6. Bố cục của luận văn
2.1.4.3. Cấu trúc ngữ nghĩa của giới ngữ chỉ vị trí
Giới ngữ chỉ vị trí cũng được xem là một yếu tố góp vào việc hình thành giá trị thể của sự tình chuyển động, cũng như các giới ngữ chỉ hướng không có
đích, giới ngữ vị trí như in, on, v.v. không hạn định sự tình chuyển động về mặt
không gian, từ đó, những giới ngữ này không đánh dấu điểm kết thúc của quá trình chuyển động như trong (73).
(73) a. Jo ran in the park (*in/for two hours).
(Jo chạy trong công viên (mất hai tiếng/hai tiếng)) b. Jo hiked on the river bank (*in/for two hours).
(Jo đi bộ trên bờ sông (mất hai tiếng/hai tiếng)
Chúng ta thấy ngay rằng những giới ngữ chỉ miêu tả một khoảng không gian mà trong/trên đó chuyển động diễn ra, sự tình có thể diễn ra liên tục trong khoảng không gian đó, nó chỉ ngừng lại khi có sự tác động từ bên ngoài, chứ không do cấu trúc nội tại của nó. Do vậy, các câu trong (73) có thể kết hợp với trạng ngữ
thời đoạn for+time mà không kết hợp được với in +time là do những ràng buộc
ngữ nghĩa này. Vì vậy, các vị ngữ chuyển động khi kết hợp với các giới ngữ này đều miêu tả những sự tình vô đích.
Nói tóm lại, chương này đã trình bày chi tiết về cấu trúc ngữ nghĩa của ngữ đoạn trong việc xác định đặc trưng ngữ nghĩa của vị ngữ, từ đó xác định giá trị thể
của câu. Giá trị thể của vị ngữ được cấu thành từ các thuộc tính [+động], [±hữu
đích] và [± đoạn tính] của vị ngữ. Thuộc tính định lượng và lũy tích của danh ngữ ở vị trí bổ ngữ hoặc chủ ngữ giữ vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị thể của vị ngữ hoặc câu. Đối với vị ngữ có một vị từ trung tâm là vị từ chuyển tác hay vị từ tiêu hủy và một danh ngữ định lượng thì giá trị thể của vị ngữ đó được quy định là hữu đích. Đối với vị ngữ chứa danh ngữ lũy tích, vị ngữ hoặc câu mang giá trị thể vô đích. Ngoài danh ngữ thì trạng ngữ và giới ngữ cũng có những thuộc tính ngữ nghĩa gây ảnh hưởng đến giá trị thể của vị ngữ hoặc câu, cụ thể là trạng ngữ thời đoạn in/for +time và trạng ngữ until và at, giới ngữ chỉ hướng và giới ngữ chỉ vị trí.
Trạng ngữ in+time tương thích với các vị ngữ hữu đích còn trạng ngữ for+time
tương thích với các vị ngữ vô đích. Trạng ngữ until kết hợp với các vị ngữ hữu
đích ở thức phủ định còn trạng ngữ at đánh dấu ý nghĩa khởi phát của sự tình vô
đích. Giới ngữ chỉ hướng có đích chỉ ra cái đích của hành động áp cho sự tình thuộc tính hữu đích còn giới ngữ chỉ hướng không có đích không hạn định sự tình chuyển động nên áp cho sự tình liên quan thuộc tính vô đích. Giới ngữ chỉ vị trí không hạn định sự tình chuyển động về mặt không gian nên vị ngữ của chúng miêu tả những sự tình vô đích. Những đặc trưng ngữ nghĩa của vị ngữ, danh ngữ, trạng ngữ và giới ngữ được nêu trong chương này có vai trò tác động đến việc xác định giá trị thể của sự tình mà chúng tôi sẽ trình bày rõ hơn, chi tiết hơn trong chương III.
SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA CẤU TRÚC NGỮ NGHĨA CỦA VỊ TỪ VỚI CÁC NGỮ ĐOẠN TRONG VIỆC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ THỂ TIẾNG
ANH
Thể là một phạm trù cú pháp – ngữ nghĩa mà việc xác định giá trị của nó phụ thuộc vào nhiều tham tố xuất hiện trong câu miêu tả sự tình. Việc xác định
thể chỉ dựa trên hình thái của vị từ nói chung không đưa đến kết quả chính xác,
ngay cả với những vị từ một tham tố như trong (74). (74) a. The patient is dying.
(Nạn nhân sắp chết) b. Jo is singing.
(Jo đang hát)
Nếu chỉ xét hình thái vị từ, người ta chỉ có thể cho rằng hai vị từ liên quan ở hình thái tiếp diễn (progressive form). Hai vị từ trong (74) là vị từ phi chuyển tác (intransitive verbs), có một tham tố chủ ngữ, tuy nhiên, xét về cấu trúc ngữ nghĩa của hai vị từ, người ta nhận thấy có sự khác biệt quan trọng: (b) đoạn tính vs (a)
điểm tính. Sự kết hợp giữa một đặc trưng ngữ nghĩa của vị từ (tính điểm) và một phương tiện cú pháp (hình thái tiếp diễn) đặt sự tình liên quan ở một góc độ miêu
tả không phản ánh bản chất của hình thái tiếp diễn (không tương thích với vị từ
điểm tính). (74a) miêu tả một sự tình khác diễn ra trước sự tình được miêu tả bằng vị từ trong câu, trong khi đó (74b) lại miêu tả một phân đoạn của sự tình do vị từ trong câu miêu tả, tức cũng có nghĩa miêu tả bản thân sự tình (theo thuộc tính lũy tích của vị ngữ). Có thể miêu tả hai sự tình trong (74) như trong sơ đồ sau:
(74a)
(74b)
The patient died. The patient is dying.
Như vậy, (74a) miêu tả một sự tình không nằm trong cấu trúc thời gian nội tại của “die”, và vì vậy không thể nói (74a) miêu tả một sự tình tiếp diễn. Trong khi đó, khái niệm tiếp diễn lại hoàn toàn tương thích với sự tình trong (74b), và tất nhiên có thể nói (74b) miêu tả một sự tình đang diễn tiến hay tiếp diễn.
Nhằm xác định cơ chế tạo thể và vai trò của các ngữ đoạn trong cơ chế tạo thể, chúng tôi sẽ khảo sát sự tương tác cú pháp-ngữ nghĩa giữa cấu trúc ngữ nghĩa của vị từ và cấu trúc ngữ nghĩa của những ngữ đoạn mà chương II của luận văn đã giới thiệu.
3.1. Tương tác giữa tham tố danh ngữ và vị từ
Như đã trình bày ở phần trên, giá trị thể của một sự tình được xác định qua sự tương tác giữa cấu trúc ngữ nghĩa của các loại ngữ đoạn: danh ngữ với vị từ, giới ngữ với vị từ và trạng ngữ với vị từ. Dưới đây, chúng tôi lần lượt khảo sát những tương tác ngữ nghĩa này trong cơ chế tạo thể sự tình.
3.1.1. Sự tác động của tham tố danh ngữ chủ ngữ đối với vị từ
Theo Krifka (1989, 1992) và Verkuyl (1972, 1992), danh ngữ tiếng Anh (và nhiều thứ tiếng khác) có hai thuộc tính quan trọng phản ánh cấu trúc ngữ nghĩa của sự tình: thuộc tính định lượng và thuộc tính lũy tích. Hai thuộc tính này có quan hệ phóng chiếu ngữ nghĩa với vị ngữ. Thuộc tính lũy tích của danh ngữ thường được biểu đạt bằng danh từ số nhiều hay danh ngữ khối. Về quan hệ giữa tham tố chủ ngữ và vị ngữ, chúng tôi chỉ khảo sát sự tương tác giữa danh ngữ chủ ngữ với các vị ngữ điểm tính (punctual verbs), do sự tương tác giữa danh ngữ chủ ngữ với vị từ đoạn tính không thực sự tác động đến cơ chế tạo thể, hay chuyển loại của sự tình.
