Nguồn: BN. Đặng quang Nh, 37T 15664/S34
Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng tổn thương gan phải gặp nhiều hơn gan trái (336/57 lần) ở tất cả các độ tổn thương, trong đó gặp nhiều hơn là tổn
thương nằm ở phân thùy sau (chiếm 52,1% tổn thương gan phải), nơi gan được cố định với thành bụng bởi dây chắng vành và dây chằng tam giác; tổn thương thùy gan trái chỉ gặp 3,0% trường hợp; tổn thương hạ phân thùy I gặp 17 lần chiếm tỷ lệ 4,1% nhưng những tổn thương ở hạ phân thùy I thường không đơn độc mà phần lớn do tổn thương của phân thùy trước, phân thùy giữa sâu và rộng lan tới, với những tổn thương vỡ gan trung tâm theo nhận xét của Boone và Pietzman [45] có khả năng gây tổn thương ngã ba đường mật hoặc các ống gan, nhóm nghiên cứu có 1 trường hợp biến chứng đường mật thì tổn thương gan đều ở vị trí trên. Theo Becker [36] chấn thương gan phải gặp 75%, gan trái 25%. Trịnh Hồng Sơn [20], Trần Công Hoan [6], Boone [45] cũng thấy rằng gan phải hay bị tổn thương hơn gan trái, và trong gan phải thì phân thùy sau thường bị tổn thương nhiều hơn, điều này hoàn toàn phù hợp với đặc điểm vị trí giải phẫu và cấu trúc của gan đã được giải thích trong cơ chế chấn thương gan. Tổn thương gan trái ít gặp nhưng thường sâu và phức tạp, theo Boone [45], trong các trường hợp chấn thương gan độ V phải mổ cấp cứu thì 50% tổn thương gan trái, 33% ở gan phải và 17% vỡ giữa 2 gan.
* Đối chiếu mức độ tổn thương gan
Tổn thương gan hay gặp nhất trên phim chụp cắt lớp vi tính là đụng giập, tụ máu nhu mô gan với 161/166 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 97,0% trong nhóm nghiên cứu của chúng tôi. Theo Trần Công Hoan [6], dấu hiệu này có độ nhạy cao 100%, độ đặc hiệu 88,6%. Đụng dập nhu mô là dấu hiệu hay gặp nhất trên phim chụp cắt lớp vi tính, tới gần 80% các trường hợp. Đụng dập nhu mô có thể đơn độc hoặc phối hợp với tụ máu hay đường vỡ nhu mô, vì đụng dập và tụ máu nhu mô thường kết hợp với nhau nên nhiều tác giả [103] coi tổn thương đụng dập và tụ máu là một dấu hiệu trên phim chụp cắt lớp vi tính.
Tổn thương tụ máu dưới bao gan xuất hiện ít hơn với 31/166 bệnh nhân chiếm tỷ lệ 18,7% bệnh nhân. Theo Trần Công Hoan [6], dấu hiệu này có giá trị chẩn đoán cao: độ nhạy 100%, độ đặc hiệu 97%, giá trị chẩn đoán âm tính 100%.