Là một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam, TEW, tổ chức tiền thân của SPERI đã bắt đầu một dự án thử nghiệm tiếp cận phát triển dân tộc ít người ở vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Nghệ An vào năm 2000. Dự án này được thực hiện bằng cách phối hợp giữa TEW và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Nghệ An (NUSTA). Dự án này tập trung vào phương pháp luận tiếp cận nhằm tạo cơ hội để cộng đồng bảo vệ môi trường sống và sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững cùng với việc phát huy kiến thức bản địa. TEW đã sáp nhập vào SPERI trong năm 2006, và từ đó SPERI đã đảm nhận vai trò tiếp cận và tư vấn cộng đồng. Vì đến thời điểm đó năng lực quản lý của cộng đồng đã được tăng cường, nên SPERI đã chuyển giao phần lớn vai trò thực thi và quản lý dự án từ cán bộ dự án sang đại diện của cộng đồng. Một ban quản lý dự án ở cấp xã và cấp huyện đã được thiết lập, bao gồm
60
những già làng có uy tín cùng với đại diện các lãnh đạo của xã và huyện để theo dõi, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động của dự án. Thông qua các dự án trên, nhiều cơ hội tham quan, tọa đàm đầu bờ và tập huấn thực hành đã được tổ chức cho người dân, đặc biệt là các nông dân nòng cốt để họ chia sẻ kinh nghiệm với các cộng đồng khác. Nông dân nòng cốt là những người có kiến thức, uy tín và sẵn lòng thí nghiệm, ứng dụng, chia sẻ và tranh luận trên cơ sở tri thức của mình cùng với việc ứng dụng các công nghệ phù hợp. Họ là những người tiên phong lập các mô hình điểm về làm vườn, chăn nuôi, nông lâm kết hợp và sử dụng vườn rừng của mình như các giáo trình sống, các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng của mình với dân làng và những người dân từ các cộng đồng khác, với báo giới, nhà nghiên cứu và nhà lập định chính sách. Họ không chỉ quan tâm đến nâng cao nhận thức, mà còn vận động chính sách vì quyền đối với đất rừng của cộng đồng và người dân địa phương.
Thông thường một dự án của TEW và SPERI ở địa phương nghiên cứu cũng như ở các vùng khác được bắt đầu bằng một đợt đánh giá có sự tham gia (PRA) và nghiên cứu bản sắc văn hóa của cộng đồng. Bước khởi đầu này giúp cho cán bộ dự án hiểu rõ hơn, trở nên quen thuộc và tôn trọng sức mạnh, nhu cầu và sáng kiến của cộng đồng. Cụ thể đối với địa phương này, nghiên cứu giúp mọi người hiểu biết rõ hơn về các tổ chức cộng đồng như Phường hội hay những nhóm giúp đỡ lẫn nhau cấy, gặt, làm nhà, tổ chức đám tang hoặc đám cưới. Thực tế của địa phương được tìm hiểu trên cơ sở cách nhìn của người dân. Thí dụ, cộng đồng phải đối mặt với những thách thức và ảnh hưởng mới từ thị trường tự do cho dù mức sống có được cải thiện một chút sau khi thay đổi từ canh tác nương rẫy truyền thống sang mở rộng diện tích lúa nước từ năm 1993 (TEW, 2001). Từ việc nghiên cứu kỹ lưỡng, các nhu cầu và sáng kiến của người dân được ghi nhận và xử lý theo cách thức khác hẳn với cách làm của các chương trình phát triển của Nhà nước. Đa số các dự án chính thống xuất phát từ giả định rằng cộng đồng các dân tộc ít người nghèo và lạc hậu, và họ cần xóa bỏ những yếu kém vốn có để thay đổi theo chủ trương và phong trào hiện đại hóa và công nghiệp hóa do Nhà nước phát động. Ngược lại, TEW và SPERI kiên định giữ quan điểm rằng mỗi cộng đồng có sức mạnh và những đặc tính riêng được hình thành, điều chỉnh và thích nghi với điều kiện tự nhiên qua nhiều thế hệ. Vì vậy, nhu cầu và sáng kiến của cộng đồng cần được tôn trọng và kích thích như một nền tảng để họ tự quyết định vận mệnh
61
của mình, trong khi các cơ quan bên ngoài chỉ đơn thuần là người phụ trợ và tư vấn những gì mà người dân cần.