3.1.1.1. Với vị từ điểm tính chuyển thái tức thời
Các vị từ điểm tính chuyển thái tức thời miêu tả một sự tình động hữu đích, diễn ra và kết thúc ngay, và điểm kết thúc của sự tình cũng chính là điểm chuyển
đổi trạng thái của chủ thể do danh ngữ chủ ngữ biểu thị. Những vị từ loại này thường loại bỏ khả năng xuất hiện ở hình thái tiếp diễn như trong (75).
(75) a. *A bomb was exploding (on the next street).
b. *The bottle was smashing (against a wall).
Tuy nhiên, số phức của danh ngữ chủ ngữ lại cho phép những vị từ điểm tính này kết hợp với hình thái tiếp diễn như trong (76).
(76) a. Bombs were exploding round the village.
(Bom đạn đang nổ quanh làng)
b. Around twenty bottles were smashing against a wall.
(Khoảng 20 chai đang va mạnh vào tường)
Các câu trong (76) được hiểu là miêu tả một loạt các sự tình bộ phận (subevents)
đồng chất diễn ra kế tiếp nhau trong thời gian, và nếu nhìn trong toàn cục, có thể nói các câu trong (76) miêu tả một sự tình đa biến cố (multiple event situation). Sự tương tác giữa hình thái tiếp diễn của vị từ và thuộc tính luỹ tích (được đánh dấu
bằng danh ngữ số phức) đã đặt các sự tình liên quan dưới giác độ thể tái diễn
(iterative aspect), một giá trị thể phái sinh của hình thái tiếp diễn.
Trong tiếng Anh, vẫn có một số vị từ chuyển thái (change of state) điểm tính tương thích với hình thái tiếp diễn như die, disappear…. Tuy nhiên, để sự kết hợp này chuẩn ngữ pháp các sự tình liên quan phải được xem là chuyển nghĩa (semantic shift) như trong (77).
(77) a. The poor woman is dying of cancer.
(Người đàn bà tội nghiệp đó đang chết vì căn bệnh ung thư) b. The car is disappearing round the corner.
(Chiếc xe hơi đó đang biến mất quanh lối này)
Các sự tình trong (77), tương tự như trong (74), được xem là miêu tả các sự tình không nằm trong cấu trúc thời gian của các sự tình do vị từ miêu tả. Nếu xét trong
toàn cục, có thể xem những sự tình suy đoán từ (77) là những khúc đoạn trước (xem sơ đồ 1) của các sự tình liên quan.
Sự khác biệt cơ bản giữa các vị từ chuyển thái điểm tính trong (76) và (77) là các vị từ trong (77) có khả năng bao hàm những khúc đoạn thời gian về mặt tâm lý có liên quan với bản thân sự tình do vị từ miêu tả. Điều này cho phép các vị từ như trong (77) vẫn được xem khả chấp về mặt ngữ pháp khi kết hợp với hình thái tiếp diễn.
3.1.1.2. Với các vị từ chuyển vị (punctual verbs indicating a change of location)
Các vị từ chuyển vị điểm tính như arrive, enter, reach…hoàn toàn có thể
kết hợp với hình thái tiếp diễn, song các câu chứa những vị từ này đều phải được xem là chuyển nghĩa như các vị từ chuyển thái trong các ví dụ (77), nghĩa là chúng đều đánh dấu những khúc đoạn trước khi các sự tình liên quan đạt đến kết điểm nội tại:
(78) a. Jo is arriving.
b. Jo is reaching the summit.
Các câu trong (78) cho biết chiếc taxi đang trên đường đến (a), và Jo đang lên
gần đến đỉnh núi (b). Sở dĩ chúng tôi xem những sự tình này chỉ miêu tả những khúc đoạn thời gian trước, nằm ngoài cấu trúc của những sự tình điểm tính liên quan là do những sự tình miêu tả trong (77) và (78) có thể ngừng lại, và như vậy,
các sự tình “arrive” hay “reach the summit” không đạt đến kết điểm (chiếc taxi
không đến được địa điểm đã định hay Jo không lên được đến đỉnh).
