Trong số bệnh nhân chúng tôi nghiên cứu số được điều trị bảo tồn chiếm tỷ lệ 85,5%, và 100% bệnh nhân chấn thương gan độ I được điều trị bảo tồn. so sánh với tác giả Bond, S.J (1996) tỷ lệ điều trị bảo tồn là 87,2%
(156/179) [44], Brasel, K.J (1997) là 86% [47], Miller P.R (2002) là 89% với nhóm chấn thương gan đơn thuần [109]. Có 38 bệnh nhân chấn thương gan độ IV và 7 bệnh nhân chấn thương gan độ V được điều trị bảo tồn thành công. Theo một số tác giả [144], [164], chấn thương gan nặng độ IV, V, dịch ổ bụng nhiều vẫn có thể xem xét điều trị bảo tồn nếu đáp ứng được điều kiện về huyết động. Đa số các tác giả đều thống nhất rằng huyết động là yếu tố quyết định thái độ xử trí hơn là mức độ chấn thương gan [4], [10], [47]. Hiện nay, ngoài đa số các chấn thương gan độ I đến độ III còn có 30 - 60% chấn thương gan độ IV, V được điều trị bảo tồn không mổ với tỷ lệ thành công khá cao [31]. Tuy nhiên, trong chấn thương gan độ V, tỷ lệ bệnh nhân sốc và huyết động không ổn định phải mổ cấp cứu rất cao, tới 95% theo Boone [45] và 82% theo nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Hùng [10], trong nghiên cứu này tỷ lệ chấn thương gan độ V phải mổ chiếm tỷ lệ 50,0%.
Điều quan trọng được nhấn mạnh để bảo tồn không mổ chấn thương gan, đặc biệt là chấn thương gan nặng là phải được thực hiện ở cơ sở y tế có đủ năng lực về con người và phương tiện, sẵn sàng mổ cấp cứu bất kỳ lúc nào; phẫu thuật viên đưa ra quyết định bảo tồn không mổ và theo dõi bệnh nhân phải là người có kinh nghiệm [39] [73], [85], [93], [117].