b. Các phương pháp xử lý tổn thương gan
* Đốt cầm máu, dùng các keo dán sinh học:
Chúng tôi sử dụng chủ yếu dao đốt điện đơn cực cho những trường hợp vỡ gan độ III, IV để đốt chỗ vỡ. Trong nghiên cứu của chúng tôi, kỹ thuật này áp dụng trên 3 trường hợp bệnh nhân (8,8%) trong đó 1 trường hợp vỡ gan độ III và 2 trường hợp vỡ gan độ IV. Đốt điện rất có tác dụng với những trường hợp rách bao gan và tổn thương nhỏ ở nhu mô [1].
So sánh kết quả với Trịnh Hồng Sơn [20] có 5% bệnh nhân được đốt cầm máu và Nguyễn Tiến Quyết [17] tỷ lệ bệnh nhân đốt điện cầm máu là 9%.
Chỉ dùng các keo dán sinh học cho những trường hợp rách bao gan nhỏ và đường vỡ nhỏ, không có thương tổn ở những động mạch hay tĩnh mạch lớn. Hiện nay, các chế phầm thường dùng là Cellulose Oxydes (Surgicel), các Collagene nguồn gốc động vật hay huyết tương người (Avitene, Pangen, Tissucol) [71]. Tuy nhiên keo dán có chỉ định rất hạn chế và có nguy cơ chảy máu lại. Thêm vào đó cũng phải tính tới một số hạn chế của các chế phẩm keo dán sinh học như do bị bọc kín, máu không chảy ra ngoài được nên tụ lại nhu mô gan có thể gây hoại tử nhu mô gan, Tôn Thất Bách (2008) đã khuyến cáo không nên dùng keo sinh học trong chấn thương gan [1]. Nghiên cứu của chúng tôi không có trường hợp nào sử dụng keo dán sinh học để xử lý tổn thương gan cho bệnh nhân.
* Khâu gan:
Khâu chỗ vỡ gan được thực hiện ở 32,4% trường hợp bệnh nhân của chúng tôi (Bảng.3.31). Vùng ngoại vi của gan không có các mạch lớn, chỉ có các mạch nhỏ và vừa khá dễ tổn thương [52] vì vậy, khi khâu không nên thắt chỉ chặt quá, vài trường hợp cần phải khâu dựa trên những tấm đệm bằng chất
tự tiêu (spongel) hoặc bằng các vật liệu có thể cầm máu, một số tác giả sử dụng tấm mạc nối [154]. Có thể dùng nhiều loại chỉ khác nhau để khâu, có thể dùng chỉ tiêu chậm với kim tròn có vòng cong lớn, chỉ Vicryl 1/0 hay Catgut 1/0 [1],[43]. Khi khâu chú ý lựa đường khâu theo chiều cong của kim, tránh giật thô bạo làm xé rách bao gan. Sử dụng mũi khâu rời cách mép đường vỡ gan vài cm, đi xuyên sát nhu mô gan, chú ý không đi quá độ sâu của đáy vết thương để tránh khâu buộc vào các cấu trúc mạch máu và đường mật trung tâm. Khi khâu gan chấn thương, chúng tôi thấy tổ chức gan khá chắc, vỏ bao gan dai, đủ độ bền để có thể khâu cầm máu. Chỉ có 1 trường hợp chúng tôi dùng đệm mạc nối để khâu, những trường hợp còn lại đều khâu trực tiếp trên gan, cho kết quả cầm máu tốt.