Những vị từ điểm tính này khi kết hợp với danh ngữ chủ ngữ số phức được cho là miêu tả các sự tình tái diễn như các ví dụ trong (79) miêu tả:
(79) a. The ballet dancers were entering the stage.
(Những diễn viên múa ba lê đang vào sân khấu)
b. The spectators were going out of the cinema when it started raining. (Trong khi khán giả ra khỏi rạp chiếu thì trời đổ mưa)
Các ví dụ trong (79) có thể hiểu miêu tả một chuỗi các sự tình động hữu đích
đang lần lượt đạt đến kết điểm do các danh ngữ nơi chốn biểu thị (the stage và
the cinema). Như vậy, các sự tình miêu tả trong (79) được miêu tả dưới giác độ
thể tái diễn.
Trong điều kiện bình thường, nghĩa là khi các vị từ điểm tính chuyển thái hoặc chuyển vị kết hợp với hình thái simple past (quá khứ đơn), chúng được áp giá trị thể hoàn thành (perfective aspect)1 như trong (80).
(80) a. A bomb exploded in the next corner.
(Một quả bom nổ ở góc đường bên kia) b. Jo died in 1970.
(Jo chết vào năm 1970) c. They arrived at ten.
(Họ đến lúc 10 giờ)
Khi tác hợp với hình thái simple past, vai trò của các danh ngữ chủ ngữ không ảnh hưởng đến giá trị thể của sự tình, vì lẽ đó, chúng tôi không khảo sát kết hợp này trong luận văn này.
Tóm lại, các vị từ điểm hữu đích (chuyển thái và chuyển vị) có thể kết hợp hình thái tiếp diễn nếu (1) danh ngữ chủ ngữ thỏa mãn những ràng buộc ngữ nghĩa mà tính điểm của vị từ điểm tính đòi hỏi, hoặc (2) sự tình liên quan phải xem là miêu tả (a) khúc đoạn trước của sự tình liên quan hay (b) chuỗi các sự tình bộ phận đồng chất diễn ra nối tiếp nhau (tương đối) trong thời gian.
3.1.2. Sự tác động của danh ngữ bổ ngữ với vị từ
Từ Vendler (1957), với phân loại sự tình dựa trên các thuộc tính vị từ, các thuộc tính thể của các vị ngữ động (dynamic predicates) thường được xác định dựa trên sự chọn lựa các vị từ trung tâm cùng với các thuộc tính ngữ nghĩa tương
1Khái niệm hoàn thành (perfective aspect) khác với khái niệm dĩ thành (perfect aspect), khái niệm này thường miêu tả trạng thái kết quả của một sự tình động ở một thời đoạn quy chiếu cụ thể.
ứng (xem các ví dụ từ 74-80). Tuy nhiên, một vài tham tố cũng có thể hành chức như một thành tố thể và giữ một vai trò khá quan trọng trong việc xác định các nét nghĩa thể (Garey 1957, Verkuyl 1972, 1993, Tenny 1987, 1992, 1994, Krifka
1989, 1992, 1998, Dowty 1991, Jackendoff 1996). Vai trò của tham tố bị thể
(patient argument) do bổ ngữ trực tiếp đánh dấu trong khung vị ngữ có các vị từ
tạo tác/phá huỷ làm trung tâm (creation/consumption verbs) như eat, drink, build,
write, v.v. có tác động rất rõ đến giá trị thể của sự tình. Khi tham tố bị thể được đánh dấu bằng một danh ngữ định lượng (quantized noun phrase), nghĩa là danh ngữ này miêu tả một lượng xác định của tham tố bị thể sao cho không có bất kỳ một bộ phận nào thuộc tham tố đó có cùng một lượng xác định như vậy, hay theo cách gọi của Dowty (1991), tham tố này là tham tố bậc lượng (incremental
theme)2, vị ngữ chứa tham tố này là vị ngữ định lượng, tức hữu đích (xem chương
II), còn khi tham tố bị thể hay bậc lượng được đánh dấu bằng danh ngữ khối hay danh ngữ số nhiều bất định, vị ngữ liên quan có thuộc tính lũy tích, tức vô đích.
