Lý thuyết của Verkuyl (1972,1993)

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ ngôn ngữ học CẤU TRÚC NGỮ NGHĨA của NGỮ ĐOẠN THAM số xác ĐỊNH GIÁ TRỊ THỂ TIẾNG ANH (Trang 26)

6. Bố cục của luận văn

1.3.1.Lý thuyết của Verkuyl (1972,1993)

Henk Verkuyl là một trong những nhà ngôn ngữ học đầu tiên bàn luận về giá trị thể của vị từ đặc biệt là ý nghĩa từ vựng của nó. Phần này chỉ chú trọng vào Verkuyl (1972) và Verkuyl (1993). Verkuyl (1972) bắt đầu với một số các tham tố giải thích cho cấu trúc tham tố và cấu tạo thể. Sau đó, ông đưa ra lý lẽ ủng hộ cho mô hình cấu tạo thể tương ứng với các thuộc tính động xuất hiện trên vị từ và thuộc tính định lượng trên các tham tố của nó. Việc cấu tạo vị ngữ của chúng tạo nên giá trị thể của sự tình.

Verkuyl (1972) quan sát và cho thấy không chỉ có vị từ là yếu tố duy nhất có khả năng tác động đến giá trị thể mà các thuộc tính nhất định của các tham tố sự tình cũng đóng vai trò trung tâm trong vấn đề này. Bằng cách sử dụng bài trắc nghiệm trạng ngữ thời gian bắt đầu với in/for và rút ra kết luận: những sự tình hữu

đích được đo bởi cụm giới từ in trong khi sự tình vô đích được đo bằng cụm từ

for. Sự tình ăn (ate) trong (8a) bên dưới dường như mang thuộc tính hữu đích khi

người ăn và đối tượng được ăn đang tham gia vào sự tình này. Khi vật thể được ăn được chuyển từ số ít sang một số lượng không xác định trong (8b) (dạng số nhiều

sandwiches) thì sự tình trở nên vô đích, và xảy ra tương tự nếu người ăn ở dạng số lượng không xác định như trong (8c). Điều này cho thấy không chỉ có vị từ đóng vai trò duy nhất vào việc xác định giá trị thể: có thể thay thế một vị từ khác vào câu (8a) thì sự tình có thể trở nên vô đích như trong (8d). Dựa vào những ví dụ

này, Verkuyl đã kết luận rằng giá trị thể cũng xuất hiện ở cấp độ vị ngữ chứ không chỉ ở cấp độ vị từ.

(8) a. John ate a sandwich in an hour/?for an hour.

(John ăn một cái bánh xăng-đuých mất một giờ/?một giờ rồi) b. John ate sandwiches for an hour/?in an hour.

(John ăn bánh xăng-đuých một giờ rồi/?mất một giờ) c. For an hour/?in an hour nobody ate a sandwich.

(Không ai ăn một cái bánh xăng-đuých một giờ/?mất một giờ) d. John disliked a sandwich for an hour/?in an hour.

(John không thích bánh xăng-đuých một giờ/?mất một giờ) Khi giới thiệu về hiện tượng này, luận văn chỉ mô tả thuộc tính thích hợp của các tham tố khi không có số lượng xác định. Verkuyl sử dụng thuật ngữ chính xác là số lượng xác định A (Specific Quantity of A, viết tắt là SQA) như là thuộc tính xuất hiện trong các cụm từ danh lượng miêu tả các tham tố sự tình (trong SQA thì A thay thế cho vật mô tả danh lượng trong cấu trúc tham tố), sau này chúng tôi sử dụng [+/- SQA] để biểu thị cho thuộc tính này, trong đó giá trị dương biểu thị sự tồn tại của thuộc tính định lượng và thuộc tính không định lượng được biểu thị bằng giá trị âm. Thuộc tính này tồn tại nhờ các lượng từ (số đếm như

three/ba, twenty/hai mươi, hay các từ “hạn định” khác như more than three but less than seven/nhiều hơn ba nhưng ít hơn bảy) hay nhờ vào tính xác định của danh ngữ (có thể được đánh dấu bởi mạo từ xác định hay những vật để đánh dấu như (a) certain/một lượng nhất định, hay do ngữ cảnh quy định). Một tham tố cấu trúc (ví dụ như danh ngữ) có thuộc tính định lượng thì tương thích với vị ngữ hữu đích (thực ra Verkuyl sử dụng thuật ngữ đoạn tính (durative) thay vì vô đích (atelic) và thuật ngữ kết điểm thay vì hữu đích (telic)), nghĩa là để vị ngữ mang thuộc tính hữu đích thì cả hai tham tố cấu trúc (chủ ngữ và tân ngữ) phải tồn tại thuộc tính định lượng [+SQA].

