Ít có một loại nước uống nào được nhiều người ưa thích như cà phê. Đi bất cứ nơi đâu trên trái đất này chúng ta cũng gặp người dùng cà phê, vì cà phê có khả năng kích thích, làm cho đầu óc tỉnh táo, minh mẫn (phá tan cơn buồn ngủ, làm cho con người thoải mái hơn, làm cho tim hoạt động tốt hơn) con người tươi vui hơn và chống được các bệnh đau mắt. Cà phê còn là một dược liệu rất tốt để ngừa bệnh phong, bệnh phù toàn thân.
Tuy cà phê có những ưu điểm trên nhưng tác hại của nó gây ra không ít. Vì vậy các nhà y học gọi những đặc tính khác nhau của nó là những “đặc tính đối lập nhau”. Ví dụ: cà phê làm cho mất ngủ, nhất là đối với người lớn tuổi và đối với các bệnh nhân thì cà phê sẽ gây mất ngủ nghiêm trọng. Cà phê cũng phá hoại sức khỏe, gây nên cơn sốt mệt lả người. Đối với trẻ em, việc dùng cà phê cũng phải thận trọng vì nó làm cho trẻ khó phát triển về thể lực.
Ở thế kỉ 18 các nhà y học Đức đã cho biết là nếu người phụ nữ dùng cà phê quá mức thì mất khả năng sinh đẻ, vì vậy người ta khuyên phụ nữ không nên dùng cà phê quá nhiều.
Như vậy, ta thấy cà phê tác động đến sức khỏe con người khá lớn, mà chất tác động trong cà phê chính là cafein. Nó là một trong những thành phần cấu tạo hạt cà phê. Trong quả cà phê, trong lá chè, cây ca cao ... nó chiếm một lượng rất ít
Qua nghiên cứu ta thấy trong 29,5 g hạt cà phê tự nhiên có chứa 80 - 120mg cafein, còn trong 29,5g bột cà phê hòa tan thì có 66 - 99mg cafein. Như vậy là lượng cafein có nhiều trong nước café được rang xay và pha chế. Lượng cafein còn phụ thuộc vào chủng loại café: loại robusta chưa lượng cafein gấp 2 lần so với loại arabica. Trong các loại nước uống khác thì trong nước chè có 30 - 60mg cafein, trong nước cacao có 42mg cafein, còn trong quả cacao thì lượng cafein bằng lượng cafein ở trong hạt cà phê. Trong nước uống cocacola, cafein cũng có như vậy.
Nhiều nghiên cứu xác nhận rằng cafein kích thích hệ thần kinh làm cho người đỡ mệt nhọc, chống các cơn buồn ngủ, nhanh chóng làm “lay tỉnh bộ óc” làm trí óc minh mẫn hơn. Sau khi uống 2 - 3 cốc cà phê có chứa 160-290mg cafein, người thợ in sẽ hăng hái làm việc, mắc ít lỗi sắp chữ hơn.
Tuy cafein là chất kích thích nhưng trong một số trường hợp nhất định, người ta lại sử dụng như một vị thuốc an thần. Ví dụ: đối với những đứa trẻ quá hoạt động, luôn tìm mọi cách để nghịch ngợm, chạy nhảy, không ngồi yên trong lớp học (vì bị thương tổn nhẹ về các chức năng của não), nếu mỗi ngày cho uống hai tách cà phê thì có tác dụng tốt hơn so với các loại thuốc khác.
Cà phê cũng là một dược liệu tốt dùng để chữa bệnh đau đầu, nhất là bệnh đau nửa đầu do sự dãn các mạch máu não vì cafein có khả năng làm hẹp các mạch máu não. Nhưng cafein không thể chữa tất cả các bệnh đau đầu. Cụ thể trong trường hợp uống cà phê quá đặc và uống nhiều thì bệnh sẽ không khỏi mà ngược lại sẽ phát triển.
Ngày nay ta thấy trong rất nhiều loại thuốc, nhất là thuốc dùng trong các bệnh tim mạch, không được dùng cafein vì tác dụng kích thích của cà phê cũng gây ra bệnh tim mạch. Qua điều tra người ta thấy số người nghiện cà phê thường bị bệnh tim mạch và nhất là bệnh ung thư bàng quang. Người ta cho rằng bệnh ung thư bàng quang do cà phê cũng như người nghiện thuốc lá bị ung thư phổi.
Bã cà phê của công nghiệp chế biến cà phê là một sản phẩm dinh dưỡng có giá trị: 1kg bã cà phê có 0,35 đơn vị thức ăn gia súc và 13,3g protein tiêu hóa, ngoài ra còn có 10 loại axit amin khác nhau. Với thành phần dinh dưỡng như vậy bã cà phê có thể được coi là loại thức ăn bổ sung có giá trị dùng cho bò, cừu và lợn.
Nhìn bảng quảng cáo đầy hấp dẫn và khêu gợi khách hàng: “Nếu ai uống được cà phê vào buổi sáng thì suốt ngày sẽ không thấy mệt” . Nhưng nhớ lại lời căn dặn của bác sĩ không nên lạm dụng cà phê thì lại thấy có phần ngần ngại.
Rượu hoa quả nguyên chất rất bổ, nhưng cũng không nên lạm dụng vì nó là nguyên nhân của những căn bệnh hiểm nghèo. Có một số người không uống được sữa nhưng lại có người không thể nào quên được sữa vì cơ thể tiêu hóa đường trong sữa (đường latoza).
Chỉ có một loại nước uống phổ biến nhất mà các nhà y học chưa tìm ra một sự tác hại nào của nó đối với bất cứ ai. Đó chính là nước chè. Loại nước uống này phổ biến ở nhiều vùng, nó kích thích thần kinh, làm cho ngưới sảng khoái…
Nhưng trước hết cần lưu ý về khả năng chữa bệnh của nước chè. Nhiều nhà y học cho nước chè rất lợi cho răng vì trong nó chứa khá nhiều hợp chất flo, số lượng hợp chất flo trong nước chè gần bằng số hợp chất flo trong nước sau khi nước đã được sử lí bằng florua…Phương pháp cổ điển và cơ bản để ngừa bệnh sâu răng là dùng flo. Chính vị ngọt của chè đã bảo vệ được răng và nhớ tác dụng của chè mà ngăn được sự hóa vôi của răng do đường gây ra.