- Nâng cấp kết cấu hạ tầng kinh tế
Để tăng cường hoạt động đầu tư, ngoài môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch đòi hỏi các nước phải có kết cấu hạ tầng, tương xứng với sự chuyển đổi nền kinh tế. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng của một quốc gia luôn là điều kiện vật chất hàng đầu để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng thông qua các quyết định và triển khai các dự án đầu tư đã cam kết. Hệ thống hạ tầng phát triển bao gồm hệ thống giao thông vận tải, hệ thống thông tin liên lạc, điện nước… Để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình đầu tư.
Việc phát triển và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng là điều kiện để tăng sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho những nước tiếp nhận đầu tư có thể khai thác lợi ích nhiều hơn, đầy đủ hơn từ các dịch vụ vận tải, thông tin, điện nước từ các dự án đầu tư đã được triển khai. Thêm vào đó, việc phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng không chỉ là điều kiện cần để tăng sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, mà đó còn là cơ hội cho nước nhận đầu tư thu hút được thêm vốn để phát triển hạ tầng với vốn bản thân FDI.
Đối với các nước không tiếp giáp với biển (LIDC) trong đó có Lào việc thu hút FDI vào phát triển hệ thống giao thông vận tải để tạo điều kiện cho việc mở cửa với thị trường thế giới. Thêm vào đó, phải áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao sản xuất hàng hoá có hiệu quả để giảm được chi phí vận tải. Tuy việc phải trả một khoản chi phí thủ tục hành chính liên quan cũng là một trở ngại, nhưng nếu xây dựng tốt hạ tầng giao thông vận tải các nước này cũng có thể giảm bớt được một phần khó khăn trong vấn đề nhằm mở cửa và hội nhập thị trường thế giới .
Tóm lại, hệ thống kết cấu hạ tầng đó phải giúp cho nhà đầu tư nước ngoài tiện nghi và sự thoải mái, giúp họ giảm được chi phí về giao thông vận tải, giúp họ duy trì được các mối quan hệ dễ dàng làm ăn với các đối tác trong nước và trên toàn cầu được dễ dàng.
- Chuẩn bị nguồn nhân lực để hấp thụ nguồn đầu tư nước ngoài.
Chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự thành công của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tồn tại và phát triển hay không phụ thuộc rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực. Vì vậy, muốn trở thành những doanh nghiệp hàng đầu có khả năng chiếm lĩnh được thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, vấn đề quan trọng hàng đầu là các doanh nghiệp đó phải có nhiều lao động giỏi và quản lý giỏi. Thực tế chứng minh rằng, chất lượng nguồn nhân lực có tác động rất mạnh đến khả năng thu hút FDI của các nước, kể cả những nước nghèo. Việc thiếu lao động kỹ thuật lành nghề, các nhà quản lý cao cấp và sự lạc hậu về trình độ khoa học - công nghệ trong nước sẽ khó đáp ứng được các yêu cầu của nhà đầu tư để triển khai các dự án của họ, làm chậm và thu hẹp lại dòng vốn FDI chảy vào trong nước. Thông thường, một quốc gia có năng lực hấp thu vốn FDI cao và nguồn nhân lực có chất lượng tốt thì dòng FDI đổ vào quốc gia đó càng nhiều và khai thác có hiệu quả.
Nhận thức sâu sắc được vai trò của chất lượng nguồn nhân lực trong thu hút FDI, các nước đã có nhiều chính sách ưu tiên cho giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ví dụ ở Thái Lan, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chính phủ Thái Lan đã lập quỹ tín dụng dành cho sinh viên nghèo, ký kết các thoả thuận về việc chuyên gia nước ngoài, vận dụng các công ty tài trợ cho các trường dạy nghề, tăng lương cho công nhân lành nghề. Như vậy, việc ưu tiên cho giáo dục, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là không thể thiếu được trong sự phát triển kinh tế mỗi quốc gia, đặc biệt là trong môi trường cạnh tranh để thu hút FDI đang ngày càng khốc liệt như hiện nay.
- Tạo môi trường kinh doanh
- Hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, đảm bảo phân công, phân nhiệm rõ trách nhiệm, quyền hạn và thẩm quyền đối với các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương có liên quan trong quản lý và thẩm duyệt cam kết và cấp giấy phép đầu tư nước ngoài. Hoàn thiện quy trình quản lý kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án sau khi được cam kết và cấp giấy phép đầu tư cũng như tập trung tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc trong việc
triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động có hiệu quả cao. Kiên quyết giải thể các dự án không có khả năng triển khai nhằm thu hồi đất cho các dự án mới, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án chuyển giao công nghệ.
- Cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện hơn nữa nhằm thu hút các nhà đấu tư. Có thể coi đây là nội dung quan trọng, căn bản nhất trong cải thiện môi trường đầu tư và cũng là làm tốt hơn chức năng vai trò quản lý nhà nước đối với đầu tư nước ngoài, vừa bảo đảm tính tự chủ trong hoạt động của các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, vừa giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp luật. Trình độ, khả năng và nghệ thuật quản lý của bộ máy nhà nước, thể hiện rất rõ trong việc thực hiện một cách tổng hợp các biện pháp liên quan đến định hướng chính sách và giải quyết các thủ tục đầu tư.
- Xúc tiến đầu tư trên cơ sở mục tiêu thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cần đặc biệt chú ý xây dựng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài và coi đó là một bộ phận trong tổng thể của nền kinh tế nói chung và chiến lược kinh tế đối ngoại nói riêng. Chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài phải thống nhất với chiến lược kinh tế đối ngoại và phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Xây dựng chiến lược phát triển các dự án có vốn đầu tư nước ngoài làm cơ sở xây dựng chính sách phối hợp đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy và khuyến khích các dự án có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động thuận lợi.
- Tạo môi trường quốc tế thuận lợi
Môi trường kinh tế thế giới ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng thu hút FDI của một quốc gia. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tài chính - tiền tệ, khủng hoảng chính trị, xã hội; dịch bệnh... đều như một tác động đa phương diện và theo nhiều cơ chế khác nhau tới thu hút FDI của một quốc gia. Sự tác động đó có mặt khuyến khích, có mặt lại hạn chế luồng vốn FDI vào quốc gia tiếp nhận. Sự tác động có thể gián tiếp thông qua sự tác động tới FDI khu vực hoặc thông qua sự tác động tới các lĩnh vực có liên quan khác của nền kinh tế như lĩnh vực thương mại, lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Cuộc khủng hoảng cũng có tác động rất khác nhau tới môi trường đầu tư, tác động tới đầu vào và đầu ra của mỗi dự án FDI. Ngược lại
khi nền kinh tế thế giới hoặc khu vực tiếp tục tăng trưởng cao, tạo cơ hội tốt cho các nước thu hút FDI.
Xây dựng chính sách đầu tư ổn định mang tính nhất quán, đặc biệt là chính sách thuế vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các nhà đầu tư nước ngoài. Xét duyệt và công khai chính sách thuế. Nhà nước quan tâm hơn nữa vào hạ tầng cơ sở các khu vực khó khăn, vùng nông thôn. Muốn thu hút được vốn đầu tư nước ngoài thì nước chủ nhà phải biết hy sinh thiệt thòi quyền lợi trước mắt, vì lợi ích lâu dài để phát triển kinh tế. Tiến tới xây dựng một luật đầu tư chung, một khung giá chung cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước thực hành chế độ một cửa, bình đẳng trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng một hệ thống luật thống nhất và hoàn chỉnh, sớm ban hành những luật còn thiếu để tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho sự hoạt động của dự án đầu tư nước ngoài. Hoàn thiện hoạt động hải quan phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu của dự án đầu tư nước ngoài. Đầu tư thoả đáng vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực để duy trì và phát huy lợi thế của mình. Trao đổi và rút kinh nghiệm của các nước có nhiều kinh nghiệm về quản lý đầu tư nước ngoài để vận dụng vào điều kiện cụ thể, chủ động xác định những gì "học phí cần phải trả" để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào trong nước để xây dựng cơ sở hạ tầng vững chắc, tạo điều kiện công ăn việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.
Tóm lại: Đầu tư nước ngoài và thu hút đầu tư là hoạt động có tính quy luật khách quan do quá trình quốc tế hoá lực lượng sản xuất nhằm tăng trưởng và phát triển nền kinh tế của các quốc gia trong khu vực và thế giới. Đầu tư nước ngoài chỉ xuất hiện và phát triển cùng với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ở giai đoạn cao. Đó chính là quá trình xuất khẩu tư bản nhằm thu được giá trị thặng dư ở nước ngoài. Có nhiều dạng đầu tư nước ngoài, mỗi dạng có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau, bổ sung lẫn nhau nhằm mục đích đưa lại lợi nhuận ngày càng nhiều cho người bỏ vốn. Đầu tư nước ngoài chỉ là một trong những dạng đầu tư thường thấy, song nó ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống kinh tế quốc tế bởi những ưu điểm riêng có của nó. Chính vì thế dòng đầu tư nước ngoài trên thế giới đã gia tăng rất nhanh vượt cả tốc độ thương mại quốc tế, nhất là trong mấy thập kỷ trở lại đây.
Trong hai thập kỷ qua, dòng vốn đầu tư trực tiếp trên thế giới có xu hướng quay trở lại các nước phát triển và phần lớn số còn lại tập trung vào các nước đang phát triển châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, Ấn Độ... song vốn viện trợ phát triển chính thức tập trung vào các nước kém phát triển trên thế giới - nơi đáp ứng được nhu cầu về kinh tế - chính trị của các nhà đầu tư nước ngoài.