Trên thế giới

Một phần của tài liệu Thực trạng và hiệu quả giải pháp can thiệp thực thi pháp luật an toàn thực phẩm của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Trang 34)

Thành công của các chương trình an toàn thực phẩm phụ thuộc nhiều vào việc sử dụng các biện pháp và công cụ hợp lý. Các biện pháp và công cụ chính đang được sử dụng tại các quốc gia phát triển là thực hành vệ sinh tốt (GHP), thực hành sản xuất tốt (GMP), phân tích mối nguy hiểm và kiểm soát tới hạn (HACCP) [35]. Các tiêu chuẩn được áp dụng trong bảo đảm an toàn thực phẩm đã được sử dụng như ISO 9000, ISO 1998, ISO 22000. Mặc dù vậy, các vụ ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra thường xuyên. Năm 2011, cứ 6 người dân Mỹ, có một người bị ngộ độc thực phẩm; ảnh hưởng tới 48 triệu người, với 128.000 người nhập viện và 3000 người tử vong, chi phí điều trị lên tới 5-6 tỉ đô la [139] [151]. Việc giám sát và bảo đảm ATTP được giao cho hai Bộ là Bộ Nông nghiệp (cơ quan phụ trách là CDC) và Bộ Y tế (cơ quan phụ trách là FDA) [125]. Hiện tại, Cục quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đang tiến hành xây dựng hệ thống kiểm soát thực phẩm tới tận cơ sở sản xuất ở nước ngoài như Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Âu. Tại Australia, mặc dù chính phủ nước này đã xây dựng Luật thực phẩm từ năm 1908, tuy nhiên đến nay, mỗi năm vẫn có trên 4 triệu ca nhiễm độc thực phẩm với số lượng bệnh nhân lên tới 11.500 ca mỗi ngày [123].

Châu Âu có chiến lược an toàn thực phẩm khác nhau tại các quốc gia trong liên minh này do đặc thù chính trị. Tuy nhiên, có các quy định để các quốc gia, các tổ chức độc lập có thể kiểm tra chéo, giám sát lẫn nhau. Năm 2002, Nghị viện Châu Âu ban hành luật về thực phẩm quy định thống nhất về cơ sở pháp lý, định nghĩa, quy tắc, trách nhiệm của tất cả các bước trong quy trình sản suất thực phẩm mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ. Để bảo đảm ATTP, liên minh Châu Âu thực hiện chiến lược từ trang trại tới bàn ăn, trong đó đặt trọng tâm vào: 1. Nguyên tắc về chuỗi thức ăn; 2. Trách nhiệm của nhà sản xuất; 3. Nguyên tắc về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; 4. Độc lập trong đánh giá rủi ro; 5. Tách biệt đánh giá rủi ro và quản lý rủi ro; 6. Các nguyên tắc phòng hộ; 7. Minh bạch thông tin [132].

Nhật Bản đã xây dựng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm phong phú. Các văn bản pháp luật quy định rất chặt chẽ về tất cả các công đoạn của sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu thực phẩm. Chính phủ Nhật xây dựng các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp bảo đảm an toàn thực phẩm thông qua cơ chế thuế, giá cả… [131].

Malaysia đã xây dựng chương trình kiểm soát chất lượng thực phẩm từ những năm 50 của thế kỷ 20. Thực hiện chương trình này là Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Năm 1983, Pháp lệnh thực phẩm được ban hành, là cơ sở pháp lý để thực hiện chiến lược ATTP trên phạm vi toàn quốc. Chiến lược này tập trung vào năng lực của hệ thống thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm. Chính sách bảo đảm sản xuất, chế biến, lưu thông an toàn được đưa vào nội dung hoạt động của các bộ ngành liên quan [148].

Tại Thái Lan, chính sách ATTP tập trung vào nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra và việc quản lý thực phẩm dựa trên sự phân tích nguy cơ. Thái Lan chú trọng cải cách, hoàn thiện pháp luật theo hướng quy định rõ các biện pháp giám sát dựa trên phân tích nguy cơ để cập nhật các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến, nhập khẩu và phân phối hợp lý. Áp dụng các biện pháp giáo dục người tiêu dùng, kỹ thuật, giám sát, hợp tác nhằm kiểm soát chất lượng của thực phẩm trước khi đưa ra thị trường [133].

Một phần của tài liệu Thực trạng và hiệu quả giải pháp can thiệp thực thi pháp luật an toàn thực phẩm của một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (Trang 34)