Thuộc tính hữu đích có phải là thuộc tính của vị từ hay không. Theo quan điểm của Verkuyl, thuộc tính thích hợp của vị từ là thuộc tính có ý nghĩa biểu thị một quá trình nhất định. Quá trình là kết quả biểu thị của vị từ bao gồm các vị từ

động đối lập với vị từ tĩnh. Các sự tình bao gồm những vị từ to turn/trở nên, to hit/đánh, to slide/trượt, to reach/đạt đến, to redden/làm đỏ, to lengthen/kéo dài, hay to build/xây dựng tất cả đều yêu cầu thuộc tính của một vài thực thể thay đổi

giá trị trong suốt thời gian xảy ra sự tình. Trái lại, đối với các vị từ như to

sleep/ngủ, to shine/chiếu sáng, hay to sit/ngồi, nghĩa là các vị từ thường được phân loại như trạng thái của Vendler thì tất cả các thuộc tính có liên quan đều giữ nguyên giá trị giống nhau kể cả trước, trong suốt và sau khi xảy ra sự tình.

Verkuyl (1972) đã sử dụng thuật ngữ [+/- SQA] biểu thị thuộc tính định lượng nhưng trong một nghiên cứu sau này, ông gọi thuộc tính này là thuộc tính tăng tiến/không tăng tiến (sau này được viết tắt là [+/- ADD TO]) trong đó giá trị dương biểu thị sự có mặt của thuộc tính tăng tiến và giá trị âm biểu thị sự có mặt của thuộc tính không tăng tiến. Hai cách gọi này khác nhau ở chỗ: [+/- ADD TO] xuất hiện trên vị từ và được quyết định bởi ý nghĩa từ vựng trong khi [+/- SQA] được quyết định trong miền chức năng bởi vì nó phụ thuộc trực tiếp vào sự có mặt của các từ hạn định và lượng từ trên danh ngữ. Tuy nhiên, xét về giá trị thể thì thuộc tính tăng tiến/không tăng tiến [+/- ADD TO] lại giống thuộc tính định lượng/lũy tích [+/- SQA]: nếu không có sự tồn tại của nó trong vị từ thì sự tình xảy ra mang giá trị thể vô đích. Để sự tình mang giá trị hữu đích thì các tham tố cấu trúc phải mang thuộc tính định lượng [+SQA] và vị từ phải mang thuộc tính tăng tiến [+ADD TO]. Verkuyl gọi đây là nguyên lý tăng tiến được minh họa trong (9):

(9) a. John ate a sandwich.

[+SQA] [+ADD TO] [+SQA] [Hữu đích]

(John ăn một cái bánh xăng- đuých) b. John ate sandwiches.

[+SQA] [+ADD TO] [–SQA] [Vô đích]

(John ăn bánh xăng- đuých) c. Nobody ate a sandwich.

[–SQA] [+ADD TO] [+SQA] [Vô đích]

(Không ai ăn cái bánh xăng- đuých đó) d. John disliked a sandwich.

[+SQA] [–ADD TO] [+SQA] [Vô đích]

e. John disliked sandwiches.

[+SQA] [–ADD TO] [–SQA] [Vô đích]

(John không thích bánh xăng- đuých)

Thật vậy, cả hai thuộc tính này đều có liên quan đến tính định lượng. Tuy nhiên không thể xác định được ý nghĩa sự tình có thuộc tính tăng tiến [+ADD TO] mà không có ít nhất hai thời điểm. Không có vị từ mô tả thuộc tính tăng tiến nào nếu giá trị của thuộc tính này không được đánh giá tại hai điểm khác nhau trong khoảng thời gian xảy ra sự tình. Các sự tình mang thuộc tính [-ADD TO] thường là các trạng thái có thể được chấp nhận xem xét trong một thời điểm.

Verkuyl (1993) đã trình bày rõ hơn về mối quan hệ giữa thuộc tính tăng tiến [+ADD TO] và định lượng [+SQA]. Ông đã phân tích một hệ thống cấu trúc và đưa ra kết luận về ba loại sự tình: (1) Trạng thái không mang thuộc tính tăng tiến ([-ADD TO]); (2) Quá trình mang thuộc tính tăng tiến nhưng hai tham tố cấu trúc không mang thuộc tính định lượng ([+ADD TO], [-SQA]) tương ứng với sự tình hoạt động của Vendler; (3) Sự tình mang thuộc tính tăng tiến và định lượng ([+ADD TO], [+SQA]) tương ứng với sự tình đoạn tính hữu đích và sự tình điểm tính hữu đích của Vendler. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tóm lại, Verkuyl cho rằng sự tình không phải là thuộc tính của một đơn vị riêng biệt nào đó mà nó được thiết lập dựa trên sự kết hợp giữa cú pháp và ngữ nghĩa bao gồm nhiều thành phần khác nhau tương ứng với nhiều thuộc tính khác nhau của vị từ và các tham tố của vị từ. Ông đưa ra một hệ thống tương đối đơn giản bao gồm hai thuộc tính ([+/–SQA] và [+ADD TO]), tạo nên ba loại thể khác nhau của sự tình: trạng thái, diễn tiến và sự tình. Ông cũng giới thiệu rõ về khái niệm phóng chiếu giữa sự tình/tiểu sự tình và thuộc tính định lượng của các tham tố.

