Hệ thống pháp lý của nước sở tại bao gồm các luật liên quan đến hoạt động đầu tư như Luật Ddầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường... và các văn bản hướng dẫn luật, các quy định về hoạt động đầu tư với người nước ngoài, các văn bản về quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư... đây chính là hành lang pháp lý đảm bảo sự an tâm cho các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ thống pháp luật được xây dựng theo hướng thông thoáng, đầy đủ chặt chẽ là cơ sở tạo môi trường đầu tư thuận lợi. Hoạt động FDI liên quan đến nhiều chủ thể tham gia và có yếu tố nước ngoài vì vậy các văn bản ngoài yếu tố đồng bộ, chặt chẽ, tránh chồng chéo gây khó hiểu, còn phải phù hợp với thông lệ quốc tế. Các nhà đầu tư nước ngoài khi vào một nước nào đó thì họ sẽ quan tâm cá nhân họ khi đầu tư được bảo vệ như thế nào, tài sản của họ có được đảm bảo không, các quy định chuyển phần lợi nhuận về nước họ ra làm sao., đây cũng chính là nhân tố ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Mặt khác hệ thống pháp luật không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài mà còn có chức năng ngăn cản tác động tiêu cực mà các nhà đầu tư cố tình vi phạm ảnh hưởng đến lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia và tạo ra sự cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Đồng thời việc xây dựng hệ thống pháp luật, phải xây dựng hệ thống chính sách kinh tế liên quan đến đầu tư
nước ngoài thực sự mềm dẻo, hấp dẫn cũng là điều kiện quan trọng để thu hút vốn FDI như:
- Chính sách khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài: Đây cũng là một trong những chính sách mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi xem xét quyết định đầu tư vào một địa điểm nào đó, một chính sách khuyến khích phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, ngược lại một chính sách khuyến khích đầu tư bất hợp lý sẽ tạo rào cản lớn, tạo ra một môi trường đầu tư không thuận lợi đối với các chủ đầu tư.
- Chính sách quản lý ngoại tệ: Chính sách này tác động trực tiếp đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài, một quốc gia quản lý ngoại hối theo nguyên tắc thả nổi theo thị trường sẽ dẫn đến sự thay đổi liên tục trong tỷ giá hối đoái theo nhu cầu thị trường, do đó các nhà đầu tư có tâm lý rụt rè, lo sợ trong đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quốc gia đó. Một quốc gia quản lý theo nguyên tắc thả nổi có thể điều tiết hoặc cố định sẽ tạo ra tâm lý yên tâm hơn cho các nhà đầu tư.
- Chính sách thương mại: Chính sách này liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của các dự án FDI, hạn ngạch xuất nhập khẩu thấp và các rào cản thương mại khác sẽ gây khó khăn cho các dự án đó bởi vì các dự án FDI khi đi vào hoạt động đều liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu: Nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu, sản phẩm…chính sách thương mại bất hợp lý sẽ là rào cản đối với các hoạt động của FDI.
- Các chính sách ưu đãi về tài chính: Muốn các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào quốc gia, vào địa phương, vào ngành, lĩnh vực ưu tiên thì phải dành cho nhà đầu tư nước ngoài những ưu đãi, hỗ trợ nhất định về tài chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư tìm kiếm được lợi nhuận.
- Chính sách đất đai: Địa phương tạo những phần đất sạch, thuận lợi ở nhiều vị trí sẽ là cơ sở để thu hút FDI. Ngoài ra, thủ tục liên quan đến việc cấp đất, cấp giấy phép xây dựng phải nhanh chóng thuận tiện không làm mất nhiều thời gian ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư nước ngoài, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng phải nhất quán và phù hợp với thực trạng đất, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Ngoài ra, để thu hút vốn FDI vào địa
phương cũng cần có những chính sách ưu đãi về đất như trong trường hợp bồi thường giải phóng mặt bằng, các nhà đầu tư có thể ứng trước để trả tiền, sau đó địa phương sẽ có hình thức hỗ trợ lại bằng hình thức khác. Mặt khác, giá thuê đất có thể cho các nhà đầu tư thuê với mức thấp nhất theo khung quy định…
- Chính sách xuất nhập khẩu: Hoạt động FDI góp phần quan trọng đối với đẩy mạnh xuất khẩu và cải thiện cán cân thanh toán. Trong đó, xuất khẩu là một trong những giải pháp tăng trưởng kinh tế, góp phần tăng thêm thu nhập cho nền kinh tế, từ đó tạo điều kiện để giải quyết các vấn đề xã hội. Thông qua thặng dư xuất khẩu và chuyển vốn vào nước tiếp nhận, FDI góp phần vào việc hạn chế thâm hụt của cán cân thanh toán, tăng đầu tư của nền kinh tế góp phần tăng GDP. Nhà nước cần có các chính sách khuyến khích xuất khẩu hơn nữa, giảm bớt các thủ tục rườm rà như về thủ tục hải quan, thanh toán tín dụng.
Chính sách điều hành xuất khẩu mỗi năm đều có thay đổi lớn trong khi đó các văn bản hướng dẫn thi hành lại chậm, phổ biến chưa kịp thời, chưa sát thực với thực tế nên gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
- Chính sách ưu đãi về thuế: Để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các quốc gia phải có chính sách miễn giảm thuế nhất định, thông thường trong những năm đầu tiên triển khai dự án nhà đầu tư được giảm thuế, thậm chí miễn thuế và tăng dần ở những năm sau đó khi các nhà đầu tư nước ngoài có lợi nhuận. Để đảm bảo lợi ích cho cả nước nhận đầu tư và cả nhà đầu tư nước ngoài, mức thuế ưu đãi phụ thuộc vào chính sách ưu tiên về ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế mà quốc gia khuyến khích đầu tư như ưu đãi về thuế đối với những dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thời gian đầu tư dài, quy mô lớn, hướng về xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước, sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư. Hệ thống thuế sẽ càng hiệu quả nếu càng rõ ràng, đơn giản, dễ áp dụng và mức thuế phù hợp (so với lãi suất, lợi nhuận bình quân, so với mức thuế ở các nước trong khu vực) Các thủ tục thuế cũng như các thủ tục quản lý FDI khác được tinh giảm hợp lý, tránh vòng vèo nhiều khâu trung gian, công khai và thuận lợi cho đối tượng chịu quản lý và nộp thuế.
Như vậy, môi trường pháp lý là nội dung quan trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài rất cần một môi trường pháp lý phù hợp và ổn
định. Một môi trường pháp lý bình đẳng và có hiệu lực cao trong thi hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án.