Tổ chức truyền thống và quản lý đất rừng

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 38)

Người Thái ở địa phương nghiên cứu có quan niệm và liên kết giữa lãnh thổ cùng với sự tồn tại của thế giới tâm linh và tổ chức của các dòng họ. Về mặt địa lý, có quan niệm về 100 mường của người Thái ở vùng này; trong đó Mường Đán và Mường Việc là hai mường trong số đó. Có đền Chín Gian được dựng ở Mường Tôn, đó là trung tâm chính trị và tâm linh của toàn vùng. Đây cũng là nơi linh thiêng cao nhất, là nơi mà tất cả ma của người chết cần qua trước khi được lên

Thẻn. Trước đây tất cả các mường đều phải đóng góp trâu để cúng tại đền hàng năm. Chín gian là tượng trưng cho chín dòng họ của người Thái ở trong vùng, đó là họ Lương (theo truyền thống là họ làm Mo), họ Lô làm Tạo (quan), các họ

31

Ngân, Vi, Kim, Lữ, Lộc, Quang và Cà (hoặc Kha, Hà) là những họ làm thường dân. Mỗi họ đều có những cách thờ cúng, kiêng kị và vật linh (totem) riêng của mình. Thí dụ, họ Lô có Lộc tang lo hay con quạ, họ Quang và Lữ có con hổ, họ Hà có Lộc kha là một giống chim, họ Lương có Lộc pắc hay một giống vịt trời, họ Ngân có con rắn, họ Vi có con Niêu vi là một giống chân đốt sống ở nước. Mỗi dòng họ đều có những truyền thuyết để giải thích vì sao họ có vật linh. Những họ có tên chính thức trên văn bản như Sầm hoặc Lang thực chất là xuất thân từ dòng họ Ló Cắm, Hủn Vi hoặc Mừn Quan. Người ta cần nắm được và sử dụng chính xác họ gốc của mình khi Mo cúng cho người chết để ma người đó có thể lên đúng

Thẻn của dòng họ. Người trong họ có mối quan hệ mật thiết với nhau thông qua

‘Họ pàn tòng’, đó là những người có cùng ông tổ trong phạm vi năm đời, cùng vật linh và phong tục cúng trong tang lễ. Mọi người đều phải tôn trọng và cấm kị giết hoặc ăn thịt con vật được coi là vật linh của mình cũng như của Họ pàn tòng khác. Nếu dân bản có giết con hổ thì họ phải đến xin lỗi dòng họ Quang và Lữ và cần tổ chức một lễ tang cho hổ cũng tương tự như lễ tang cho một người. Những người có vật linh bị hại thì than khóc tổ tiên của mình. Nếu thành viên trong dòng họ vô ý làm chết con vật linh, thì họ phải tổ chức một lễ tang, đánh chiêng trống và chôn cất con vật ở một vị trí nhất định. Mỗi Họ pàn tòng có ít nhất bốn lễ chung quan trọng để chuẩn bị đất cho ma tổ tiên lên Thẻn, để thống nhất ngày thờ người chết, hoặc để chữa bệnh cho trẻ con. Theo luật tục thì những người cùng Họ pàn tòng

không được phép kết hôn với nhau. Mọi người thuộc các dòng họ khác nhau cùng chung sống và xây dựng tính đoàn kết và tình cảm cộng đồng. Tất cả cùng nhau thờ cúng ma chủ đất và những người lập bản mường tại Piềng lầu (vùng đất thiêng của chung cộng đồng), vì vậy mà củng cố thêm các mối quan hệ và đoàn kết cộng đồng. Mọi người tự nguyện giúp đỡ lẫn nhau, và người ta thường không đòi hỏi người khác phải trả ơn (SPERI, 2008a; SPERI, 2008d).

Họ pàn tòng và các hình thức tổ chức truyền thống khác là biểu hiện rõ nét của xã hội dân sự truyền thống mạnh và tính tự quản của cộng đồng người Thái. Cùng với Họ pàn tòng, cộng đồng địa phương còn có các hình thức tổ chức giúp đỡ lẫn nhau khác như Họ phường, Phường họPhường hội. Hình thức sơ khai của Họ phường được hình thành khi một hoặc nhiều dòng họ bắt đầu khai phá vùng đất mới và tổ chức lễ Lắc xưa. Một số hộ gia đình giúp nhau phát và đốt nương, trỉa và thu hoạch cũng như đánh đuổi thú dữ để bảo vệ mùa màng. Khi một gia đình

