2.1.1. Một số khái niệm liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài
Theo Luật Đầu tư của Việt Nam (2005) thì Đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình khác hoặc vô hình để hình thành tài sản tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật đầu tư và các quy định khác của pháp luật có liên quan [31]. Như khái niệm này thì đã là đầu tư thì phải bỏ vốn và là các tài sản hữu hình và vô hình để tiến hành các hoạt động đầu tư được pháp luật cho phép, như vậy, tất cả những nhà đầu tư đều được tham gia đầu tư vào tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế mà không vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, quan niệm này lại chưa phản ánh được mục tiêu của các nhà đầu tư là phải sinh lợi.
Đầu tư là một trong những nhân tố chủ yếu quyết định đến sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Đầu tư chính là việc sử dụng các nguồn lực hiện tại nhằm biến những lợi ích dự kiến thành hiện thực trong tương lai. Tuy nhiên, trong phạm vi xem xét khác nhau, khái niệm đầu tư cũng có những điểm khác nhau.
"Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc các tổ chức và cá nhân nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền nước ngoài hoặc bất kì tài sản nào được Chính phủ Việt Nam chấp nhận để hợp tác kinh doanh trên cơ sở hợp đồng hoặc thành lập doanh nghiệp liên doanh hay các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài" [31]. Theo đó, FDI là việc các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bất kì tài sản nào để tiến hành các hoạt động đầu tư theo quy định của Luật này, trong đó nhà đầu tư nước ngoài được hiểu là tổ chức kinh tế, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Theo Mai Thị Như Trang (2011), Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại một quốc gia là việc nhà đầu tư ở một nước khác đưa vốn bằng tiền hoặc bất kì tài sản nào vào quốc gia đó để có quyền sở hữu, quản lý hoặc quyền kiểm soát một thực thể kinh tế tại quốc gia đó, với mục tiêu tối đa hoá lợi ích của mình [39].
Đầu tư theo nghĩa rộng, đầu tư là sự hy sinh các nguồn lực hiện tại để tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh nào đó nhằm thu về cho nhà đầu tư được kết quả nhất định trong tương lai lớn hơn các nguồn lực mà nhà đầu tư đã bỏ ra để đạt được kết quả đó. Nguồn lực đó có thể là tiền, tài nguyên thiên nhiên, sức lao động trí tuệ… Theo nghĩa hẹp, đầu tư là toàn bộ tiềm lực tài chính. Đầu tư là việc sử dụng vốn vào quá trình tái sản xuất xã hội nhằm tạo ra năng lực vốn lớn hơn.
Hội nghị Liên hợp Quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cũng đưa ra một khái niệm về FDI: Vốn FDI bao gồm luồng vốn được cung cấp (trực tiếp hoặc thông qua các công ty liên quan khác) bởi các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài cho các doanh nghiệp FDI, hoặc vốn mà các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài nhận được từ các doanh nghiệp FDI. FDI gồm có ba bộ phận: Vốn cổ phần, thu nhập tái đầu tư và các khoản vay trong nội bộ công ty.
Theo quan niệm có tính tổng quan, đầu tư trực tiếp nước ngoài là một loại hình di chuyển vốn quốc tế, trong đó người chủ sở hữu vốn đồng thời là người trực tiếp quản lý và điều hành hoạt động sử dụng vốn. Sự ra đời và phát triển của đầu tư trực tiếp nước ngoài là kết quả tất yếu của quá trình quốc tế hoá và phân công lao động quốc tế.
Tổ chức Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng: "Đầu tư trực tiếp nước ngoài là việc công dân của một nước thành lập hoặc mua lại một phần đáng kể sở hữu và quản lý ít nhất là 10% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở một nước khác". Nhà đầu tư nước ngoài có thể là các cá nhân hoặc các doanh nghiệp và hoạt động đầu tư có thể do người nước ngoài sở hữu hoàn toàn hoặc liên doanh giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các đối tác đầu tư địa phương.
Quan niệm của tác giả luận án về đầu tư trực tiếp nước ngoài như sau:
Đầu tư trực tiếp nước ngoài là loại hình kinh doanh của nhà các đầu tư nước ngoài bỏ vốn bằng tiền hoặc bất kỳ tài sản nào đó để thiết lập cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh ở nước tiếp nhận đầu tư, do vậy họ có quyền sở hữu và trực tiếp tham gia quản lý và điều hành đối tượng mà họ bỏ vốn đầu tư nhằm mục đích thu được lợi nhuận từ những hoạt động đầu tư đó.