Dòng vốn đầu tư nước ngoài vào các nước đang phát triển không chỉ được quyết định bởi các yếu tố về kinh tế, mà còn chịu sự chi phối của các yếu tố chính trị. Sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, kết hợp với các ổn định về chính trị được xem là rất quan trọng. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy mối quan hệ rất chặt chẽ giữa ổn định về chính trị với việc thu hút đầu tư nước ngoài. Chính sách cởi mở và nhất quán của chính phủ cũng đóng một vai trò rất quan trọng.
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phát triển, nhận được nhiều ưu đãi và hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như trung ương, chi phí hoạt động thấp là những yếu tố quan trọng bậc nhất, có ảnh hưởng mang tính quyết định khi xem xét lựa chọn địa điểm đầu tư. Thị trường tiềm năng, sự dồi dào về nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên cũng được tính đến tiếp theo. Cuối cùng, vị trí địa lý và cơ sở hạ tầng xã hội xem ra có vẻ ít quan trọng hơn các nhân tố khác. Tuy vậy, có thể có một mối quan hệ tương hỗ giữa các nhân tố, ví dụ sự phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẽ kéo theo sự phát triển của các nhân tố khác và ngược lại.
Thu hút FDI là hoạt động khá phức tạp đòi hỏi chính quyền địa phương phải thể hiện vai trò của mình một cách rõ ràng, có trách nhiệm và sáng tạo. Chính quyền địa phương thông qua các chức năng cơ bản của mình là xây dựng, hướng dẫn khuôn khổ pháp lý, huy động và phân bổ nguồn lực trong phạm vi địa phương, cung
cấp các dịch vụ hỗ trợ cần thiết, ổn định trật tự kinh tế - xã hội để tạo nên một hình ảnh tốt đẹp về địa phương dưới con mắt các nhà đầu tư.
Thực hiện vai trò của chính quyền địa phương, xây dựng hình ảnh của địa phương trên quy mô quốc gia và quốc tế là một thử thách lớn đối với chính quyền địa phương. Do đó, chính quyền địa phương phải được trang bị những phương tiện và năng lực cần thiết. Thu hút nhân tài, tuyển chọn và phát triển cán bộ là hết sức cần thiết nhằm tạo ra một hệ thống cơ quan chính quyền địa phương hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu của tăng trưởng kinh tế nói chung và xúc tiến, nuôi dưỡng đầu tư nói riêng.
Nếu như chính quyền trung ương đóng vai trò quyết định trong việc tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng trên toàn quốc, tăng tính cạnh tranh thu hút FDI của quốc gia thì kết quả thực hiện chính sách thu hút FDI lại phụ thuộc chủ yếu vào vai trò của chính quyền địa phương (ở đây là chính quyền cấp tỉnh).
Vai trò của chính quyền địa phương trong việc thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ thuần tuý dừng lại ở việc tạo ra và thúc đẩy một vài yếu tố, nó bao hàm một phương pháp tiến hành hoàn toàn không đơn giản, từ quyết tâm phát triển lãnh thổ cần tạo ra những yếu tố cần thiết khác cho hoạt động của các doanh nghiệp như một mạng lưới nghiên cứu và đào tạo hoàn chỉnh, các dịch vụ có chất lượng, hệ thống liên kết mạnh, mạng lưới thông tin phù hợp và hiệu quả, cơ cấu lồng ghép ngành nghề và lĩnh vực hợp lý, trên cơ sở lồng ghép một cách có hiệu quả các hoạt động nhằm tạo ra các điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác doanh nghiệp.