Đây có thể coi là một trong hai giọng thể hiện cảm hứng chính trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường và dù có thể hiện trực tiếp hay gián tiếp thì chắc
hẳn, người đọc thỉnh thoảng cũng phải bật cười với những tình huống trong tác phẩm. Tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc phản ánh thời kỳ quá độ của đất nước với những giáo điều mà gần như cả xã hội đều thuộc lòng nhưng chẳng mấy ai hiểu. Vì thế cảm hứng của ông khi viết về vấn đề này chính là cảm hứng giễu nhại.
Hoàng Minh Tường xây dựng cảm hứng giễu nhại với hầu hết các nhân vật, từ người nông dân cho tới trí thức, từ đời sống hôn nhân cho tới tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên có hai vấn đề cần phân biệt ở đây là giễu nhại phê phán và giễu nhại hài hước. Không phải tất cả những giễu nhại đều mang tính chỉ trích mà đơn thuần nó như một phương pháp điều hòa, giảm tông các sự kiện vốn căng thẳng. Và thêm điều nữa là tùy vào sự nhận thức tầm quan trọng của các sự kiện mà tính giễu nhại trở nên đậm đặc hay mờ nhạt.
Một vấn đề bị giễu nhại theo xu hướng phê phán nhiều nhất chính là đường lối lãnh đạo nông nghiệp trong tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc. Sự khô cứng, giáo điều, không chịu thay đổi theo thực tế đã trở thành đề tài bị Hoàng Minh Tường “nhại” nhiều nhất. Nhại từ chính sách cho tới cách thể hiện bằng văn phong. Hãy xem Cơ thuyết phục ông Trạc đừng ra xin hợp tác xã sẽ thấy: “Cơ đã dùng gần nửa tiếng đồng hồ để ôn lại với ông suốt quá trình từ ngày xây dựng hợp tác xã đến nay, về tính ưu việt và những đóng góp lớn lao của hợp tác xã trong kháng chiến chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội ... Từ ngày có Hợp tác xã có ai bị đói rách, bị hắt hủi? Đã có ai xin ra khỏi hợp tác xã” [40. tr.137]. Trong khi người ta đang đứng trước nguy cơ bị đói, bị đối xử bất công trong việc phân chia thành quả lao động, bị thất vọng bởi lối làm ăn trì trệ mà người lãnh đạo lại dùng một bài diễn văn sáo rỗng chẳng có nội dung thì thử hỏi thuyết phục được ai? Cái thời con người ta tin rằng ý chí có thể thay đổi tất cả đã qua lâu rồi. Bây giờ muốn thay đổi người nông dân thì phải dựa vào thực tế, phải thay đổi cung cách làm ăn để người nông dân gắn bó với đồng ruộng hơn . Vậy mà người lãnh đạo vẫn sống với những ảo tưởng đó và dùng nó để thuyết phục người nông dân. Thái độ dửng dưng của lão Trạc trước bài diễn văn và thái độ
ngạc nhiên đến thảm hại của Cơ chính là hai hình ảnh đối lập mà nhà văn cố gắng tái hiện. Tiếng cười chua chát, mỉa mai cũng xuát phát từ nghịch lý này.
Có thể thấy nguyên tắc giễu nhại của Hoàng Minh Tường được xây dựng dựa trên những mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn, giữa người lãnh đạo và nông dân. Ngôn ngữ một bên là nghiêm túc, toàn đường lối, chính sách và một bên là suồng sã, thô tục đã tạo thành hai bức tranh trái ngược. Mỗi bên càng làm tốt nhiệm vụ của mình thì tính giễu nhại ngày càng được đẩy lên cao trào. Trần Sinh, Cơ cứ việc say sưa với mớ lý thuyết của mình, lão Trạc và những người nông dân khác cứ say sưa với khát vọng thay đổi thực tiễn của mình. Vậy là chẳng cần một lời bình phẩm, chỉ cần đặt hai bức tranh đó gần nhau là tiếng cười phát ra, cái nào đúng cái nào sai đã hiện ra rõ nét. Lý luận bao giờ cũng được tổng kết từ thực tiễn và phục vụ thực tiễn. Trong khi chúng ta lại làm ngược quy trình đó. Cảm hứng giễu nhại tính bất hợp lý trong đường lối lãnh đạo này đã trở thành cảm hứng lớn nhất trong tiểu thuyết Thủy hỏa đạo tặc. Dù có lúc giọng giễu nhại bị chìm đi, có lúc lại trội lên nhưng người đọc vẫn nhận ra những âm hưởng nhất định từ giọng văn này trong toàn bộ tác phẩm.
