Danh ngữ ở vị trí bổ ngữ

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ ngôn ngữ học CẤU TRÚC NGỮ NGHĨA của NGỮ ĐOẠN THAM số xác ĐỊNH GIÁ TRỊ THỂ TIẾNG ANH (Trang 60)

6. Bố cục của luận văn

2.1.2.1.Danh ngữ ở vị trí bổ ngữ

a. Danh ngữ định lượng

Thuộc tính định lượng của danh ngữ trong tiếng Anh được đánh dấu bằng các định tố xác định (definite determinants) lượng từ, hạn định từ. Xem ví dụ trong (46) và (47):

(46) a. Bill ate an apple. (Bill ăn một quả táo)

b. Bille ate apples. (Bill ăn táo)

(47) a. Bill wrote a/the letter. (Bill viết một bức thư)

Như chúng tôi có đề cập đến ở phần trên, hình thái vị từ trong các câu (a) và (b) của (46) và (47) đều giống nhau. Trên phương diện thì (tense), hình thái quá khứ đơn (Simple past) đặt các sự tình liên quan trong quá khứ, tức những sự tình này tương đồng về phương diện thì. Tuy nhiên, nếu xét về phương diện thể, ý nghĩa của các câu (a) và (b) hoàn toàn khác biệt.

Danh ngữ an apple (một quả táo) miêu tả một thực thể tồn tại trong một

khoảng không gian, và không gian này được thu nhỏ dần cùng với diễn tiến của sự tình “ăn”. Thời điểm thực thể “táo” liên quan không còn tồn tại cũng chính là thời điểm sự tình “ăn” hoàn thành. Như vậy, sự tình “ăn một trái táo” được xem như

chuỗi những sự tình cắn từng miếng táo tại những thời điểm khác nhau liên tiếp

trong một thời đoạn nhất định. Dựa trên quan hệ phóng chiếu ngữ nghĩa giữa danh

ngữ và vị ngữ, có thể cho rằng sự hạn định của đối tượng tác động (patient) “trái

táo” trong không gian tâm lý có liên quan hữu cơ với sự hạn định về thời gian trong cấu trúc nội tại của sự tình “ăn một trái táo”. Khi “trái táo” biến mất, sự tình liên quan đến hạn định thời gian nội tại. Tính hạn định này là cơ sở xác định ý

nghĩa hữu đích của sự tình. Danh ngữ apples trong (46b) có thể nói không có hạn

định thời gian này vì không thể xác định, do đó sự tình liên quan sẽ không có hạn định thời gian nội tại như trong (46a). Tương tự với (47a), danh ngữ a letter cũng miêu tả một vật thể có hạn định không gian, khoảng không gian này lớn dần cùng với tiến trình tạo tác (viết một bức thư) và nó được xác định khi sự tình liên quan

kết thúc cùng với sự xuất hiện của vật thể do danh ngữ biểu thị (tức có một bức

thư). Như vậy, tính hạn định thời gian nội tại trong cấu trúc ngữ nghĩa của danh

ngữ cùng với thuộc tính tạo tác hay tiêu hủy của vị từ là tham tố xác định ý nghĩa hữu đích của sự tình. Những danh ngữ ở vị trí bổ ngữ trực tiếp của những vị từ

chuyển tác đúng nghĩa như an apple hay a letter được Dowty (1991) gọi là “tham

tố bậc lượng” (Incremental Theme). Những tham tố này mang thuộc tính định lượng biểu thị sự hạn định thời gian nội tại của sự tình.

Thuộc tính định lượng của Kriffka hay bậc lượng của Dowty không chỉ áp dụng cho các vị ngữ tạo tác hay tiêu hủy mà cũng có thể áp cho những vị từ chuyển động hạn định:

(48) a. Jo ran a mile. (Jo chạy một dặm)

b. Jo swam a river. (Jo bơi qua sông)

Cả hai vị ngữ trong (48) đều được xem là vị ngữ định lượng vì danh ngữ đánh

dấu tham tố “con đường” (path) là danh ngữ định lượng. Không tồn tại bất kỳ

khúc đoạn nào thuộc sự tình Jo run a mile hay Jo swim a river lại được xem là bản thân sự tình. Có thể miêu tả quan hệ đồng hình này giữa tham tố và vị từ để cấu thành thuộc tính định lượng của vị ngữ, trên cơ sở đó là sự tình định lượng như sau:

e1 e2 e3 e4 e5 en

E = run a mile/swim a river

Sự tình (E) được phân thành các sự tình bộ phận (e) và mỗi sự tình bộ phận (e) tương ứng với một khúc đoạn hay một sự biến đổi trong chuỗi biến đổi của sự tình (E), vì vậy, mỗi sự tình bộ phận (e) không thể đại diện cho sự tình (E) trong không gian được hạn định (bounded space), mỗi phần của con sông

tương ứng với một sự tình bộ phận (e). Thuộc tính định lượng sự tình được xem là điều kiện xác định ý nghĩa hữu đích của sự tình đó, từ đó, có thể nói rằng những sự tình định lượng là những sự tình hữu đích.

b.Danh ngữ lũy tích

Ý nghĩa lũy tích thường được biểu thị bằng danh ngữ khối (beer) hay danh ngữ số phức (apples). Theo định nghĩa về tính lũy tích trong (45b), nếu

một danh ngữ ứng với hai thực thể khác nhau, danh ngữ đó sẽ ứng với tổng của

hai thực thể đó. Danh ngữ khối water hoặc danh ngữ số phức apples là những

danh ngữ lũy tích: tổng các thực thể water (nước) cũng là water (nước) hoặc

apples(táo) + apples (táo) cũng chính là apples(táo).

(49) a. Jo drank beer. (Jo uống bia)

b. Jo ate apples (Jo ăn táo)

Danh ngữ beer (bia) hay danh ngữ apples (táo) không chỉ một lượng bia hay một

lượng táo xác định, vì vậy, các tiểu phần bia/táo cũng có thể được miêu tả bằng

chính DN bia/táo. Điều này có nghĩa là các biến cố bộ phận cấu thành biến cố

chính có thể được mô tả bằng cùng câu dùng miêu tả biến cố chính: Jo uống bia,

vì vậy câu như vậy có thể đồng thời miêu tả một biến cố cũng như các biến cố bộ phận của cùng biến cố đó. Do đó, các câu trong (49) không phải là câu hữu đích

và khi kết hợp với trạng ngữ thời đoạn như for an hour (một tiếng) được xem là

miêu tả biến cố đoạn tính, không có kết điểm hạn định sự tình, do vậy, các sự tình lũy tích được xem là những sự tình vô đích.

Như vậy, dựa trên quan hệ đồng hình vị ngữ định lượng miêu tả một sự tình hạn định, tức hữu đích, còn vị ngữ lũy tích miêu tả một sự tình không hạn định, tức miêu tả một sự tình vô đích.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ ngôn ngữ học CẤU TRÚC NGỮ NGHĨA của NGỮ ĐOẠN THAM số xác ĐỊNH GIÁ TRỊ THỂ TIẾNG ANH (Trang 60)