(81) a. Jo drank a beer.
(Jo uống một ly bia)
b. Jo wrote two long letters to Mary. (Jo viết hai lá thư dài cho Mary) c. Mary ate the apples.
(Mary ăn hết số táo đó)
Dựa trên quan hệ đồng hình ngữ nghĩa, các danh ngữ định lượng biểu thị tham tố bị thể hay bậc lượng đã hạn định các sự tình miêu tả trong (81) và áp định một kết
điểm (endpoint/culmination) trong cấu trúc nội tại của sự tình. Khi các thực thể a
beer, the apples biến mất, hay two letters tồn tại, các sự tình tạo tác hay tiêu huỷ liên quan kết thúc, những sự tình này còn được gọi là sự tình hũu đích. Trên cơ sở này, các sự tình trong (81) đều là những sự tình hoàn thành (perfective situations), nghĩa là được miêu tả dưới giác độ hoàn thành. Do vậy, khi những vị từ tạo tác hay huỷ diệt xuất hiện ở hình thái quá khứ đơn và có bổ ngữ trực tiếp biểu đạt
tham tố bị thể hay bậc lượng như trong (81), những sự tình do kết hợp cú pháp- ngữ nghĩa vừa nói được miêu tả dưới giác độ hoàn thành. Nếu vị ngữ [VT + bị thể] xuất hiện trong hình thái tiếp diễn, sự tình liên quan được miêu tả dưới giác độ chưa hoàn thành (imperfective viewpoint) hay nói chính xác là giác độ thể tiếp diễn như trong (82).
(82) a. Jo was drinking a beer.
(Jo đang uống một ly bia) b. Mary was eating an apple.
(Mary đang ăn một quả táo)
Tuy nhiên, hình thái tiếp diễn của vị từ không chấp nhận một danh ngữ định lượng xác định như two letters, the apples…trừ phi có một ngữ cảnh đặc biệt.
(83) a. *Jo was drinking three beers.
b. *Jo was writing two letters
Như vậy, thuộc tính số phức triệt tiêu khả năng kết hợp của tham tố định lượng do danh ngữ xác định số phức biểu thị với hình thái tiếp diễn hay nói chính xác hơn là không tương thích với giác độ chưa hoàn thành (trong tiếng Anh, những câu như Jo drinks two beers được xem là câu sai ngữ pháp).
Trong khi đó, các vị ngữ tạo tác/tiêu huỷ có tham tố bị thể được đánh dấu bằng danh ngữ lũy tích (cumulative nou phrases) là vị ngữ lũy tích, tức sự tình do nó miêu tả là sự tình vô đích (atelic situations) như trong (84).
(84) a. Jo drank beer. (Jo uống bia)
b. Jo wrote letters to Mary. (Jo viết thư cho Mary)
c. Mary ate apples. (Mary ăn táo)
Các sự tình trong (84) là những sự tình vô đích, tức những sự tình không có hạn định, hay kết điểm nội tại như các sự tình trong (81), do vậy, những sự tình này
ngừng hoặc tiếp tục trong thời gian. Trong chương II, chúng tôi có dùng vị từ stop
và finish để trắc định tính hữu đích của sự tình, và kết quả là những sự tình vô đích sẽ kết hợp hợp với stop, còn sự tình hữu đích sẽ kết hợp với finish (85).
(85) a. Jo stopped drinking beer. → sự tình vô đích
b. Jo finished drinking a beer. → sự tình hữu đích
Như vậy, xét về góc độ thể, chỉ có những sự tình hữu đích mới tương thích với giác độ thể hoàn thành, hay nói cách khác, chỉ những sự tình hữu đích mới là những sự tình hoàn thành tiềm năng, còn sự tình vô đích thường chỉ ứng với hình thái tiếp diễn hay giác độ chưa hoàn thành. Các ví dụ trong (81) và (84) cho thấy cùng một hình thái vị từ (simple past) nhưng các câu liên quan miêu tả những loại sự tình khác nhau tùy vào cấu trúc ngữ nghĩa của tham tố bị thể do danh ngữ bổ ngữ biểu thị.