Theo Lô Khánh Xuyên (2004b) và SPERI (2008a), người Thái ở xã Hạnh Dịch cũng như ở phía Tây Nghệ An tin vào sự tồn tại của ba tầng trên vũ trụ, gồm:
‘Mường Phà’ hoặc ‘Mường Bổn’ (trời hoặc thiên đường); ‘Mường Đỉn’, ‘Mường Lùm’, hoặc ‘Mường Piềng’ (mặt đất) và ‘Mường Bọc Đai’ (dưới lòng đất). Mường Phà là nơi trú ngụ của của ma của các dòng họ khác nhau và cũng có nơi trú ngụ của các ma lang thang do không có người thờ cúng. Có ba bậc khác nhau trên
Mường Phà: cao nhất là ‘Thẻn Na’ hay ‘Thẻn Luống’, đó là nơi ở của ma của các dòng họ cao nhất của người Thái xuất thân từ Síp-song-phăn-na (Sibsongpanna hoặc Xishuangbanna) thuộc Vân Nam/Yunan, Trung Quốc, là người cai quản các
Thẻn khác nhau (hay là những nơi ở của các tổ tiên các dòng họ người Thái). Bậc thứ hai là Thẻn, là nơi ở của các ma tổ tiên của các dòng họ người Thái tương ứng với cấp bậc các dòng họ sống trên mặt đất. Mỗi dòng họ được chia ra hai cấp bậc
26
khác nhau gọi là ‘Quản’ và ‘Hủn’. ‘Ló Cắm’ (họ Lô Vàng) có cấp bậc cao nhất trong tất cả các dòng họ. Bậc thấp nhất trong Mường Phà là ‘Đầm Trạo’ là nơi trú ngụ của ma Pầu, Pốn và Khen Khò (ông, cụ, ông tổ) của các ‘Họ pàn tòng’ (liên kết dòng họ trong phạm vi năm đời). Ma của các dòng họ sẽ đến đúng nơi ở của mình trên ‘Đầm Trạo’. Xung quanh Đầm Trạo là không gian của ‘Phi Sut Duot’, đó là những ma lang thang do người chết không bình thường, hoặc chết không có người thờ cúng hoặc không được thờ cúng đầy đủ, hoặc khi sống người đó không đóng góp đầy đủ cho dòng họ cúng lễ, hoặc vi phạm phong tục, hoặc chết đói, chết do tai nạn. Mường Đỉn chính là thế giới thực, là nơi sinh sống của con người và các sinh vật, đồ vật hiện hữu khác cùng với Phỉ hươn (ma tổ tiên trong nhà) và hồn vía của các sinh vật trên trái đất. Mường Bọc Đai là nơi có những người rất nhỏ và thấp chuyên ăn đất. Giữa các tầng trong vũ trụ vẫn có những tác động lẫn nhau, đặc biệt là giữa Mường Phà và Mường Đỉn. Người Thái tin rằng mỗi người sống đều có một con cá tượng trưng đại diện cho ở trên ao trong vườn của Thẻn. Nếu nước trên trời không vào được ao, hoặc ao bị vẩn đục thì con người sống ở trên trái đất sẽ bị ốm hoặc chết. Khi Thẻn cho một người trở về sống trên trái đất, thì một cây sẽ được Thẻn cho mọc lên để đảm bảo rằng khi người đó chết thì có được quan tài làm bằng gỗ.
Người Thái tin vào sự luân hồi. Tất cả các sinh vật trên trái đất, kể từ cây cỏ cho đến con người đều có Khoẳn (hồn vía). Hồn vía luôn phù hộ và bảo vệ sự sống thực. Sau cái chết của người thường, thì hồn vía sẽ tiêu tan khi xác thối rữa, và sẽ có cơ hội trở thành Phi (ma) nhập vào dòng họ và vật linh tương ứng có trên Thẻn Na thuộc Mường Phà. Chết thường là cái chết do tuổi già hoặc bệnh tật và người chết bình yên, khi đang nằm trên giường. Thẻn sẽ cho ma tổ tiên về luân hồi, sống lại trên trái đất khi ma hoàn thành được tất cả các nghĩa vụ theo yêu cầu luật lệ của Thẻn trên Mường Phà. Ma người chết không bình thường sẽ không được đến nơi ở tổ tiên và không có cơ hội luân hồi nếu con cháu người chết không làm thêm các lễ khác cho trường hợp ngoại lệ này. Nếu không có được thờ cúng đầy đủ thì ma lang thang bị coi là có tội và thường gây hại hoặc cứ lang thang tìm kiếm đồ thừa (Lô Khánh Xuyên, 2004b; SPERI, 2008d).
Thế giới quan và quan niệm luân hồi kể trên gắn kết chặt chẽ với các giá trị và những điều cấm kị mà người Thái lưu giữ. Người dân tin rằng một người tốt và giúp ích cho người khác sẽ được hưởng những điều tốt đẹp và ngược lại. Người ta
27
tin vào sự tồn tại của hồn vía và ma ở mọi nơi, vì thế ở trong rừng rậm, nhất là ở những nơi thiêng thì không được phép nói bậy hoặc đốt lửa ngoài trời, hoặc đặt nồi trên đá để nấu ăn, hoặc ném muối vào lửa, hay chặt cây, phá phách, hoặc đại tiện, vì những hành động đó bị coi là xúc phạm đến ma. Một già làng nói: “nếu không làm gì ma thì ở đâu cũng được, kể cả nằm ngủ ngay dưới cây cổ thụ trong rừng già. Luật của ma cũng giống như luật người. Nếu không biết mà phạm phải thì không sao, nhưng nếu huyênh hoang thể hiện thì sẽ bị tội”. Không giống như người thường, Mo có thể tiếp xúc, hoặc thậm chí trị được ma. Mo có nhiệm vụ cúng các thần linh và ma tổ tiên trong nhiều dịp tế lễ khác nhau để cầu cho dân bản được yên ổn, may mắn và làm ăn thuận lợi. Thờ cúng cũng gắn liền với tôn sùng tổ tiên, chăm sóc cha mẹ và người già, và tôn trọng tất cả các sinh linh. “Nếu quí khách thì cũng quí hồn vía của khách. Đã mời khách uống rượu cần thì cũng mời ma tổ tiên của họ cùng về hưởng và phù hộ cho” (Lô Khánh Xuyên, 2004a). Câu nói này là một trong nhiều câu tương tự thể hiện rõ mối liên hệ giữa cuộc sống phàm tục với đời sống tinh thần của người Thái.