32

làm một cái lán ở xa trên nương hoặc dựng nhà thì họ thường nhờ những gia đình khác đến giúp. Người chủ chuẩn bị thực phẩm và những người đi giúp tự mang theo cơm lên nương rẫy để cùng ăn trưa. Các thành viên trong Họ phường hiểu tính nết của nhau, và họ cùng đề cao việc nhường nhịn nhau; vì vậy mà từ xưa đã không có mâu thuẫn về đất đai. ‘Muột mải’ (một hình thức hương ước) được hình thành trong quá trình chung sống và chia sẻ giữa các gia đình và dòng họ khác nhau, và đã tồn tại qua nhiều đời. Muột mải của Họ phường có mối quan hệ với

Lắc xưa cũng như những lời thề trước ma tổ tiên. Một già làng cho rằng nếu không có mối liên kết của Lắc xưa thì người ta sống với nhau tựa như một nhóm người rời rạc ngồi chờ đò ở bến sông rồi sau ai đi đường nấy. Thêm nữa, người dân tin rằng nếu ai không tuân theo và đóng góp đầy đủ cho dòng họ theo yêu cầu về tâm linh của Thẻn, thì khi chết ma của người đó sẽ không được phép lên Thẻn

gặp lại tổ tiên để có thể được luân hồi.

Trong khi Họ phường không cần thiết có chung vật linh hoặc phong tục thờ cúng, thì Phường họ lại có. Phường họ là mối liên kết của các Họ pàn tòng trong dòng họ, hoặc một số dòng họ, thậm chí là cả cộng đồng. Phường họ đã được hình thành ở huyện Quế Phong vào những năm 1990 để thế vào chỗ trống khi giải thể hợp tác xã. Tại bản Na Xai, Phường họ tạo ra một môi trường cạnh tranh tốt giữa các họ khác nhau trong cộng đồng, nhưng cũng đồng thời giúp nhau cày bừa, cấy, làm cỏ và thu hoạch. Trưởng bản hướng dẫn dòng họ nào nên liên kết với nhau và có vai trò quan trọng để hình thành các Phường họ. Có phân công lao động theo giới trong mỗi Phường họ: đàn ông thường khuân vác gỗ, tre nứa, đào ao, làm mái tranh, cày bừa, làm chủ lễ cúng và phát dọn nương rẫy. Phụ nữ thường đi cấy, làm cỏ, thu hái, nấu ăn và hỗ trợ đàn ông vận chuyển tre nứa, tranh và những thứ khác từ nhà đến nương rẫy. Trưởng họ (lãnh đạo Phường họ) là người được các thành viên bầu chọn và chịu trách nhiệm phân công việc làm và thời gian cho các thành viên. Phường họ thường ưu tiên cho những công việc sau: đám tang và đám cưới, làm nhà, thu hoạch và đào ao.

Theo một già làng, Trưởng phường (lãnh đạo Phường hội) có vai trò quan trọng hơn so với Trưởng họ, bởi vì Trưởng phường có thể điều phối nhiều dòng họ khác nhau. Phường hội là hình thức liên kết linh hoạt để giúp đỡ lẫn nhau làm nhà, cấy, tổ chức đám tang, đám cưới trên cơ sở các quy định rõ ràng về mức đóng góp và chia sẻ. Nguyên tắc chung của Phường hội là trên cơ sở đóng góp và tính tự

33

nguyện của các thành viên. Thí dụ, đối với mỗi đám tang ở bản Chiếng thì mỗi gia đình trong bản cần đóng góp một bát gạo, 10.000 đồng và một bó củi nặng từ 20 đến 30kg để đốt cho mọi người sưởi ấm và thắp sáng suốt đêm. Mức đóng góp thêm cho mỗi gia đình trong cùng một dòng họ tùy thuộc vào sự thống nhất của mỗi dòng họ. Thí dụ, mỗi gia đình trong họ Vi đóng góp 5kg gạo, 3 ngày công và 100.000 đồng cho một đám tang của người trong họ. Đóng góp và tham gia của các thành viên khác trong Phường hội trở thành một nguồn động viên lớn cả về vật chất lẫn tinh thần cho những người đang gặp hoạn nạn, khó khăn. Nhiều hình thức giúp đỡ lẫn nhau tạo ra một môi trường tốt cho việc tương tác và kiểm tra lẫn nhau một cách minh bạch, giúp giữ gìn và tăng cường tính cộng đồng, cũng như cuộc sống hài hòa giữa người với người, người với thiên nhiên và việc sử dụng tài nguyên một cách hợp lý.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ quản lý đất rừng cộng đồng, can thiệp từ bên ngoài và phản hồi địa phương nghiên cứu cộng đồng người thái ở xã hạnh dịch, huyện quế phong, tỉnh nghệ an, việt nam (Trang 38)