu các nhà quyết định chính sách suy nghĩ tích cực được như cộng đồng, thì họ cần đưa ra chính sách tốt, kích thích sự tham gia tích cực của cộng đồng, sự cộng tác có hiệu quả và viễn cảnh cùng có lợi. Tuy nhiên, vẫn tồn tại sự bất tương xứng trong quan hệ quyền lực giữa các cơ quan thi hành luật với cộng đồng địa phương. Quy hoạch sử dụng
91
đất, việc phân loại đất rừng, và các chương trình giao đất giao rừng đã được tiến hành theo kiểu áp đặt một chiều hơn là khuyến khích các sáng kiến và sức mạnh từ cơ sở. Hệ quả của lối áp đặt đã được chỉ rõ trong các phần trước. Không có cách nào sửa chữa các sai lầm trong quá khứ tốt hơn việc đáp ứng các nhu cầu bức thiết là chia sẻ quyền lực cân bằng giữa chính quyền với cộng đồng địa phương. Nói cách khác là cần đổi mới để có thể giao quyền quản lý đất rừng trực tiếp cho cộng đồng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và sự cộng tác giữa hai hệ thống: luật pháp và luật tục. Quá trình phân quyền như vậy không có nghĩa là chỉ nhấn mạnh lợi thế của một bên hoặc gạt bỏ bên kia; mà là sự kết hợp sức mạnh của tất cả các chủ thể có liên quan. Khi lợi ích của luật tục đã được chỉ rõ trong các phần trước, thì luật pháp có thể giúp giải quyết hiệu quả các vấn đề và tranh chấp giữa cộng đồng địa phương với người ngoài. Sự phối hợp giữa hai hệ thống luật nêu trên tạo ra khả năng thu hẹp khoảng cách và giải quyết các mâu thuẫn một cách triệt để. Sự kết hợp giữa luật pháp và luật tục không có nghĩa là đưa hệ thống này vào làm một phần phụ thuộc hệ thống kia. Vì vậy gợi ý “chuyển biến từ tính đa nguyên luật pháp thành hợp nhất hệ thống pháp luật” (Larson và cộng sự, 2010, trang 15) cần được cân nhắc và tranh luận. Do mức độ và phạm vi quyền lực bất cân xứng giữa luật tục và luật nhà nước, nên khó có thể giữ gìn các giá trị luật tục nếu luật tục bị hợp nhất rồi đi đến phụ thuộc và hệ thống luật pháp. Bên cạnh đó, pháp điển và chính thống hóa luật tục sẽ làm biến dạng và tổn hại đến bản chất tồn tại như một thể sống của luật tục, vì luật tục được xây dựng và điều chỉnh liên tục qua nhiều thế hệ và được ứng dụng sống động trong đời sống hàng ngày ở địa phương. Vì vậy, để giữ gìn tính đa dạng văn hóa, thì hai hệ thống luật trên cần được song hành tồn tại trong một môi trường đa nguyên luật pháp và sự tôn trọng và công nhận tính bình đẳng lẫn nhau. Vì những đóng góp tích cực của cộng đồng địa phương, những người ngoài đến hỗ trợ cần nhận diện và khích lệ các giá trị và sức mạnh của thể chế và tổ chức cộng đồng. Ngược lại, sẽ là vô ích và tốn kém nếu cứ cố áp đặt và chồng chéo cấu trúc lạ từ ngoài vào địa phương, trong khi cộng đồng đã từng tự mình thích nghi và vận hành tốt cấu trúc tổ chức của mình. Sẽ là không phù hợp khi khiên cưỡng bắt chước và ấn định cấu trúc xã hội kiểu đồng bằng hoặc các đoàn thể quần chúng vào cộng đồng Thái cũng như các dân tộc ít người khác. Nếu không chú trọng đến các mối quan hệ thực chất, thì nỗ lực chính thống hóa các tổ chức có thể làm cho chúng ngày càng rời xa mối quan tâm
92
của cộng đồng, đồng thời càng làm cho chúng đi vào quan liêu hóa với hoạt động không hiệu quả. Để bảo đảm quyền đất đai trước mắt và lâu dài, thì các thành viên trong cộng đồng cần tăng cường hiểu biết và khả năng phân tích, nhận diện các rủi ro và mặt trái của một nền kinh tế cạnh tranh. Đại diện của cộng đồng cần được nâng cao năng lực và tự tin đối thoại với người ngoài, nhất là các cơ quan quản lý đất đai và các chủ thể lâm nghiệp. Việc tôn trọng và khuyến khích các sáng kiến của cộng đồng là một yêu cầu trong tiến trình phân quyền mà Chính phủ Việt Nam đã hướng tới. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trước phương pháp áp dụng lý thuyết vào thực tiễn của các tổ chức phát triển, trong đó có các cơ quan nhà nước hoạt động ở nhiều nơi trong cả nước.
Khi cố gắng xây dựng phương pháp luận tiếp cận thay thế, SPERI nhận ra rằng việc tăng cường tổ chức truyền thống của cộng đồng là việc làm bắt buộc để tránh các thể chế lạ và quan liêu từ bên ngoài. Các nhóm cùng sở thích của các thày thuốc nam, nghệ nhân thủ công, làm vườn và tiết kiệm & tín dụng là sự tiếp nối của tổ chức Phường hội truyền thống của người Thái. Các hình thức tổ chức mới kế thừa được các giá trị và sức mạnh vốn có của tổ chức truyền thống, và giúp người Thái dễ dàng thích nghi và chấp nhận vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của mình. Tương tự như vậy, quy chế cộng đồng, đặc biệt là quy định liên quan đến sử dụng và bảo vệ đất rừng cần được xây dựng trên cơ sở tri thức thiết kế cảnh quan địa phương, tập tục xác định ranh giới, các lễ cúng, và nhu cầu về đất canh tác. Các già làng có kiến thức rộng có thể đóng góp các ý tưởng có giá trị đối với nhóm soạn thảo quy chế cộng đồng trước khi trình bày để toàn thể cộng đồng thảo luận. Quy chế cộng đồng cần được trình và được chính quyền huyện phê duyệt để bảo đảm địa vị pháp lý mạnh, có thể áp dụng không chỉ nội bộ cộng đồng mà còn cả với người ngoài có liên quan. Tuy nhiên, chỉ nên coi sự phê duyệt chính thống là một hỗ trợ về luật pháp, chứ không phải mục tiêu cuối cùng. Nói cách khác, quy chế cộng đồng tồn tại độc lập và không phụ thuộc vào luật pháp và sự cưỡng chế bởi cơ quan nhà nước. Quy chế cộng đồng được chính quyền công nhận cần được chính cộng đồng thực thi như họ đã từng làm theo truyền thống. Đương nhiên là việc duy trì vai trò tích cực của thể chế và tổ chức cộng đồng là cách làm hiệu quả nhất để khuyến khích cộng đồng tự mình giải quyết các vấn đề và tự cải thiện tình hình của mình mà không cần chất thêm gánh nặng về ngân sách và nhân lực của nhà nước.
93