Thêm nữa, trong quá trình thực thi dự án, TEW và SPERI đã kết hợp giữa các hoạt động hỗ trợ với nghiên cứu cộng đồng tập trung vào tổ chức và thể chế truyền thống. Một trong những phát hiện là việc làm rõ cách thiết kế cảnh quan địa phương với việc phân loại rừng ra 4 hình thức (1) khu vực rừng cấm và bảo vệ nghiêm ngặt bao gồm rừng đầu nguồn nước, rừng thiêng và rừng ma; (2) rừng sử dụng để thu hái các sản phẩm phi gỗ và củi theo nhu cầu của địa phương; (3) đất rừng để chăn thả gia súc; và (4) rừng sản xuất để có thể xen canh các loại hoa màu (SPERI, 2008b). Trái ngược với quan điểm chính thống thường gán từ ‘mê tín’ và việc bài trừ niềm tin và phong tục địa phương, TEW và SPERI cố gắng tìm hiểu và khích lệ các tri thức địa phương cùng với việc thực hành các nghi lễ truyền thống có ích cho việc sử dụng bền vững đất và rừng. Các già làng và thày thuốc nam được khuyến khích thể hiện các nghi lễ của cộng đồng cũng như niềm tin và việc thờ cúng các thần đất, rừng, nước và cây thuốc, để từ đó bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên bằng cách của người dân địa phương. Việc người dân địa phương tin vào hồn vía của tất cả các vật thể, cỏ cây, muông thú có mối liên hệ mật thiết với tín ngưỡng và thực hành của các thày thuốc nam khi họ lấy trầu cau và đồng tiền khấn thần ở gốc của cây thuốc đầu tiên được thu hái, cũng như việc bảo vệ gốc, rễ và giống của cây thuốc để giúp chúng hồi sinh. Sự thông thái và thực hành theo truyền thống như vậy được các đại diện cộng đồng tự tin trình bày trong nhiều diễn đàn khác nhau và trở thành cơ sở để tranh luận, đối đáp lại trước quan điểm chính thống và định kiến rằng người bản địa chặt phá rừng và sử dụng đất lãng phí.
TEW và SPERI không theo cách đánh giá chính thống thịnh thành về nghèo đói dựa trên các số liệu thống kê về thu nhập thay vì cách nhìn và nhận diện của người dân địa phương. Các phi chính phủ này tự mình xây dựng nhận thức luận của mình thông qua quá trình học hỏi nhiều cộng đồng dân tộc khác nhau ở Việt Nam và vùng Mê-công. Một trong những khái niệm do các tổ chức trên xây dựng là ‘nghèo cấu trúc’, có thể được vận dụng ở địa phương nghiên cứu. Theo người giám đốc sáng lập TEW và SPERI, nghèo cấu trúc có nguyên nhân là “ba vòng
luẩn quẩn: 1) cách biệt đối với quá trình ra quyết định ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, 2)thiếu tự tin trong hệ thống chính trị chính thống coi dân tộc ít
62
người là ‘lạc hậu’, và 3) không có quyền sở hữu(đối với đất và giá trị văn hóa)
do hệ thống pháp luật không công nhận luật tục” (Trần Thị Lành, 1994). Bên cạnh đó, cách tiếp cận dựa trên quyền hướng tới “Chủ quyền sinh kế’ được xây dựng trên cơ sở học hỏi từ thực tiễn và quá trình hỗ trợ cộng đồng. Chủ quyền sinh kế được định nghĩa là ‘giải pháp thay thế tổng thể và có đạo đức’ bao gồm năm quyền tương tác chặt chẽ với nhau: 1) quyền đối với đất, rừng, nước, không khí trong lành và cảnh quan thiên nhiên (cơ bản); 2) quyền giữ gìn tín ngưỡng riêng
(đặc thù); 3) quyền giữ lối sống và giá trị riêng về hạnh phúc và thịnh vượng trong môi trường tự nhiên (thực hành); 4) quyền vận hành theo tri thức của mình và được quyết định cây trồng, sáng kiến và sáng tạo trên mảnh đất của mình;
(tổng thể); và 5) quyền đồng quản lý, đồng quản trị tài nguyên thiên nhiên cùng các cộng đồng lân cận và chính quyền địa phương (chiến lược) (Trần Thị Lành, 2009a). Những khái niệm nêu trên thể hiện rõ một thực tế rằng TEW và SPERI không chỉ đơn thuần là các phi chính phủ thực thi các dự án phát triển cộng đồng, mà còn là tổ chức học tập và tự xây dựng thế giới quan, hệ thống tri thức và phương pháp luận của mình thông qua quá trình làm việc thực tiễn cùng các dân tộc ít người khác nhau.