Bên cạnh xu hướng giễu nhại châm biếm thì giọng điệu giễu nhại hài hước cũng rất đáng chú ý. Xu hướng này trở nên phổ biến hơn khi nhà văn mở rộng phạm vi không chỉ liên quan tới người nông dân mà còn là cuộc sống vợ chồng, tình yêu... giọng giễu nhại ở đây có một chút mỉa mai nhưng cảm hứng chính vẫn là tạo tiếng cười cho người đọc.
Việc sử dụng các từ nói ngọng như kiểu “yêu tiên, yêu đãi” những câu nói tục, chửi thề phù hợp với hoàn cảnh đã tạo cho người đọc tiếng cười vừa thâm thúy vừa sâu sắc. Qua đó người đọc nhận ra nhà văn không chỉ tạo tiếng cười mà qua đó để nhân vật tự hiện lên với bản sắc giai cấp, vùng miền. Những câu chửi tục, những câu ca dao, hò vè của lão Trạc, của Thắm, Vy... cho thấy đời sống tinh thần phong phú của người nông dân. Nó vừa mộc mạc, giản dị, vừa mang nét truyền thống không thể trộn lẫn. Không những vậy, lối ứng đáp kiểu khẩu
ngữ cũng tạo ra những đặc sắc riêng cho tiểu thuyết Hoàng Minh Tường. Những đoạn đối thoại kiểu thế này bao giờ cũng tạo được thú vị cho độc giả. “Chi đoàn con hôm nay bắt đầu chiến dịch nghiêng đồng đổ nước, con phải đi – Thắm nói phụng phịu ... Nhảy đại ba bước từ trong nhà, ông Trạc vươn tay giật lấy chiếc gầu ném vào thành bể: Nghiêng nghiêng cái ...” [40. tr79] hoặc như “ bà Trạc chép miệng thở dài - mà cũng còn cái trò vè gì cho chúng nó giải trí? Chả lẽ chưa tối đã tắt đèn đi ngủ. - cứ tắt đèn đi ngủ cho đỡ tốn dầu” [40. tr124]
Một vấn đề nữa cũng được Hoàng Minh Tường tập trung giễu nhại chính là vấn đề hôn nhân mà tiêu biểu nhất là đời sống tình dục của nhân vật Nga – Cơ. Trong tiểu thuyết Đồng sau bão Cơ gần như bị vợ xỏ mũi dắt dây, thành một người thụ động và nhu nhược từ cuộc sống hàng ngày cho tới đời sống tình dục. Việc Nga hoàn toàn làm chủ trong mọi tình huống đã dần đẩy Cơ vào cuộc sống của kẻ thờ chữ Nhẫn, “nhẫn nhịn mãi thành quen” (Lời nhân vật Cơ). Trong tiểu thuyết này tác giả mô tả Cơ là một người sinh lý yếu. “Đáng lẽ ra Cơ phải thể hiện sức mạnh bất khả chiến bại của một thằng đàn ông, phải đè bẹp cơn khát tình bệnh hoạn của Nga, thì tuổi tác và sự xuống sức đã buộc anh hoàn toàn chiến bại” [40. tr.367]. Và điều này đã dẫn tới một bi kịch khác “người đàn bà như con thú bị xổng con mồi, liền đẩy phắt Cơ xuống co bộ giò nùng nục trắng muốt, đạp vào gã đàn ông bất lực” [40. tr378]. Miêu tả sự bất lực của người đàn ông trong đời sống vợ chồng như tô điểm thêm sự bất lực toàn diện của Cơ trong vai trò mới ở tiểu thuyết Đồng sau bão.
Như vậy có thể coi giọng điệu nghệ thuật là cách thể hiện thái độ, tình cảm, thị hiếu thẩm mỹ, sở trường ngôn ngữ của tác giả đối với những vấn đề hiện thực. Người viết cho rằng tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường tuy chưa có giọng điệu thật sắc nét nhưng nó vẫn định hình được một giọng điệu riêng, vừa chân chất mộc mạc, vừa dí dỏm hài hước.