Trước khi viết Luận văn này, tác giả đã có ba tháng để tiến hành nghiên cứu thực địa tại Việt Nam (từ giữa tháng Tư đến giữa tháng Bảy năm 2014), cụ thể là tại xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An. Đợt nghiên cứu này tập trung nhiều nhất vào việc lấy thêm thông tin và phân tích các cách nhìn và cách tiếp cận khác nhau đối với cộng đồng người Thái ở xã Hạnh Dịch và phản hồi của cộng đồng trước những can thiệp đó. Nghiên cứu này đồng thời cập nhật và củng cố thông tin từ các nghiên cứu trước đây của SPERI về thế giới quan, tín ngưỡng truyền thống, thể chế, luật tục, sự thông thái và thực hành quản lý và sử dụng đất rừng cộng đồng. Từ đó các bằng chứng thực tiễn có thể được liên kết với các ấn phẩm hàn lâm cùng với các dữ liệu (xuất bản và chưa xuất bản) của SPERI. Trên cơ sở sự liên kết đó, tác giả có thể đưa ra giả thuyết và trả lời câu hỏi: liệu các ấn phẩm xuất bản có tương thích với trường hợp này, và bài học rút ra từ nghiên cứu trường hợp này có thể được vận dụng như thế nào và đến mức nào ở các cộng đồng có điều kiện tương tự.
Một cuộc thảo luận với các cán bộ SPERI đã được tổ chức trước chuyến đi điền dã để tác giả Luận văn trình bày dự định nghiên cứu và cùng xây dựng kế hoạch nghiên cứu cụ thể lồng ghép vào chương trình tổng thể của SPERI. Những người tham gia đã đóng góp ý kiến cho việc điều chỉnh phạm vi và mức độ nghiên cứu và đặt các câu hỏi, như: loại hình rừng cộng đồng nào đáng được quan tâm nghiên cứu và xác định rõ tại cộng đồng. Một số người đề nghị mở rộng phạm vi người cấp tin ra các tác nhân khác nhau, nhất là những người ngoài cộng đồng nghiên cứu. Cuộc thảo luận đã đi đến thống nhất rằng tác giả sẽ phối hợp với một cán bộ khác của SPERI để tiến hành chuyến nghiên cứu thực địa. Nhóm nghiên cứu SPERI đã tư vấn cố gắng tìm một số thanh niên ở địa phương tham gia để giúp
18
nhóm nghiên cứu viên nhanh chóng có thêm lòng tin của người tham gia, đồng thời tạo điều kiện tốt để các già làng và thanh niên người Thái chia sẻ các giá trị và tri thức của cộng đồng.
Kế hoạch ban đầu của tác giả Luận văn này là tiến hành ba đợt đi thực địa, một đợt khoảng một tuần. Nhưng thực tiễn chỉ tiến hành được hai chuyến đi. Chuyến đi cuối buộc phải dừng lại bởi những căng thẳng vừa mới xuất hiện giữa cộng đồng với công ty cao su khi công ty này quyết chiếm đất của cộng đồng và vừa phun thuốc diệt cỏ trên rừng đầu nguồn, buộc cộng đồng phải phản ứng và muốn đưa vụ việc ra công lý. Trong tình huống nhạy cảm này, nếu một người nghiên cứu đến cộng đồng thì vấn đề sẽ có thể bị đẩy căng thẳng thêm khi các bên tham gia trình bày hoặc thảo luận về vấn đề đang diễn ra. Như vậy là tác giả không có cơ hội như đã dự định trong chuyến đi thứ ba để trình bày lại kết quả nghiên cứu đã có và lấy phản hồi trực tiếp từ cộng đồng. Tuy nhiên tác giả đã gửi một báo cáo tóm tắt và một bài trình bày đến một lãnh đạo cộng đồng người Thái và khuyến khích ông chia sẻ với người dân địa phương để lấy ý kiến phản hồi. Sau mỗi chuyến đi, tác giả đã trình bày kết quả nghiên cứu với các cán bộ SPERI và có được các ý kiến góp ý và bình luận. Tác giả đã gửi một báo cáo tóm lược đến chính quyền xã Hạnh Dịch và đồn biên phòng đóng trên địa bàn xã, và một cuộc gặp và thảo luận ngắn cũng đã được tiến hành giữa nhóm nghiên cứu với các cơ quan trên trong chuyến đi thứ hai.