Cấu trúc (9a) John ate a sandwich chứng minh quan điểm của Verkuyl về

làm nên giá trị thể của vị ngữ. Đối với các ngoại vị từ (ate) mang thuộc tính tăng tiến ([+ADD TO]) làm nên ý nghĩa sự tình vì tân ngữ trực tiếp (a sandwich) [+SQA] và chủ ngữ (John) [+SQA] chưa đủ để làm nên thuộc tính hữu đích cho sự tình. Nhờ vậy câu này mang giá trị thể hữu đích do có vị từ mang thuộc tính tăng tiến và hai tham tố cấu trúc mang định lượng.

Tuy nhiên, Verkuyl giải thích các ngoại vị từ mang thuộc tính tăng tiến [+ADD TO] và sự tình vô đích khi cả hai tham tố cấu trúc đều mang thuộc tính

định lượng [+SQA] trong (10) ở bên dưới với vị từ to move/di chuyển và các vị từ

tương tự như to push/đẩy hay to drive/ lái xe, hoặc các vị từ khác như to heat/đun nóng, to gobble/nuốt lấy nuốt để hay to analyze/phân tích. Theo lý thuyết của

Verkuyl thì câu (10) mang thuộc tính hữu đích bởi vì có vị từ tăng tiến moved

danh ngữ định lượng the cart, tuy nhiên do không có vai nghĩa Đích xác định kết

điểm cho sự tình và có trạng ngữ chỉ thời gian không giới hạn for three hours nên

sự tình mang thuộc tính vô đích- không giới hạn. Vì thế, Verkuyl cho rằng vai nghĩa Đích cũng góp phần quan trọng vào vấn đề xác định giá trị thể của sự tình.

(10) John moved the cart for three hours/?in three hours.

(John di chuyển chiếc xe kéo đó ba tiếng/ mất ba tiếng)

Tóm lại, Verkuyl (1972,1993) đã giải thích mối liên hệ giữa giá trị thể của sự tình và các thuộc tính nhất định của các tham tố cấu trúc. Ông đưa ra mô hình cấu tạo sự tình trong đó các sự tình được tạo nên từ những vị ngữ được giới thiệu bởi vị từ và một số các tham tố danh ngữ. Verkuyl đã định nghĩa hai thuộc tính: thuộc tính tăng tiến/không tăng tiến ([+/-ADD TO]) được giới thiệu bởi vị từ và thuộc tính định lượng ([+/- SQA]) được giới thiệu bởi mỗi một cụm từ danh lượng có vai trò như tham tố cấu trúc. Để sự tình hữu đích (terminative) phải có một vị từ tăng tiến ([+ADD TO]) và tất cả các tham tố cấu trúc của nó phải định lượng ([+ SQA]) và ngược lại thì sự tình đó mang ý nghĩa vô đích như được minh họa trong ví dụ (9a).

Verkuyl quan sát thấy có một lớp các loại sự tình được cấu tạo từ các vị từ

động như move hay push có ý nghĩa không giới hạn dù tất cả các tham tố cấu trúc

của chúng là định lượng [+ SQA]. Verkuyl đã giải thích rằng nếu xuất hiện tham tố Đích hay một tiểu từ thì sự tình sẽ mang ý nghĩa hữu đích và Verkuyl đã chứng minh điều này khi thêm tham tố cấu trúc là tiểu từ hay giới ngữ chỉ hướng bắt đầu với to. Mặc dù lý thuyết của Verkuyl chỉ dừng lại ở việc xác định giá trị thể ở cấp độ vị từ nhưng cách phân tích của ông cho thấy giá trị thể có thể được xét ở cấp độ cao hơn đó là ngữ đoạn hoặc câu.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ ngôn ngữ học CẤU TRÚC NGỮ NGHĨA của NGỮ ĐOẠN THAM số xác ĐỊNH GIÁ TRỊ THỂ TIẾNG ANH (Trang 26)