Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền núi phía Bắc Lào đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó tiếp tục đổi mới và tạo ra đột phá để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội trên cơ sở phát huy nội lực gắn liền với tranh thủ tối đa ngoại lực trong thế chủ động hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Với mục tiêu tổng quát là phấn đấu đưa các tỉnh miền núi phía Bắc Lào thoát khỏi tình trạng nghèo và kém phát triển vào năm 2015, cơ bản trở thành các tỉnh công nghiệp vào năm 2020. Xây dựng các tỉnh miền núi phía Bắc Lào trở thành một trong những trung tâm công nghiêp, du lịch, thương mại, giáo dục, y tế, văn hoá và khoa học - công nghệ của cả nước. Để đạt được mục tiêu phát triển theo quy hoạch đã được phê duyệt, đòi hỏi các tỉnh miền núi phía Bắc Lào phải huy động được các nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn FDI.
Qua việc phân tích và đánh giá tình hình kinh tế của Thái Lan từ thập niên 60 trở lại đây, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm về thu hút FDI như sau:
Một là, phát triển kinh tế nói chung, kinh tế đối ngoại nói riêng theo cơ chế thị trường không thể tránh khỏi những biến động. Do vậy phải có kế hoạch và chương trình phát triển dài hạn, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.
Hai là, môi trường chính trị và môi trường kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Môi trường chính trị bao gồm nhiều nhân tố, song quan trọng là đảm bảo có hệ thống chính trị ổn định. Môi trường kinh tế có thể được thiết lập bằng việc điều chỉnh hợp lý và kịp thời các chính sách tài chính, tiền tệ, tỷ giá, nhằm đạt được một sự ổn định và cân bằng kinh tế. Các chỉ tiêu của một nền kinh tế như vậy bao gồm lạm phát thấp hoặc ở mức kiểm soát được, cân đối giữa tiết kiệm và đầu tư, bội chi ngân sách tiêu dùng thấp, tỷ giá phù hợp với khả năng cạnh tranh, lãi suất nội địa không gây ra khó khăn trong chi trả.
Ba là, cần có chính sách khuyến khích đầu tư tư nhân, thu hút thành phần này vào hoạt động kinh tế đối ngoại, xây dựng cơ sở liên doanh sản xuất, cùng tham gia đấu thầu thực hiện các công trình công nghiệp.
Bốn là, các biện pháp khuyến khích thu hút đầu tư bao gồm các đòn bẩy như thuế, lãi suất... và các biện pháp giảm phiền hà về thủ tục hành chính phải đủ mạnh và có hiệu quả.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm thu hút vốn FDI của một số nước và một số tỉnh, thành phố tại Lào từ đó rút ra kinh nghiệm cho các tỉnh miền núi phía Bắc Lào trong thu hút FDI như sau:
Thứ nhất, môi trường kinh tế, chính trị - xã hội phải ổn định và tăng cường vai trò của chính quyền địa phương.
Điều kiện kiên quyết để thu hút vốn từ những nhà đầu tư nước ngoài là cần có sự ổn định chính trị - xã hội và môi trường kinh tế. Sự ổn định này sẽ hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính quyền địa phương cần làm tốt việc kiểm tra những thủ tục cấp giấy phép đầu tư, nắm chắc thông tin về đối tác, công nghệ, xem xét cụ thể về quy mô, diện tích và địa điểm xây dựng các dự án cho phù hợp. Phối hợp chặt chẽ giữa các sở ban ngành và địa phương liên quan cũng như các cơ quan Trung ương trong việc thẩm tra, cấp phép các dự án đầu tư và theo dõi, đôn đốc các dự án đầu tư sau cấp phép. Mặc dù đã phân cấp thẩm quyền nhưng vẫn rất cần sự phối hợp thông tin giữa địa phương với Trung ương. Điều này đặc biệt quan trọng nhằm tránh các dự án "bong bóng" tức là các dự án được thổi phồng lên với mục đích nhanh chóng có được giấy phép đầu tư từ phía chính quyền địa phương, phô trương thanh thế để huy động vốn và nhất là được cấp nhiều đất.
Các cấp chính quyền địa phương kiểm tra, giám sát, cùng đồng hành với các nhà đầu tư nước ngoài để hướng dẫn, tạo điều kiện, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho các dự án đầu tư thực hiện đúng cam kết và kiên quyết thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ, các dự án treo. Phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp. Khu kinh tế kiểm tra việc chấp hành luật pháp Lào của các nhà đầu tư nước ngoài như: Bảo vệ môi trường, tiền công, tiền lương, bảo hiểm, an toàn lao động….. Tăng cường vai trò của các cấp chính quyền trong lĩnh vực đầu tư nước
ngoài là rất cần thiết để tạo môi trường thu hút đầu tư, bảo đảm đầu tư nước ngoài theo quy hoạch, định hướng của Nhà nước, khai thác nguồn lực có hiệu quả, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững tại địa phương.
Thứ hai, cần chú trọng và tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài
Đẩy mạnh xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật. Vấn đề này được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hàng đầu. Với một kết cấu hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, hiện đại sẽ đảm bảo thực hiện di chuyển vốn nhanh và kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường. Tăng cường chất lượng cơ sở hạ tầng giúp giảm chi phí kinh doanh cho các nhà đầu tư là yêu cầu cấp bách, không chỉ có tác dụng thu hút thêm những dự án FDI mà còn giữ chân những dự án đang hiện hữu.
Vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nên huy động từ nhiều nguồn khác nhau: vốn ngân sách, vay thương mại, phát hành trái phiếu, khuyến khích vốn tư nhân đầu tư cho các dự án Nhà nước… cần có quy chế ưu đãi rõ ràng, cụ thể và đủ sức hấp dẫn đối với các hình thức đầu tư khác nhau vào các dự án, lĩnh vực trọng điểm. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật không chỉ tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, tăng thu hút vốn nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng.
Thứ ba, thủ tục hành chính cần giản đơn, gọn nhẹ
Thường xuyên rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư để vừa khuyến khích các nhà đầu tư vừa đảm bảo phù hợp với các quy định chung của Nhà nước, tránh trường hợp "xé rào" trong thủ tục hành chính nhưng sau đó phải dừng lại, gây mất lòng tin đối với các nhà đầu tư. Các thủ tục hành chính cần công khai hoá, minh bạch hoá và được công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, đảm bảo thông tin đến với các nhà đầu tư nước ngoài một cách thuận lợi nhất. Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực FDI, đơn giản hoá thủ tục thẩm định và cấp phép đầu tư, kiến quyết xử lý những trường hợp hạch sách, nhũng nhiễu, vô trách nhiệm của các bộ cơ quan công quyền. Xây dựng và triển khai cơ chế "một cửa liên thông" trong xử lý hồ sơ của nhà đầu tư, thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh qua mạng.
Thứ tư, tăng cường các dịch vụ hỗ trợ để thu hút vốn FDI
Chính sách phát triển dịch vụ hỗ trợ liên quan đến hoạt động FDI là rất quan trọng cho các nhà đầu tư nước ngoài như: dịch vụ tư vấn hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính, tư vấn pháp luật, cung cấp thông tin đến thị trường, các chương trình marketing, các hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận được các dịch vụ tài chính, vận tải, kho bãi, hay chuyển giao công nghệ, dịch vụ hỗ trợ sau cấp phép…
Thứ năm, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao tại địa phương
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cho ngành công nghệ cao. Phát triển, đổi mới cơ bản và đào tạo, dạy nghề theo định hướng yêu cầu của thị trường lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, của nhà đầu tư nước ngoài và yêu cầu việc làm của người lao động. Phát triển của thị trường lao động và hoàn thiện thị trường lao động theo hướng tiếp cận với chuẩn mực chung của quốc tế và đào tạo, dạy nghề, về lao động, việc làm phù hợp với thông lệ và cam kết của quốc tế của đất nước trong quá trình hội nhập. Địa phương phải có chính sách đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư nước ngoài, trong trường hợp không đào tạo được thì phải có chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nâng cao trình độ thẩm định dự án của cán bộ phụ trách tại địa phương cũng là vấn đề cần được quan tâm, bồi dưỡng.
Thứ sáu, coi trọng quy hoạch và xúc tiến đầu tư
Chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan sở, ban, ngành sớm xây dựng và quản lý thống nhất triển khai các quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế- xã hội, quy hoạch không gian sử dụng đất, cũng như quy hoạch chi tiết các ngành, lãnh thổ cần thiết. Trừ một số dự án đặc thù như khai thác chế biến khoáng sản, chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu, các dự án cần đặt tại nơi có thị trường tiêu thụ trực tiếp, cần định hướng và quy tụ các dự án FDI tập trung vào các khu kinh tế, khu công nghiệp được xây dựng phù hợp theo quy hoạch, đáp ứng tiêu chuẩn kiểm soát môi trường nghiêm ngặt. Trên cơ sở đó, hình thành các danh mục, dự án gói vốn đầu tư nước ngoài, tiến hành xúc tiến đầu tư có địa chỉ theo lộ trình thích hợp, trong đó xác định rõ yêu cầu về đối tác dự án, sản phẩm, công suất tiến độ công nghệ, thị trường tiêu thụ, địa bàn thực hiện dự án, các chính sách khuyến khích, ưu đãi cần thiết.
Thứ bảy, chủ động lựa chọn các dự án, nhà đầu tư nước ngoài và công nghệ phù hợp.
Phải chủ động lựa chọn dự án FDI, tránh tình trạng dễ dãi, tuỳ tiện, tin vào những lời hứa hẹn của nhà đầu tư nước ngoài mà buộc phải có thiết kế dự án có khả thi và đầu tư vào khâu bảo vệ môi trường mới cấp phép cho triển khai dự án. Nếu nhà đầu tư nước ngoài có quyền lựa chọn địa điểm và nước để đầu tư thì địa phương cũng có quyền cho phép hoặc từ chối cấp giấy phép cho các ngành chưa khuyến khích, hướng vào các ngành mà địa phương cần vốn và công nghệ để cải tạo, nâng cấp, phát triển. Không chấp nhận cho đầu tư những ngành, lĩnh vực dù tạo nhiều việc làm nhưng kỹ thuật trung bình, gây ô nhiễm môi trường. Phải xem xét kỹ các dự án có vốn đầu tư lớn, tìm hiểu cụ thể thương hiệu, năng lực thực tế của các đối tác, thực hiện nguyên tắc "Chưa biết rõ về nhà đầu tư nước ngoài thì chưa cấp giấy phép đầu tư". Phải có quan điểm đúng đắn, giải quyết mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài để đảm bảo sự phát triển bền vững.
Chương 3
THỰC TRẠNG THU HÚT ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI VÀO CÁC TỈNH MIỀN NÚI PHÍA BẮC Ở CỘNG HOÀ DÂN CHỦ NHÂN DÂN LÀO