Hai chuyến nghiên cứu thực địa đã có được 52 người cấp thông tin, bao gồm 47 người Thái ở địa phương và 5 người ngoài cộng đồng. Một già làng, cũng là điều phối viên nhóm Thuốc nam ở xã đã dành hầu hết thời gian trực tiếp làm việc với nhóm nghiên cứu, giới thiệu nhóm với những người cấp thông tin. Mặc dù các nghiên cứu viên mong muốn được gặp những người cấp thông tin một cách ngẫu nhiên và tự nhiên, nhưng già làng tham gia hỗ trợ đã rất nhiệt tình và tư vấn lựa chọn những người đại diện cho các nhóm, các giới và địa vị xã hội khác nhau trong cộng đồng. Mặc dù vị điều phối viên địa phương tư vấn nghiên cứu thực địa nên càng nhanh càng tốt, các nghiên cứu viên đã kiên trì đề nghị có thêm thời gian nghiên cứu tại địa phương, để có thêm cơ hội quan sát, thảo luận và giúp cho người cấp tin khẳng định thông tin rõ ràng hơn. Các nghiên cứu viên đã tập trung nhiều vào người Thái ở địa phương, coi họ là nhóm quan trọng nhất để có các thông tin gốc. Vì thế đa số thời gian nghiên cứu thực địa đã được dành cho các
19
cuộc gặp, quan sát, cùng làm, cùng nấu nướng, cùng ăn uống và nói chuyện với người dân. Bên cạnh đó nhóm nghiên cứu đã có một số cơ hội gặp và phỏng vấn những người ngoài cộng đồng người Thái địa phương. Trong số họ có công nhân công ty cao su, nhân viên Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, bộ đội ở địa bàn, cán bộ đang sống hoặc làm việc với người dân địa phương. Các tác nhân khác nhau có thể giúp các nghiên cứu viên thấy các động cơ và cách hiểu khác nhau về vai trò của người Thái ở địa phương đối với việc quản lý tài nguyên, đặc biệt là đất rừng. Việc phân tích các tác nhân cũng giúp lý giải các nguyên nhân mâu thuẫn về đất và rừng; các mong muốn, động lực và kiến nghị của mỗi bên để giải quyết mâu thuẫn và tìm cách cộng tác trong tương lai.
Phỏng vấn sâu là cách thức tiến hành căn bản nhất trong đợt nghiên cứu thực địa này để có thêm hiểu biết về cách suy nghĩ của người dân cũng như niềm tin và các phong tục của họ. Phỏng vấn sâu chính là phần quan trọng và nổi trội nhất trong đợt nghiên cứu này. Bên cạnh đó, các phỏng vấn bán cấu trúc về tầm quan trọng của luật tục, quyền đất đai đối với an toàn sinh kế đã được phân loại và sắp xếp vào các loại hình khác nhau để có thể đưa vào lượng hóa và phân tích. Dữ liệu nghiên cứu năm 2010 của SPERI về luật tục và quản trị cộng đồng bản địa cũng được dùng như một nguồn bổ sung cho các dữ liệu phỏng vấn bán cấu trúc. Vì vậy có thể thiết lập một bộ câu hỏi bán cấu trúc trên cơ sở tích hợp và kết thừa các dữ liệu đã có từ các nghiên cứu trước đây của SPERI để thấy được con số xuất hiện các loại hình nhận xét đối với vai trò của luật tục trong quản lý đất rừng cộng đồng. Quan sát cảnh quan địa phương và các hoạt động của người dân, nói chuyện không chính thức và nói chuyện phiếm cũng đã được kết hợp với ghi chép, chụp ảnh và ghi âm. Trước khi phỏng vấn hoặc dùng các thiết bị kĩ thuật, cán bộ nghiên cứu đã được thông báo với những người tham gia và được sự đồng ý của họ. Tác giả của Luận văn này đã nhận thấy rằng do giới hạn của phạm vi và mức độ nghiên cứu, nên nghiên cứu thực địa đã không thể tiến hành với diện rộng hơn những người cấp tin. Thí dụ, vẫn còn thiếu các phỏng vấn quan chức cấp huyện và cấp tỉnh có liên quan đến quản lý đất rừng. Mặc dù người dân ở các xã xung quanh như Tiền Phong, Thông Thụ còn chịu cảnh thiếu đất thậm chí còn trầm trọng hơn Hạnh Dịch, nhưng các nghiên cứu viên đã không có cơ hội gặp và lấy thông tin từ những người dân ở đó. Tuy nhiên, dựa trên các thống kê thứ cấp và các dữ kiện trên thực tế, cùng với suy nghĩ và ý kiến của người dân xã Hạnh Dịch,
20
tác giả Luận văn tin rằng nghiên cứu này có thể phản ánh được thực trạng đất và rừng ở trong vùng.
21
CHƯƠNG 4. NHỮNG PHÁT HIỆN