Thời phong kiến và thực dân (trước 1945)

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 44)

Theo một già làng có kiến thức rộng, trước khi nhà Nguyễn thành lập vào đầu thế kỷ 19, thì đất ở vùng này về danh nghĩa thuộc về các vua chúa ở miền xuôi Việt Nam, nhưng thực tế là do Tạo mường quản lý và cống nạp cho triều đình. Hệ thống Mường, PoọngBản tồn tại một thời gian dài, cho đến tận thời nhà Nguyễn thì đơn vị Poọng mới bị bãi bỏ. Mặc dù sau này Tạo mường được gắn chức danh Châu phủ (một chức danh quan chức dưới thời nhà Nguyễn), nhưng quyền lực của ông dựa trên uy tín hơn là quyền lực hành chính (SPERI, 2008d). Sau khi khuất phục được nhà Nguyễn và đặt được nền cai trị vào cuối thế kỷ 19, thực dân Pháp đã nỗ lực đo vẽ bản đồ và xác định hệ thống địa giới hành chính trên miền núi. Về mặt hành chính, một văn bản của Toàn quyền Đông Dương ngày 22/10/1907 đã phân định vùng đất của xã Hạnh Dịch ngày nay thuộc về huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An (Bùi Ngọc Tam và cộng sự, 2002, trang 11). Tuy nhiên, ảnh hưởng của chế độ phong kiến và thực dân Pháp đến địa phương rất hạn chế, như lời bình của một già làng rằng vùng này quá xa xôi hẻo lánh đối với quan lại nên hầu như họ không tới đây.

Mặc dù có những ảnh hưởng về chính trị và thay đổi về quản lý hành chính, nhưng cộng đồng người Thái ở địa phương đã có nhiều câu nói thể hiện thực tế quản trị địa phương và sở hữu ruộng đất trong quá khứ. Câu nói “Con mi ho, Co mi lon” nghĩa là con người sống có họ hàng cũng như cây cỏ có bụi. Khi người Thái thích tập hợp với nhau theo dòng họ thì trưởng họ có vai trò quyết định di chuyển và định cư của dòng họ. “Nam chau, din chau” là một câu thành ngữ khác, có nghĩa là ‘đất và nước đều thuộc Chảu đỉn’ hay chủ đất trên thực tế cũng như chủ đất về mặt tâm linh. Sở hữu rừng không được xác định rõ ràng mặc dù ranh giới các bản được phân định rõ để giúp dân bản biết chia sẻ và bảo vệ vùng đất và rừng chung của mình. Người ta có thể vào rừng của bản khác để canh tác hoặc lấy gỗ và sản phẩm ngoài gỗ để dùng nhưng không được khai thác để bán (SPERI, 2008a). Cộng đồng thừa nhận rộng rãi nguyên tắc ‘ai đến nhận trước thì

37

người đó được sử dụng’. Không có nhiều động lực cho một người mở rộng diện tích canh tác bởi vì thời trước không thiếu đất, và nếu một người càng có nhiều đất thì càng phải trả sưu thuế nhiều. Người khai hoang đất được quyền sử dụng trong ba năm canh tác và ba năm bỏ hoang tiếp theo. Sau đó người khác có thể đến khai hoang trên đất đó mà không phải xin phép nếu không thấy dấu hiệu người chủ cũ quay trở lại canh tác. Vì về mặt danh nghĩa Tạo mường đại diện và nắm giữ đất rừng, nên có quyền bán đất. Chánh tổng (một chức quan trong hệ thống hành chính cũ, tương đương với Chủ tịch xã hiện nay) là người cấp giấy tờ về đất. Một người muốn vào rừng canh tác, săn bắt thú hoặc thu hái thì phải được phép và phải phục dịch Tạo mường (đi làm ba ngày trong một mùa vụ hoặc 6 ngày trong một năm) và trả thuế cho nhà nước thông qua Tạo mường. Một già làng cho rằng sưu thuế thời trước rất nặng, đến nỗi có người không có đủ tiền để trả, nên phải làm người hầu cho Tạo mường để trả nợ. Mặc dù không có thông tin tranh chấp đất đai giữa các gia đình hoặc cá nhân sử dụng đất trong quá khứ nhưng lại có các câu chuyện về tranh chấp đất giữa các chủ đất lớn. Một già làng kể chuyện về một ông chủ đất ở vùng thượng nguồn huy động người dân dưới quyền của ông chặn một đoạn suối và giữ nước lên cao một số ngày, sau đó bất ngờ phá đê để phá guồng nước của các chủ đất ở hạ nguồn để dành lợi thế và khẳng định quyền lực. Hơn nữa các chủ đất người Thái ở thượng nguồn cũng phải liên kết với các chủ đất ở hạ nguồn để chống lại giặc Xá (Khơ Mú) và phải trả ơn bằng cách cắt một nửa vùng đất của mình cho các chủ khác. Những sự kiện trên cho thấy hầu như không có sự can thiệp nào từ chính quyền trung ương đối với việc quản trị đất rừng ở địa phương trong quá khứ.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)