Thông thường những tiểu thuyết viết về người nông dân thì ngôn ngữ nội tâm gần như là một thủ pháp không gây được sự chú ý. Bởi lẽ ngôn ngữ nội tâm là tiếng nói của tâm hồn nhân vật, là lời nhân vật tự nói với mình, tự bộc lộ những suy nghĩ thầm kín nhằm: “thể hiện trực tiếp quá trình tâm lý, nội tâm, mô phỏng hoạt động cảm xúc, suy nghĩ của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [16. Tr112]. Thế nhưng tiểu thuyết Hoàng Minh Tường không đơn thuần chỉ đề cập tới người nông dân truyền thống mà còn đề cập tới những người nông dân mới, được học hành như Thắm, Thanh, Loan, Lập ... và cả những người lãnh đạo có tri thức khác như Toại, Cơ ...
Vì thế ngôn ngữ nội tâm trở thành ngôn ngữ phổ biến trong tác phẩm. Như đã phân tích khá kỹ ở trên, nhà văn chú trọng sử dụng những độc thoại và đối thoại để khai phá nội tâm nhân vật. Vì thế có thể coi độc thoại, đối thoại chính là ngôn ngữ nội tâm của nhân vật. Những cụm từ rất quen thuộc trong ngôn ngữ nội tâm như “Cơ nhớ lại ...” hoặc “Càng nghĩ, ông Điền càng thấy ...” hoặc “Lập thầm nghĩ ...” hoặc “Toại thầm nghĩ ....” hoặc “Loan cố nhớ lại ...”. Nếu coi ngôn ngữ nội tâm là ngôn ngữ bên trong nhân vật, mô tả những cảm xúc, trạng thái của nhân vật về một vấn đề nào đó thì sự xuất hiện khá nhiều loại ngôn ngữ này trong tiểu thuyết của Hoàng Minh Tường cũng có thể coi là một sự lạ. Rõ ràng thông qua ngôn ngữ nội tâm, người đọc thấy được những suy tư, trăn
trở của người lãnh đạo có tâm như Toại, Thanh, Lập ... trong quá trình cải cách nông nghiệp. Khi mà những người có tư tưởng cải cách, tiến bộ lại là những người không có quyền quyết định, bị rơi vào thế không thể nổi loạn để ủng hộ cái mới nhưng cũng không thể thỏa hiệp với thứ mình cho là chưa phù hợp, chưa đúng thì ngôn ngữ nội tâm đã phát huy hiệu quả.
Chẳng hạn sau cuộc đối thoại với cấp trên của mình – nhân vật Trần Sinh và không thuyết phục được nhân vật này ủng hộ phương án làm ăn khác, Toại liền quay sang tự độc thoại. Trường đoạn này kéo dài hơn 1 trang sách và gần như phản biện lại tất cả những quan điểm mà Trần Sinh nêu ra trước đó. “Tôi thì lại suy nghĩ của điểm khác anh - Toại thầm nghĩ – cái lối tạo điển hình của anh không ổn đâu. Tập trung tất cả máy móc, vật tư cho một hợp tác xã để làm gì? Cố tình tạo ra một hình mẫu mà thực tế là không thể để làm gì” [40.Tr134]. Một thực tế là sẽ chẳng bao giờ có một cuộc tranh luận ngang bằng giữa cấp trên và cấp dưới nên độc thoại trở thành một phương tiện duy nhất. Ngôn ngữ nội tâm do đó rất sắc sảo và logic. Cũng vì những tranh luận tư tưởng liên quan tới chuyện đổi mới cơ chế mới - cũ nên ngôn ngữ nội tâm cũng có những điểm khác so với quan niệm thông thường. Ngôn ngữ nội tâm trong tiểu thuyết Hoàng Minh Tường diễn tiến rất mạch lạc, khoa học và gần như một bài phản biện sắc sảo. Nó gần như có sự chuẩn bị từ trước và làm mất đi tính đứt quãng vốn có của dòng ý thức. Bởi thế sự can thiệp quá mức của nhà văn vào ngôn ngữ nội tâm, thiết nghĩ đã làm bớt tình hấp dẫn của bản thân nhân vật.
Ấy thế nhưng khi sang tới tiểu thuyết Đồng sau bão thì ngôn ngữ nội tâm đã có những thay đổi khác hẳn. Đáng chú ý nhất là ngôn ngữ nội tâm của nhân vật Trần Danh và nhân vật Loan. Nếu như tác giả tạo ra nhiều trường đoạn cho Trần Danh suy tư, dằn vặt, đấu tranh với chính mình trước thần tượng Trần Sinh sụp đổ thì nhân vật Loan lại xuất hiện rải rác trong tác phẩm. Nhân vật không còn là con người tư tưởng nữa mà là con người theo đúng nghĩa của nó. Thông qua ngôn ngữ của Trần Danh người đọc biết được rất nhiều thứ không chỉ riêng
về tư tưởng mà còn là quan niệm về đạo đức, nhân cách, lối sống, lối suy nghĩ của nhân vật này. Chiều sâu nhân bản của nhân vật được hiện lên rõ nét chứ không thuần túy là nhân vật tư tưởng như ở tiểu thuyết trước đó. Từ những phân tích trên có thể thấy ngôn ngữ nội tâm nhân vật đã trở thành một phương diện khá quan trọng trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của nhà văn.